Các kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm hành chính

"Chúng ta bị luật pháp trói buộc, để chúng ta có thể tự do".

Marcus Tullius Cicero, nhà hùng biện vĩ đại La Mã 

Các kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm hành chính

Để có một phiên tòa xét xử hiệu quả, Luật sư cần phải dành thời gian tương xứng cho việc chuẩn bị vụ kiện trước khi phiên tòa diễn ra: chuẩn bị hồ sơ vụ án; lập bản kế hoạch tham gia phiên tòa, trao đổi thông tin với khách hàng trước khi tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm hành chính, luật sư cần lưu ý các kỹ năng: thủ tục bắt đầu phiên tòa; trong phần thủ tục tranh tụng; một số công việc sau khi phiên tòa kết thúc như yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung biên bản phiên tòa; nhận trích lục bản án, bản sao bản án sơ thẩm hành chính; chuẩn bị hồ sơ kháng cáo, chuẩn bị hồ sơ thi hành án.

Liên hệ

I- CHUẨN BỊ CHO VIỆC THAM GIA PHIÊN TÒA

1- Chuẩn bị hồ sơ vụ án

Để có một phiên tòa xét xử hiệu quả, Luật sư cần phải dành thời gian thích đáng cho việc chuẩn bị vụ kiện trước khi phiên tòa diễn ra. Các hoạt động chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm hành chính của Luật sư:

- Luật sư phải kiểm tra, sắp xếp lại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thu thập và nghiên cứu. Trên cơ sở kiểm tra, sắp xếp lại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ sẽ giúp cho Luật sư phát hiện các tài liệu, chứng cứ còn thiếu; xác định những tài liệu chủ chốt, những vấn đề của vụ án được thu thập bằng tài liệu, giấy tờ, những vấn đề được chứng minh thông qua danh sách người làm chứng, hoặc những vấn đề mà mình sẽ dựa vào chứng cứ thu thập được qua kết luận của chuyên gia (Giám định viên); xác định phạm vi tài liệu, giấy tờ mà các bên đương sự của vụ án đã xuất trình cho Tòa án.

- Luật sư phải xác định các nội dung của vụ án còn tranh chấp. Những nội dung tranh chấp nào cần tập trung được trình bày và chứng minh làm rõ tại phiên tòa. Các yêu cầu hoặc các quyết định nào đã được ban hành, các biện pháp tố tụng nào đã được thực hiện để giải quyết tranh chấp, hoặc cần tiếp tục đề nghị thực hiện bổ sung.

- Luật sư cần dự kiến kế hoạch hỏi tại phiên tòa: cần dự kiến các vấn đề cần hỏi, thứ tự các câu hỏi được đặt ra cho khách hàng, cho đương sự đối phương, đặc biệt là người làm chứng của cả hai bên, Giám định viên (nếu có). Có thể thông qua phương pháp đối chất những nội dung cần làm rõ tại phiên tòa và cân nhắc có cần thiết chọn phương pháp đối chất cho vụ án không, xác định những người làm chứng nào cần có mặt tại phiên tòa.

- Chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ bằng văn bản, trong đó xác định những vấn đề hoặc nội dung mà Luật sư cần phải trình bày trong bản luận cứ. Chú ý cân bằng cả luận cứ sự kiện và luận cứ pháp luật. Trong đó luận cứ sự kiện có ý nghĩa quyết định.

- Chuẩn bị hệ thống văn bản pháp luật mà Luật sư sẽ phải sử dụng tại phiên tòa.

Để chuẩn bị các nội dung trên, Luật sư cần phải nghiên cứu đầy đủ nội dung hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần tập trung vào các nội dung sau:

- Nghiên cứu về vấn đề tố tụng: Quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong đó Luật sư cần chú ý việc xác định về đối tượng khởi kiện của vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không.

- Nghiên cứu các vấn đề về nội dung của vụ án: Xác định phạm vi yêu cầu khởi kiện; các căn cứ đưa ra để bảo vệ từng yêu cầu khởi kiện và căn cứ phản bác về yêu cầu khởi kiện; hệ thống tài liệu, chứng cứ chứng minh của từng căn cứ. Quy phạm pháp luật nội dung chứng minh về từng tiêu chí hợp pháp của Quyết định hành chính là đối tượng khiếu kiện, các nội dung dự kiến cần làm sáng tỏ và nhấn mạnh hay đề xuất về nội dung của vụ án tại phiên tòa.

2- Lập bản kế hoạch tham gia phiên tòa

Bản kế hoạch phải được Luật sư lập ra ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án, trong đó ấn định lịch dự kiến công việc tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Nội dung bản kế hoạch phải: Xác định cụ thể những công việc được quyền hoặc được yêu cầu tham gia phù hợp lịch trình tố tụng đã ấn định.

3- Trao đổi thông tin với khách hàng trước khi tham gia phiên tòa

Đương sự cần được tham vấn Luật sư trước khi tham gia tố tụng phiên tòa. Đây là quyền của đương sự, đồng thời là trách nhiệm của Luật sư đối với khách hàng bởi sự tham vấn có ý nghĩa quan trọng tác động đến kết quả của vụ án.

Luật sư phải kịp thời trao đổi thông tin về nội dung, tiến triển cũng như các khả năng và các tình huống có thể xảy ra của vụ án tại phiên tòa với khách hàng. Trong trường họp xem xét vụ án có khả năng đối thoại, Luật sư cần trao đổi với khách hàng để dàn xếp ổn thoả vụ kiện với bên bị kiện trước khi phiên tòa diễn ra. Luật sư luôn bảo đảm quyền tự quyết định của khách hàng trong mọi vấn đề kể cả quyết định lựa chọn Luật sư đại diện hay bảo vệ cho mình tại phiên tòa.

Trao đổi, thống nhất lịch trình và sự có mặt của khách hàng, người làm chứng phải tham gia tại phiên tòa. Bản thân Luật sư và đương sự phải tuân thủ lịch trình xét xử của phiên tòa và chỉ có thể thay đổi lịch trình khi có lý do chính đáng. Khi có nhu cầu thay đổi lịch trình, Luật sư phải thông báo nhanh chóng cho Tòa án và thống nhất với khách hàng.

Với các nội dung trao đổi trên đây cho thấy, Luật sư cần xác định rõ những vấn đề thuộc quyền quyết định của khách hàng, những vấn đề thuộc toàn quyền quyết định của Luật sư để chuẩn bị cho phiên tòa một cách hết sức cụ thể như:

Một là, các vấn đề khách hàng có quyền quyết định gồm: thừa nhận tình tiết, sự kiện, tài liệu, vật chứng nào của vụ án; có chấp nhận dàn xếp vụ kiện không; có quyền trình bày hoặc không trả lời câu hỏi nào; có kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án không;

Hai là, Luật sư có quyền quyết định các vấn đề có tính chất chiến lược và sách lược sau khi trao đổi ý kiến với khách hàng gồm: mời ai làm nhân chứng; có hỏi người làm chứng của đối phương không; nếu có thi phương pháp tiến hành thế nào; chấp nhận hay không chấp nhận ai là thành viên của Hội đồng xét xử; đề xuất gì tại phiên tòa và chứng cứ nào được đưa ra.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM HÀNH CHÍNH 

1- Kỹ năng của Luật sư trong thủ tục bắt đầu phiên tòa

Yêu cầu chung là các chủ thể trong đó có Luật sư phải tuân thủ  trình tự, thủ tục quy định của Luật Tố tụng hành chính. Điều đó cũng góp phần làm cho việc xét xử nội dung của vụ án có hiệu quả hơn.

Phần thủ tục khai mạc phiên tòa bao gồm trình tự các bước:

- Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử

- Thư ký phiên tòa báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt những người tham gia tố tụng theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt;

- Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người được triệu tập phiên tòa và kiểm tra căn cước của đương sự. Chủ tọa phiên tòa xử lý tình huống vắng mặt những người được triệu tập phiên tòa;

- Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự và những người tham gia tố tụng, giới thiệu họ tên những người tiến hành tố tụng; người giám định; người phiên dịch;

- Sau khi phổ biến quyền và nghĩa vụ cho các đương sự, chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng không và giải quyết việc thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng của các chủ thể tham gia tại phiên tòa;

- Xử lý tình huống có sự thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; tình huống có xuất trình tài liệu, chứng cứ bổ sung tại phiên tòa hoặc đề xuất triệu tập thêm người làm chứng; tình huống người khởi kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện; tình huống thay đổi địa vị tố tụng; tình huống người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ Quyết định hành chính bị khiếu kiện...;

- Lưu ý, thủ tục giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa phải bảo đảm quy định: nếu giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì Luật sư phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu phải giao nộp, hoặc tài liệu, chứng cứ mà không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì có quyền giao nộp và trình bày tại phiên tòa sơ thẩm;

- Khi tham gia phần thủ tục khai mạc phiên tòa, Luật sư cần chú ý việc bảo đảm các quyền tố tụng của đương sự là khách hàng trong vụ án. Ví dụ: Việc ra quyết định hoãn phiên tòa của Thẩm phán có ảnh hưởng như thế nào đến lịch trình tham gia phiên tòa của Luật sư và đương sự. Luật sư không được sử dụng mọi phương kế nhằm trì hoãn phiên tòa mà không có cơ sở pháp lý. Luật sư có thể phải xử lý tình huống người khởi kiện có thay đổi yêu cầu hoặc người bị kiện sửa đổi, bổ sung Quyết định hành chính bị kiện;

- Luật sư phải chú ý theo dõi, ghi chép chính xác trình tự tố tụng tại phiên tòa để có thể yêu cầu Tòa án bổ sung vào biên bản phiên tòa những nội dung chưa được thư ký ghi vào biên bản. Hoặc phát hiện những sai sót từ những tình huống tố tụng phát sinh và đưa ra những đề xuất phù hợp với Hội đồng xét xử (Ví dụ: Yêu cầu thực hiện đúng thủ tục tố tụng để bảo đảm quyền hợp pháp cho khách hàng như: đề xuất thay đổi người tiến hành tố tụng, đề xuất hoãn phiên tòa hoặc chuyển vụ án cho đúng thẩm quyền xét xử của Tòa án...).

Luật sư cần ứng xử đúng pháp luật, đúng mực với các chủ thể khác khi thực hiện tiến trình tố tụng trong phòng xử án.

2- Kỹ năng của Luật sư trong phần thủ tục tranh tụng

Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án.

Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến của các bên đương sự về yêu cầu khởi kiện, trường hợp các bên đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu, quan điểm của mình và không thống nhất với nhau về giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn. Đây là một thủ tục mới được quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, tính hiệu quả về kinh tế của một phiên xét xử vụ án hành chính.

[a] Trình bày của Luật sư và đương sự

- Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến.

- Luật sư bảo vệ cho người bị kiện trình bày ý kiến và chứng cứ chứng minh để phản đối về yêu cầu khởi kiện; yêu cầu, đề nghị của người bị kiện và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là hợp pháp. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến.

- Luật sư của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện, ý kiến của người bị kiện; ý kiến về yêu cầu độc lập của mình và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bổ sung ý kiến.

Như vậy, trước khi thực hiện phần trình bày, chủ tọa phiên tòa đã phải xác định các vấn đề của vụ án mà các bên đương sự đã thống nhất được với nhau.

Yêu cầu đối với Luật sư trong phần trình bày là phải rõ ràng, mạch lạc, để các bên đương sự và Hội đồng xét xử dễ theo dõi và ghi chép.

Việc trình bày bổ sung của khách hàng cần phải có sự thống nhất với ý kiến của Luật sư.

[b] Luật sư tham gia hỏi tại phiên tòa

Sau khi nghe xong phần trình bày của Luật sư và đương sự, để làm rõ hơn các vấn đề còn tranh chấp của vụ án, chủ tọa phiên tòa sẽ điều hành phần hỏi. Thứ tự hỏi được thực hiện như sau:

- Luật sư của người khởi kiện, người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến là Luật sư của người bị kiện và người bị kiện; sau đó là Luật sư của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Người tham gia tố tụng khác;

- Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Các nội dung cần được hỏi trong vụ án hành chính:

Chủ yếu tập trung hỏi những vấn đề còn mâu thuẫn về nội dung vụ án. Các vấn đề về nội dung vụ án cần phải hỏi:

- Hỏi làm rõ tính hợp pháp, tính có căn cứ của từng yêu cầu khởi kiện;

- Hỏi làm rõ tính hợp pháp, tính có căn cứ về nội dung và hình thức của từng Quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng xét xử của vụ án hành chính; chỉ hỏi những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn;

- Hỏi để làm rõ về thiệt hại thực tế nếu có yêu cầu bồi thường: thiệt hại, mức thiệt hại giá trị thành tiền; mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện; lỗi, chủ thể có trách nhiệm bồi thường, phương thức bồi thường.

Ngoài ra tùy từng trường hợp, Luật sư có thể hỏi để làm rõ thêm các vấn đề về tố tụng như: người khởi kiện có đủ điều kiện để khởi kiện không? Tòa án thụ lý đúng thẩm quyền chưa? Việc xác định tư cách đương sự, hay áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ trong hồ sơ vụ án như thế nào?

Khi hỏi, Luật sư nên hỏi từng người, theo thứ tự hỏi người khởi kiện trước, tiếp theo hỏi người bị kiện, hỏi những người tham gia tố tụng khác (nếu có) và chú ý tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Luật sư chỉ được hỏi người làm chứng sau khi nghe chủ tọa phiên tòa hỏi người làm chứng về mối quan hệ của họ với bên đương sự mà họ làm chứng, cũng như các nội dung từ lời trình bày của người làm chứng đó.

Đối với người giám định, Luật sư phải có nhận xét về kết quả giám định sau khi nghe ý kiến nhận xét của Kiểm sát viên và có quyền hỏi khi phát hiện những vấn đề còn mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc mâu thuẫn với các chứng cứ khác.

Luật sư có thể hỏi theo vấn đề và có thể sử dụng phương pháp đôi chất. Luật sư luôn nhớ vị trí tham gia tố tụng trong vụ án để xác định các nội dung cần hỏi, thứ tự hỏi và đưa ra câu hỏi phù hợp. Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, không hỏi trùng lặp, không đặt ra những câu hỏi có thể tạo ra sự thiên vị của Hội đồng xét xử, không đặt những câu hỏi gây bất lợi cho thân chủ, không được bỏ qua việc hỏi người làm chứng của bên đương sự đối phương.

[c] Luật sư yêu cầu công bố tài liệu, xem xét vật chứng, nghe, xem băng, đĩa tại phiên tòa

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, việc xem xét, công bố tài liệu và lời khai tại phiên tòa chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của đương sự, Luật sư, Kiểm sát viên hoặc Hội đồng xét xử thấy cần thiết.

Vì vậy, nếu xét thấy có đủ điều kiện, Luật sư có thể tự mình hoặc hướng dẫn khách hàng đề xuất để Hội đồng xét xử thực hiện theo thủ tục quy định trong Luật Tố tụng hành chính.

[d] Kỹ năng của Luật sư trong thủ tục tranh luận

Thủ tục tranh luận được thực hiện bằng việc các bên trình bày bản luận cứ bảo vệ và tiến hành đối đáp với nhau dưới sự điều khiển của Hội đồng xét xử.

[đ] Trình bày nội dung bản luận cứ bảo vệ

Luật sư cần tuân thủ thứ tự trình bày luận cứ được Luật Tố tụng hành chính quy định, Luật sư của bên khởi kiện trình bày luận cứ của từng yêu cầu, sau đó Luật sư của bên bị kiện trình bày luận cứ phản biện về từng yêu cầu của Luật sư bảo vệ cho người khởi kiện.

Khi trình bày bản luận cứ tại phiên tòa, Luật sư cần diễn đạt các nội dung, các lập luận một cách rõ ràng, logic với thái độ tôn trọng và không đưa ra lý lẽ mang tính chỉ trích, thông tin bí mật đời tư của đối phương. Cần chú ý thể hiện ngữ điệu, tác phong, thái độ cho phù hợp.

Các lập luận mà Luật sư đưa ra phải hợp lý từ những chứng cứ đã có, không sử dụng những chứng cứ sai lệch, giả mạo, không trung thực và không có cơ sở hợp lý hoặc thể hiện ý kiến cá nhân.

[e] Đối đáp giữa các bên

Trong phần đối đáp, Luật sư của bên khởi kiện đối đáp trước, sau đó đến Luật sư của bên bị kiện. Mỗi vấn đề Luật sư chỉ được đưa ra ý kiến đối đáp một lần, cần tránh sự trùng lặp với nội dung đã được trình bày trong phần luận cứ bảo vệ trước đó, hay có thái độ lăng mạ, chỉ trích và đưa ra lời lẽ mang tính định kiến.

Khi đối đáp, Luật sư cần phải biết kiềm chế, giữ thái độ đúng mực với đối phương cũng như với Hội đồng xét xử.

Do việc tranh luận tại phiên tòa hành chính chỉ được thực hiện giữa các bên đương sự, nên sau khi Kiểm sát viên phát biểu ý kiến sẽ kết thúc phần tranh luận của đương sự. Lưu ý, các đương sự và Luật sư của các bên trong vụ án không được quyền tranh luận với ý kiến mà Kiểm sát viên đã phát biểu.

Tuy nhiên, do phạm vi quyền hạn của Kiểm sát viên là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng hành chính và đưa ra quan điểm về nội dung vụ án nên ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa có ý nghĩa giúp cho Luật sư kiểm tra lại nội dung bản luận cứ của mình trước khi yêu cầu Hội đồng xét xử quay lại phần thủ tục tranh tụng hoặc nộp lại bản luận cứ cho Tòa án lưu vào hồ sơ vụ án, dùng làm căn cứ khi thực hiện quyền kháng cáo vụ án đến Tòa án cấp phúc thẩm.

[f] Kỹ năng của Luật sư trong thủ tục tuyên án

Luật sư cần phải nghe tuyên án công khai toàn văn bản án. Khi nghe tuyên án, Luật sư cần phải ghi chép vắn tắt một số nội dung chính về những nhận định của Tòa án, các quyết định của Hội đồng xét xử về yêu cầu khởi kiện.

Trên cơ sở nội dung của vụ án, Luật sư đánh giá kịp thời về việc khách hàng của mình có căn cứ kháng cáo hay không, có cần thiết phải kháng cáo bản án đã tuyên hay không; hoặc Luật sư có trách nhiệm tư vấn về phạm vi và tính hiệu lực pháp luật của bản án, giúp khách hàng tuân thủ và thi hành án nếu hoàn toàn không có cơ sở thay đổi bản án sơ thẩm.

3- Một số công việc sau khi phiên tòa kết thúc 

Sau khi phiên tòa kết thúc, Luật sư có thể thực hiện các công việc sau:

- Yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung biên bản phiên tòa nêu phát hiện biên bản có những sai sót;

- Nhận trích lục bản án, bản sao bản án sơ thẩm hành chính;

- Tư vấn thi hành án nếu bản án, quyết định của Tòa án là đúng pháp luật, phù hợp với yêu cầu của khách hàng và khách hàng tự nguyện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án;

- Trong trường hợp khách hàng vẫn có nhu cầu kháng cáo, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng những ý kiến chuyên môn về căn cứ kháng cáo, những vấn đề cần kháng cáo bản án, giúp khách hàng lập hồ sơ kháng cáo và nộp hồ sơ kháng cáo đến Tòa án sơ thẩm đã xét xử vụ án.

[a] Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo

Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng là người có nhu cầu kháng cáo viết đơn kháng cáo hoặc soạn thảo giúp khách hàng đơn kháng cáo. Nội dung và hình thức đơn kháng cáo bảo đảm quy định của Luật Tố tụng hành chính, trong đó tập trung vào các nội dung của bản án mà người kháng cáo không đồng ý và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.

Đồng thời, Luật sư phải thu thập giúp người kháng cáo cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn kháng cáo. Đây là những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo, gồm: tài liệu, chứng cứ bổ sung mới; giấy tờ, tài liệu đã giao nộp tại Tòa án sơ thẩm chưa được đánh giá, xem xét... Để bảo đảm điều kiện kháng cáo cần xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

[b] Chuẩn bị hồ sơ thi hành án

Trong trường hợp người phải thi hành án không thi hành án, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án thì Luật sư viết đơn hoặc hướng dẫn khách hàng viết đơn yêu cầu thi hành án.

Để bảo đảm căn cứ cho yêu cầu thi hành án, Luật sư phải thu thập tài liệu kèm theo đơn yêu cầu thi hành án. Luật sư giúp khách hàng cung cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn đề nghị hợp lệ những người phải thi hành án cố tình không thi hành án. Đơn và tài liệu liên quan được gửi đến Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án.Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hành chính - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Các kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm hành chính

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.58844 sec| 1164.594 kb