Khái quát về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh
Nội dung bài viết
Các tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là những tội được quy định tại Chương XXVI Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (từ Điều 421 đến Điều 425). Dưới góc độ luật hình sự quốc tế, đây được gọi là các tội phạm quốc tế cốt lõi hay tội phạm quốc tế điển hình, là những hành vi xâm hại hòa bình và an ninh quốc tế, gây nguy hiểm cho toàn thể nhân loại, vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia trong việc bảo đảm các quyền lợi sống còn của cộng đồng quốc tế. Các tội phạm quốc tế cốt lõi trong luật hình sự quốc tế hiện được quy định tập trung tại Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế, bao gồm bốn nhóm chính là: Tội diệt chủng, các tội phạm chống loài người, các tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.
Có thể thấy quy định về các tội phạm tại Chương XXV của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 là sự thể hiện khía cạnh quốc tế của luật hình sự quốc gia, là biểu hiện cho quyết tâm và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về đấu tranh chống các tội ác quốc tế. về cơ bản, các tội phạm được quy định tại Chương XXVI Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 đã khá tương đồng về bản chất với các tội phạm quốc tế được quy định trong Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế, tuy còn có một vài khác biệt về dấu hiệu pháp lý cụ thể và phạm vi quy định tội phạm.
Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là những hành vi đặc biệt nguy hiểm, thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến các quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế ghi nhận và bảo vệ, đến chủ quyền quốc gia, hoà bình và an ninh của nhân loại, đến những lợi ích căn bản của loài người và những giá trị cốt lõi của cộng đồng quốc tế.
Trên cơ sở quy định của Chương XXVI Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, có thể khái quát một số đặc điểm chung của các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh như sau:
1- Các yếu tố của tội phạm
a) Khách thể của tội phạm
Trước hết, nhiều tội phạm quy định tại Chương XXVI Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 xâm phạm nghiêm trọng nhiều quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế ghi nhận và bảo vệ như: Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn và an ninh, quyền được sống trong hoà bình. Những hành vi phạm tội này không chỉ xâm hại các quyền riêng biệt của từng con người mà xâm hại quyền của những cộng đồng người, những dân tộc nhất định, vì đều được xác định là những hành vi được thực hiện trên diện rộng, quy mô lớn hoặc có đối tượng tác động là những cộng đồng người (chủng tộc, bộ tộc, dân tộc).
Bên cạnh đó, hàu hết các tội phạm xâm phạm những giá trị cốt lõi của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền như: Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; nền văn hoá; quyền sở hữu tài sản của quốc gia; cơ sở vật chất quan trọng và các khu dân cư. Đây là những yếu tố bảo đảm sự tồn vong và phát triển của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập.
Ngoài lợi ích của con người và quốc gia, các tội phạm này còn xâm phạm nghiêm trọng những lợi ích chung của cộng đồng quốc tế như an toàn và an ninh nhân loại; môi trường tự nhiên; các giá trị văn hoá nhân loại; sự đa dạng của các chủng tộc, dân tộc, tôn giáo trên thế giới.
Đối tượng tác động của các tội phạm này trước hết là lãnh thổ của quốc gia hay của vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền.
Đối tượng tác động tiếp theo là dân cư, các cộng đồng người và lực lượng vũ trang của một quốc gia. Bên cạnh đó, tài sản, cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá và các yếu tố của môi trường tự nhiên cũng là đối tượng tác động của nhóm tội phạm này.
b) Mặt khách quan của tội phạm
Theo mô tả của điều luật, các tội phạm thuộc nhóm này đều là các tội có cấu thành tội phạm hình thức. Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu duy nhất của mặt khách quan được phản ánh trong cấu thành tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu định tội trong các cấu thành tội phạm này.
Hành vi khách quan của các tội phạm này là những hành vi xâm hại chủ quyền quốc gia, các quyền con người cơ bản và các giá trị sống còn của nhân loại. Hình thức chủ yếu của các hành vi này là hành động dùng bạo lực xâm phạm lãnh thổ, tàn sát dân cư, cướp phá tài sản, tham gia lực lượng vũ trang bất hợp pháp...
c) Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của đa số các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là chủ thể bình thường. Những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có thể trở thành chủ thể của hầu hết các tội phạm này. Một số dạng hành vi phạm tội đòi hỏi chủ thể phải có thêm đặc điểm đặc biệt khác, đó là đặc điểm liên quan đến chức vụ, vị trí lãnh đạo trong lực lượng vũ hang khi thực hiện hành vi ra lệnh giết hại dân thường, tù binh... hoặc ra lệnh tấn công vũ trang trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc trong cuộc xâm lược.
d) Mặt chủ quan của tội phạm
Các tội phạm thuộc Chương XXVI Bộ luật hình sự năm 2015 đều được thực hiện với lỗi cố ý.
Mục đích phạm tội là dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành của các tội quy định tại các điều 421, 424 và 425.
2- Hình phạt
Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của các tội phạm này nên hình phạt được quy định khá nghiêm khắc. Các hình phạt chính bao gồm tù có thời hạn (thường với mức từ 10 năm đến 20 năm, trừ tội làm lính đánh thuê bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm), tù chung thân và tử hình (các tội phạm quy định tại các điều 421, 422 và 423 đều có mức phạt cao nhất lên đến tử hình).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm