Đặc điểm tâm lý của phạm nhân

25/03/2023
Tâm lý của phạm nhân được xác định bởi thái độ của họ đối với sự kiện bị mất tự do. Ở đây có thể chia thành ba nhóm phạm nhân tương ứng với ba thái độ khác nhau đối với sự mất tự do: (i) Nhóm những phạm nhân ngay từ trong giai đoạn điều tra và xét xử đã hoàn toàn ăn nãn hối hận vì đã thực hiện hành vi phạm tội; (ii) Nhóm những phạm nhân cho rằng mình bị buộc tội không đúng, hoặc mức hình phạt quá nặng; (iii) Nhóm những phạm nhân chủ yếu có khuynh hướng sống tội lỗi.

Điều kiện sống ở trại không thể không ảnh hưởng đến tâm lý phạm nhân. Một trong những đặc điểm đó là điều kiện sống ở trại tác động một cách khác nhau đến từng phạm nhân, ảnh hưởng một cách khác nhau đến sự biển đổi tâm lý của họ. Có thể nói, tâm lý phạm nhân bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi sự mất tự do. Bởi vì sự mất tự do kéo theo điều kiện sống thay đổi, từ đó nó ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý phạm nhân.

Việc hiểu biết tất cả những đặc điểm tâm lý của phạm nhân là điều kiện cần thiết để tổ chức các mối quan hệ đúng đắn với họ và đạt được mục đích giáo dục,cải tạo. Chế độ của trại, sự hạn chế nhu cầu, sự thay đồi nếp sống đã hình thành trước đây, những cuộc thử thách, sự gò bó đối với phạm nhân là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sự hình thành những đặc điểm tâm lý của họ. Điều kiện sống trong trại tác động một cách khác nhau đến phạm nhân nó tùy thuộc vào các đặc điểm cơ bản của cấu trúc tâm lý nhân cách (khí chất, tính cách), vào mức độ phát triển của những thiếu sót tâm lý xã hội là nguyên nhân phạm tội, và mức độ tác động đến phạm nhân từ ngay trong quá trình điều tra và xét xử.

Tâm lý của phạm nhân được xác định bởi thái độ của họ đối với sự kiện bị mất tự do. Ở đây có thể chia thành ba nhóm phạm nhân tương ứng với ba thái độ khác nhau đối với sự mất tự do:

Nhóm thứ nhất: Nhóm những phạm nhân ngay từ trong giai đoạn điều tra và xét xử đã hoàn toàn ăn nãn hối hận vì đã thực hiện hành vi phạm tội, họ thấy rõ thiệt hại mà mình đã gây ra cho xã hội. Họ ý thức được rằng họ đã thực hiện hành vi phạm tội và xã hội có quyền trừng phạt họ. Chính vì vậy họ thích nghi với điều kiện sống trong trại tương đối nhanh, tiếp nhận mọi tác động giáo dục của cán bộ quản giáo, tham gia tích cực vào các hoạt động lao động sản xuất, học tập, giáo dục. Trong trường hợp tác động giáo dục đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến họ, và đến những phạm nhân khác.

Nhóm thứ hai: Nhóm những phạm nhân cho rằng mình bị buộc tội không đúng, hoặc mức hình phạt quá nặng, họ không nhận thức được hành vi đã thực hiện là hành vi phạm tội (họ cho rằng đó chỉ là sự sai lầm hay là hành vi hoàn toàn bình thường). Thái độ như thế đối với hình phạt có thể làm nảy sinh ở họ tính hung dữ, độc ác, phủ nhận nội quy, chế độ, tác động giáo dục của trại một cách gay gắt. Thái độ lạnh nhạt, hờ hững trong điều kiện sống và lao động ở trại có thể tăng lên, họ chìm sâu vào những xúc cảm mạnh mẽ của mình dẫn đến thụ động trong hoạt động, trong việc tiếp nhận tác động giáo dục của cán bộ quản giáo.

Nhiệm vụ của cán bộ quản giáo đối với nhóm này là tạo ra cho họ lòng tin vào tính đúng đắn của hình phạt để lôi cuốn họ vào cuộc sống và hoạt động tích cực ở trại.

Nhóm thứ ba: Nhóm những phạm nhân chủ yếu có khuynh hướng sống tội lỗi. Lúc đầu những phạm nhân này không nghĩ gì về cải tạo, mà họ chỉ tính toán đến sự tự do sau này sẽ đưa họ quay lại với lối sống tội lỗi trước đây, họ đánh giá lại "những sai lầm" mà họ cho rằng đó là nguyên nhân làm cho hành vi của họ bị lộ. Điều đó đã xác định thái độ của họ đối với sự mất tự do. Họ cho rằng mất tự do là "sự rủi ro" đối với họ làm cho cuộc sống của họ trở nên gò bó chứ nó không làm thay đổi quan niệm của họ về cuộc sống, không thay đổi thế giới quan của họ. Chính vì vậy, họ luôn tìm cách rút ngắn thời gian cải tạo. Để đạt được mục đích đó nhóm này luôn thận trọng và ranh mãnh, chờ đợi sự sơ hở của cán bộ quản giáo để trốn trại. Nhưng sau khi trốn được rồi họ lại tìm cách quay lại với cuộc sống tội lỗi trước đây.

Đặc điểm tâm lý phạm nhân được biểu hiện trong tổ hợp những trạng thái tâm lý nhất định đối với sự mất tự do. Những trạng thái điển hình nhất trong tổ hợp đó là: Trạng thái chờ đợi (chờ đợi xét xử lại vụ án: xét xử phúc thẩm, tái thẩm); chờ đợi sự sơ hở của cán bộ quản giáo để trốn trại; chờ đợi được rút ngắn thời gian cải tạo, chờ đợi được tha); trạng thái sốt ruột. Những trạng thái trên có thể rất căng thẳng, đôi khi nó ảnh hưởng xấu đến tư cách và hành vi của phạm nhân; trạng thái tuyệt vọng cũng có thể quan sát thấy rõ. Hậu quả của nó là trạng thái thờ ơ, lãnh đạm, thụ động trong mọi hoạt động. Sự mất tự do thường làm cho phạm nhân chán chường hơn nếu như trạng thái này đã có ở họ trước đó (đã có từ các giai đoạn điều tra, xét xử). Trong trạng thái này họ mất hết niềm tin vào sức mạnh của mình, vào khả năng tìm lại được cuộc sống đời thường cho mình sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Khi nhập trại, trạng thái chán chường có thể diễn ra ở một số phạm nhân do họ ý thức được tội lỗi của mình đối với gia đình và xã hội. Những phạm nhân này không vi phạm chế độ, thậm chí họ còn thực hiện tốt nội quy của trại và mọi yêu cầu của cán bộ quản giáo. Nếu trạng thái tâm lý chán chường kéo dài sẽ không tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một nhân cách tốt, do vậy cán bộ quản giáo nhất thiết phải loại bỏ trạng thái đó ở họ. Phạm nhân cần phải có thái độ tích cực, sáng tạo đối với lao động, đối với tác động giáo dục. Với những điều kiện như vậy mới có thể giáo dục cho phạm nhân tổ hợp những phẩm chất tích cực. Phải phá tan loại bỏ những nguyên nhân gây ra nó, tạo điều kiện để họ chuyển hướng chú ý vào những quá trình, những đối tượng không có liên quan với những nguyên nhân gây ra trạng thái chán chường này. cần phải kích thích phạm nhân tích cực hoạt động, hướng tới khắc phục hậu quả của tội phạm mà họ đã gây ra, hướng tới tự giáo dục. Trạng thái tâm lý điển hình ở phạm nhân trong thời gian cải tạo đó là nỗi buồn nhớ gia đình, người thân, khao khát tự do, trạng thái đó được biểu hiện ra ngoài qua thái độ lạnh nhạt, hờ hững, thẫn thờ. Vì buồn nhớ nhưng không được thoả mãn nên có thể phát sinh tính dễ nổi nóng, tính dễ xúc động.

Trạng thái tâm lý của phạm nhân có thể thay đổi, nó diễn biến qua bốn giai đoạn trong thời gian chấp hành hình phạt ở trại. Đó là các giai đoạn sau:

- Giai đoạn thích nghi, làm quen với điều kiện mới ở trong trại (3-4 tháng đầu). Trong giai đoạn này, phạm nhân nhận thấy rõ rệt mình bị hạn chế nhu cầu, hạn chế khả năng thoả mãn nhu cầu so với trước đây, bị thay đổi nếp sống đã hình thành trước đây một cách đặc biệt gay gắt do chế độ của trại, do đó họ dễ bị kích động, dễ nổi nóng. Ở một số phạm nhân khác thì biểu hiện ngược lại như trầm uất, ủ rũ, chán nản, buồn bã. Trong hoàn cảnh bị mất tự do những trạng thái tâm lý đặc thù được biểu hiện trong giai đoạn đầu tiên này và nếp sống đã hình thành trước đây bị phá vỡ do chế độ của trại. Phạm nhân buộc phải thay đổi nếp sống đã hình thành trước đây để có thể thích nghi với điều kiện sống ở trại. Như I. P.Páp lốp đã xác định, sự phá vỡ khuôn mẫu đa dạng trước đây đã làm nảy sinh những xúc cảm tiêu cực khác nhau ở phạm nhân như tính dễ bị kích động, trạng thái chán chường. Những trạng thái tâm lý đó còn kéo dài cho đến khi nào ở phạm nhân còn chưa hình thành những phẩm chất cần thiết phù hợp với điều kiện sống ở trại. Tính dễ bị kích động có thể là nguyên nhân của sự vi phạm chế độ và sự gây rối khác nhau V.V.. Chính vì vậy, trong giai đoạn này cán bộ quản giáo càn phải kiên nhẫn và tế nhị, lịch sự. Tâm lý của phạm nhân đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên này luôn luôn có đặc điểm là mất hết hy vọng vào tương lai, vào cuộc sống. Từ đó dẫn đến chỗ làm giảm bớt tính tích cực của họ trong đời sống, họ dễ mất bình tĩnh đối với tình huống phát sinh.

Trong điều kiện sống ở trại, hành vi, cách xử sự và cuộc sống khuôn mẫu đã hình thành trước đây không thực hiện được, nhiều khi làm nảy sinh ở phạm nhân tính thù địch, tính xung đột đặc biệt. Bất cứ tình huống nào cũng được họ xem xét như là nguyên nhân để làm dịu đi trạng thái công kích (thù địch) và hung dữ bên trong của mình (họ thường hay gây gổ với những phạm nhân mới nhập trại).

- Giai đoạn xuất hiện, phát triển những hứng thú, nhu cầu mới lành mạnh trong điều kiện sống ở trại. Trong giai đoạn này xuất hiện và phát triển những cảm xúc tốt và trạng thái tích cực có tác dụng kích thích, nâng cao tính tích cực của phạm nhân. Nhu cầu kích thích những trạng thái tích cực có thể rất khác nhau, nó tạo ra những nhóm có nhu cầu tham gia vào cuộc sống của nhóm, nhu cầu hoàn thành công việc, nhu cầu giải trí có văn hóa, học tập, gặp gỡ với những người thân V.V.. Xuất hiện phạm vi nhu cầu, hứng thú rộng hơn, mở rộng cơ cấu thực hiện vai trò xã hội, tạo điều kiện làm thay đổi tâm lý của phạm nhân.

- Giai đoạn kết hợp tác động bên ngoài với tự giáo dục của phạm nhân. Đây là giai đoạn cần phải có trong quá trình giáo dục, cải tạo. Nó là giai đoạn đặc trưng, ở giai đoạn này họ xác định được mục đích cuộc sống và phương hướng rèn luyện để đạt được mục đích đó. Họ rất ăn năn, hối hận về tội phạm đã thực hiện, ở họ biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ cùng với nguyện vọng muốn đền bù thiệt hại mà mình đã gây ra. Đặc điểm đặc trưng trong giai đoạn này là họ đánh giá lại ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc sống, kết hợp với đánh giá lại tổ hợp những trạng thái tâm lý nhất định, từ đó buộc họ phải thay đổi thái độ và thế giới quan.

- Giai đoạn trước khi được trả tự do. Trong giai đoạn chờ đợi tự do, phạm nhân thường phải trải qua trạng thái tâm lý rất nặng nề và căng thẳng. Bởi vì phạm nhân luôn bị dằn vặt bởi những suy nghĩ và rất lo lắng về những khó khăn sẽ gặp phải trong cuộc sống sắp tới sau khi chấp hành xong hình phạt tù (mối quan hệ trong gia đình, nơi làm việc v.v..). Chính vì vậy, họ có thể rơi vào trạng thái tâm lý chán chường, hay nổi nóng. Tổ hợp những trạng thái tâm lý tiêu cực ở phạm nhân có thể phát triển theo chu kỳ trong mối quan hệ giữa sự đấu tranh nội tâm thường xuyên với các động cơ, kích thích và hứng thú. Sự thay đổi nếp sinh hoạt, thói quen, cấu trúc nhu cầu, hứng thú luôn diễn ra trong tư duy của họ, nó tạo ra mối quan hệ mâu thuẫn, luôn luôn ảnh hưởng tới toàn bộ trạng thái tâm lý của họ. Điều kiện sống, chế độ của trại, sự thay đổi nếp sinh hoạt, thói quen, sự hạn chế và thay đổi nhu cầu rõ rệt làm cho cảm xúc mạnh ở phạm nhân tăng lên đáng kể, và theo những hướng khác nhau, ở một số phạm nhân thì cảm xúc mạnh hướng về quá khứ là chủ yếu, ở những phạm nhân khác thì hướng tới tương lai là chủ yếu, ở nhóm phạm nhân thứ ba thì hướng vào hiện tại là chủ yếu. Nhóm đầu tiên hồi tưởng về lối sống trong quá khứ, lý tưởng hóa lối sống đó, nhóm này làm quen và thích nghi với lối sống ở trại khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn. Còn hai nhóm sau thì thích nghi với chế độ và điều kiện sống của trại dễ dàng hơn rất nhiều. Ở nhóm có cảm xúc hướng về tương lai, trong tư duy họ thường dự tính cuộc sống của mình sau khi chấp hành xong hình phạt tù, họ trải qua những khó khăn về chế độ của trại dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi vì họ ý thức được đó là khó khăn tạm thời, giai đoạn này đối với họ chỉ là giai đoạn quá độ để đi tới tương lai.

Trong hoàn cảnh bị phạt tù và kéo theo nó lợi ích của phạm nhân bị tước mất, phạm nhân luôn đánh giá lại, nhìn nhận lại những thái độ và hứng thú trước đây của mình, họ hồi tưởng lại thái độ của mình đối với đồng nghiệp trong công việc, mối quan hệ trong gia đình. Chính vì vậy ở họ diễn ra sự đánh giá lại hứng thú của mình trong quá khứ, thái độ của mình đối với mọi người trong quá khứ.

Những đặc điểm tâm lý nêu trên có ở cả những người tái phạm nguy hiểm. Nhưng ở họ thường biểu hiện tính vô kỷ luật quá mức. Từ đó xuất hiện phương hướng và hoạt động có mục đích tiêu cực, phát sinh tính đa cảm và hậu quả của nó là tính xung động, đôi khi chuyển thành bệnh thái nhân cách (trạng thái hoảng loạn).

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý của phạm nhân

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.26844 sec| 978.672 kb