Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Nếu bạn nói với một người bằng ngôn ngữ mà anh ta hiểu, điều bạn nói sẽ đi được vào đầu đối phương. Nếu bạn nói với người đó bằng ngôn ngữ của anh ta, điều bạn nói sẽ đi tới con tim".
- Nelson Mandela, tổng thống Nam Phi
Chính tả tiếng Việt là sự chuẩn hóa hình thức chữ viết của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một hệ thống quy tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các ký tự dấu câu thể hiện, lối viết hoa. Trong đó, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của người Việt, ngôn ngữ quốc gia tại Việt Nam với phương châm dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Chính tả tiếng Việt hợp thức hóa các nguyên tắc, phương vị khác nhau theo vùng miền, thời gian của tiếng Việt, thống nhất cách viết đáp ứng mục tiêu chính xác.
Tiếng Việt của người Việt trải qua giai đoạn lịch sử lâu dài, nhiều biến đổi. Tiếng Việt ban đầu không chữ viết, sau đó vay mượn từ Hán Việt để phong phú ngôn ngữ, tiếp theo là tạo chữ Nôm để viết tiếng Việt theo dạng tượng hình, cuối cùng hình thành chữ Quốc ngữ (sử dụng các ký tự Latin) - hệ chữ viết chính thức trên thực tế hiện nay của tiếng Việt. Lịch sử thay đổi, vị trí địa lý thay đổi đã dẫn tới sự khác biệt nhất định về một số từ vựng, âm thanh giọng nói theo miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Tiếng Việt tồn tại và đi theo lịch sử người Việt trong suốt nhiều thời đại, biến đổi cả ngữ âm và chữ viết. Trong đó, ngữ âm biến hóa bởi thay đổi vị trí địa lý, theo đời sống, sinh hoạt, giao lưu với nhiều dân tộc khác nhau của người Việt; chữ viết vay mượn (chữ Hán) sản sinh (chữ Nôm, chữ Quốc ngữ), được chấp nhận để lưu trữ, trao đổi, thể hiện ngôn ngữ. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX đến nay, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính của người Việt, với ý nghĩa cơ bản là: sử dụng chữ viết để miêu tả, biểu thị trực tiếp phát âm.
Thực tế, với ảnh hưởng của lịch sử và vị trí địa lý, cách phát âm của người Việt có sự khác nhau nhất định về âm thanh, tức các phương ngữ - ngôn ngữ địa phương vùng miền. Việt Nam chủ yếu có ba (03) vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc (Bắc Bộ), phương ngữ Trung (Bắc Trung Bộ), phương ngữ Nam (Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Các phương ngữ này khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng, cuối cùng là một chút khác biệt ngữ pháp.Sự khác nhau về ngữ âm vùng miền khiến cho chữ viết mô tả cũng khác nhau. Từ đó, phương án chuẩn hóa chính tả ra đời nhằm thống nhất từ ngữ chữ viết chung cho cả nước.
Chữ Quốc ngữ là một chữ viết ghi âm bằng chữ cái. Do đặc điểm của tiếng Việt (ngôn ngữ âm tiết tính, không biến hình), nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Việt đơn giản là nguyên tắc ngữ âm học: phát âm như nhau thì viết giống nhau, và viết giống nhau thì đọc như nhau, giữa phát âm và chính tả có mối quan hệ trực tiếp.Trong nguyên tắc ngữ âm có hai bộ phận: đối với các từ phát âm giống nhau cả nước thì được viết theo phát âm; đối với các từ phát âm khác nhau theo từng phương ngữ thì cơ sở chính tả là tổng hợp các sự phân biệt âm vị học có trong các phương ngữ. Ví dụ: từ trán (cái trán), phát âm miền Nam là tráng, phát âm miền miền Bắc là chán, nếu chữ viết theo các phát âm này thì đều là sai chính tả, không thống nhất. Phát âm nói chung là cơ sở cho chính tả tiếng Việt, không phải là phát âm thuần tuý của một phương ngữ nói riêng nào. Phương ngữ miền Nam không phân biệt trán với tráng, đều phát âm là tráng; phương ngữ miền Bắc không phân biệt trán với chán, đều phát âm là chán. Dựa trên cơ sở này, chính tả đã được đặt ra để phân biệt trán, tráng, chán, cháng,gọi là phân biệt âm vị học, thống nhất từ ngữ toàn quốc, góp phần kết nối, không có ranh giới giữa từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân.
Chính tả tiếng Việt vừa được xây dựng, vừa đưa vào giáo dục đi cùng thời kỳ cải cách giáo dục,từ trường học địa phương cho đến thiết lập quy định, dần dần mang tính toàn quốc. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, có một số yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới chính tả tiếng Việt. Tác động từ tập hợp các tác phẩm nghiên cứu, từ điển, văn bản và bài viết xuyên suốt, liên quan tới việc sử dụng chính tả. Ví dụ như Từ điển tiếng Việt, bản in ấn tiếng Việt lĩnh vực lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục được đặt làm khuôn mẫu tham khảo, lưu trữ trong thời gian tiếp theo.
Tác động từ thói quen sử dụng từ ngữ của người Việt, thói quen này tạo ra những vốn từ không chính xác với quy tắc được đề nghị xây dựng, nhưng bởi tính chất tập quán được đồng thuận bởi đông đảo người dùng, chính tả chịu ảnh hưởng và chấp nhận. Ví dụ từ truyện và chuyện: ban đầu có từ nguyên xuất phát vay mượn từ Hán Việt, một nghĩa (傳), sau đó biến đổi theo tập quán sử dụng và tách thành hai nghĩa truyện và chuyện ngày nay. Tác động quyết định tới chính tả là các văn bản quy phạm pháp luật quy định vấn đề chính tả, tạo thành hệ thống chung được đưa vào các bộ sách giáo khoa giảng dạy toàn quốc. Ví dụ: tập trung tại sách giáo khoa các lớp tiểu học, học sinh được giảng dạy tiếng Việt, gồm chữ viết và các quy tắc chính tả, tổng quan, phổ biến và đồng thuận nhất, tạo nên kiến thức chính tả cơ bản và bắt buộc.
Chính tả tiếng Việt có: [1] Chính tả phổ thông - nhóm cơ bản chiếm phần lớn hệ thống chính tả, đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường công lập, thuộc quy định bắt buộc đối với chữ viết; [2] Chính tả theo trường hợp - nhóm chính tả có những cách viết khác nhau nhưng đều được chấp nhận, tuy nhiên khuyến khích theo một hướng chung; [3] Chính tả văn bản quy phạm pháp luật - nhóm quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật, hình mẫu cho cách viết mang tính đồng nhất, khoa học. Ngoài ra, chính tả tiếng Việt vẫn đang tồn tại các vấn đề tranh luận, chưa nhất quán, cách ghi chép và sử dụng khác nhau trên thực tế; chính tả tiếng Việt đang trong quá trình nghiên cứu, tập trung chuẩn hóa hệ thống toàn quốc.
Chính tả phổ thông đi cùng chữ viết trong giáo dục Việt Nam, mang tính bắt buộc toàn quốc. Trong quá trình học tập phổ thông, nội dung giảng dạy tiếng Việt bao gồm bảng chữ cái tiếng Việt, cách viết và kết nối nguyên âm, phụ âm, dấu thanh; hệ thống ký tự dấu câu trong ngôn ngữ:
Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả tiếng Việt trở thành nguồn từ vựng cung cấp cho giáo dục, hỗ trợ tra cứu đưa vào giảng dạy, góp phần chỉ dẫn cách viết đúng chính tả của các từ ngữ. Chính tả phổ thông là chính tả cơ bản được đồng thuận, chấp nhận phạm vi cả nước, liên tục được củng cố cho các thế hệ tiếp theo trong giáo dục.
Nội dung và cấu tạo chính tả âm tiết của Từ điển chính tả tiếng Việt được xây dựng theo các vấn đề thực tế tồn tại trường hợp không thống nhất hoặc chia phần vùng miền, gồm: âm tiết phụ âm đầu của ch-/tr-, d-/gi-/v-/r-, l-/n-...; âm tiết có phụ âm cuối của -c/-t, -c/-ch/-t, -n/-ng/-nh, -i/-y, -o/-u; âm tiết có âm chính của e/ê, i/iê, i/u, o/oo, o/ô/ơ, u/uô, ư/ươ; âm tiết có các khuôn vần -oi/-oai; âm tiết có các thanh điệu hỏi/ngã, ngã/nặng và một số trường hợp đặc biệt khác.Ví dụ: từ chính và chánh, cả hai từ đều là phiên âm tiếng Việt của hai từ tiếng Trung Quốc là 政 và 正 (hai từ này có bính âm Hán ngữ như nhau ngữ âm: zhēng hoặc zhèng) trong thời phân chia phương ngữ, miền Bắc thường dùng từ chính để đọc cả hai từ, miền Nam thường dùng từ chánh. Cùng một nghĩa nhưng đọc theo hai kiểu, các cụm như chuyên chính và chuyên chánh, dân chính và dân chánh, đính chính và đính chánh. Hiện nay, từ chính được chọn làm từ sử dụng trong hầu hết các cụm từ mang nghĩa như danh chính ngôn thuận, chính trị, chính quyền, cổng chính.Từ chánh không biến mất, mà còn được giữ trong một số vị trí địa lý cụ thể như huyện Bình Chánh, huyện Lang Chánh; sử dụng trong một số chức vụ tổ chức như Chánh án, Chánh Văn phòng.
Trong chính tả phổ thông, có quy định đối với các nhóm cùng ngữ âm, khác ngữ âm như:
Nhóm từ -i-/-y-, y dùng để thay thế cho i, có ba trường hợp bắt buộc viết y là: viết y đứng sau âm đệm như huy, tuy, thúy; viết y đứng sau nguyên âm ngắn a như ây; viết y đứng trước ê khi chữ đó không có âm đầu như yêu, yết, yếm. Trường hợp bắt buộc viết i: sau các nguyên âm dài, trong đó các vần kết thúc bằng phụ âm mà không có âm đệm. Ví dụ: kim, tim, tin; viết i trước a khi chữ đó không có âm đệm như: lía, kia, chia.
Trường hợp l-/n-: chữ n không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uâ, uy), trừ hai âm tiết Hán Việt: noãn, noa. Do đó nếu gặp các tiếng dạng này thì chọn l để viết, không chọn n. Ví dụ: chói loà, loá mắt, loảng xoảng. Trong láy vần: các từ láy vần có tiếng có n hoặc l thì tiếng thứ nhất bao giờ cũng có âm đầu l, tiếng thứ hai có âm đầu n khi tiếng thứ nhất có âm đầu gi hoặc khuyết âm đầu và tiếng thứ hai có âm đầu l khi tiếng thứ nhất có âm đầu khác gi. Ví dụ: la cà, lờ đờ, lơ mơ, lan man; trừ hai trường hợp đặc biệt là khúm núm, khệ nệ.
Trường hợp ch-/tr-: chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần âm đệm (oa, oă, oe, uê), trường hợp chọn ch để viết, không chọn tr. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, choáng váng. Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr, chọn tr để viết, không chọn ch. Ví dụ: trọng, trường, trạng. Những từ chỉ đồ vật trong nhà, chỉ tên các loại quả, chỉ tên các món ăn, chỉ tên các hoạt động, chỉ quan hệ giữa những người trong gia đình và những từ mang ý nghĩa phủ định thường có âm đầu ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai.
Trường hợp s-/x-: chữ s không đứng đầu các tiềng có âm đệm (oa, oă, oe, uê, uâ), ngoại trừ các trường hợp: soát, soạt, soạng, soạn, suất. Nhóm này chọn x để viết không chọn s. Ví dụ: xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch.
Trường hợp r-/d-/gi-: chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Trường hợp này chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: kinh doanh, dọa nạt, doãng ra. Trong các từ Hán Việt: các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d. Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn. Trong cấu tạo từ ghép giữa r, d, và gi, chỉ có từ ghép có tiếng âm đầu gi và tiếng có âm đầu d, không có từ ghép có tiếng âm đầu r và âm đầu d hay âm đầu r và âm đầu gi. Ví dụ: già dặn, giáo dục, giao dịch.
Trường hợp c/k/q: quy luật q luôn đi với âm đệm u để thành qu; c luôn đứng trước các nguyên âm: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư; k luôn đứng trước các nguyên âm: i, e, ê.
Đối với các ký tự dấu câu ngôn ngữ, chức năng ký tự đi cùng chính tả,gồm: dấu chấm (.), dùng để kết thúc một câu trần thuật, giúp người đọc biết câu chuyện chuyển sang một vấn đề khác; dấu phẩy (,), dùng để phân tách câu, từ; dấu chấm hỏi (?), dùng để kết thúc một câu nghi vấn, câu hỏi; dấu chấm than (!), dùng để cầu khiến, tỏ thái độ; dấu chấm phẩy (;), dùng để phân biệt ranh giới liệt kê, ngắt quãng câu; dấu ba chấm (...), dùng để diễn tả chừng mực, vấn đề; dấu hai chấm (:), dùng để giải thích, đánh dấu, trích dẫn; dấu gạch ngang (–), dùng để chỉ sự ngang hàng, ghép hai con số, nối địa danh, liệt kê nội dung, đánh dấu lời nói và tách phần; dấu gạch nối (-), dùng để nối tiếng vay mượn; dấu gạch chéo (/), thường dùng để cách các phần của chuỗi ngày, tách đoạn chữ; dấu ngoặc đơn (), dùng để ghi chú giải thích trực tiếp; dấu ngoặc vuông ([]), dùng để chú thích vấn đề thường dùng trong khoa học; dấu ngoặc kép (“”), dùng để trích dẫn, tường thuật. Đối với dấu chấm (.) và dấu phẩy (,) trong toán học, cách viết ở Việt Nam: dấu chấm được đặt ở mỗi đơn vị ba con số nguyên, dấu phẩy đặt ở đơn vị số lẻ. Ví dụ: diện tích đất liền của Việt Nam là 331.211,6 km2 ghi theo tiếng Việt; viết trong văn bản tiếng Anh là 331,211.6 km2, sử dụng dấu phẩy trước ở số nguyên, dấu chấm ở số lẻ.
Các dấu câu gồm dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu hai chấm (:), dấu ba chấm (...), dấu chấm phẩy (;), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) đều có đặc điểm viết liền, kế tiếp từ phía trước, có khoảng cách với từ tiếp theo; nhóm dấu ngoặc đơn (), ngoặc vuông ([]), ngoặc kép (“”) được viết liền với các từ được bao bọc; dấu gạch ngang (-) viết cách các từ, dấu gạch nối (-), dấu gạch chéo (/) viết liền các từ.Ngoài ra, còn có quy định về viết và in đậm, ví dụ: in đậm, in nghiêng, ví dụ: in nghiêng, với mục đích nhấn mạnh, tập trung từ ngữ nội dung đặc biệt. Sử dụng tùy trường hợp, không hoàn toàn bắt buộc đối với phong cách này.
Quy tắc dấu thanh phổ thông: tính đến năm 2020, quy tắc dấu thanh chính tả được giảng dạy phổ thông đó là dấu thanh được đặt trên chữ cái âm chính, thống nhất trong các từ có một nguyên âm. Ví dụ như từ ví, từ dụ, từ thống, từ nhất đều chỉ có một âm chính, đặt dấu thanh ở âm đó. Các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi gồm iê, yê, uô, ươ và âm cuối là p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i thì đặt dấu thanh lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ từ ước, muốn, thiếp, hiểu, người. Với các từ nhiều hơn một âm chính khác, có sự khác nhau giữa quy tắc kiểu cũ và kiểu mới, đang trong giai đoạn quyết định lựa chọn.
Quy tắc viết hoa phổ thông: việc viết hoa bắt buộc trong giáo dục đối với toàn bộ phận của danh từ riêng; đầu câu (sau các dấu chấm, dấu chấm than, dấu chấm hỏi), dẫn lời nói trực tiếp, xuống dòng đoạn mới. Danh từ riêng ví dụ như: Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp, Việt Nam; dẫn lời nói, ví dụ: - Em à!; phiên âm qua âm Hán Việt như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc; phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp, giữ nguyên từ gốc, viết hoa chữ đầu) như Tokyo, Seoul, Dubai. Chính tả phổ thông cũng cho phép các cách viết đặc biệt trong tình huống riêng, ví dụ như viết hoa toàn bộ từ để nhấn mạnh, viết chữ phong cách đặc biệt trong nghệ thuật.
Quy tắc viết từ nước ngoài: là quy tắc được xếp trong hệ thống sách giáo khoa phổ thông về việc viết từ ngữ, tên gọi và thuật ngữ tiếng nước ngoài. Trong phổ thông, trường hợp phiên âm không qua âm Hán Việt tức phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc thì với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết. Ví dụ như Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, Vơ-la-đi-mia I-lích Lê-nin, Mát-xcơ-va, I-ta-li-a, An-giê-ri; trường hợp viết tắt thì viết nguyên dạng viết tắt, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên dạng không viết tắt. Ví dụ: WB (Ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank).
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
Chuẩn chính tả phổ thông là các quy định được thống nhất bắt buộc, đưa vào giảng dạy trong mọi trường học phổ thông cả nước.Chính tả theo trường hợp thuộc về nhóm quy định chưa được áp dụng bắt buộc toàn bộ, trong giai đoạn dần dần đưa vào hệ thống giảng dạy phổ thông, đã mang tính đồng nhất, có quy luật và quy định, có ảnh hưởng lớn. Lớp chính tả này tập trung vào các nhóm từ đa phương hình thức, trường hợp; có hơn một cách viết nhưng đều được chấp nhận; khuyến khích quy luật thông dụng, thích hợp với chính tả phổ thông, điều hướng chuẩn chính tả. Dựa trên nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, bắt đầu từ năm 1980, khởi đầu tham khảo từ Quyết định về Quy định chính tả tiếng Việt năm 1984, có ảnh hưởng cho đến ngày nay.
- Nguyên tắc chung của Quy định chính tả năm 1984:
Đối với những từ tiếng Việt mà hiện nay chuẩn chính tả chưa rõ, nên chọn giải pháp chuẩn hoá theo nguyên tắc chung sau đây: tiêu chí của giải pháp chuẩn hóa cần được cân nhắc cho thích hợp với các trường hợp khác nhau (tùy trường hợp, có thể là tiêu chí về phát âm hay tiêu chí về từ nguyên); khi chuẩn chính tả đã được xác định, phải nghiêm túc tuân theo, tuy việc chuẩn hóa và thống nhất phát âm chưa đặt thành yêu cầu cao nhưng cũng nên dựa vào chuẩn chính tả mà phát âm; ở trường hợp chưa xác định được chuẩn chính tả thì nên chấp nhận biến thể.
Đối với tên riêng chưa không phải tiếng Việt thì nguyên tắc chung là: về chính tả, cần tôn trọng nguyên hình theo chữ viết Latin hay chuyển tự Latin trong nguyên ngữ; về phát âm, phải hướng dẫn để dần dần có được cách phát âm thích hợp, thống nhất.
Mẫu chữ viết thảo (đưa vào giảng dạy nhưng không ảnh hưởng bắt buộc) để viết chữ Quốc ngữ theo Quyết định số 31/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Quy định đối với trường hợp cụ thể chia làm ba phần: thứ nhất về từ tiếng Việt chưa có trong chuẩn chính tả; thứ hai về tên riêng không phải tiếng Việt và thứ ba về tên riêng tiếng Việt. Đối với phần thứ nhất và thứ hai, có hiệu lực cho đến ngày nay, riêng phần thứ ba không có hiệu lực, chịu thay đổi bởi quy định mới ở chính tả văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ nhất, về những từ tiếng Việt mà chuẩn chính tả chưa rõ, khuyến khích dùng tiêu chí thích hợp, có thể chấp nhận cả các cách viết khác nhau về một nghĩa nhưng phổ biến. Cụ thể là: dùng tiêu chí thói quen phát âm của đa số người trong xã hội, mặc dù thói quen này khác với từ nguyên (gốc Việt hay gốc Hán). Ví dụ: chỏng gọng được đồng ý sử dụng (tuy rằng đúng là chổng gọng theo từ nguyên), chổng dùng trong nhiều cụm như chổng lên, ngã chổng cả bốn chân; đại bàng là từ phổ biến (tuy rằng đúng là đại bằng theo từ nguyên), bằng dùng trong rất nhiều cụm từ như công bằng, bằng nhau, hay từ trong câu như em bằng vào đâu mà nói thế?. Dùng tiêu chí từ nguyên khi thói quen phát âm chưa làm rõ một hình thức ngữ âm ổn định. Ví dụ: trí mạng (tuy cũng có gặp hình thức phát âm chí mạng), nay hai cụm từ đều được chấp nhận vì độ phổ biến. Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất, thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức. Ví dụ: eo sèo và eo xèo, sứ mạng và sứ mệnh, mạng dùng duy nhất trong các cụm như mạng lưới, mạng nhện,mệnh dùng duy nhất trong các cụm như bạc mệnh, vận mệnh.
Thứ hai, về tên riêng không phải tiếng Việt, nguyên tắc tôn trọng nguyên ngữ từ vựng, hướng về chữ cái Latin, đồng ý các từ ngữ phổ biến trên thế giới và trong nước, cho phép các trường hợp đặc biệt hoạt động. Cụ thể là: nếu chữ viết của nguyên ngữ dùng chữ cái Latinh thì giữ đúng nguyên hình trên chữ viết của nguyên ngữ; kể cả các chữ cái f, j, w, z như trong nguyên ngữ; dấu phụ ở một số chữ cái trong nguyên ngữ có thể lược bớt. Ví dụ: Shakespeare, Paris, Wroclaw (có thể lược dấu phụ ở chữ cái), Petõfi (có thể lược dấu phụ ở chữ cái õ).Nếu chữ viết của nguyên ngữ thuộc một hệ thống chữ cái khác thì dùng lối chuyển tự chính thức sang chữ cái Latinh. Ví dụ: Lomonosov, Moskva, Abdel.Nếu chữ viết của nguyên ngữ không phải là chữ viết ghi từng âm bằng chữ cái thì dùng lối phiên âm chính thức bằng chữ cái Latinh (thường là cách phiên âm đã có tính chất phổ biến trên thế giới). Ví dụ: Ōsaka.Tôn trọng các chữ cái Latinh, tiếng Anh hay ngôn ngữ thế giới khác trong trường hợp viết, ví dụ như Festival Hoa Đà Lạt, Festival Huế.
Đối với trường hợp tên riêng mà trong thực tiễn sử dụng rộng rãi trên thế giới đã quen dùng một hình thức viết bằng chữ cái Latinh khác với nguyên ngữ (thường đó là tên một số nước, thành phố) thì dùng hình thức tên riêng phổ biến đó. Ví dụ: Hungary (tuy trong nguyên ngữ là Magyarorszag), Bangkok (tuy trong nguyên ngữ là Krung Thep hoặc Krung Rattanakosin).
Đối với trường hợp những sông, núi thuộc nhiều nước (và do đó có những tên riêng khác nhau) thì dùng hình thức tương đối phổ biến trên thế giới và trong nước; tuy vậy trong những văn bản nhất định, do yêu cầu riêng, có thể dùng hình thức dựa theo ngôn ngữ của địa phương. Ví dụ: sông Danube (có thể dùng Donau theo tiếng Đức, Duna theo tiếng Hungary, Dunares theo tiếng Rumania).
Đối với những tên riêng hay bộ phận của tên riêng (thường là địa danh) mà có nghĩa thì dùng lối dịch nghĩa phù hợp với chủ trương chung có thể nhận thấy qua các ngôn ngữ trên thế giới. Ví dụ: Biển Đen, Guinea xích đạo. Những tên riêng đã có hình thức phiên âm quen thuộc trong tiếng Việt thì không cần thay đổi, trừ một số trường hợp đặc biệt có yêu cầu riêng thì phải thay đổi. Ví dụ: Pháp, Hy Lạp, Bắc Kinh, Lỗ Tấn; chấp nhận dùng cả Italia và Ý, Australia và Úc. Chấp nhận sự tồn tại những hình thức khác nhau của một số tên riêng trong những phạm vi sử dụng khác nhau. Ví dụ: La Mã (thành phố La Mã, đế quốc La Mã, chữ số La Mã), Roma (thủ đô Italia ngày nay).
Giai đoạn 2010 - 2020, chính tả theo trường hợp, nhất là đối với sử dụng tiếng nước ngoài được các cơ quan tổ chức và Bộ Giáo dục đã tổ chúc hội thảo để đề xuất thống nhất cách viết, dựa theo đánh giá, nghiên cứu và tính thông dụng, có thể kể tới ý kiến như: dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc một tên gọi phù hợp với ngữ cảnh đối với tên riêng liên quan đến nhiều nước; viết nguyên dạng tiếng nước ngoài với thuật ngữ có tính hệ thống, có khả năng tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến ký hiệu, công thức thông dụng; viết nguyên dạng nếu tên nước ngoài là tên viết bằng chữ Latinh, chuyển tự sang chữ Latinh nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latinh hoặc viết như cách viết trong tiếng Anh nếu không chuyển tự được.
Ngoài ra, còn có những khuyến khích áp dụng vào chính tả. Trường hợp viết i/y đều đúng trong trường hợp có âm tiết mở (khuyến khích viết i: châu Mĩ/châu Mỹ, địa lí/địa lý, bác sĩ/bác sỹ).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
Nhóm chính tả theo trường hợp căn cứ từ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, bao gồm quyết định, thông tư của cơ quan Đảng, Nhà nước về vấn đề chính tả, kỹ thuật soạn thảo văn bản đóng vai trò quan trọng, mang tính ảnh hưởng quyết định tới xu hướng chuẩn hóa chính tả tiếng Việt. Chính tả văn bản quy phạm pháp luật được đặt ra nhằm quy định hình thức soạn thảo với tổ chức thuộc Đảng và Nhà nước một cách thống nhất trong nội dung các vấn đề thuộc chức năng, quyền lực, công tác của các đơn vị. Mặc dù không đề cập đến việc bắt buộc mọi tổ chức trong mọi nội dung (chỉ quy định trực tiếp áp dụng cho cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp), nhưng lớp chính tả này mang tính khoa học, chuẩn quy, và tác động toàn diện, do đó có những phần chính tả được áp dụng cho cả nước, như là một bộ phận tuân thủ bước tiếp theo của chính tả phổ thông.
Chính tả văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu ở phần viết hoa, bởi các phần khác đều áp dụng tuân thủ chính tả phổ thông và chính tả theo trường hợp. Nhóm này có thay đổi theo từng giai đoạn, cụ thể như Nghị định số 110/2004/NĐ-CP, Thông tư số 01/2011/TT-BNV, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP. Chuẩn hóa chính tả tiếng Việt theo dõi sự khác nhau, tuân thủ văn bản hiện hành là Nghị định về Công tác văn thư 2020 của Chính phủ, bản ghi các bộ luật, đặc biệt lấy chuẩn soạn thảo từ Hiến pháp nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Một số quy định về kỹ thuật soạn thảo liên quan đến chính tả: văn bản hành chính bắt buộc sử dụng khổ giấy A4 (210 mm x 297 mm), định lề trang cách mép trên và mép dưới 20 - 25 mm, cách mép trái 30 - 35 mm, cách mép phải 15 - 20 mm; phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen. Dùng chữ số Ả Rập, ghi số từ 01 đến 31 về ngày, 01 đến 12 về tháng hàng năm, nghĩa là định hướng viết đủ bộ ngày tháng (ví dụ: 21/08/2020 đủ hơn 21/8/2020).
Về quy định về viết hoa: sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng, tức không viết hoa sau dấu hai chấm (:), dấu ba chấm (...), dấu chấm phẩy (;). Viết hoa tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử, chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Cụ Hồ.
Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính trong trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử. Ví dụ: Quận 1 (viết hoa chữ Q), Phường Quang Trung (viết hoa chữ P); viết hoa trường hợp Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tên cơ quan, tổ chức, viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương; trường hợp đặc biệt như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng; viết hoa tổ chức thế giới theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam, như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong những trường hợp khác: viết hoa danh từ đặc biệt gồm Nhà nước và Nhân dân. Viết hoa tên chức vụ, học vị, danh hiệu đi liền với tên người cụ thể. Ví dụ: Giáo sư Tôn Thất Tùng. Ở đây, các chức vụ thuộc tổ chức lãnh đạo Việt Nam đều được viết hoa, thể hiện trong ví dụ như: Chủ tịch Quốc hội (viết hoa từ Chủ), Thủ tướng Chính phủ (viết hoa từ Thủ);trong hệ thống các các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính khác mà đặc biệt là Hiến pháp năm 2013, ví dụ: "Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ", hoặc "... Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao". Với nguyên tắc viết hoa từ ngữ có nội dung đặc biệt, các chức vụ thuộc tổ chức đều được viết hoa dù không đi cùng tên người, ví dụ: "theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ".
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam);viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm. Ví dụ: ngày Quốc khánh, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động, ngày Phụ nữ Việt Nam; viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội; viết hoa chữ cái đầu của chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều khi viện dẫn chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể. Ví dụ: căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 103, Mục 5, Chương XII, Phần I, của Bộ luật Hình sự; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, viết hoa chữ Tết trong trường hợp thay cho tết Nguyên đán; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số đối với ngày trong tuần và tháng trong năm. Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám; viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó đối với sự kiện lịch sử và các triều đại. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám; viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản.
Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng hôn nhân
Tiếng Việt có quan hệ gần gũi với tiếng Mường, và được xếp vào ngữ chi Việt, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer trong ngữ hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Nhóm ngôn ngữ Việt Mường ở thời kỳ khoảng đầu công nguyên là những ngôn ngữ hay phương ngữ không thanh điệu.
Về sau, qua quá trình giao thoa với Hoa ngữ, nhất là với các ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai vốn có hệ thống thanh điệu phát triển cao, hệ thống thanh điệu trong tiếng Việt xuất hiện và có diện mạo như ngày nay, theo quy luật hình thành thanh điệu. Sự xuất hiện các thanh điệu, bắt đầu khoảng thế kỷ VI thời Bắc thuộc với ba (03) thanh điệu và tăng thành sáu (06) thanh điệu vào khoảng thế kỷ XII thời Nhà Lý. Thanh điệu trở thành một trong các nội dung ảnh hưởng chính tả.
Trong thời Bắc thuộc, tiếng Việt chịu nhiều ảnh hưởng bởi tiếng Trung Quốc, chủ yếu là chữ Hán phồn thể. Trong Bắc thuộc thứ nhất (218 hoặc 179 hoặc 111 TCN - 40) thuộc Nhà Triệu, Nhà Hán, nước Việt chịu thống trị như một vùng lệ thuộc. Hai Bà Trưng giành độc lập (40 - 43), thua trận trước Phục Ba tướng quân Mã Viện của Lưu Tú, chuyển sang Bắc thuộc thứ hai (43 - 541). Thời kỳ này, Thái thú Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ (187 - 226), truyền bá chữ Hán và đạo Khổng một cách có hệ thống, giai đoạn từ Hán cổ.Sang Bắc thuộc thứ ba (602 - 905) giai đoạn Triều Đường, từ vựng tiếng Hán trung cổ ảnh hưởng tới tiếng Việt là trong giai đoạn này gọi là từ Hán Việt. Về mặt ngôn ngữ, người Việt vẫn nói tiếng Việt và vay mượn số lượng lớn từ ngữ lĩnh vực triết học, chính trị và kỹ thuật. Giai đoạn này, sử dụng chữ Hán đồng thời áp dụng chính tả kiểu Hán, chỉ có trong tầng lớp quý tộc và quan chức.
Kết thúc Bắc thuộc thứ ba, nước Việt tự chủ, tách khỏi văn hóa Trung Hoa, chữ Nôm ra đời thời Nhà Lý, Nhà Trần để đáp ứng hệ suy nghĩ, đời sống người Việt.
Chữ Nôm xây dựng tương tự chữ Hán để ghi chép tiếng Việt, phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Đến thế kỷ XVIII - XIX, chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át địa vị chữ Hán.
Những tác phẩm chữ Nôm này rất đa dạng với nguồn từ Hàn luật (thơ Nôm theo luật Đường), đến văn tế, truyện thơ lục bát, song thất lục bát, phú, hát nói, tuồng, chèo. Có thể kể đến các tác phẩm như Lời hiểu dụ tướng sĩ bằng chữ Nôm,khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm; Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (Lê Thánh Tông), Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm) dạng thơ Hàn luật bát cú hoặc tứ tuyệt; Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) dạng lục bát, song thất lục bát chữ Nôm. Chữ Nôm ghi âm tiếng Việt, thể hiện chữ viết theo cách nói, thay đổi ngữ pháp viết tiếng Việt, tiền đề chính tả theo tiếng nói.
Xem thêm: Mẫu hợp đồng hôn nhân chi tiết
Vào thế kỷ XVII, trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, với sự giao lưu với phương Tây, chữ Quốc ngữ (chữ Latin) được hình thành bởi các tu sĩ Dòng Tên trong quá trình truyền đạo Công giáo tại Việt Nam dưới quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha. Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt, ông đã bắt đầu xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh.
Cuối thế kỷ XVIII, tại Đàng Trong diễn ra cuộc chỉnh lý khiến chữ Quốc ngữ hầu như giống với ngày nay.Các giáo hữu Đàng Trong đã biên soạn Từ điển chữ Quốc ngữ, dưới sự điều phối của Giám mục Pierre Pigneau de Behaine. Căn cứ vào bản thảo này, giáo sĩ Jean-Louis Taberd đã biên tập và cho xuất bản năm 1838. Năm 1865, Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ ra đời.
Thời Pháp thuộc này, giáo dục ngôn ngữ cho người Việt bao gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, dần dần thiên về chữ Quốc ngữ vì đồng văn tự với tiếng Pháp.
Ngày 22/02/1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký quyết định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong các công văn ở Nam Kỳ.
Ngày 06/04/1878, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký quyết định thời gian trong bốn năm (đến năm 1882) phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ. Phần chính tả chữ Quốc ngữ chủ yếu về cách viết chữ, sử dụng ký tự tuân theo nguyên tắc chính tả tiếng Pháp và chính tả tiếng Bồ Đào Nha, thể thức phương Tây trở nên phổ biến nhiều khu vực trên thế giới cùng chiều hướng xâm lược của thực dân phương Tây. Đồng thời, lượng từ vựng được tăng lên gồm phiên âm của ngôn ngữ phương Tây, chủ yếu là từ tiếng Pháp, thường được sử dụng bởi tầng lớp thị dân không thông thạo chữ Hán; chuyển phiên âm phương Tây sang từ Hán Việt, cả hai trở thành vốn từ mượn mới. Chính tả về âm tiết chưa được thống nhất.
Nửa đầu thế kỷ XX, với các sự kiện như bỏ khoa cử, thành lập hệ thống dạy học ngôn ngữ, chữ Quốc ngữ dần trở thành văn tự chính phổ biến toàn quốc, được mở rộng phổ biến cùng hoàn thiện nội dung. Có thể kể đến các tổ chức như Đông Kinh Nghĩa Thục, Tự Lực văn đoàn, Hội Trí Tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ hoạt động có ảnh hưởng tới ngôn ngữ, riêng Hội Truyền bá giúp cho 70.000 người biết chữ tính đến năm 1945. Chính tả tiếng Việt thời kỳ này có sự khác biệt về cách viết ghi âm, cách dùng ký tự so với bây giờ, ví dụ như tác phẩm Dường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, dùng dấu gạch nối trong nhiều từ ghép như tự-do, Việt-Nam, Chính-Phủ.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở Bình dân học vụ chống nạn mù chữ, lấy chữ Quốc ngữ làm văn tự chung. Kế tiếp trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, nước Việt chia làm hai, miền Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng hòa có sự khác nhau về chính tả trong cả phát âm, cách viết ghi âm và ký tự.
Việt Nam thống nhất năm 1975, thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1976. Công tác chuẩn hóa chính tả bắt đầu được tiến hành để hợp nhất sự khác biệt giữa hai miền.
Ngày 30/11/1980, Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội đã ban hành một số quy định về chính tả tiếng Việt.
Ngày 01/07/1983, Hội đồng Chuẩn hóa chính tả và Hội đồng Chuẩn hóa thuật ngữ đã ban hành quyết nghị về chính tả cùng thuật ngữ tiếng Việt, tập trung tái khẳng định quy định năm 1980, thêm chi tiết, điều chỉnh lại những quy định đó.
Năm 1984, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt được ban hành và là quy phạm pháp luật đầu tiên về chính tả tiếng Việt.
Trong thời hiện đại, các vấn đề tranh cãi thuộc chính tả tiếng Việt đều đang tồn tại, nhiều đề tài nghiên cứu chính tả. Trong các Từ điển chính tả tiếng Việt được xuất bản, từ điển năm 2020 của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phải thu hồi do "thấy quan điểm của tác giả trong một số mục từ chưa phù hợp với chính tả hiện hành". Sự khác nhau những vấn đề về chữ viết, ký tự, và cả cách viết hoa vẫn còn trong nhiều bản viết. Mục tiêu chuẩn hóa chính tả tiếng Việt, hợp nhất chữ viết và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam đang được đặt ra.
Ngày 19/01/2011, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BNV: Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Ngày 05/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Hai (02) văn bản quy phạm pháp luật này điều chỉnh soạn thảo chính tả văn bản, mang tính ảnh hưởng quyết định đối với chính tả tiếng Việt. Hiện nay, đang tuân thủ Nghị định số 30/2020/NĐ-CP.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu của Công ty Luật TNHH Everest
Phạm Nhật Thăng - Điều phối viên Marketing online của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm