Đặc điểm tâm lý của bị cáo tại phiên tòa

25/03/2023
Hành vi, xử sự của bị cáo tại phiên toà thường phụ thuộc vào: những phẩm chất tâm lý của bị cáo đã có trước khi ra toà và đối với lời buộc tội, sự đánh giá của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, kinh nghiệm trước đây của bản thân bị cáo.

Những nét tâm lý đặc trưng của bị cáo trước hết được xác định bởi những tình tiết mà bị cáo đã biết về tài liệu vụ án, đó là bị cáo biết rất rõ trong thẩm vấn ai sẽ cung cấp chứng cứ và đó là những chứng cứ nào... Bị cáo đã biết rõ điều tra viên đã vạch trần hành vi phạm tội của mình ở giai đoạn điều tra bằng cách nào. Bị cáo đã nghiên cứu từ trước tất cả các sự kiện, các chứng cứ được trình bày trong kết luận buộc tội của điều tra viên. Vì vậy bị cáo luôn đoán trước được những câu hỏi sẽ đặt ra cho mình tại phiên toà và do đó bị cáo tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải chuẩn bị trước một cách kĩ lưỡng, cẩn thận để trả lời những câu hỏi đó. Trước khi ra toà và tại phiên toà, bị cáo luôn tập trung tư duy để đặt ra những giả thuyết mới về vụ án, cung cấp thêm những chứng cứ mới, làm thay đổi ý nghĩa của chứng cứ nào đó, hòng hi vọng làm thay đổi nội dung, thực chất của vụ án đã xảy ra. Nếu ở giai đoạn điều tra, mô hình vụ án của bị can căn bản được xác định bởi tất cả các chứng cứ do điều tra viên đưa ra, bởi mọi phương pháp tác động của họ, bởi những giả thuyết riêng của bị can và cách xử sự của họ, bởi mô hình về hành vi phạm tội được hiện ra trong óc bị can, thì tại phiên toà, tình huống này có thể thay đổi. Nếu bị cáo không thừa nhận mình có lỗi thì bị cáo thường tập trung tư duy để đưa ra giả thuyết mới trên cơ sở kết luận buộc tội. Bị cáo sẽ xây dựng toàn bộ giả thuyết, lời giải thích của mình sao cho phù hợp với mô hình thực tế về vụ án. Bị cáo nhớ lại những tình tiết có thật của vụ án và đã biết về mô hình vụ án mà cơ quan điều tra đã xác định. Bị cáo đã suy nghĩ về cách xử sự của mình tại phiên toà như cân nhắc cách trình bày của mình, cách giải thích về các tình tiết của vụ án. Bị cáo xây dựng toàn bộ giả thuyết bào chữa của mình và thay thế vào mô hình tư duy đã được cơ quan điều tra xác định. Thái độ của bị cáo tại phiên toà có đặc điểm là bị cáo suy nghĩ kĩ lưỡng, chắc chắn hơn về cách xử sự của mình. Qua quá trình điều tra, bị cáo đã có sự chuẩn bị tiếp nhận các câu hỏi tại toà bình tĩnh hơn. Nhưng sự có mặt của đông đảo quần chúng tại phiên toà, quá trình xét xử là chứng cứ hùng hồn tác động đến bị cáo. Bầu không khí mới lạ luôn là yếu tố gây bực tức, kích động đối với bị cáo. Tại phiên toà, trạng thái này luôn diễn ra ở bị cáo cùng với việc quyết định các vấn đề về hình phạt, với những ấn tượng mạnh mẽ, với sự xấu hổ vì hành vi phạm tội đã thực hiện và với hậu quả của hành vi phạm tội.

Phản ứng của những người dự phiên toà đối với câu trả lời của bị cáo, đối với lời mô tả hành vi phạm tội của bị cáo, xử sự của những người làm chứng, của người bị hại... đều tác động đến bị cáo. Khác với giai đoạn điều tra, xử sự của bị can với điều tra viên diễn ra tay đôi thì tại phiên toà với sự tham dự đông đảo của quần chúng, hành vi và xử sự của bị cáo bị kìm hãm hoặc buộc bị cáo phải cầm cự một cách suồng sã hơn nhằm che dấu sự sợ hãi của mình, nhằm nhấn mạnh tính độc lập của mình... Sự có mặt của đông đảo quần chúng đôi khi trấn áp bị cáo, những cũng có khi ủng hộ bị cáo nếu bị cáo cảm thấy những người dự phiên toà có thái độ thông cảm với mình. Với sự có mặt của đồng bọn bị cáo sẽ vững tin hơn. Xử sự của bị cáo tại phiên toà có thể rất thay đổi, có thể xuất hiện trạng thái căng thẳng thần kinh do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

 

- Xuất hiện những thông tin mới mà bị cáo không ngờ tới (sự thay đổi lời khai bất ngờ của bị cáo khác, của người làm chứng, xuất hiện chứng cứ mới, tài liệu mới);

- Thái độ phẫn nộ của những người tham gia tố tụng khác (trước hết của những người bị hại);

- Bối cảnh gây ấn tượng mạnh mẽ về hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện (bằng lời khai của người làm chứng, trưng bày các tang vật và bằng lời phát biểu trong tranh luận tại phiên toà);

- Phản ứng cảm xúc mạnh mẽ của những người dự phiên toà.

Trong quá trình xét xử, mối quan hệ phát sinh giữa bị cáo và những người tham gia xét xử, xử sự và phản ứng của những người dự phiên toà đều có thể làm thay đổi cách xử sự và trạng thái của bị cáo. Những phản ứng gay gắt trong phòng xử án có thể làm cho bị cáo trở nên thụ động, ngần ngại, không trả lời các câu hỏi tại toà, làm giảm đi tính tích cực tâm lý của họ. Vì  thế chủ tọa phiên toà đôi khi buộc phải áp dụng những biện pháp nhất định (tuyên bố tạm nghỉ giải lao) để bị cáo quay trở lại trạng thái mà bị cáo lại có thể trả lời và giải thích rõ ràng các câu hỏi và lại tham gia tích cực vào thẩm vấn.

Vào lúc bắt đầu xét xử, ở bị cáo thường có những thái độ khác nhau đối với những người tham gia xét xử. Bị cáo ý thức được rằng Toà án cần phải quyết định số phận của họ, tuyên án họ. Điều đó nhiều khi sẽ xác định thái độ của bị cáo đối với Toà án cũng như xử sự của họ tại phiên toà. Bị cáo suy nghĩ kĩ trước cách xử sự của mình, cố gắng lựa chọn cách xử sự theo ý mình sao cho Toà án hài lòng nhất, cố gắng thường xuyên điều chỉnh xử sự của mình và làm theo cách xử sự đã chọn trước đây của mình. Tư duy của bị cáo tại phiên toà đặc biệt phức tạp và đa dạng vì bị cáo phải tiếp nhận lời khai của người làm chứng, những câu hỏi của hội đồng xét xử, của kiểm sát viên, của luật sư, phải trả lời những câu hỏi khác nhau, phải quan sát phản ứng và xử sự của mỗi người tham gia xét xử, đặc biệt của hội đồng xét xử, phản ứng của những người có mặt trong phòng xử án. Tất cả những điều đó gây căng thẳng cho bị cáo. Do cường độ tư duy lớn trong việc tiếp nhận và điều chỉnh thông tin, bị cáo thường xuyên phải đối chiếu nó với mô hình tư duy về vụ án, với cách xử sự của mình nên bị cáo quên kiểm soát hành vi, lời nói của mình hoặc là mất khả năng kiểm soát thường xuyên hành vi, lời nói đó. Điều này tạo điều kiện cho Toà án theo dõi mối quan hệ thực của bị cáo với các tình tiết của vụ án, đồng thời thấy được mối quan hệ mà bị cáo đã khai trước đây là không đúng thông qua hành vi, lời nói của bị cáo tại phiên toà. Những xung đột gay gắt và bất ngờ phát sinh trong xét xử có thể làm thay đổi cách xử sự đã chọn trước đây của bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo tham gia tích cực vào quá trình xét xử, vì vậy kích thích tính tích cực của bị cáo là một trong những nhiệm vụ của Toà án.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của bị cáo tại phiên tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18517 sec| 951.023 kb