Chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành

22/10/2024
Phạm Gia Minh
Phạm Gia Minh
Việc nhận một đứa trẻ làm con nuôi, gắn bó với đứa trẻ trong quan hệ cha mẹ và con lâu dài, ổn định, hình thành một gia đình đầy đủ đối với trẻ được thực hiện một cách khá phổ biến, đem lại cho đứa trẻ sự chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất và môi trường an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, vì một vài lý do mà việc nuôi con nuôi có thể chấm dứt. Vậy quy định của pháp luật hiện hành về chấm dứt việc nuôi con nuôi như thế nào?

1- Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, chấm dứt việc nuôi con nuôi dựa trên các căn cứ sau:

- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Khi con nuôi đã thành niên, con nuôi có quyền thể hiện ý chí, tình cảm của mình trong việc tiếp tục quan hệ cha mẹ và con với cha mẹ nuôi hay không. Quan hệ nuôi con nuôi là quan hệ phát sinh trên cơ sở ý chí, tình cảm tự nguyện giữa các bên chủ thể. Khi cha mẹ nuôi, con nuôi nhận thấy không thể tiếp tục duy trì quan hệ cha mẹ và con được nữa thì họ có thể tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Sự tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi phải xuất phát từ cả hai bên chủ thể thì mới là căn cứ chấm dứt. Nếu chỉ có một bên chủ thể (cha mẹ nuôi hoặc con nuôi đã thành niên) mong muốn chấm dứt mà bên kia không đồng ý thì không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi

- Con nuôi có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của cha mẹ nuôi với lỗi cố ý. Khoản 2 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi". Khi con nuôi có các hành vi này đối với cha mẹ nuôi đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của cha mẹ nuôi, đồng thời làm tổn hại sâu sắc tới tình cảm cha mẹ và con, làm cho quan hệ cha mẹ và con khó thực hiện đuợc bình thường trong cuộc sống. Trong trường hợp này, nếu cha mẹ nuôi hoặc những người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi có yêu cầu thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cha mẹ nuôi.

- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi. Đây là những hành vi của cha mẹ nuôi được thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của con nuôi, làm cho việc nuôi con nuôi không còn đúng mục đích, tình cảm giữa cha mẹ nuôi và con nuôi không còn. Cha mẹ nuôi không thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp này là cần thiết nhằm đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, thể chất và tinh thần của con nuôi cũng như các quyền, lợi ích chính đáng của con nuôi.

- Việc nuôi con nuôi vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:

“1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vì phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Quy định này thể hiện ý chí của Nhà nước đối với những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm những mục đích vụ lợi, trái pháp luật, không phù hợp với đạo đức. Đây là một quy định mới so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 điều chỉnh việc nuôi con nuôi. Những hành vi này làm cho việc nuôi con nuôi không còn đúng với mục đích nhân đạo là vì lợi ích của người con nuôi, mà nhằm đạt những mục đích vụ lợi khác hoặc không phù hợp với phong tục, tập quán, đạo đức. Việc nuôi con nuôi xác lập trong những trường hợp này đã vi phạm quy định của pháp luật, về nguyên tắc không làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi, nên khi bị phát hiện, việc nuôi con nuôi phải chấm dứt.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Quyền yêu cầu, thủ tục và đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi

[a] Quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, những người sau đây có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi:

- Cha mẹ nuôi;

- Con nuôi đã thành niên;

- Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

Những người này có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có các căn cứ trên. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi liên quan đến quyền nhân thân của các chủ thể nên các chủ thể có quyền tự quyết định. Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi khi có sự vi phạm mà các chủ thể không thể tự mình yêu cầu chấm dứt thì cơ quan, tố chức có chức năng có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đó là cơ quan lao động, thương binh, xã hội và Hội Liên hiệp phụ nữ.

[b] Thủ tục giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi

Giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc dân sự, được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.

[c] Đường lối giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi

Việc giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi phải đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của con nuôi, cha mẹ nuôi. Trong trường hợp con nuôi chưa thành niên thì chỉ chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi tiếp tục thực hiện việc nuôi con nuôi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nguy hại cho người con nuôi. Nếu người con nuôi chưa thành niên dù có những hành vi hỗn láo, xâm phạm lợi ích của cha mẹ nuôi, nhưng nếu chấm dứt việc nuôi con nuôi sẽ không có người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì Tòa án cần động viên, khuyên giải cha mẹ nuôi tiếp tục nuôi dưỡng và có biện pháp giáo dục thích hợp đối với con nuôi.

Ngược lại, trong trường hợp cha mẹ nuôi già yếu, có mâu thuẫn với con nuôi mà yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì Tòa án cần xem xét, đánh giá mức độ mâu thuẫn, hòa giải các bên tiếp tục chung sống để cha mẹ nuôi có người chăm sóc, nuôi dưỡng khi già yếu. Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp này khi cha mẹ nuôi bị con nuôi đối xử tệ bạc, hành hạ, ngược đãi nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cha mẹ nuôi làm cho việc duy trì quan hệ cha mẹ và con là không thể tiếp tục được.

Xem thêm: Dịch vụ trợ lý pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest

3- Hệ quả pháp lý của chấm dứt việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 27 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi của Tòa án làm phát sinh các hệ quả pháp lý sau:

- Kể từ ngày quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực, quyền và nghĩa vụ trong quan hệ cha mẹ và con giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt. Cha mẹ nuôi không còn quyền cha mẹ đối với con nuôi.

- Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi, nếu con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản riêng đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Đối với con nuôi chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án quyết định giao con cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó. Trong những trường hợp này cần đảm bảo để người con nuôi luôn có người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

- Trong trường hợp con nuôi được giao lại cho cha mẹ đẻ thì các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 được khôi phục lại. Cha mẹ đẻ là người có quyền cha mẹ đối với con, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đối với con. Con có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đẻ.

- Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi, con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luât TNHH Everest

4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16895 sec| 987.336 kb