Chủ thể và căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt

05/03/2023
Quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt là quan hệ hình thành giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bên kia là chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế, phát sinh trong quá trình các chủ thể này thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước.

1- Chủ thể quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt là quan hệ hình thành giữa một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bên kia là chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế, phát sinh trong quá trình các chủ thể này thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước. Các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt vì vậy có thể được phân thành hai nhóm: chủ thể quyền lực và chủ thể mang nghĩa vụ.

1.1- Cơ quan nhà nước: chủ thể quyền lực tham gia vào quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực thu thuế, xem xét và quyết định miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt gồm Bộ tài chính, Tổng cục thuế và các cơ quan thu.

Bộ tài chính và Tổng cục thuế chủ yếu chỉ tham gia vào quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt với tư cách chủ thể quyền lực, tiến hành xem xét và quyết định các trường hợp miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho đối tượng nộp thuế khi nhận được hồ sơ xin miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của đối tượng này do cơ quan thu gửi tới.

Cơ quan thu gồm cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính, chủ yếu tham gia vào các quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt với tư cách chủ thể quyền lực, có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thu nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng các chế tài khi cần thiết nhằm tăng cường kỉ luật tài chính trong lĩnh vực thu nộp thuế. Cơ quan hải quan chủ yếu tham gia vào các quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó, đối tượng nộp thuế là tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

1.2- Chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Điều 4 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hoá hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu dùng trong nước, thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phạm vi chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, vì vậy, hoàn toàn phụ thuộc vào phạm vi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: thuốc lá điếu; xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá (dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm); rượu; bia; ô tô dưới 24 chỗ (kể cả ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có vách ngăn cố định giữa khoang chở người và chở hàng); xe mô tô hai và ba bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3; tàu bay; du thuyền; xăng các loại, nap-ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm pha chế xăng; điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã; hàng mã. Các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: kinh doanh vũ trường; mát-xa; ka-ra-ô-kê; kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược; kinh doanh golf và kinh doanh xổ số. Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 đã loại bỏ nap-ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm pha chế xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời đưa thêm một số mặt hàng vào nhóm đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Như vậy, bất kể chủ thể nào có sản xuất hoặc nhập khẩu các mặt hàng hoặc kinh doanh các dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đều có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

So với quy định cũ, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã đưa thêm một số hàng hoá và dịch vụ vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo sắc thuế này bao quát được việc tiêu dùng hầu hết các sản phẩm và dịch vụ cần điều tiết mạnh vào ngân sách nhà nước. Các mặt hàng mới chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: xe mô tô hai và ba bánh có dung tích xi- lanh trên 125 cm3; xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng và ô tô chạy bằng điện, bằng năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học; tàu bay; du thuyền và các chế phẩm khác từ thuốc lá. Dịch vụ mới được đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: trò chơi điện tử có thưởng bằng máy slot và các loại máy tương tự.

Sở dĩ các nhà làm luật đưa thêm một số phương tiện giao thông vào danh mục hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm định hướng tiêu dùng; khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm; bảo vệ môi trường và điều tiết lại một phần thu nhập của những người có thu nhập cao trong xã hội. Ví dụ những mặt hàng như xe mô tô có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 (thường là xe tay ga, có giá trị lớn), tàu bay và du thuyền đều là những mặt hàng cao cấp, do các đối tượng có thu nhập cao và rất cao trong xã hội sử dụng.

Ngoài các phương tiện giao thông nói trên, các nhà làm luật còn bổ sung thêm một vài mặt hàng và dịch vụ vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Lí do là những năm trước đó, trong thực tiễn, các mặt hàng tương tự hoặc cùng loại với mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (như các chế phẩm từ cây thuốc lá khác với thuốc lá điếu và xì-gà; và dịch vụ vui chơi có thưởng trên các loại máy điện tử khác với máy jackpot) đã được đưa vào lưu thông nhưng vẫn chưa được bao quát trong đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực tế này đã dẫn đến những bất hợp lí trong thi hành pháp luật và những khó khăn trong việc thuyết phục xã hội tin vào tính công bằng của chính sách thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng. Ví dụ: Khó có thể lí giải tại sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào thuốc lá điếu, xì-gà nhưng lại bỏ qua thuốc lá dùng để hút, hit, nhai, ngửi, ngậm; hoặc tại sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào hoạt động kinh doanh trò chơi bằng mày jackpot trong khi đó kinh doanh trò chơi bằng máy slot và các loại máy tương tự lại không phải chịu loại thuế này... Những bất hợp lí nói trên trong chế độ thuế tiêu thụ đặc biệt cũ đã được khắc phục trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008.

Như vậy, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã được mở rộng hơn theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 so với quy định trước đó, vì vậy chủ thể nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật năm 2008 cũng đa dạng hơn trước.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 đã phần nào thu hẹp đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong Luật năm 2008 bằng việc sửa đổi khoản 1 Điều 2 Luật năm 2008 theo hướng loại bỏ một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế, đồng thời sửa đổi khoản 3 Điều 3 Luật năm 2008 theo hướng mở rộng đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đã nói ở trên. Vì vậy, có thể thấy, phạm vi chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 01/01/2016 sẽ ít nhiều bị thu hẹp lại, tuy nhiên đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay vẫn phong phú hơn nhiều so với đối tượng chịu loại thuế này trước khi có Luật năm 2008.

2- Căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt là các sự kiện pháp lý xảy ra trong thực tiễn được dữ liệu cụ thể trong các quy phạm pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Để tìm hiểu về các căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt, cần xem xét những quy định pháp luật xác định nghĩa vụ của các chủ thể thuộc diện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước ngay từ khâu đăng ký thuế của chủ thể nộp thuế.

Đăng kí thuế là hành vi bắt buộc đối với chủ thể nộp thuế tại cơ quan thuế sau khi được cấp giấy chứng nhận đáng tí kinh doanh hoặc khi bắt đầu hoạt động kinh doanh (đối với chủ thể không thuộc diện đăng ký kinh doanh). Điều 21 Luật quản lí thuế quy định: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh... đều thuộc diện phải đăng ký thuế. Điều 22 Luật quản lí thuế quy định: Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư) hoặc từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc đối với cá nhân và hộ gia đình...

Như vậy, hành vi đăng ký thuế được tiến hành ngay sau khi cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, bất kể cơ sở kinh doanh đã hay chưa thực tế tiến hành sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, ngay từ khi cơ sở sản xuất hàng hoá, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đăng ký thuế với cơ quan thuế, quan hệ pháp luật thuế đã hình thành giữa chủ thể quyền lực và chủ thể có nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc đăng ký thuế của cơ sở sản xuất hàng hoá, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay của bất cứ cơ sở kinh doanh nào, có thể coi là sự thừa nhận của các chủ thể này về các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước mà mình sẽ phải gánh chịu khi bước vào kinh doanh. Nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thực sự phát sinh khi chủ thể đăng ký thuế đã thực tế sản xuất ra hàng hoá thuộc diện chịu thuế và tiêu thụ hàng hoá đó, hoặc cung ứng dịch vụ chịu thuế, hoặc thực tế nhập khẩu hàng hoá chịu thuế. Khi nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nảy sinh, cũng là lúc quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt hình thành giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ sở sản xuất hàng hoá, kinh doanh dịch vụ hoặc nhập khẩu hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mặc dù khi xác định căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt, người ta thường đề cập tới hai hành vi: (1) đăng kí thuế và (2) sản xuất, tiêu thụ hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ hoặc nhập khẩu hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, hành vi thứ nhất không nhất thiết là điều kiện cần để làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trên thực tế, có những trường hợp, quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt còn phát sinh ngay cả khi người nộp thuế không đăng kí thuế nhưng có hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tình huống này thường xảy ra đối với những cơ sở sản xuất và tiêu thụ lậu những mặt hàng như vàng mã, hàng mã hoặc đối với những chủ thể nhập lậu các mặt hàng chịu thuế, thường tập trung vào một vài mặt hàng như thuốc lá, ô tô, rượu, bia... Trong những trường hợp này, dù cơ sở sản xuất và nhập khẩu không đăng kí thuế, cơ quan quản lí thuế vẫn có quyền buộc các chủ thể này nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho số hàng hoá chịu thuế sản xuất ra đã tiêu thụ lậu hoặc nhập khẩu lậu.

Như vậy, sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt là hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng hoá chịu thuế, cung ứng dịch vụ chịu thuế, hoặc nhập khẩu mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

0 bình luận, đánh giá về Chủ thể và căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.29066 sec| 978.945 kb