Đặc điểm của một số dạng hoạt động điều tra vụ án dân sự

09/04/2023
Đỗ Duy Hoàng
Đỗ Duy Hoàng
Đây quá trình giao tiếp giữa thẩm phán và đương sự, người làm chứng, trong đó thấm phán sử dụng cấc biện pháp tác động tâm lý trong khuôn khổ pháp luật tố tụng dân sự, tác động tới tâm lý đến đương sự, người làm chứng nhằm thu được các thông tin chính xác làm sáng rõ sự thật khách quan của vụ án.

1- Đặc điểm tâm lý của hoạt động lấy lời khai của đương sự, người làm chứng

Tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định các biện pháp mà thẩm phán có thể sử dụng để thu thập chứng cứ, như lấy kời khai của đương sự, người làm chứng, trưng cầu giám định... Tùy theo từng vụ án mà thẩm phán có thể lựa chọn biện pháp điều tra phù hợp để thu thập chứng cứ. Biện pháp thường được các thẩm phán áp dụng hơn cả khi điều tra vụ án là lấy lời khai của đương sự, người làm chứng về những vấn đề cần thiết.

Khi khai báo, các đương sự có những mục đích khác nhau, hoặc do thiếu hiểu biết, do trình độ thấp kém mà họ có thể cung cấp chứng cứ không chính xác, không đầy đủ. Để thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về vụ án, thẩm phán tiến hành lấy lời khai của các chủ thể cần thiết.

Dưới góc độ tâm lý học, hoạt động lấy lời khai có thể được hiểu là quá trình giao tiếp giữa thấm phán và đương sự, người làm chứng, trong đó thấm phán sử dụng cấc biện pháp tác động tâm lý trong khuôn khổ pháp luật tố tụng dân sự, tác động tới tâm lý đến đương sự, người làm chứng nhằm thu được các thông tin chính xác làm sáng rõ sự thật khách quan của vụ án.

Từ cách hiểu trên, hoạt động lấy lời khai trong tố tụng dân sự có những đặc điểm sau:

- Mục đích của hoạt động lấy lời khai là nhằm thu thập thông tin hoặc làm sáng rõ những thông tin cần thiết.

- Giao tiếp trong qua trình lấy lời khai là giao tiếp chính thức. Đây là loại giao tiếp được thiết lập trên cơ sở những căn cứ phù hợp với các quy định của luật tố tụng dân sự, được tuân theo các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự. Tính chất chính thức của giao tiếp sẽ đảm bảo cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và làm tăng cường ý thức pháp luật của họ trong quá trình lấy lời khai.

- Giao tiếp trong quá trình lấy lời khai là giao tiếp có mục đích và có kế hoạch. Trước khi thiết lập giao tiếp với các đương sự, thẩm phán xác định mục đích và vạch ra kế hoạch cụ thể của việc lấy lời khai. Để xác định được mục đích và kế hoạch, thẩm phán cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án với những tài liệu, giấy tờ đã có trong hồ sơ; xem lại những vấn đề còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ trong các tài liệu mà đương sự đã cung cấp cho Toà án, từ đó xác định những vấn đề cần làm sáng tỏ, đề ra những mục đích cụ thể cho quá trình lấy lời khai. Trên cơ sở các mục đích cụ thể, thẩm phán vạch ra kế hoạch lấy lời khai: xác định các vấn đề cần hỏi dưới dạng câu hỏi (cần chú ý tới các câu hỏi nhằm khai thác mặt khách quan của hành vi, mặt chủ quan trong ý thức, thái độ của các đương sự, từ đó xác định mức độ lỗi của các đương sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại), xác định trình tự của các vấn đề cần hỏi, các gợi ý cần thiết để giúp đương sự cung cấp tối đa các thông tin cần thiết, đồng thời xác định các biện pháp tác động tâm lý cần thiết tới các đương sự.

- Giao tiếp trong quá trình lấy lời khai là giao tiếp có điều khiển. Để phát huy được tính tích cực của đương sự khi cung cấp chứng cứ, thẩm phán đóng vai trò điều khiển giao tiếp, ở đây, thẩm phán sẽ đặt ra những câu hỏi để để kích thích tư duy, trí nhớ của đương sự, giúp họ khai báo thông tin được đầy đủ và chính xác. Trong một số trường hợp, do sự hiểu biết pháp luật và trình độ dân trí mà lời trình bày của đương sự có thể không rõ ràng, thẩm phán cần tích cực giúp đỡ bổ sung kiến thức pháp luật để đương sự có thể thực hiện tốt việc cung cấp thông tin. Có thể tùy theo đương sự là người có trình độ văn hóa, có khả năng tư duy hay không mà thẩm phán có thể hướng dẫn để họ tự khai báo hay trực tiếp lấy lời khai của họ. Khi lấy lời khai, thẩm phán phải có thái độ đúng mức, tận tình, công bằng và tôn trọng người khai báo.

 

- Giao tiếp trong quá trình lấy lời khai là giao tiếp hai chiều. Thông thường, thẩm phán lấy lời khai của từng đương sự, do đó thường thường giao tiếp diễn ra giữa hai chủ thể. Trình tự lấy lời khai của đương sự nào trước là do yêu cầu và tính chất của vụ án. Chẳng hạn, nếu các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn tương đối đầy đủ rồi thì có thể lấy lời khai của bị đơn trước. Hoặc nếu tài liệu có trong hồ sơ yêu cầu phải lấy lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan trước thì thẩm phán sẽ tiến hành công việc đó trước. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể triệu tập các đương sự và tiến hành lấy lời khai của bên này với sự có mặt của bên kia. Trong khi lấy lời khai, thẩm phán có thể quan sát theo dõi thái độ, phản ứng của phía bên kia để có những đánh giá chính xác về sự việc.

- Trong quá trình lấy lời khai, ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ nói đối thoại trực tiếp. Loại ngôn ngữ này có ưu điểm là vị trí, vai trò của các chủ thể trong việc truyền đạt và thu nhận thông tin được thay đổi liên tục. Nhờ đó, các thông tin sẽ được làm rõ một cách tường tận, thấu đáo. Đồng thời, thẩm phán có thể hướng dẫn các đương sự một cách cụ thể để họ khai báo đúng và đầy đủ. Tính chất trực tiếp của ngôn ngữ được thể hiện ở chỗ, các chủ thể có thể mặt đối mặt khi trao đổi thông tin, họ có điều kiện tri giác lẫn nhau, tạo điều kiện cho thẩm phán có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như ánh mắt, cử chỉ, nét mặt ... để tác động lên các chủ thể. Thông thường, khi lấy lời khai, thẩm phán ngồi đối diện với đương sự, để có thể quan sát được thái độ của họ và rút ra kết luận cần thiết.

- Các chủ thể khai báo chiếm vị trí chủ động. Trong tố tụng hình sự, đối tượng khai báo, đặc biệt là bị can bị thụ động, tâm lý của họ phụ thuộc nhiều vào sự tác động của điều tra viên. Nhưng trong tố tụng dân sự, các đương sự luôn chủ động tích cực, có thái độ hợp tác với thẩm phán để đạt mục đích của mình.

- Việc lấy lời khai của đương sự, người làm chứng được tiến hành trong những điều kiện đa dạng, phong phú. Trong to tụng hình sự, để đảm bảo được hiệu quả của hoạt động điều tra, đồng thời để thực hiện biện pháp ngăn chặn, việc xét hỏi (đặc biệt đối với bị can), thường diễn ra trong phòng lấy lời khai ở trại tạm giam. Việc bị tạm thời bị tước tự do, hạn chế nhu cầu có thể dẫn đến những ửc chế tâm lý nhất định, ảnh hưởng đến việc khai báo của cá nhân. Nhưng trong tố tụng dân sự, việc lấy lời khai có thể ở các điều kiện linh hoạt. Có thể lấy lời khai của đương sự ở Toà án. Điều kiện này sẽ làm tăng ý thức trách nhiệm của đương sự trong việc khai báo. Nhưng, khung cảnh nghiêm túc của Toà án có thể sẽ gây ra những ức chế, căng thẳng cho đương sự, đặc biệt là người làm chứng. Trong tình huống này, thẩm phán phải có thái độ cởi mở chân tình để tránh cho họ những ức chế không cần thiết. Đặc biệt với người làm chứng, tránh để họ bị lỡ hẹn hoặc chờ đợi lâu. Thời gian lấy lời khai của người làm chứng phải được thu xếp để không ảnh hưởng đến công việc của họ, tránh để họ thấy bị phiền nhiễu. Địa điểm lấy lời khai tại Toà án phải được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, thoáng mát và thể hiện được sự nghiêm túc cần phải có của công việc. Ngoài ra, vị trí của nơi lấy lời khai cần phải được bố trí ở nơi ít người qua lại, không ồn ào để tránh làm phân tán chú ý của người khai báo. Có thể lấy lời khai tại nơi cư trú của đương sự, hoặc nơi xảy ra tranh chấp... Trong điều kiện này đương sự có tâm lý thoải mái hơn. Mặt khác, khung cảnh của hiện trường, nơi có tranh chấp sẽ tác động tốt tới nhận thức của đương sự, giúp họ mô tả lại sự việc tốt hơn. Song tính chất đời thường của ngoại cảnh có thể làm giảm ý thức trách nhiệm của đương sự đối với việc khai báo. Thẩm phán cần phải có những tác động cần thiết để nâng cao ý thức trách nhiệm của họ đối với việc khai báo. Nơi lấy lời khai trong điều kiện này phải thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, không có sự tập trung chú ý của nhiều người.

- Trong quá trình lấy lời khai, thẩm phán có thể sử dụng các phương pháp tác động tâm lý. Việc sử dụng các phương pháp tác động tâm lý phải phù hợp với các nguyên tẳc của tố tụng dân sự, và phải đảm bảo thực hiện tốt các chức năng nhận thức, giáo dục. Thẩm phán phải có thái độ tôn trọng ý kiến của các đương sự. Đặc biệt, đối với các vụ án về ly hôn thường có những vấn đề nhạy cảm, tế nhị trong quan hệ giữa các đương sự. Do đó, khi tác động đến các đương sự để lấy lời khai về phần tình cảm cần hết sức tế nhị, tránh nhấn mạnh vào khuyết điểm, lỗi lầm của một bên, nếu không sẽ gây cãng thẳng cho họ và sẽ khó cho việc hòa giải sau này.

 

2- Đặc điểm tâm lý của hoạt động đối chất

Đối chất trong điều tra vụ án dân sự được áp dụng trong trường hợp các lời khai hoặc lời trình bày của các đương sự hoặc của đương sự với người làm chứng ... có mâu thuẫn với nhau. Việc đối chất được thẩm phán bố trí như một buổi lấy lời khai bình thường. Trong đó thẩm phán sẽ trực tiếp lấy lời khai của hai đương sự cùng một lúc về các vấn đề có mâu thuẫn bằng cách đặt ra những câu hỏi đề các đương sự trả lời. Các câu hỏi mà thẩm phán đặt ra cho các thành viên tham gia đối chất là nhằm mục đích phát hiện ra nguyên nhân của các mâu thuẫn có trong các lời khai của họ để tìm biện pháp loại bỏ mâu thuẫn đó. Quá trình đối chất trong điều tra vụ án dân sự có những đặc điểm sau:

- Các chủ thể tham gia đối chất có mâu thuẫn trong lời khai. Mâu thuẫn đó có thể do các nguyên nhân sau:

+ Có thể do một bên cố tình khai không đúng sự thật. Ở trường hợp này, mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi bên kia đưa ra được những chứng cử xác đáng để buộc phía có lời khai gian dối phải thay đổi lời khai. Thông thường với nguyên nhân này, mâu thuẫn rất căng thẳng và khó giải quyết. Vì vậy, trước khi đối chất, thẩm phán cần phải nghiên cứu kỹ lời khai của các đương sự, phát hiện ra những điều bất hợp lý, vạch ra các kế hoạch, các câu hỏi cụ thể để đấu tranh với người có lời khai gian dối.

+ Mâu thuẫn có thể do các bên có sự nhầm lẫn trong nhận thức về một thông tin, một tình tiết nào đó của sự việc. Với nguyên nhân này, thẩm phán có thể đặt ra các câu hỏi để giúp các bên có thể truyền đạt và tiếp nhận thông tin đúng với nội dung của nó, từ đó các bên có sự thống nhất trong việc nhận thức thông tin.

- Giao tiếp của quá trình đối chất là giao tiếp nhiều chiều có điều khiển. Có thể nói, đối chất là một biện pháp mà pháp luật quy định được áp dụng trong quá trình điều tra vụ án dân sự. Do đó, giao tiếp trong đối chất là giao tiếp chính thức. Nói cách khác, mọi hành vi của các chủ thể trong giao tiếp được tuân theo các quy định và các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự. Theo các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự, thẩm phán là người thiết lập và điều khiển giao tiếp của các thành viên. Thẩm phán phải biết đặt ra các câu hỏi để kích thích tư duy của các đương sự. Là người điều khiển giao tiếp, thẩm phán phải tạo được điều kiện để các đương sự thoải mái, tự nguyện trả lời câu hỏi. Trong quá trình đối chất, thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tự định đoạt và nghĩa vụ chứng minh của các đương sự, tránh gò ép, cưỡng chế.

- Các đương sự tham gia đối chất chiếm vai trò chủ đạo. Xét về mặt tâm lý, đối chất chính là quá trình tác động liên nhân cách giữa các chủ thể, là quá trình thẩm phán sử dụng chính bản thân các đương sự làm phương tiện tác động lên chính họ. Do đó, trong đối chất, các bên rất tích cực, chủ động trong việc đưa ra chứng cứ và tác động tới phía bên kia. Để các đương sự có được sự tích cực tối đa, thẩm phán có thể báo trước nội dung của đối chất để họ có sự chuẩn bị trước. Nếu các đương sự đưa ra được những thông tin, tài liệu mới có ý nghĩa thì mâu thuẫn sẽ được giải quyết có hiệu quả. Đặc biệt, phải lưu ý rằng, các đương sự trước khi tham gia tố tụng đã có các quan hệ giao dịch dân sự. Giữa họ đã hình thành những tình cảm nhất định. Thẩm phán cần phải khai thác yếu tố này để tác động đến các đương sự.

- Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình đối chất là ngôn ngữ nói, đối thoại trực tiếp. Loại ngôn ngữ này giúp cho các đương sự có thể sử dụng các phương tiện biểu cảm phi ngôn ngữ để tác động lẫn nhau.

- Trong quá trình đối chất, thẩm phán có sử dụng các phương pháp tác động tâm lý. Việc sử dụng các phương pháp này phải đảm bảo được các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm của một số dạng hoạt động điều tra vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20611 sec| 987.211 kb