Tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

06/07/2024
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Luật phòng, chống tham nhũng 2018 là kết tinh của Luật Phòng, chống tham nhũng qua bao lần sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2007 và 2012. Mặc dù Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những nét đổi mới và hoàn thiện hơn nhưng không tránh khỏi có những sai sót nhất định. Bài viết dưới đây bình luận về quy định tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.

1- Phân tích quy định về tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Căn cứ vào Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và quản lý tài sản công, pháp luật hiện hành quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn trong việc tặng quà và nhận quà tặng như sau:

Một là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác như thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong đó, cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán, kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Hai là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Nếu trong trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định pháp luật trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Việc báo cáo phải được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung, bao gồm: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

Tóm lại, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng như sau: Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn, ngoài trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại hoặc các trường hợp cần thiết khác thì không được phép sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng. Ngoài ra, đối với những trường hợp được phép tặng quà, việc tặng quà phải được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức nhà nước nhận quà tặng thì xử lý quà tặng theo Điều 27 số Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Nếu vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng bị xử lý theo Điều 28 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP và Điều 7, Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.

Như vậy, đối với hành vi tặng quà và nhận quà tặng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước, trường hợp vi phạm quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Đánh giá quy định về tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Tặng quà và nhận quà là một trong những truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Nó thể hiện thành ý, sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên, việc tặng quà và nhận quà rất dễ dàng bị biến tướng thành đưa nhận hối lộ quy định tại Điều 354, 364 Bộ Luật Hình sự 2015. Bởi vì việc tặng và nhận quà dễ bị lợi dụng, ít khi bị kiểm soát và dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng. Để kiểm soát và xử lý nghiêm vấn đề này, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể và nghiêm ngặt hơn so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, 2007 và 2012 như sau:

Thứ nhất, Điều 22 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trong mọi trường hợp, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức, từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Và tại Điều 25 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã xác nhận việc cấm tương tự. Có thể thấy rằng, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP không cho phép đối với bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào.

Nếu như trước ngày 01 tháng 07 năm 2019, việc nhận quà tặng có giá trị dưới 500.000 đồng là được phép theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg là người nhận quà tặng không cần phải báo cáo, thì nay không có ngoại lệ nào được cho phép theo Luật phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Thứ hai, Điều 25, 26 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã quy định bổ sung về trường hợp không thể từ chối nhận quà tặng thì các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị sẽ có nghĩa vụ quản lý và nộp lại quà tặng cho người được cơ quan, tổ chức, đơn vị đó ủy quyền xử lý quà tặng. Nếu người nhận quà tặng là người có chức vụ, quyền hạn, họ sẽ có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn, trước tiên bằng cách lập báo cáo và sau đó nộp lại quà tặng đã nhận cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị của họ hoặc cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị cấp trên trực tiếp, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận quà tặng. Báo cáo phải có tất cả các thông tin bắt buộc như: họ tên và chức vụ của người tặng quà; tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị nơi người tặng quà đang làm việc; loại và giá trị của quà tặng đã nhận; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khi đưa và nhận quà tặng; mối quan hệ giữa người tặng quà và người nhận quà tặng.

Thứ ba, mặc dù Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP không dẫn chiếu đến bất kỳ tội phạm có liên quan nào được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, tuy nhiên, hành vi tặng hoặc nhận quà tặng có thể cấu thành hành vi đưa hoặc nhận hối lộ được quy định cụ thể tại Bộ luật hình sự năm 2015. Trên cơ sở đó, ngoài các hình thức kỷ luật và hình thức xử phạt vi phạm hành chính do Luật phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, người đưa hoặc người nhận quà tặng cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Xét thấy trên thực tế, việc thực hiện quy định về tặng quà và nhận quà đang được thực hiện khá sát sao. Ví dụ như tỉnh Cà Mau đã thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Chánh Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện tốt nội dung Công văn số 80, trong đó có việc chấp hành nghiêm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm: Không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; Không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội...; Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình và tổng hợp báo cáo những trường hợp sử dụng tài sản công không đúng quy định, lãng phí; Tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh đúng thời gian quy định.

Mặt khác, nếu ta xem xét kỹ Điều 22 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 về việc tặng quà và nhận quà tặng vẫn còn tồn tại bất cập sau:

Điều 22 quy định chủ thể của việc tặng quà và nhận quà tặng là Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn và đối tượng của việc tặng quà và nhận quà tặng là Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Mà theo Khoản 9 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa “cơ quan, tổ chức, đơn vị” là các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà Nước. Tức là quy định tại Điều 22 chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và người có chức vụ công chứ không phải các doanh nghiệp, tổ chức, người có chức vụ khu vực ngoài nhà nước. Có thể hiểu là, quy định này đang bị hạn chế về chủ thể và đối tượng áp dụng. Do Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng đối tượng không chỉ áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ khu vực trong nhà nước, mà còn cho cả các doanh nghiệp, tổ chức và người có chức vụ khu vực ngoài nhà nước nên đây có thể coi là lỗi kỹ thuật khi soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Như vậy, quy định về tặng quà và nhận quà tặng trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những điểm đột phá và cụ thể, rõ ràng hơn. Thêm vào đó, việc thực thi pháp luật về điều này khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn một bất cập nhỏ trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật phòng chống tham nhũng về quy định tặng quà và nhận quà tặng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Đề xuất hoàn thiện quy định về tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

Như đã phân tích và đánh giá quy định trên thì Điều 22 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 vẫn còn tồn tại bất cập. Dưới đây là một số kiến nghị đề xuất hoàn thiện quy định về tặng quà và nhận quà tặng cũng như đề xuất nâng cao việc thực thi pháp luật Phòng, chống tham nhũng trên thực tế.

Thứ nhất, Điều 22 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 cần mở rộng phạm vi điều chỉnh với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực ngoài nhà nước. Ví dụ có thêm Khoản 4 Điều 22 với nội dung sau: “Quy định tại Khoản 1, 2 Điều này cũng áp dụng với cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn khu vực ngoài nhà nước”. Khi thêm điều khoản này, chủ thể tại Điều 22 mới mở rộng sát với sự mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đồng thời tương thích với Bộ Luật Hình sự 2015.

Thứ hai, mọi công dân Việt Nam, cũng như mọi người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhất là các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thanh tra cần phải nắm vững Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, tiếp thu nội dung cơ bản của Luật và các văn bản mới ban hành kèm theo, đồng thời hiểu rõ điểm mới của pháp luật tham nhũng hiện hành.

Thứ ba, do Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 mở rộng đối tượng điều chỉnh ra doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, nên Nhà nước ta cần có biện pháp thực thi pháp luật Phòng, chống tham nhũng trên thực tế sát sao hơn, công khai và minh bạch. Để làm được điều đó, thì yếu tố quan trọng nhất là người thi hành pháp luật, các thanh tra cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, công chính liêm minh.

Tóm lại, để phòng ngừa tham nhũng thì cần phải hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng không chỉ phù hợp với thực tiễn mà còn phải tương thích với các Luật liên quan để tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được đào tạo đúng tiêu chuẩn để việc thực thi pháp luật trên thực tế hiệu quả, công khai và minh bạch.

Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Tặng quà và nhận quà trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16636 sec| 986.117 kb