Các tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

25/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Các tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là những tội được quy định tại Chương XXVI Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (từ Điều 421 đến Điều 425). Đây là những hành vi đặc biệt nguy hiểm, thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến các quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế ghi nhận và bảo vệ, đến chủ quyền quốc gia, hoà bình và an ninh của nhân loại, đến những lợi ích căn bản của loài người và những giá trị cốt lõi của cộng đồng quốc tế.

1- Tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421 BLHS).

a) Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là hành vi tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc là hành vi chuẩn bị, tiến hành hoặc tham gia chiến tranh xâm lược.

Trong đó, tuyên truyền chiến tranh xâm lược được hiểu là hành vi đưa thông điệp, giải thích rộng rãi để nhiều người tán thành, ủng hộ hoặc tham gia chiến tranh xâm lược. Hành vi có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như phát biểu trước công luận, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, viết sách báo, viết truyền đơn, v.v..; kích động chiến tranh xâm lược là hành vi tác động đến tinh thần một cách mạnh mẽ để gây ra chiến tranh xâm lược. Hành vi có thể được thực hiện bằng những thủ đoạn như gây hiềm khích, gây hằn thù hoặc gây mâu thuẫn trầm trọng trong mối quan hệ giữa các quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, v.v....

Hành vi chuẩn bị chiến tranh xâm lược được hiểu là hành vi tạo ra những điều kiện thuận lợi về chính trị, tinh thần, lực lượng hay vật chất cho việc tiến hành chiến tranh xâm lược. Hành vi chuẩn bị thể hiện ở các hoạt động như xây dựng kế hoạch quân sự, tập trung hoặc huấn luyện đặc biệt cho lực lượng vũ trang, đưa quân đến khu vực biên giới để dự định tấn công, v.v... Tiến hành chiến tranh xâm lược là hành vi sử dụng lực lượng vũ trang xâm chiếm hoặc tấn công quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập khác. Trên thực tế đó có thể là các hành vi như: Sử dụng lực lượng vũ trang đánh bom hoặc sử dụng bất kì loại vũ khí nào khác xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác; sử dụng lực lượng vũ trang phong tỏa các cảng biển, bờ biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập; sử dụng lực lượng vũ trang tấn công vào các vùng đất, vùng biển, lực lượng vũ trang, hạm đội... của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, v.v...

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Mục đích phạm tội được quy định là mục đích chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Với tính chất và quy mô của hai loại hành vi nêu trên, có thể thấy đây là hành vi của những người lãnh đạo quốc gia, chỉ huy lực lượng quân sự thực hiện cuộc xâm lược.

Tham gia chiến tranh xâm lược là hành vi trực tiếp tham gia vào các nhóm vũ trang thực hiện các hành vi hoạt động vũ trang trong các cuộc xâm lược nêu trên. Hành vi này thực hiện bởi các thành viên của lực lượng vũ trang tham gia cuộc xâm lược. Đây còn có thể là việc một quốc gia đồng ý nhượng phần đất đai trên lãnh thổ của mình cho một quốc gia khác đế quốc gia này tiến hành chiến tranh xâm lược chống lại nước thứ ba hoặc một quốc gia cung cấp hỗ trợ vật chất (vũ khí, tiền bạc, binh lính) cho một quốc gia khác để tiến hành xâm lược nước thứ ba.

Trong luật hình sự quốc tế, tội xâm lược là tội phạm gây khá nhiều tranh cãi, bất đồng về nội dung của CTTP và chỉ đạt được đồng thuận về mặt nội dung vào năm 2010 với việc bổ sung Điều 8bis vào Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế. Điều 8bis quy định tội xâm lược là hành vi lập kế hoạch, chuẩn bị, bắt đầu, thực hiện hoạt động xâm lược bởi người có vị trí lãnh đạo trong cuộc xâm lược. Điều quan trọng là hành vi xâm lược phải cấu thành một sự vi phạm rõ ràng Hiến chương của Liên hợp quốc. Hành động xâm lược là hành vi sử dụng lực lượng vũ trang bởi một quốc gia chống lại quốc gia khác mà không vì lý do tự vệ hoặc không được sự cho phép của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Nghị quyết 3314 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 14 tháng 12 năm 1974). Chủ thể của tội phạm này thực chất là quốc gia nhưng vì nguyên tắc TNHS cá nhân trong luật hình sự quốc tế nên người phải chịu TNHS là người chỉ huy lực lượng vũ trang hoặc người lãnh đạo ra lệnh hoặc chỉ thị hành động quân sự hoặc chính trị của một nhà nước.

b) Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Khung hình phạt giảm nhẹ được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

2- Tội chống loài người (Điều 422 BLHS)

a) Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá huỷ nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hoá, tinh thần của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội (nhằm phá hoại xã hội đó) hoặc hành vi diệt chủng khác hoặc hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên.

Như vậy, đối tượng tác động chính của hành vi khách quan của tội phạm là dân cư (cộng đồng dân thường, chủng tộc, bộ lạc, dân tộc, nhóm tôn giáo,...). Bên cạnh đó, đối tượng tác động của hành vi khách quan của tội phạm còn có thể là các yếu tố bảo đảm nguồn sống cho con người (kho lương thực, thuốc chữa bệnh). Ngoài ra, các thiết chế văn hoá, tinh thần của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ với ý nghĩa là nền tảng của xã hội hoặc các yếu tố của môi trường tự nhiên bảo đảm cho sự sống của con người cũng có thể là đối tượng tác động của tội chống loài người.

Trên cơ sở quy định của điều luật có thể xác định tội phạm này bao gồm hành vi diệt chủng và các hành vi khác chống loài người.

Hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực là hành vi giết hại hàng loạt thường dân trong một khu vực của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền. Hành vi giết người nhằm vào số lượng dân thường lớn, có thể trong một lần hoặc nhiều lần. Tiêu diệt thể hiện hành vi không đơn giản là tước đoạt tính mạng mà với ý thức triệt tiêu cư dân của khu vực đó.

Hành phá huỷ nguồn sống của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền là hành vi cố ý triệt tiêu các điều kiện sống của con người như phá huỷ nguồn thức ăn, nguồn nước, nguồn thuốc chữa bệnh.

Hành vi phá hoại cuộc sống văn hoá, tinh thần của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền được hiểu là hành vi làm tổn hại nghiêm trọng đến các yếu tố văn hoá, tinh thần của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó như hành vi áp đặt lối sống hà khắc và mông muội, thực hiện chính sách ngu dân, phá hoại các công trình văn hoá thiết yếu, buộc người dân phải thay đổi tôn giáo hoặc đức tin...

Hành vi làm đảo lộn nền tảng của một xã hội (nhằm phá hoại xã hội đó) được hiểu là hành vi làm thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng xấu những yếu tố và giá trị làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội đó nhằm huỷ diệt hoặc gây khó khăn cho sự tồn tại của xã hội. Ví dụ: hành vi thực hiện chế độ nô lệ, chế độ phân biệt chủng tộc, biến một xã hội dân chủ và văn minh thành xã hội chuyên chế, độc tài và ngu muội.

Hành vi diệt chủng khác có thể được hiểu là một trong số những hành vi của tội diệt chủng theo Quy chế Rome (Điều 6) và được thực hiện nhằm huỷ diệt toàn bộ hoặc từng phần một nhóm người của dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo nào đó:

- Giết các thành viên của nhóm người;

- Gây thương tích nghiêm trọng hoặc gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần cho các thành viên của nhóm người;

- Cố ý phá hoại các điều kiện sống nhằm huỷ diệt toàn bộ hoặc một phần về thể chất của nhóm người;

- Dùng các biện pháp với mong muốn ngăn chặn việc sinh sản của nhóm người;

- Di chuyển cưỡng bức trẻ em từ nhóm người này sang nhóm người khác.

Hành vi diệt sinh hoặc diệt môi trường tự nhiên là hành vi huỷ hoại các sinh vật tự nhiên hoặc huỷ hoại yếu tố thiên nhiên bảo đảm cho sự tồn tại của con người và các sinh vật tự nhiên. Ví dụ: hành vi sử dụng chất độc hoá học để tiêu diệt thực vật, cho hoá chất độc hại vào nguồn nước, cần chú ý đây là hành vi tác động vào tự nhiên để huỷ diệt các yếu tố tự nhiên chứ không nhằm huỷ diệt con người vì những hành vi huỷ diệt con người đã được nêu ở trên. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hành vi này không gắn với bản chất của tội chống loài người và không nằm trong CTTP của tội chống loài người hay tội diệt chủng theo Quy chế Rome.

Các hành vi được quy định trên đây có thể xảy ra trong thời bình hoặc trong chiến tranh.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b) Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Khung hình phạt giảm nhẹ được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

3- Tội phạm chiến tranh (Điều 423 BLHS)

a) Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành:

- Giết hại dân thường, người bị thương hoặc tù binh;

- Cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư (cướp tài sản, huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, phá hoại cơ sở vật chất ở các khu vực dân cư);

- Sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm (sử dụng chất độc hoặc vũ khí có chứa chất độc; sử dụng đầu đạn có khả năng giãn nở hoặc dát mỏng trong cơ thể người; sử dụng vũ khí, đạn dược, vật liệu và phương pháp chiến tranh có thể gây sát thương hàng loạt, v.v..).

Hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (về các nguyên tắc ứng xử trong chiến tranh). Đó có thể là các hành vi được Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế quy định tại Điều 8 “Các tội phạm chiến tranh” như tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả thí nghiệm sinh học; hiếp dâm hoặc ép buộc nô lệ tình dục; trục xuất, di chuyển hoặc giam giữ người bất hợp pháp; bắt cóc con tin; ép buộc tù binh chiến tranh hoặc những người được bảo hộ khác phải phục dịch trong quân đội của lực lượng đối phương; v.v...

Các hành vi được quy định trên xảy ra trong thời kỳ chiến tranh. Đó có thể là nội chiến hoặc chiến tranh giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ độc lập có chủ quyền.

Với hai loại hành vi được quy định: hành vi ra lệnh thực hiện và hành vi (trực tiếp) thực hiện, tội phạm này cũng có hai loại chủ thể. Với hành vi ra lệnh thực hiện, chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có thẩm quyền ra lệnh trong thời kỳ chiến tranh (quan chức phụ trách lực lượng quốc phòng, thủ trưởng đơn vị chiến đấu, người chỉ huy chiến dịch, v.v..). Đối với hành vi (trực tiếp) thực hiện, chủ thể của tội phạm có thể là chỉ huy hoặc binh lính của các lực lượng tham gia chiến sự.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b) Hình phạt

Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Khung hình phạt giảm nhẹ được quy định là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

4- Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê (Điều 424 BLHS); Tội làm lính đánh thuê (Điều 425 BLHS)

Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê và tội làm lính đánh thuê có chung đặc điểm là đều liên quan đến lính đánh thuê. Đối với tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê thì lính đánh thuê là đối tượng của tội phạm, còn đối với tội làm lính đánh thuê thì lính đánh thuê là chủ thể của tội phạm.

Các tội phạm này vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê năm 1989.

a) Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được Điều 424 BLHS quy định là hành vi tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê.

Hành vi khách quan của tội phạm được Điều 425 BLHS quy định là hành vi làm lính đánh thuê.

Tuyển mộ lính đánh thuê là hành vi lựa chọn lính đánh thuê và đưa vào thành phần của lực lượng vũ trang tham chiến.

Huấn luyện lính đánh thuê là hướng dẫn luyện tập, đào tạo các kỹ năng quân sự, các phương pháp tham chiến, v.v. cho lính đánh thuê (nhằm sử dụng họ trong các cuộc xung đột vũ trang Sử dụng lính đánh thuê là hành vi đưa lính đánh thuê vào tham chiến.

Làm lính đánh thuê là hành vi tham gia vào xung đột vũ trang ở quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền với tư cách là lính đánh thuê.

Các hành vi khách quan của tội phạm được quy định trên đây đều liên quan đến “lính đánh thuê”. Điều 1 Công ước chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê năm 1989 quy định về “lính đánh thuê” như sau:

“1. Một lính đánh thuê là bất kì người nào:

a. Được tuyển mộ đặc biệt tại địa phương hoặc ở nước ngoài để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ trang;

b. Động cơ tham gia chiến sự chủ yếu bởi mong muốn cá nhân và, trên thực tế, được hứa hẹn, bởi hoặc thay mặt một bên trong một cuộc xung đột, về những chi trả vật chất cơ bản vượt quá mức hứa hẹn hoặc trả tiền cho các chiến binh cùng cấp bậc và chức năng tương tự như trong lực lượng vũ trang của bên đó;

c. Không phải là công dân của một quốc gia của các bên trong cuộc xung đột cũng không phải là cư dân của lãnh thổ được kiểm soát bởi một bên trong cuộc xung đột;

d. Không phải là một thành viên của lực lượng vũ trang của một bên trong cuộc xung đột; và

e. Không được gửi bởi một quốc gia không là một bên trong cuộc xung đột với nhiệm vụ chính thức như là một thành viên của lực lượng vũ trang của quốc gia đó.

2. Một lính đánh thuê cũng là bất kì người nào, trong bất kì tình huống nào khác mà:

a. Được tuyển mộ đặc biệt tại địa phương hoặc ở nước ngoài với mục đích tham gia vào một hành động bạo lực phối hợp nhằm:

i. Lật đổ một chính phủ, hay phá hoại trật tự hiến pháp của một quốc gia; hoặc

ii. Phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia;

b. Động cơ để tham gia chủ yếu bởi mong muốn có được thông tin quan trọng và (hoặc) thanh toán chi trả vật chất;

c. Không là công dân của một quốc gia và cũng không phải là một cư dân của quốc gia mà hành động vũ trang đang trực tiếp nhằm tới;

d. Không được gửi bởi một quốc gia thi hành công vụ; và

e. Không phải là thành viên của lực lượng vũ trang của quốc gia trên lãnh thổ có các hành động được thực hiện.”

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Mục đích phạm tội được quy định là mục đích chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền.

b) Hình phạt

Hai điều luật đều chỉ quy định 1 khung hình phạt chính. Khung hình phạt theo Điều 424 BLHS là hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; khung hình phạt theo Điều 425 BLHS là hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

0 bình luận, đánh giá về Các tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.55917 sec| 1023.109 kb