Cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng
Nội dung bài viết
- I- Khái niệm và ý nghĩa của việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng
- II- Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt và thông báo
- III- Nghĩa vụ của người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
- IV- Phương thức và thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
- 1- Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp
- 2- Thủ tục niêm yết công khai
- 3- Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
I- Khái niệm và ý nghĩa của việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng
(i) Khái niệm:
Hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự văn bản tố tụng để họ sử dụng được gọi là cấp văn bản tố tụng; hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự văn bản tố tụng và buộc họ phải nhận được gọi là tống đạt văn bản tố tụng; hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự biết về những vấn đề liên quan đến họ được gọi là thông báo văn bản tố tụng.
Thông thường, người được thông báo, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự, bao gồm: đương sự, những người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, người được thông báo, cấp, tổng đạt các văn bản tố tụng còn có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự. Việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản pháp luật tố tụng có nhiều ý nghĩa. Vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự đã có nhiều quy định về vấn đề này. Trước đây, thủ tục cấp, tổng đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại Thông tư của TANDTC số 53/TATC ngày 23/6/1977 hướng dẫn về thủ tục tống đạt; các điều 44, 57, 61 và 73 PLTTGQCVADS; các điều 40, 57, 63 và 76 PLTTGQCVAKT; các điều 42, 58, 62 và 75 PLTTGQCTCLĐ; các điều từ Điều 146 đến Điều 156 BLTTDS năm 2004. Hiện nay, thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại các điều: từ Điều 170 đến Điều 181 BLTTDS năm 2015. Việc cấp, tống đạt và thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo đúng các quy định này thì được coi là hợp lệ.
(ii) Ý nghĩa:
Việc cấp, tổng đạt và thông báo các văn bản tố tụng có ý nghĩa về nhiều mặt. Trước hết, việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Qua việc nhận được hoặc biết được nội dung các văn bản tố tụng mà các đương sự biết và thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, nhờ đó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp trước toà án. Việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự. Thông qua hoạt động này, toà án báo được cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc dân sự những thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ để họ thực hiện, bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng và đúng đắn. Ngoài ra, nó cũng bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ việc dân sự được diễn ra công khai, minh bạch và dân chủ.
II- Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt và thông báo
Các văn bản tố tụng phải cấp, tổng đạt hoặc thông báo cho những người có liên quan đến vụ việc dân sự là những văn bản tố tụng liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của họ. Trên cơ sở đó, phạm vi các văn bản tố tụng phải cấp, tống đạt hoặc thông báo được Điều 171 BLTTDS năm 2015 quy định bao gồm:
- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự;
- Bản án, quyết định của toà án;
- Quyết định kháng nghị của viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự;
- Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
Trong quá trình tố tụng, tuỳ theo loại văn bản tố tụng cơ quan ban hành văn bản tố tụng và người có thẩm quyền của các cơ quan này tiến hành việc cấp, tống đạt hoặc thông báo cho những người tham gia tố tụng và những người liên quan đến đến việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản tố tụng hay người có thẩm quyền của cơ quan này không thực hiện việc cấp, tổng đạt hoặc thông báo thì những người tham gia tố tụng hoặc người có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự có quyền yêu cầu họ cấp, tống đạt hoặc thông báo cho mình các văn bản này theo thủ tục và trong thời hạn pháp luật quy định, Nếu không được đáp ứng thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền của các cơ quan này hay cơ quan quản ỉí cấp trên của cơ quan đó giải quyết.
III- Nghĩa vụ của người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
Về nguyên tắc, cơ quan nào ban hành văn bản tố tụng phải cấp, tống đạt hoặc thông báo cho những tham gia tố tụng hoặc những người liên quan văn bản tố tụng. Theo nguyên tắc này, Điều 170, Điều 172 BLTTDS năm 2015 quy định: Toà án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng cho những người liên quan đến vụ việc dân sự. Người tiến hành tố tụng hoặc cán bộ của toà án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có quyền hạn và nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này trong việc cấp, tổng đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. Ngoài ra, để giúp các cơ quan ban hành các văn bản tố tụng thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng thì uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc; đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính, người có chức năng tổng đạt và những người khác mà pháp luật có quy định cũng có nghĩa vụ thực hiện cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng.
Người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đó của mình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người này có thể bị xử lý kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
IV- Phương thức và thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
Các văn bản tố tụng được cấp, tống đại, thông báo và những người được cấp, tống đạt, thông báo rất đa dạng, do đó các phương thức cấp, tổng đạt và thông báo các văn bản tố tụng cũng rất đa dạng. Tuỳ từng trường hợp, việc cấp, tổng đạt và thông báo các văn bản tố tụng phải tiến hành phương thức nhất định để bảo đảm được hiệu quả của việc cấp, tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng. Theo Điều 173 BLTTDS năm 2015, có các phương thức cấp tống đạt và thông báo các văn bản tố tụng sau: trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được uỷ quyền; phương tiện, điện tử; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương thức khác mà pháp luật quy định.
Trong trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không phải là toà án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng hoặc cán bộ của các cơ quan đó thì người thực hiện phải thông báo ngay kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho toà án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó.
1- Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp
Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp được thực hiện theo quy định tại các điều 175, 177 và 178 BLTTDS năm 2015. Người thực hiện việc cấp, tổng đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tổng đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt hoặc thông báo phải kí nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng.
Nếu người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng cần cấp, tống đạt hoặc thông báo được trực tiếp chuyển giao cho cá nhân. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải cấp, tống đạt hoặc thông báo theo địa chỉ mới của họ. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lí do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì văn bản tố tụng cần cấp, tổng đạt hoặc thông báo có thể được giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Người thân thích cùng cư trú được giao chuyển giao văn bản tố tụng cho người được cấp, tổng đạt hoặc thông báo phải kí nhận. Ngày kí nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Nếu người được cấp, tổng đạt hoặc thông báo vắng mặt không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ văn bản tố tụng thì có thể chuyển giao văn bản đó cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc (gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo cư trú và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Trong trường hợp việc cấp, tống đạt hoặc thông báo qua người khác thì người thực hiện phải lập biên bản ghi rõ việc người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt; văn bản tố tụng đã được giao cho ai; lí do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa họ với nhau; cam kết giao lại tận tay ngay văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Biên bản phải có chữ kí của người nhận chuyển văn bản tố tụng và người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo và người chứng kiến. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tổng đạt hoặc thông báo có chữ ký của người cung cấp thông tin.
Đối với trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này kí nhận. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì giao trực tiếp cho người này kí nhận văn bản tố tụng đó. Ngày kí nhận là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
2- Thủ tục niêm yết công khai
Trong những trường hợp không thể tống đạt trực tiếp thì phải niêm yết công khai các văn bản tố tụng. Tuy vậy, việc niêm yết công khai văn bản tố tụng có hiệu quả thấp hơn việc cấp, tống đạt trực tiếp, do đó, phương thức này chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp.
Thủ tục niêm yết công khai các văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định tại Điều 179 BLTTDS năm 2015. Theo đó, toà án trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc uỷ ban nhân dân cấp xã đương sự nơi cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện việc niêm yết văn bản tố tụng. Bản chính văn bản tố tụng được niêm yết tại trụ sở toà án, uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tổng đạt hoặc thông báo; bản sao được niêm yết tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tố chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Người thực hiện việc niêm yết phải cho lập biên bản phản ánh lại việc niêm yết công khai văn bản tố tụng. Trong biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm tiến hành niêm yết. Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết.
3- Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả thường thấp và không xác định được rõ ràng. Tuy vậy, nếu không thể tổng đạt trực tiếp và có căn cứ xác định việc niêm yết công khai văn bản tố tụng không bảo đảm cho người được cấp, tổng đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo thì phải thực hiện theo phương thức này. Ngoài ra, việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc đương sự khác có yêu cầu. Trong trường hợp đương sự yêu cầu thông báo văn bản trên phương tiện thông tin đại chúng thì lệ phí thông báo do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu.
Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 180 BLTTDS năm 2015. Theo quy định của Điều luật này, thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên cổng thông tin điện tử của toà án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm