Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp do người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp thực hiện

07/03/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp do người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp thực hiện bao gồm chủ yếu những tội phạm trong đó chủ thể đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện các hành vi trái pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, thuộc nhóm tội này còn có tội mà chủ thể cũng là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp nhưng không có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn này khi phạm tội mà chỉ có sự thiếu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của mình.

1- Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368 BLHS)

Tội phạm này không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều ưa, truy tố mà còn trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của chống và phòng ngừa tội phạm nói chung.

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là chủ thể đặc biệt, là người có thẩm quyền trong việc thực hiện hành vi tố tụng là truy cứu TNHS người phạm tội. Đó là người có quyền ra quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; người có quyền đề nghị truy tố và người có quyền quyết định truy tố bị can trước toà án.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi truy cứu người không có tội. Truy cứu TNHS người không có tội, theo quy định của luật tố tụng hình sự có thể là hành vi khởi tố bị can đối với người không có tội; hành vi phê chuẩn khởi tố bị can đối với người không có tội; hành vi đề nghị truy tố bị can đối với người không có tội; hoặc hành vi truy tố bị can đối với người không có tội. 

Người không có tội là đối tượng của hành vi khách quan này gồm:

- Người không có hành vi nào thỏa mãn những dấu hiệu của một CTTP cụ thể hay nói cách khác người không phạm tội nào đã được luật hình sự quy định (Điều 2 BLHS). Để xác định người nào đó là có tội phải căn cứ vào các quy định của BLHS, kể cả các quy định của Phần chung cũng như các quy định của Phần các tội phạm. Cơ sở để coi người nào đó là không có tội có thể là một trong những cơ sở sau:

+ Họ không có hành vi vi phạm nào;

+ Hành vi đã thực hiện có tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể (khoản 2 Điều 8 BLHS); 

+ Người thực hiện hành vi không có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm (Điều 12, Điều 21 BLHS); 

+ Người thực hiện hành vi gây thiệt hại không có lỗi (Điều 20 BLHS); 

+ Người thực hiện hành vi gây thiệt hại có các tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi (từ Điều 22 đến Điều 26 BLHS);

+ v.v..

- Người có hành vi phạm tội nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS (Điều 27 BLHS) cũng được coi là loại trường hợp không có tội.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ người mình truy cứu TNHS là người không có tội. Trường hợp không biết rõ người mình truy cứu TNHS là người không có tội không thuộc trường hợp phạm tội này.

Trong thực tế, động cơ của người phạm tội có thể khác nhau, do thù tức, do tư lợi, do bị ép buộc v.v.. Nhưng động cơ không được quy định là dấu hiệu định tội. Tính chất của động cơ có thể được xem xét đến khi quyết định hình phạt.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về tính chất hoặc loại tội (theo Điều 9 BLHS) của tội bị truy cứu TNHS oan; dấu hiệu về số người bị truy cứu TNHS oan; dấu hiệu về đối tượng cần ưu tiên bảo vệ bị truy cứu TNHS oan và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân; hậu quả nạn nhân bị kết án oan; hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả nạn nhân tự sát). Khi xác định các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng này, cần chú ý: đối với dấu hiệu “nạn nhân là phụ nữ có thai”, chủ thể phải biết điều này; dấu hiệu “ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được hiểu là ảnh hưởng đến tâm lí lo ngại của số đông, tạo ra dư luận xấu trong một phạm vi rộng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đối với dấu hiệu về hậu quả, phải xác định quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi truy cứu TNHS người không có tội.

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

2- Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự ngưòi có tội (Điều 369 BLHS)

Tội không truy cứu TNHS người có tội cũng có tính nguy hiểm cho xã hội tương tự như tội truy cứu TNHS người không có tội. Cả hai tội này đều xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố và có ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của đấu tranh chống và phòng tội phạm nói chung.

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là chủ thể đặc biệt, là người có thẩm quyền truy cứu TNHS giống như chủ thể của tội truy cứu TNHS người không có tội.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi không truy cứu TNHS người có tội.

Không truy cứu TNHS người có tội là hành vi không khởi tố bị can đối với người có tội; hành vi không phê chuẩn khởi tố bị can đối với người có tội; hành vi không đề nghị truy tố bị can đối với người có tội; hoặc hành vi không truy tố bị can đối với người có tội.

Người có tội là người có hành vi thỏa mãn CTTP cụ thể trong BLHS và hành vi đó còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như không có cơ sở pháp lý để miễn trách nhiệm hình sự cho chủ thể thực hiện.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ người mình không truy cứu TNHS là người có tội và có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu TNHS họ. Trường hợp không biết rõ người mình không truy cứu TNHS là người có tội không thuộc trường hợp phạm tội này.

Trong thực tế, động cơ của người phạm tội có thể khác nhau, do thù tức, do tư lợi, do bị ép buộc v.vv.. Nhưng động cơ không được quy định là dấu hiệu định tội. Tính chất của động cơ có thể được xem xét đến khi quyết định hình phạt.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung:

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và từ 07 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về tính chất hoặc loại tội (theo Điều 9 BLHS) của tội mà người có tội không bị truy cứu TNHS; dấu hiệu về số người không bị truy cứu TNHS và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (người không bị truy cứu TNHS bỏ trốn; cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; trả thù người tố giác, người báo tin tội phạm, người bị hại, nhân chứng; hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả làm người bị hại tự sát). Khi xác định các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng này, cần chú ý: Đối với dấu hiệu hậu quả người bị hại tự sát, phải xác định quan hệ nhân quả giữa hậu quả này và hành vi không truy cứu TNHS người có tội.

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

3- Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370 BLHS)

Tội này không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử mà còn có thể trực tiếp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập thể hoặc của Nhà nước. Các quyền và lợi ích này có thể là quyền tự do, là danh dự, là các lợi ích vật chất hoặc các lợi ích phi vật chất.

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là chủ thể đặc biệt, là thẩm phán và hội thẩm.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi ra bản án trái pháp luật.

Bản án trái pháp luật có thể là bản án hình sự, bản án dân sự, bản án hôn nhân và gia đình, bản án lao động, bản án hành chính cũng như các bản án về các lĩnh vực khác mà toà án có thẩm quyền xét xử. Các bản án này có thể có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo, có thể có lợi cho đương sự này nhưng không có lợi cho đương sự khác. Tính trái pháp luật của những bản án này có thể thể hiện ở những khía cạnh rất khác nhau nhưng có thể được hiểu một cách chung nhất là: Nội dung quyết định của bản án không phù hợp với thực tế của vụ án trên cơ sở đối chiếu với pháp luật hiện hành. Sự không phù hợp đó có thể do dựa trên những tình tiết sai và dẫn đến áp dụng pháp luật sai nhưng cũng có thể dựa trên những tình tiết đúng nhưng vẫn áp dụng sai pháp luật...

Hành vi ra bản án trái pháp luật được hiểu là hành vi của thành viên hội đồng xét xử biểu quyết đồng ý với quyết định của bản án (sẽ tuyên). Theo đó, có thể có trường hợp tất cả thành viên hội đồng xét xử đều có hành vi ra bản án trái pháp luật và cũng có thể có trường hợp chỉ một số thành viên hội đồng xét xử có hành vi này vì thành viên khác không biểu quyết đồng ý với quyết định của bản án trái pháp luật.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội biết rõ nội dung bản án mà mình biểu quyết đồng ý (sẽ tuyên) là trái pháp luật nhưng vẫn biểu quyết đồng ý.

Trường hợp không biết rõ bản án mà mình biểu quyết đồng ý là trái pháp luật không thuộc trường hợp phạm tội này.

Trong thực tiễn, động cơ phạm tội của tội này có thể khác nhau nhưng động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu định tội. Người phạm tội đã ra bản án trái pháp luật có thể do tư lợi, do nể nang, do thù tức v.v...

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lần phạm tội; dấu hiệu về đối tượng cần ưu tiên bảo vệ bị ra bản án trái pháp luật và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự; hậu quả nạn nhân bị kết án oan; hậu quả tội phạm hoặc người phạm tội bị bỏ lọt; hậu quả thiệt hại về tài sản; hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát).

Hình phạt bổ sung bắt buộc cho tội này là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

4- Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là chủ thể đặc biệt, là người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

Đó là người có quyền ra quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Căn cứ để xác định người có thẩm quyền này là các quy định của luật tố tụng như luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự...

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi ra quyết định trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hoặc hoạt động thi hành án.

Quyết định là đối tượng của tội phạm này gồm tất cả các loại quyết định được người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hoặc hoạt động thi hành án ký ban hành theo quy định của luật tố tụng, ở đây cần chú ý: Những quyết định cụ thể có tính riêng biệt đã được quy định là đối tượng của các hành vi thuộc các điều luật khác sẽ không thuộc đối tượng của hành vi được quy định tại điều luật này. Quyết định bị coi là trái pháp luật nếu nội dung của nó không phù hợp với thực tế của vụ án, vụ việc trên cơ sở đối chiếu với pháp luật hiện hành.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được quy định có thể là:

+ Thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên;

+ Thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, hậu quả thiệt hại được quy định là dấu hiệu định tội. Trong đó, thiệt hại vật chất được xác định mức tối thiểu là 50 triệu đồng; thiệt hại phi vật chất được xác định có thể gây ra cho Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.

Hậu quả trên đây đòi hỏi phải có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của tội phạm.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội biết rõ nội dung quyết định mà mình ký ban hành là trái pháp luật nhưng vẫn ký ban hành.

Trường hợp không biết rõ quyết định mà mình ký ban hành là trái pháp luật không thuộc trường hợp phạm tội này.

Trong thực tế, động cơ của người phạm tội có thể khác nhau, do thù tức, do tư lợi, do bị ép buộc v.v.. Nhưng động cơ không được quy định là dấu hiệu định tội. Tính chất của động cơ có thể được xem xét đến khi quyết định hình phạt.

Ngoài các dấu hiệu trên, điều luật còn quy định dấu hiệu “nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, quy định này là không cần thiết.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và từ 07 năm đến 12 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lần phạm tội; dấu hiệu về đối tượng cần ưu tiên bảo vệ bị ra quyết định trái pháp luật và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân bị ra quyết định trái pháp luật; hậu quả nạn nhân bị ra quyết định trái pháp luật tự sát và hậu quả thiệt hại về tài sản).

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5- Tội dùng nhục hình (Điều 373 BLHS)

Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc tôn trọng quyền con người, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức dùng nhục hình trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung cũng như trong hoạt động tư pháp nói riêng. Điều này đã được phản ánh rất rõ trong Hiến pháp cũng như trong các luật khác. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ” (khoản 1).

Tương tự như vậy, Điều 10 BLTTHS năm 2015 cũng khẳng định lại: “Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khoẻ của con người".

Tội dùng nhục hình không chỉ xâm phạm đến hoạt động tư pháp mà trực tiếp xâm phạm nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí có thể xâm phạm đến tính mạng con người, ảnh hưởng xấu tới kết quả của cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm...

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này được quy định là chủ thể đặc biệt, gồm những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác.

Hành vi dùng nhục hình xét về nội dung là hành vi có tính chất gây đau đớn về thể xác. Xét về hình thức, hành vi này được người thực hiện sử dụng như những “hình phạt” để trừng phạt người bị dùng nhục hình. Trong thực tế, hành vi dùng nhục hình có thể là hành vi tra tấn như đánh đập, nhốt vào thùng phuy...

Hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm là hành vi tra tấn về tinh thần như cho nhịn đói, cho nhịn khát, cho ngủ dưới hầm lạnh, ẩm ướt, bắt đứng, ngồi, nằm ở những tư thế khó chịu nhất định v.v..

Như vậy, có thể hiểu hành vi khách quan của tội phạm là hành vi gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho nạn nhân là người thuộc đối tượng của hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp cưỡng chế đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều luật không giới hạn hình thức thực hiện của hành vi này.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 12 năm và hình phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lần phạm tội, số người bị dùng nhục hình; dấu hiệu về thủ đoạn phạm tội; dấu hiệu về đối tượng cần ưu tiên bảo vệ bị dùng nhục hình và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả thương tích hoặc tổn hại về sức khoẻ của nạn nhân; hậu quả nạn nhân tự sát và hậu quả nạn nhân chết).

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

6. Tội bức cung (Điều 374 BLHS)

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm được quy định là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng. Đó là những người có trách nhiệm lấy lời khai hoặc hỏi cung trong tố tụng hình sự; lấy lời khai trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính v.v...

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc. Trong đó, người bị lấy lời khai có thể là người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong tố tụng hình sự hoặc là nguyên đơn, bị đon, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người yêu cầu giải quyết việc dân sự trong tố tụng dân sự; người bị hỏi cung có thể là bị can trong tố tụng hình sự.

Hành vi ép buộc khai ở đây được hiểu là hành vi tác động đến ý chí của người khác để buộc họ phải khai trái với ý muốn của họ. Theo quy định của điều luật, thủ đoạn mà chủ thể sử dụng khi ép buộc là thủ đoạn trái pháp luật. Đó có thể là:

+ Đe dọa sẽ dùng nhục hình;

+ Đe dọa sẽ xử nặng;

+ Đe dọa sẽ bắt giam, xét xử người thân thích như vợ, con, hay bố, mẹ già...;

+ Đe dọa sẽ truy cứu TNHS, sẽ tịch thu tài sản;

+ Đe dọa sẽ xử bất lợi v.v...

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Tuy điều luật quy định không rõ nhưng cần hiểu hành vi ép buộc nói trên phải dẫn đến việc người bị hỏi cung, người bị lấy lời khai đã khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

b. Hình phạt

Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung:

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, từ 07 năm đến 12 năm và từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lần phạm tội, số người bị bức cung; dấu hiệu về đối tượng cần ưu tiên bảo vệ bị bức cung; dấu hiệu về thủ đoạn phạm tội và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả làm sai lệch kết quả truy cứu TNHS; hậu quả khai sai sự thật; hậu quả người bị bức cung tự sát; hậu quả bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội; hậu quả làm người bị bức cung tự sát và hậu quả làm oan người vô tội).

Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

7. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375 BLHS) 

a. Dấu hiệu pháp lý

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm được quy định là chủ thể đặc biệt, là người có liên quan đến quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc. Những người đó theo quy định của điều luật là: Điều tra viên; kiểm sát viên; thẩm phán; hội thẩm; thư kí toà án; người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp (như thẩm tra viên của các toà án); người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hai, đương sự.

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc.

Tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc ở đây được hiểu là tài liệu vật chứng của các vụ án, vụ việc đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thụ lý để giải quyết như vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính V.V..

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi can thiệp vào tài liệu, vật chứng theo hướng làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc. Điều luật đã liệt kê những thủ đoạn can thiệp thông thường là:

- Thêm tài liệu (như giấy chứng nhận các loại, biên bản lấy lời khai...), vật chứng (như công cụ phạm tội...);

- Bớt tài liệu, vật chứng;

- Sửa đổi tài liệu (như sửa giấy chứng thương, sửa biên bản lấy lời khai...), sửa đổi vật chứng;

- Đánh tráo tài liệu, đánh tráo vật chứng (thay tài liệu, vật chứng đang có trong hồ sơ bằng tài liệu, vật chứng giả);

- Huỷ hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng.

Những thủ đoạn can thiệp khác không được liệt kê tại điều luật cũng là thủ đoạn của hành vi khách quan của tội phạm vì điều luật quy định “... hoặc bằng thủ đoạn khác... ”.

Hành vi can thiệp vào tài liệu, vật chứng được chủ thể thực hiện trên cơ sở họ đã được giao tài liệu, vật chứng để nghiên cứu hoặc bảo quản.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.

Điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung.

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm.

- Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về hình thức phạm tội (đồng phạm có tổ chức) và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả vụ án, vụ việc bị giải quyết sai lệch; hậu quả thiệt hại về tài sản; hậu quả kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; hậu quả làm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại hoặc đương sự tự sát).

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

0 bình luận, đánh giá về Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp do người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp thực hiện

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.70823 sec| 1093.602 kb