Đặc điểm cơ bản của vụ án về các tội phạm xâm phạm sở hữu

"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ"

- John Adams (Mỹ)

Đặc điểm cơ bản của vụ án về các tội phạm xâm phạm sở hữu

Có thể thấy, xâm phạm quyền sở hữu là hành vi dễ dàng được bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày, tội xâm phạm quyền sở hữu cũng là tội chiếm tỷ lệ lớn ở nước ta. Các vụ án về tội xâm phạm quyền sở hữu có nhiều cách thức khác nhau, nhiều mục đích khác nhau và đa dạng về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh những đặc điểm riêng biệt của từng vụ án, các vụ án về tội xâm phạm quyền sở hữu đều có những đặc điểm cơ bản, chung nhất định. 

Liên hệ

Hàng năm, trong tổng số các tội phạm được thực hiện và đưa ra xét xử ở nước ta, các tội xâm phạm sở hữu chiếm một tỷ lệ lớn. Nếu như có một số loại tội phạm xảy ra tập trung ở một số địa bàn, một số ngành, lĩnh vực thì có thể nói, các tội xâm phạm sở hữu xảy ra ở bất kỳ nơi đâu trên phạm vi cả nước. Cũng như các chương khác quy định về tội phạm trong BLHS, các tội xâm phạm sở hữu có những đặc điểm riêng. Các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XVI của BLHS năm 2015 từ Điều 168 đến Điều 180 bao gồm 13 tội danh và được chia ra làm 2 nhóm:

- Các tội có tính chiếm đoạt;

- Các tội không có tính chiếm đoạt.

Hiểu một cách chung nhất, các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu về tài sản của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và sự gây thiệt hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Những đặc trưng của các tội xâm phạm sở hữu thể hiện qua 4 yếu tố của tội phạm:

1- Khách thể của tội phạm

Người phạm tội xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc của Nhà nước. Quan hệ sở hữu về tài sản phản ánh quyền sở hữu về tài sản của chủ sở hữu thể hiện thông qua ba quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Hành vi phạm tội xâm phạm khách thể, có thể xâm phạm cả ba quyền năng trên hoặc có thể chỉ xâm phạm quyền sử dụng (tội sử dụng trái phép tài sản - Điều 177 BLHS năm 2015).

Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản thể hiện dưới các dạng cụ thể đó là: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền về tài sản (thể hiện qua giấy tờ ghi nhận quyền về tài sản). Tuy nhiên, có một số loại tài sản mà khi tội phạm tác động đến không thuộc sự điều chỉnh của Chương. Các tội xâm phạm sở hữu như: ma tuý, vũ khí quân dụng, công trình quan trọng về an ninh quốc gia... Nói chung, tài sản là đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu phải là những tài sản có chủ (chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, việc quản lý có thể là đang thực hiện trên thực tế nhưng cũng có thể là tạm thời đang không thực hiện quyền quản lý nhưng có quyền quản lý hợp pháp).

BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi xác định tài sản là đối tượng tác động của tội phạm xâm phạm sở hữu. Dấu hiệu định tội “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” được bổ sung trong trường hợp tài sản bị xâm phạm dưới mức định lượng để truy cứu TNHS đối với một số tội phạm có cấu thành vật chất gồm: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178). Dấu hiệu định tội “Tài sản là di vật, cổ vật" được bổ sung trong trường hợp tài sản bị xâm phạm dưới mức định lượng để truy cứu TNHS đối với một số tội phạm có cấu thành vật chất gồm: tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178). Có thể khẳng định, việc bổ sung các dấu hiệu định tội nêu trên hoàn toàn phù hợp với bản chất của hành vi phạm tội, nhất là khi đối tượng tác động của tội phạm là các loại tài sản có giá trị đặc biệt về mặt vật chất, là phương tiện kiếm sống chính của bản thân người bị hại và gia đinh họ hoặc là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

BLHS năm 2015 cũng mở rộng đối tượng tác động của tội phạm là tài sản của “Nhà nước” thành tài sản của “Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” tại Điều 179, điều này đồng nghĩa với việc nhà làm luật đã mở rộng phạm vi xử lý hình sự gắn với mọi thành phần kinh tế chứ không phải chỉ kinh tế nhà nước. Quy định này nhằm cụ thể hóa tinh thần bảo hộ quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế của Đảng và Nhà nước cũng như quy định tại Điều 51 của Hiến pháp năm 2013. Việc quy định mở rộng phạm vi xử lý hình sự của Điều 179 BLHS năm 2015 tất yếu dẫn đến chủ thể của tội phạm này cùng thay đổi, cụ thể: chủ thể của tội phạm này ngoài hai dấu hiệu có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS, người phạm tội còn phải thêm dấu hiệu có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 bổ sung dấu hiệu định tội “Hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” trong CTTP lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175). Thực tế quy định này chính là việc mở rộng phạm vi xử lý hình sự (tội phạm hóa) đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc bổ sung dấu hiệu định tội nêu trên trong BLHS năm 2015 xuất phát từ thực tế có nhiều trường hợp người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng đến thời hạn trả lại tài sản thì cam kết nhận nợ, cố tình không trả lại tài sản. Đối với trường hợp này theo quy định của BLHS năm 1999 thì không bị coi là tội phạm mà chỉ là quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, khi quy định như vậy, vấn đề đặt ra cần phải làm rõ ranh giới giữa tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

2- Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi phạm tội ở chương này được pháp luật quy định rất đa dạng, phong phú. Nó có thể là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt, có thể là hành vi chiếm đoạt băng các thủ đoạn khác, các hành vi huỷ hoại, làm hư hỏng, sử dụng trái phép, vô ý gây thiệt hại... Tuy nhiên, điển hình nhất trong các loại hành vi xâm phạm sở hữu đó là hành vi chiếm đoạt.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc được quy định trong hầu hết các CTTP. Nhà làm luật quy định điều kiện xử lý về hình sự (từ Điều 172 đến Điều 180). Phương pháp, thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, phong phú.

3- Chủ thể của tội phạm

Đại đa số các tội phạm được thực hiện bởi chủ thể thường (có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định). Riêng Điều 179 (tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), nhà làm luật đòi hỏi chủ thể là người có trách nhiệm trong việc quản lý tài sản của Nhà nước.

BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi truy cứu TNHS đối với các tội xâm phạm sở hữu của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều thuộc Chương XVI. BLHS năm 2015 cũng quy định đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội xâm phạm sở hữu, người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu TNHS khi chuẩn bị phạm tội cướp tài sản (Điều 168) hoặc chuẩn bị phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Đặc biệt, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội cướp tài sản (Điều 168) mới phải chịu TNHS.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý hình sự

4- Mặt chủ quan của tội phạm

Về hình phạt: BLHS năm 2015 mở rộng việc áp dụng hình phạt không tước tự do, giảm mức hình phạt cao nhất của một số tội bằng cách bỏ hình phạt tử hình, tù chung thân. Việc áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền đối với một số tội phạm xâm phạm sở hữu vừa đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp về giảm việc áp dụng hình phạt tù, nhưng vẫn đảm bảo được tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật. Quy định hình phạt tiền là hình phạt chính trong các tội xâm phạm sở hữu tạo điều kiện để Tòa án có thể dễ dàng lựa chọn các hình phạt khác nhau trong đó có hình phạt tiền để cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu nhưng vẫn đảm bảo mục đích của hình phạt. Bởi lẽ, trong thực tế nhiều trường hợp người phạm tội xâm phạm sở hữu như trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... họ hoàn toàn có khả năng thực hiện hình phạt tiền là hình phạt chính. Bên cạnh đó. mục tiêu của những người phạm tội xâm phạm sở hữu chủ yếu là chiếm đoạt tài sản thì việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với họ sẽ đảm bảo tính răn đe, giáo dục của hình phạt, hơn nữa mục đích của hình phạt vẫn đạt được.

BLHS năm 2015 có một số khung hình phạt chỉ quy định các hình phạt không tước tự do của người phạm tội. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 179 BLHS năm 2015 (tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), khoản 1 Điều 180 BLHS năm 2015 (tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản) đều không quy định hình phạt tù có thời hạn mà chỉ quy định chế tài lựa chọn với các hình phạt chính không tước quyền tự do. Với quy định nêu trên, chúng tôi cho rằng nhà làm luật mong muốn hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng hình phạt tù trên thực tế.

BLHS năm 2015 đã giảm mức hình phạt cao nhất của một số tội bằng cách bỏ hình phạt tử hình, tù chung thân, giảm hình phạt. Cụ thể, bỏ hình phạt tử hình ở tội cướp tài sản (Điều 168); Bỏ hình phạt chung thân ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); Giảm mức hình phạt cao nhất của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là tù có thời hạn từ 03 năm xuống còn 02 năm. Các quy định nêu trên thể hiện xu hướng xử lý khoan hồng của nhà nước đối với các tội xâm phạm sở hữu, qua quy định về giảm mức hình phạt cùng như các quy định khác đã nêu. Từ đặc điểm pháp lý nêu trên của nhóm tội xâm phạm sở hữu, có thể xác định một số đặc điểm của vụ án xâm phạm sở hữu như sau:

- Người phạm tội trong các vụ án xâm phạm sở hữu rất đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn đến thành phần dân tộc. Trong những năm gần đây, tội phạm liên quan đến sở hữu ngày càng tăng và nhóm người có hiểu biết, trình độ văn hóa cao phạm tội ngày càng nhiều, đặc biệt liên quan đến các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản của người khác...

- Xã hội càng phát triển, phương thức và thủ đoạn chiếm đoạt tài sản càng tinh vi, nhiều hành vi chiếm đoạt mới xuất hiện như thông qua hoạt động bán hàng đa cấp, qua giao dịch trên mạng, qua các hoạt động giao dịch hợp đồng...

- Việc hình sự hóa các quan hệ dân sự cùng hay gặp trong nhóm tội này, đặc biệt khi liên quan đến các hoạt động vay mượn, hoạt động bảo lãnh thế chấp...

- Việc xác định thiệt hại, tài sản bị chiếm đoạt trong một số trường hợp khó xác định, định giá, đặc biệt liên quan đến các tài sản vô hình...

Nguồn tổng hợp từ Giáo trình "Kỹ năng Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự" của Học viện Tư pháp và các nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm cơ bản của vụ án về các tội phạm xâm phạm sở hữu

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.69770 sec| 1117.789 kb