Đặc điểm tâm lý của nhóm phạm nhân

25/03/2023
Một trong những đặc điểm của hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân trong trại cải tạo là quá trình này được thực hiện trong nhóm những phạm nhân khác. Điều đó buộc cán bộ quản giáo không chỉ nghiên cứu đặc điểm tâm lý của phạm nhân, mà còn phải nghiên cứu tâm lý của nhóm phạm nhân.

Sau đây là một số đặc điểm về điều kiện tồn tại của nhóm phạm nhân:

- Các thành viên của nhóm phạm nhân không được tự mình lựa chọn hay thay đổi nhóm. Tổ chức sơ bộ của nhóm như thế nào là do Ban giám thị trại quyết định. Việc chuyển những phạm nhân từ một nhóm này sang một nhóm khác cũng là do chức năng của Ban giám thị trại.

- Mọi hoạt động của nhóm phải tuân theo chế độ nội quy của trại dưới sự kiểm tra, giám sát và quản lý tăng cường của ban giám thị trại.

- Mỗi thành viên của nhóm phạm nhân đều có những thuộc tính, phẩm chất tâm lý, tập quán, thói quen xấu, tiêu cực nhất định.

- Trong nhóm tồn tại những điều kiện buộc mỗi thành viên phải thường xuyên tham gia vào giao tiếp với tất cả các thành viên khác của nhóm và gồm nhiều kể hoạch. Trong trại cải tạo phát sinh các mối quan hệ giao tiếp giữa các thành viên, họ giãi bày với nhau tình cảnh chung trước đây không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong khoảng thời gian nghỉ ngơi (ngoài giờ làm việc). Hơn nữa, trong giao tiếp giữa họ rất dễ nảy sinh xung đột. Những mục đích của nhóm phạm nhân phức tạp hơn nhiều so với những tập thể bình thường ở chỗ những mục đích sẽ đạt được thông qua cách giải quyết những xung đột nảy sinh trong giao tiếp.

- Quyết định của nhóm phạm nhân sẽ không có hiệu lực nếu không có sự phê chuẩn của Ban giám thị trại.

- Nhóm phạm nhân không thể tham gia vào các quan hệ bên ngoài trại.

Những đặc điểm trên đã chứng tỏ vì sao phát sinh tâm lý đặc thù trong nhóm phạm nhân. Trong nhóm luôn luôn xảy ra ảnh hưởng mạnh mẽ giữa các thành viên, nó được xác định bởi tính ổn định của giao tiếp, bởi sự quan tâm đến cách xử sự của những người khác, bởi những điều kiện tồn tại đặc thù của nhóm (điều kiện sống trong trại), và những phẩm chất tâm lý của các thành viên.

Trên cơ sở những đặc điểm đã trình bày ở trên có thể hiểu nhóm phạm nhân là "cộng đồng người có tổ chức, có mục đích giúp Ban giám thị trại sửa chữa và cải tạo những phạm nhân mà trước hết là giáo dục cho họ tinh thần tập thể". Nhưng để nhóm phạm nhân thực hiện được mục đích đã định, cán bộ quản giáo cần phải thực hiện một công việc vô cùng quan trọng là tổ chức và giáo dục họ. Tâm lý của nhóm phạm nhân phụ thuộc vào các mối quan hệ được hình thành trong nhóm và được hình thành do tác động của cả Ban giám thị trại.

Trong nhóm phạm nhân luôn luôn tồn tại những mối quan hệ phức tạp và mâu thuẫn. Điều đó được giải thích bởi những điều kiện đang tồn tại (khả năng thoả mãn nhu cầu bị giảm xuống, nhu cầu thay đổi đột ngột) và bởi những thiếu sót tâm lý xã hội ở phạm nhân mà nó có thể thường xuyên dẫn đến những cuộc xung đột trong giao tiếp. Những xung đột có thể phát sinh bên ngoài nhóm (xung đột với người bảo vệ, với cán bộ quản giáo) cũng như bên trong nhóm (xung đột với tổ trưởng, với trưởng ban hội đồng tự quản, với những phạm nhân khác). Xung đột cũng có thể có giữa các nhóm phạm nhân khác nhau. Xung đột đôi khi trở thành hình thức tác động chiếm ưu thế của một trong những nhóm phạm nhân này đến những nhóm phạm nhân khác. Xung đột có thể tác động tích cực và tiêu cực đến sự đoàn kết của nhóm, đến mục đích giáo dục, cải tạo. Chúng có thể tạo điều kiện giải quyết những vấn đề có tính nguyên tắc hoặc vô nguyên tắc; có thể tạo điều kiện biểu hiện và củng cố những phẩm chất tích cực của cá nhân, phạm nhân, nhưng cũng có thể củng cố những thiếu sót tâm lý xã hội, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống ăn bám của một số người tái phạm cố chiếm ưu thế đối với cả nhóm phạm nhân.

 

Nhiệm vụ trước mắt của cán bộ quản giáo là phát hiện những xung đột phát sinh, đề ra phương hướng, cách giải quyết hoặc chấm dứt những xung đột đó. Cán bộ quản giáo phải ngăn chặn kịp thời sự phát triển những xung đột mà nhờ nó người tái phạm có thể chiếm được ưu thế trong nhóm, cần phải phát hiện, xúc tiến, định hướng, tạo điều kiện để phát hiện những xung đột có tác dụng củng cố sức mạnh của nhóm, khống chế những người tái phạm có tâm lý ăn bám. Tình huống xung đột, "sự bùng nổ" thường thường được cán bộ quản giáo chuẩn bị như là phương tiện để giáo dục nhóm. Nhóm phạm nhân được hình thành và củng cố bằng cách giải quyết những tình huống xung đột bên trong cũng như bên ngoài nhóm. Cán bộ quản giáo phải phối hợp chặt chẽ với ban nghiệp vụ của trại nhằm phát hiện và giải quyết xung đột trong nhóm phạm nhân. Sự phối họp đó luôn luôn cho phép cán bộ quản giáo phát hiện nguyên nhân đích thực của các xung đột, thái độ chính của đa số phạm nhân đối với xung đột này, sự phân phối lực lượng trong nhóm ở thời điểm phát sinh xung đột. Trên cơ sở hiểu biết về những vấn đề trên, cán bộ quản giáo mới có thể thiết kế chi tiết hoạt động của mình nhằm mục đích sử dụng xung đột này vào mục đích giáo dục.

Trong quá trình giải quyết xung đột, cán bộ quản giáo nhất thiết phải chú ý đến mọi dư luận trong nhóm phạm nhân. Cách giải quyết xung đột phải tạo điều kiện củng cố dư luận bảo vệ quan điểm tích cực nhằm mục đích giáo dục và phải tạo điều kiện làm mất uy tín, ý kiến của một số phạm nhân đối lập với mục đích giáo dục của trại. Dư luận của nhóm có ảnh hưởng lớn đến mỗi phạm nhân chính là do điều kiện sống đặc biệt của nhóm này. Vì thế trong mọi trường hợp cán bộ quản giáo cần phải biết ý kiến, dư luận đó, phải hướng nó và sử dụng nó vào những mục đích giáo dục. Đó là phương tiện để giáo dục, cải tạo phạm nhân. Dư luận ban đầu của nhóm phạm nhân có thể rất khác nhau, nó có thể ủng hộ công việc của cán bộ quản giáo, có thể có thái độ thụ động đối với công việc của họ, và cũng có thể phản đối (không ủng hộ) họ. Dư luận ban đầu có thể biểu hiện dưới hình thức phản đối công khai và phản đối ngầm. Trong trường hợp thứ nhất (phản đối công khai), phạm nhân không thực hiện mệnh lệnh của cán bộ quản giáo, thờ ơ với những hướng dẫn của cán bộ quản giáo, với những yêu cầu về chế độ của trại, vi phạm kỷ luật lao động. Trường hợp thứ hai (phản đối ngầm) nguy hiểm hơn vì nó ảnh hưởng đến cả nhóm và khó phát hiện hơn. Trong trường hợp này, phạm nhân không xung đột công khai với cán bộ quản giáo, họ thực hiện mệnh lệnh của cán bộ quản giáo, tiếp nhận lời khuyên của cán bộ quản giáo nhằm phá ngầm mệnh lệnh của cán bộ quản giáo, diễu cợt lời khuyên của cán bộ quản giáo, họ coi thường biện pháp tổ chức. Cán bộ quản giáo cần phải biết tất cả các đặc điểm về cuộc sống của nhóm phạm nhân, phải biết ai trong số họ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến những người còn lại trong nhóm. Sự phát triển những thiếu sót tâm lý - xã hội (trong giai đoạn đầu tiên của cải tạo) dẫn đến chỗ phản đối công khai hay ngấm ngầm chống lại biện pháp giáo dục và chế độ của trại có thể được nhiều phạm nhân ủng hộ, điều đó có thể là cơ sở để hình thành nhóm phạm nhân tiêu cực.

Nhóm “tiêu cực” là nhóm những người lúc bắt đầu liên kết có những tập quán, thói quen, nhu cầu tiêu cực giống nhau. Nhóm này được tạo ra không theo nguyên tắc hoạt động vì lợi ích chung, mà theo nguyên tắc làm thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình (thường là nhu cầu phi pháp). Thực chất của nhóm “tiêu cực” là các thành viên trong nhóm cho phép lẫn nhau thực hiện bất kỳ hành động nào hướng tới làm thoả mãn những thói quen, tập quán, nhu cầu tiêu cực của mình. Trong nhóm có những hành vi chống pháp luật như họ bao che cho nhau, cố theo đuổi những thói quen, tập quán xấu của mình (như thú cờ bạc, dùng ma túy V.V..) Nhóm tiêu cực xuất hiện có thể làm cho toàn bộ công việc giáo dục trở nên phức tạp hơn. Tác động của cán bộ quản giáo sẽ gặp sự đối phó có tổ chức hơn của nhóm này. Nghiên cứu tỉ mỉ mọi thành viên của nhóm, các biện pháp giáo dục, hành chính, chế độ phải tạo điều kiện ngăn cản nhóm này xuất hiện hay phải tạo điều kiện loại bỏ chúng đúng lúc, kịp thời.

 

Trong nhóm phạm nhân thường có thủ lĩnh. Thủ lĩnh là người quyết định được cách xử sự, trạng thái, thậm chí lọi ích của cả nhóm trong một mức độ đáng kể, cần phân biệt thủ lĩnh chính thức (có những quyền nhất định) và thủ lĩnh không chính thức. Thủ lĩnh luôn luôn có đặc điểm là có tính tích cực cao, có khả năng nhất trong việc thực hiện vai trò xã hội nhất định trong nhóm. Trong nhóm phạm nhân có thể có một vài thủ lĩnh: có người có khả năng tổ chức, có người có kinh nghiệm và kiến thức, có người vai trò thủ lĩnh được biểu lộ trong việc sử dụng thời gian nhàn rỗi. cần phải phát hiện và sử dụng tất cả các thủ lĩnh trong nhóm để tích cực hóa quá trình giáo dục, cải tạo. Các thủ lĩnh có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm phạm nhân. Trong mọi trường hợp cần phát hiện các phạm nhân có ảnh hưởng nhất đến những phạm nhân còn lại, điều khiển, điều chỉnh ảnh hưởng đó, hướng ảnh hưởng đó và sử dụng ảnh hưởng đó vào mục đích giáo dục, cải tạo.

Trong nhóm phạm nhân thường có một số nhóm nhỏ. Sự mất tự do làm mất đi hệ thống những mối quan hệ đã có ở họ nên khi nhập trại họ có nhiều nguyện vọng hơn. Họ tập hợp lại thành các nhóm nhỏ. Đó là những nhóm được hình thành theo nguyên tắc cùng nghề nghiệp, cùng lứa tuổi, cùng quê (hội đồng hương), cùng bản sắc dân tộc V.V.. Họ có thể truyền đạt cho những phạm nhân khác những thói quen, tập quán, quan niệm tích cực cũng như tiêu cực. Trong hoàn cảrih bị giam cầm, họ tiếp nhận rất nhanh những ảnh hưởng khác nhau. Trong một số trường họp, ảnh hưởng của nhóm nhỏ được biểu hiện rõ ràng qua các xử sự của những phạm nhân. Vì vậy cán bộ quản giáo phải kiểm tra quá trình hình thành nhóm nhỏ, phải tạo điều kiện hay ngăn cản sự hình thành đó tùy thuộc vào ảnh hưởng chiếm ưu thế của nhóm đó. cần nhớ rằng, có một số nhóm nhỏ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả nhóm. Dưới tác động của nhóm nhỏ, nhóm có thể được củng cố, được tăng cường, nhưng cũng có thể tạo thành nhóm tiêu cực. Vì vậy một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ quản giáo là kiểm tra, giúp nhóm nhỏ trong việc tổ chức.

Nhóm phạm nhân có đặc điểm là thường biểu lộ tâm trạng chung. Sự lây lan tâm lý (lan truyền tâm trạng trong cả nhóm) là hiện tượng tương đối phổ biến, song hoàn cảnh bị mất tự do làm cho phạm nhân dễ bị kích động, dễ xúc động khi tiếp nhận tâm trạng của nhóm. Không nơi nào biểu lộ khuynh hướng bắt chước mạnh mẽ như trong nhóm phạm nhân. Do ảnh hưởng của những tấm gương tốt, tích cực, cả nhóm có thể thực hiện những hành động tương tự, song những gương xấu, tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người (họ bắt chước những gương này). Chính vì vậy cán bộ quản giáo phải lưu ý đến những đặc điểm tâm lý đó của nhóm phạm nhân trong việc tổ chức giáo dục.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của nhóm phạm nhân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.27156 sec| 977.641 kb