Các quy tắc chính tả trong tiếng Việt

Các quy tắc chính tả trong tiếng Việt

Bất cứ ngôn ngữ nào đều có các quy tắc chính âm, chính tả. Với tiếng Việt, do sự tồn tại của một vài trường hợp không có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ thì sự hình thành những quy tắc chính tả để người dùng có thể viết đúng chữ viết của những âm này là vô cùng cần thiết. 

Nắm được các quy tắc chính tả một cách chính xác và đầy đủ là điều không phải ai cũng làm được bởi những quy tắc này thường rất rải rác và ít có văn bản nào tổng hợp lại. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin đầy đủ nhất về những quy tắc chính tả khi sử dụng tiếng Việt để từ đó, người dùng tiếng Việt sẽ không mắc phải bất kì lỗi chính tả nào nữa.

Liên hệ

Quy tắc viết hoa

Một là, quy tắc viết hoa tên người, tên dân tộc, tên địa lí Việt Nam

- Viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó
VD: Hứa Mai Hoa, Nguyễn Văn Lộc,... Tày, Kinh, Mông,… Hải Phòng, Hà Nội,...
- Với tên của dân tộc, tên người thuộc các dân tộc thiểu số Việt Nam mà có cấu tạo từ đa tiết thì viết hoa chữ cái đầu của bộ phận tạo thành tên riêng và gạch nối giữa các âm tiết tạo thành mỗi bộ phận.
VD: Ba - na, Xơ - đăng,... H'hen - Niê,…
- Với một số địa danh, tên gọi có hai bộ phận thì thêm dấu gạch ngang ở giữa hai bộ phận đó, vd: Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Hai là, quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài

- Tên người, tên địa lí nước ngoài được phiên âm qua Hán Việt thì viết hoa giống quy tắc viết tên người Việt Nam
Vd: Chu Ân Lai, Bạch Cư Dị, Khổng Tử,... Luân Đôn, Bắc Kinh, Thuỵ Điển...
- Tên người, tên địa lí nước ngoài được phiên âm trực tiếp thì viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận tạo thành tên riêng; bộ phận được tạo thành bởi nhiều tiếng/ âm tiết thì giữa các tiếng/ âm tiết có dấu gạch nối.
Vd: Mai-cơn Ô-oen, Lép Tôn-xtôi, Tô-mát Ê-đi-xơn,... I-ta-li-a, Niu Di-lân, Lốt Ăng-giơ-lét,...

Ba là, quy tắc viết hoa tên cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, tên huân huy chương

- Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó.
VD: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Hải Dương, Huân chương Kháng chiến,  …
- Tên các con vật, đồ vật vốn là danh từ chung nhưng được dùng làm tên riêng của nhân vật trong tác phẩm > viết hoa như viết tên riêng người Việt
VD: Dế Choắt, (bác) Chữ A, (anh) Dấu Chấm,...

Quy tắc viết dấu thanh

Một là, sự xuất hiện của các dấu thanh

Tiếng Việt là ngôn ngữ có 6 thanh điệu, trong đó có 5 thanh được thể hiện trên chữ viết (huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng) và 1 thanh không dấu (thanh ngang). Sự xuất hiện của năm dấu thanh trên chữ viết phụ thuộc vào sự xuất hiện của thành phần âm cuối.
- Nếu âm tiết có âm cuối là những phụ âm tắc vô thanh (p/ t/ c/ ch) thì chỉ xuất hiện dấu sắc và dấu nặng. VD: cắt, chắc, mặc, cúp, cụp, tích, tịch,…
- Nếu âm tiết không có âm cuối, hoặc âm cuối không phải là âm tắc vô thanh thì đều có thể có xuất hiện của năm dấu thanh. VD: hoa, hoà, hoá, hoạ, hoả,…

Hai là, vị trí của các dấu thanh trên chữ viết

- Khi viết, dấu thanh luôn gắn liền với âm chính.Vd: bà, quý, hoạ, thuỷ,...
- Với những âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi
+ Dấu thanh sẽ được viết trên/dưới âm thứ nhất của nguyên âm đôi, nếu âm tiết không có âm cuối. VD: mía, mùa, lụa, tựa,...
+ Dấu thanh sẽ được viết trên/dưới âm thứ hai của nguyên âm đôi, nếu âm tiết có âm cuối. VD: muốn, tiến, ngược,…

Quy tắc viết c/k; g/gh; ng/ngh

- Viết k, gh, ngh khi đứng trước các âm chính: i, ê, e, iê, ia. VD: kí, kể, nghe, ghiền, nghía,…
- Viết c, g, ng khi đứng trước các âm còn lại. VD: ca, gỗ, ngọc, gương, cuốc,…

Quy tắc viết l/n; r/d/gi; s/x; tr/ch

Trong tiếng Việt, khi viết các chữ liên quan đến các con chữ l/n; r/d/gi; s/x hay tr/ch thường chúng ta phải dựa vào nghĩa của từ chứa hiện tượng chính tả này (Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về vấn đề này trong Nội san số sau). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tạo thành quy tắc liên quan đến 4 cặp phụ âm đầu dễ lẫn này.

Một là, viết l/n

- Trong các âm tiết mà phần vần có âm đệm, chỉ trừ 2 âm Hán Việt: noa (thê noa - vợ con) và noãn, các âm tiết còn lại thường chúng ta sẽ viết l mà không viết n, vd: luật, loe, luẩn quẩn, loáng (lấp loáng), loá, luyến, luân, loa đài, loạn lạc, loạng choạng, loại bỏ, loạc choạc, loang lổ, loa kèn, loại hình, loài người,…
 - Trong các từ láy vần, tiếng thứ nhất của từ láy (nếu xuất hiện l/n) thì bao giờ cũng là l chứ không phải n, vd: la đà, lảo đảo, lơ mơ, lan man, lõm bõm,…

Hai là, viết r/d/gi

Trong các âm tiết tiếng Việt mà phần vần có âm đệm, trừ tiếng roa (cu roa), các âm tiết còn lại ta viết với d, không viết với r/gi; vd: doan, doanh, duy, duyệt, doạ, duệ, duật,…

Ba là, viết s/x

Trong các âm tiết tiếng Việt mà phần vần có âm đệm, trừ các tiếng soát, soạt, soạng, soạn, suất, các âm tiết còn lại ta thường viết với x không viết với s, vd: xoa, xoăn, xoè, xuất, xoay, xuân, xuê, xuyên,…

Bốn là, viết tr/ch

Trong các âm tiết tiếng Việt mà phần vần có âm đệm, ta thường viết với ch, không viết với tr. VD: choàng, loạng choạng, choáng, chí choé, loắt choắt, chích choè,…

Quy tắc viết iê/yê, ia/ya; uô/ua; ưa/ươ

Trong tiếng Việt, các chữ iê/yê, ia/ya là sự thể hiện khác nhau trên chữ viết của cùng nguyên âm đôi /ie/, uô/ua là sự thể hiện khác nhau trên chữ viết của cùng nguyên âm đôi /uo/, ưa/ươ là sự thể hiện khác nhau trên chữ viết của cùng nguyên âm đôi ươ. Để viết đúng chính tả, chúng ta cần nắm được các quy tắc viết của các chữ viết trên.
- Viết iê khi đứng sau phụ âm đầu & âm tiết có sự xuất hiện của âm cuố. VD: tiếng, miền, chiêm, tiếp,…
- Viết yê khi âm tiết không có phụ âm đầu, không có âm đêm & có âm cuối (khi yê mở đầu âm tiết). VD: yên, yếm, yêu,… hoặc viết yê khi đứng sau âm đệm u & âm tiết có âm cuối, vd: uyên (uyên ương), uyển (uyển chuyển), chuyên, truyện, thuyết,…
- Viết ia khi đứng ngay sau phụ âm đầu & âm tiết không có sự xuất hiện của âm cuối. VD: chia, tỉa, mía,…
- Viết ya khi đứng sau âm đệm & âm tiết không có âm cuối. VD: khuya, tuya,…
- Viết uô khi đứng sau phụ âm đầu & âm tiết có sự xuất hiện của âm cuối. VD: cuộc, muốn, khuôn, buồm, chuối,…
- Viết ua khi đứng sau phụ âm đầu & âm tiết không có âm cuối. VD: mua, của, chúa, búa,…
- Viết ươ khi đứng sau phụ âm đầu & âm tiết có sự xuất hiện của âm cuối. VD: mười, người, mượn, bước, cướp,…
- Viết ưa khi đứng sau phụ âm đầu & âm tiết không có âm cuối. VD: chưa, thưa, cứa, cửa,…

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Các quy tắc chính tả trong tiếng Việt

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.23047 sec| 1080.141 kb