Các căn cứ xác định nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

05/03/2023
Về bản chất, nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là một nghĩa vụ tài sản của người nộp thuế đối với Nhà nước. Do vậy, nghĩa vụ tài sản này cần được xác định dựa vào những căn cứ cụ thể do pháp luật quy định, trên cơ sở đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người nộp thuế cũng như bảo đảm lợi ích chung của Nhà nước và xã hội.

 

1- Trị giá hải quan (trị giá tính thuế)

Trị giá hải quan là thuật ngữ được sử dụng chính thức trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement On Tariffs And Trade - GATT) và sau đó được tiếp tục sử dụng như một thuật ngữ chính thức trong Hiệp định của WTO về việc thi hành Điều VII của GATT 1994 liên quan đến nguyên tắc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu.

Theo nghĩa chung nhất, trị giá hải quan (hay trị giá tính thuế) là trị giá giao dịch của hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Còn theo quy định của Luật hải quan Việt Nam năm 2014, “trị giá hải quan là trị giá của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho mục đích tính thuế, thống kê hải quan”.

Nguyên tắc cơ bản nhất cần tuân thủ khi xác định trị giá hải quan để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là phải tôn trọng giá trị thực tế của hàng hoá - vốn dĩ được xác định theo giá cả thị trường tại thời điểm phát sinh giao dịch, theo các điều kiện bình thường trong giao dịch thương mại quốc tế.

Nguyên tắc này không cho phép người thu thuế được tuỳ tiện ấn định trị giá hàng hoá chịu thuế theo ý mình một cách chủ quan, duy ý chí mà nhất thiết phải xuất phát từ giá trị thực tế của hàng hoá xuất nhập khẩu để xác định trị giá hải quan khi tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thông thường, trị giá hải quan (hay trị giá tính thuế) được xác định bằng cách lấy giá tính thuế đối với đơn vị hàng hoá xuất nhập khẩu nhân (x) với số lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu được ghi trong tờ khai hải quan.

Theo thông lệ quốc tế, trị giá hải quan được xác định theo các nguyên tắc cụ thể sau đây:

- Trị giá hải quan là trị giá giao dịch thực tế của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, theo điều kiện giao dịch bình thường của hàng hoá trong thương mại quốc tế;

- Nếu không thể xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc trên thì trị giá hải quan sẽ là trị giá giao dịch thực tế của hàng hoá cùng loại hay giống hệt, được bán hay chào bán vào cùng thời điểm và cùng địa điểm, theo tiến trình giao dịch bình thường của hàng hoá trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ;

Nếu trị giá hải quan của hàng hoá không thể xác định được theo các nguyên tắc trên thì trị giá hải quan dùng để tính thuế sẽ là trị giá giao dịch thực tế của hàng hoá tương tự.

Để thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đặc thù của một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định mới tương đối phù họp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là về cách xác định trị giá hải quan và về giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cụ thể là:

- Đối với trường hợp hàng hoá xuất khẩu thì giá tính thuế xuất khẩu là giá bán tại cửa khẩu xuất theo hợp đồng (giá FOB). Giá này không bao gồm cước phí vận chuyển (F) và phí bảo hiểm (I), được xác định theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng xuất khẩu;

- Đối với hàng hoá nhập khẩu thì giá tính thuế nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng, được xác định theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng nhập khẩu.

Có thể nói, việc quy định giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu như trên đây là phù họp với nguyên tắc xác định trị giá tính thuế theo Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), bởi nó đảm bảo tôn trọng trị giá giao dịch thực tế của hàng hoấ xuất khẩu, nhập khẩu giữa các bên trong điều kiện thương mại bình thường. Quy định này đã loại bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng phương pháp áp dụng giá tính thuế tối thiểu như trước đây đã từng áp dụng.

2Thuế suất

Cùng với yếu tố trị giá hải quan, thuế suất cũng là một yếu tố/căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu đối với người nộp thuế. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, biểu thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu do Nhà nước quy định trước trong các văn bản pháp luật và cơ quan thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ cần căn cứ vào biểu thuế suất đó để áp dụng cho loại hàng hoá cụ thể được thực tế xuất khẩu hay nhập khẩu. Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng điều tiết các hoạt động kinh tế trong nước một cách hiệu quả, các mức thuế suất cụ thể trong biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với khung thuế suất do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. Biểu thuế suất này có thể được thay đổi và điều chỉnh theo đề nghị của Bộ tài chính và Bộ công thương cho phù hợp với yêu cầu điều tiết hoạt động kinh tế và yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam trong từng thời kì.

So với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vừa có những điểm tương đồng và cũng có những điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất về vấn đề thuế suất trong pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam so với đại đa số các nước khác chính là ở chỗ, trong khi hầu hết các nước đã xoá bỏ việc thu thuế xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu thì Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục duy trì việc đánh thuế đối với hàng xuất khẩu. Trên thực tế, cho dù phần lớn các mặt hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0% nhưng việc tiếp tục duy trì chế độ thuế xuất khẩu sẽ là rào cản không nhỏ đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, những cải cách căn bản gần đây trong các quy định về thuế suất đối với hàng hoá nhập khẩu đã phần nào đưa chính sách thuế quan của Việt Nam tiến gần hơn với pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế. Thật vậy, theo quy định hiện hành, thuế suất đối với hàng nhập khẩu đã được quy định theo hướng có sự phân biệt giữa thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Ngoài ra, để đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với thông lệ và tập quán quốc tế về thuế quan và thương mại, pháp luật hiện hành của Việt Nam còn quy định việc áp dụng các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hoá. Những biện pháp này bao gồm:

- Tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu quá mức vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam. Biện pháp này thường được gọi là thuế tự vệ, nhằm bảo hộ cho các hàng hoá trong nước do bị cạnh tranh không chính đáng bởi hàng hoá cùng loại của nước ngoài được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam.

- Áp dụng mức thuế chống phá giá đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá thấp so với giá bán thông thường trong giao dịch thương mại (được gọi là hàng bán phá giá) và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hoá tương tự của Việt Nam. Biện pháp này được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.

- Áp dụng mức thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá thấp so với giá bán thông thường của hàng hoá đó trong điều kiện giao dịch bình thường trong thương mại quốc tế, do có sự trợ cấp từ nước xuất khẩu và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hoá tương tự của Việt Nam. Việc áp dụng biện pháp này được thực hiện theo Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.

Về nguyên tắc, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể áp dụng các biện pháp trên đây đối với hàng hoá nhập khẩu bằng công cụ thuế nhập khẩu khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tìm được bằng chứng chứng minh rằng các hàng hoá nhập khẩu từ một nước hay vùng lãnh thổ đã được nhập khẩu quá mức, được bán phá giá, được trợ cấp bởi nước xuất khẩu và đã/có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hàng hoá tương tự của Việt Nam; hoặc bằng chứng về việc Chính phủ nước xuất khẩu đã từng áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử đối với hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam (bằng hàng rào thuế quan hay hàng rào kĩ thuật.

0 bình luận, đánh giá về Các căn cứ xác định nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
4.39578 sec| 958.992 kb