Các căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

05/03/2023
Về lí thuyết, quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hệ quả của việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quan hệ pháp luật này được hình thành giữa hai chủ thể pháp luật là Nhà nước - người thu thuế với tổ chức, cá nhân - người nộp thuế, dựa trên hai căn cứ là các quy phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các sự kiện pháp lí về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

 

1- Các quy phạm pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hệ quả tất yếu của việc Nhà nước dùng pháp luật để điều chỉnh đối với hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Do hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có liên quan đến yếu tố nước ngoài và thường gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đối với quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia nên hoạt động này phải được điều chỉnh bằng cả hệ thống pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế. Trong thực tiễn pháp lí, quan hệ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể được điều chỉnh bằng cả hai loại quy phạm pháp luật, bao gồm các quy phạm pháp luật quốc gia và quy phạm pháp luật quốc tế.

(i) Các quy phạm pháp luật quốc gia về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Pháp luật quốc gia về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thường chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở một nước. Thực tiễn cho thấy hầu như các quy phạm pháp luật quốc gia về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thường được quy định tập trung trong một đạo luật riêng, gọi là Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc được quy định thành một chương riêng trong đạo luật về hải quan.

Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thể hiện tập trung trong một văn bản thống nhất là Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ban hành ngày 06/4/2016. Ngoài ra, một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn được quy định trong Luật hải quan số 54/2014/QH13 ban hành ngày 23/6/2014.

Nhìn chung, tuy có sự khác biệt nhất định giữa pháp luật các nước trong cách thức thiết kế các quy phạm pháp luật quốc gia về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng thực chất, các quy phạm pháp luật này đều thể hiện những vấn đề cơ bản như:

- Xác định chủ thể nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu là ai;

- Xác định đối tượng chịu thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu là những loại hàng hoá nào;

- Xác định các mức thuế suất của thuế nhập khẩu (hoặc thuế xuất khẩu) và giá tính thuế hay trị giá hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu (hoặc xuất khẩu);

- Xác định trình tự thủ tục hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (từ khi lập tờ khai hải quan cho tới khi quyết toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu);

- Xác định các trường hợp được miễn, giảm và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Xác định các loại hành vi vi phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm đó.

Những vấn đề cơ bản nêu trên tuy được trình bày và diễn giải tương đối khác nhau trong pháp luật các nước song việc thể hiện chúng đều nhằm mục đích hướng tới nguyên tắc chung là thoả mãn các yêu cầu cơ bản của lộ trình hội nhập quốc tế mà nước đó đã cam kết, trên cơ sở đảm bảo chủ quyền quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế.

(ii) Các quy phạm pháp luật quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Cùng với các quy phạm pháp luật quốc gia, những quy phạm pháp luật quốc tế cũng được xem là bộ phận cấu thành cơ sở pháp lí cho hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Sở dĩ hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu diễn ra trên lãnh thổ của một quốc gia thường phải tuân thủ các quy phạm pháp luật quốc tế có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là bởi để xúc tiến và thực hiện các hoạt động thương mại với bên ngoài thì quốc gia đó phải chấp nhận ràng buộc với “luật chơi” chung trong thương mại quốc tế, trong đó có vấn đề cắt giảm thuế quan và giảm thiểu các rào cản phi thuế quan đối với hoạt động thương mại quốc tế. Việc cam kết cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu được xem là một trong những nội dung cơ bản của các cam kết quốc tế về tự do hoá thương mại, vấn đề mà hiện nay hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều thừa nhận và tìm cách gia nhập để không bị cô lập và tụt hậu so với các nước khác trong bối cảnh toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới đương đại.

Khác với các quy phạm pháp luật quốc gia (vốn chỉ điều chỉnh quan hệ thuế giữa Chính phủ với người nộp thuế), các quy phạm pháp luật quốc tế lại có nhiệm vụ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong việc phân định quyền đánh thuế hoặc quan hệ giữa quốc gia này với các tổ chức, cá nhân mang quốc tịch nước khác trong việc thực hiện quyền đánh thuế và nghĩa vụ nộp thuế. Các quy phạm pháp luật quốc tế có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thường quy định những vấn đề cơ bản sau đây:

- Xác định những nguyên tắc điều chỉnh việc áp dụng thuế quan và thuế nội địa đối với hàng hoá nhập khẩu như: nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN); nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT); nguyên tắc chống bán phá giá; nguyên tắc tính thuế theo trị giá hải quan...;

- Xác định danh mục các loại hàng hoá chịu thuế (dòng thuế) thuộc diện cắt giảm thuế nhanh, cắt giảm bình thường, loại trừ tạm thòi và loại trừ hoàn toàn;

- Xác định những nguyên tắc chọn luật áp dụng cho các quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn như nguyên tắc luật nơi xảy ra sự kiện pháp lí; luật nơi đương sự mang quốc tịch...

Thực tế cho thấy rằng các quy phạm pháp luật quốc tế có liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thường được thể hiện trong các điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định GATT; Hiệp định CEPT hay Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và các Hiệp định thương mại khác đã được kí kết giữa Việt Nam với các nước.

2- Các sự kiện pháp lí

Ngoài quy phạm pháp luật, các sự kiện pháp lí cũng được xem là một trong những căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng chính các hành vi pháp lí do tổ chức, cá nhân là người nộp thuế và cơ quan thu thuế thực hiện trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới là loại sự kiện pháp lí phổ biến làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Những hành vi pháp lí này là khá đa dạng nhưng hoàn toàn có thể nhận diện được chúng dựa vào các tiêu chí (dấu hiệu) cơ bản sau đây:

Một là chủ thể thực hiện hành vi chính là người nộp thuế hoặc cơ quan thu thuế. Ví dụ: hành vi nhập khẩu các hàng hoá thuộc diện chịu thuế nhập khẩu của tổ chức, cá nhân sẽ làm phát sinh quan hệ kê khai, tính thuế giữa người nộp thuế với cơ quan thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hành vi ra thông báo thuế của cơ quan thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (cơ quan hải quan) đối với người nộp thuế sẽ làm phát sinh quan hệ nộp thuế giữa người nộp thuế với Nhà nước; hành vi thụ lí hồ sơ xin hoàn thuế hoặc hồ sơ miễn, giảm thuế làm phát sinh quan hệ hoàn thuế hoặc xét miễn, giảm thuế...

Hai là hành vi pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đều được dự liệu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và phải được chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể. Ví dụ: theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xuất, nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc đưa hàng từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan ra thị trường trong nước được xem là hành vi pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; còn theo Luật hải quan Indonesia thì việc đưa hàng hoá vào lãnh thổ hải quan được coi như hàng hoá nhập khẩu và phải chịu thuế nhập khẩu.

Trong thực tiễn hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, việc chứng minh một hành vi nào đó có phải là căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hay không, cần phải được thực hiện thông qua các bằng chứng cụ thể do cả hai bên (người xuất khẩu, nhập khẩu và cơ quan hải quan) xuất trình.

Thông thường, để có cơ sở và căn cứ cho việc thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với tổ chức hoặc cá nhân, cơ quan thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (cơ quan hải quan) phải chứng minh tổ chức, cá nhân đó đã có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua lãnh thổ hải quan và hàng hoá đó thuộc diện phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, về phía tổ chức, cá nhân là đương sự, nếu muốn từ chối thực hiện nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì họ phải chứng minh rằng họ không có hành vi xuất khẩu hay nhập khẩu hàng hoá qua lãnh thổ hải quan hoặc tuy có hành vi đó nhưng hàng hoá này không thuộc diện phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, việc xác định rõ những hành vi nào là sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

0 bình luận, đánh giá về Các căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17525 sec| 967.648 kb