Đặc điểm phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

20/06/2021
Everest Law Firm
Everest Law Firm

 

Việc đầu tiên của luật sư về trọng tài là phải thuyết phục khách hàng sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chứ không phải là tranh tụng ở tòa án như thông thường. Để làm được việc này thì luật sư cần nắm được những nét đặc trưng cơ bản của trọng tài, hay nói cách khác phải tư vấn cho khách hàng rõ những điểm thuận lợi hay có thể là bất lợi của trọng tài so với phương thức tranh tụng tại tòa án trong từng vụ việc cụ thể của khách hàng. Sau đây Luật Everest xin chia sẻ tới quý bạn đọc để làm rõ hơn về đặc điểm phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

 

 

kỹ năng viết pháp lý Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Tính chung thẩm của phán quyết (finality) trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

 

 

Phán quyết trọng tài là chung thẩm và luật sư cần lưu ý không thể yêu cầu tòa án xem xét lại nội dung phán quyết. Luật sư chỉ có thể tư vấn cho khách hàng yêu cầu hủy phán quyết dựa trên các căn cứ bị giới hạn như quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010 hoặc yêu cầu từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trong tài nước ngoài theo Điều V Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phản quyết trọng tài nước ngoài (gọi tắt là Công ước New York 1958). Trong cả hai trường hợp, nghĩa vụ chứng minh đều thuộc về bên phản đối và luật sư cần lưu ý để chuẩn bị tài liệu, luận cứ phù hợp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với việc xét xử của tòa án vốn có nhiều cấp xét xử khác nhau tùy thuộc vào từng thấm quyền tài phán: cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc theo thủ tục đặc biệt như quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 năm 2015. Tính chung thẩm của phán quyết trọng tài nhìn chung được coi là thuận lợi cho doanh nghiệp vì không kéo dài thời gian tiến hành tố tụng ở các cấp xét xử khác nhau, giúp giải quyết một lần dứt điểm vụ tranh chấp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khách hàng lại muốn có cơ hội để xem xét lại nội dung của vụ kiện ở cấp xét xử cao hơn thì trọng tài lại không phải là phương thức phù hợp .

 

 

Sự công nhận quốc tế (international enforceability) trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

 

 

Ở đây muốn nói đến khả năng thi hành phán quyết trọng tài trên phạm vi toàn cầu theo Công ước New York 1958 (được coi là một trong số các điều ước quốc tế thành công nhất cho đến nay khi có đến 159 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước) nên xét về mặt lý thuyết thì phán quyết trọng tài ban hành ở một quốc gia thành viên sẽ có thể được công nhận và cho thi hành bởi 158 quốc gia thành viên còn lại. Đây là một ưu thế hơn hẳn so với bản án của tòa án quốc gia trong khi chưa có một điều ước quốc tế với mô hình tương tự bảo đảm cho việc thi hành án trên phạm vi toàn cầu mà thường phụ thuộc vào việc ký kết các điều ước quốc tế song phương như 18 hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký. Tuy nhiên, ưu thế này chủ yếu chỉ phát huy tác dụng khi tranh chấp có yếu tố nước ngoài là việc thi hành phán quyết trọng tài có thể được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đối với các tranh chấp nội địa mà tài sản để thi hành án hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Việt Nam thì lợi thế này không có ý nghĩa thực tiễn. Cũng nên lưu ý trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay khi đa số các doanh nghiệp đã hoặc có thể sẽ có hoạt động, mở tài khoản hay có các tài sản, hiện diện khác ở nước ngoài, thỉ Công tước New York 1958 cũng sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn.

 

 

Năng lực chuyên môn (professional expertise) trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

 

 

Một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa trọng tài và tòa án là ở năng lực chuyên môn của đội ngũ trọng tài viên vốn không chỉ bao gồm những người hành nghề luật như luật sư mà còn có thể có cả doanh nhân, chuyên gia kỹ thuật,  học giả và nhiều đối tượng khác thích hợp để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại và đầu tư quốc tế. Điều quan trọng là các bên tranh chấp có quyền tự do lựa chọn trọng tài viên phù hợp cho vụ tranh chấp cụ thể của mình. Luật trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam cũng có quy định những tiêu chuẩn bắt buộc của trọng tài viên, những trường hợp không được làm trọng tài viên và quyền của tổ chức trọng tài được đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn luật định, nhưng về cơ bản, quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên vẫn được tôn trọng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một số loại hình tranh chấp đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu như trong các lĩnh vực: hàng hải, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, xây dựng, thương mại và đầu tư quốc tế, v.v...

 

 

Tính linh hoạt trong thủ tục ( flexibility)

 

 

Khác với quy trình tố tụng tại tòa án phải tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục tố tụng quy định tại luật tố tụng tòa án của từng quốc gia như Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam, trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài rất linh hoạt và có thể thay đổi tùy thuộc vào sự thoả thuận của các bên tranh chấp hoặc từng quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài khác nhau, hoặc theo sự quyết định của từng Hội đồng trọng tài miễn là không vi phạm luật pháp hoặc quy tắc của tổ chức trọng tài hoặc thỏa thuận của các bên. Tiếp thu tinh thần của Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc ban hành năm 1985, sửa đổi, bổ sung năm 2006 (gọi tắt là Luật máu của UNCITRAL) thì Luật trọng tài thương mại năm 2010 năm 2010 đã tối đa hóa tính linh hoạt về thủ tục tố tụng khi thường xuyên sử dụng cụm từ “nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tổ tụng của tổ chức trọng tài không quy định khác, thì …" trong rất nhiều điều luật liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài. Các bên tranh chấp có toàn quyền lựa chọn ngôn ngữ trọng tài, thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng trọng tài, vv...

 

 

Thuận lợi trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

 

 

Đối với các vụ kiện xét xử tại tòa án quốc gia thì thẩm quyền xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoàn toàn thuộc về tòa án. Tuy nhiên, đối với những vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài thì ngoài tòa án quốc gia có thể xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ tố tụng trọng tài, bản thân Hội đồng trọng tài hoặc ở một số tổ chức trọng tài có chỉ định trọng tải viên khẩn cấp (Emergency Arbitrator - EA) cũng có quyền xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Như vậy, một khi các bên tranh chấp đã lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình thì kể cả trong trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không nhất thiết phải đề nghị tòa án can thiệp.

 

 

Chứng cứ (Evidential issue)

 

 

Chứng cứ trong tố tụng trọng tài không nhất thiết phải đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ về hình thức và thủ tục như trong tố tụng dân sự tại tòa án. Tùy thuộc vào từng quy tắc tố tụng trọng tài và từng Hội đồng trọng tài mà vấn để chứng cứ được xem xét một cách khác nhau. Quy tắc về thu thập chứng cứ trong trọng tài quốc tế do Ủy ban trọng tài thuộc Hiệp hội luật sư quốc tế (IBA) thông qua ngày 29/5/2010 được coi là nguồn tài liệu tham khảo rộng rãi trong vấn đề này.

 

 

Thời gian (Time)

 

 

Do chỉ có một cấp xét xử nên giải quyết tranh chấp tại trọng tài thông thường được hiểu là nhanh chóng hơn so với đưa ra xét xử tại tòa án quốc gia. Điều này hoàn toàn đúng trong ngữ cảnh của Việt Nam khi theo thống kê năm 2017 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thì thời gian trung bình để giải quyết một vụ tranh chấp là 158,93 ngày, tức là chưa đến 6 tháng. Tuy nhiên, đối với trọng tài quốc tế thì thời gian giải quyết tranh chấp có thể kéo dài hơn rất nhiều, có trường hợp lên tới vài năm, đặc biệt là những tranh chấp có giá trị lớn, phức tạp trong các lĩnh vực xây dựng, dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng hoặc trong trọng tài đầu tư, v.v...

 

 

Tính bảo mật (confidentiality)

 

 

Luật sư cần lưu ý rằng mọi thông tin về tranh chấp tại trọng tài không được công khai, vì riêng thông tin tranh chấp có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Điều này được quy định rõ như là một trong những nguyên tắc cơ bản của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam.

 

 

Chi phí (Cost)

 

 

Trái với quan niệm thông thường, chi phí giải quyết tranh chấp tại trọng tài trên thực tế có thể cao hơn tại tòa án vì các bên tranh chấp phải trả phí trọng tài cho tổ chức trọng tài, thù lao cho trọng tài viên và các chi phí có liên quan khác như thuê phòng họp xét xử, phiên dịch, chuyên gia làm chứng, v.v. so với án phí nộp cho tòa án. Tuy nhiên, vì thời gian giải quyết tranh chấp thông thường sẽ ngắn hơn do chỉ có một cấp xét xử nên chi phí thực tế có thể được giảm thiểu so với việc mất mát chi phí cơ hội của doanh nghiệp khi vụ kiện ở tòa án quốc gia bị kéo dài qua nhiều cấp xét xử khác nhau. Đối với Việt Nam điều này rất quan trọng khi các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc tốn kém những chi phí không chính thức trong quá trình kiện tụng và khả năng thu hồi phí trọng tài và chi phí pháp lý cho luật sư khi thắng kiện tại trọng tài cũng là một tư thế quan trọng.

 

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3.  

     

    Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

     

     

 

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.48041 sec| 966.547 kb