Đặc điểm tâm lý trong đối chất

11/03/2023
Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định đối chất là một dạng hoạt động điều tra được áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để xác định sự thật của vụ án. Về mặt tâm lý, đổi chất là giao tiếp tâm lý đặc trưng được diễn ra cùng một lúc giữa hai hay nhiều người trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để xác định sự thật của vụ án.

1- Khái niệm

Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định đối chất là một dạng hoạt động điều tra được áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để xác định sự thật của vụ án.

Về mặt tâm lý, đổi chất là giao tiếp tâm lý đặc trưng được diễn ra cùng một lúc giữa hai hay nhiều người trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để xác định sự thật của vụ án.

2- Đặc trưng tâm lý của hoạt động đối chất

Đặc điểm chủ yếu của sự tiếp xúc tâm lý trong đối chất thể hiện ở chỗ trước khi đối chất giữa hai hay nhiều người, đã có những mâu thuẫn nhất định trong sự khai báo về các sự kiện của vụ án đã xảy ra.

Tính chất chủ quan của các mâu thuẫn trong quan hệ tâm lý (đối chất) thể hiện ở chỗ một trong những người tham gia hay chứng kiến vụ án đã cố ý cung cấp lời khai sai. Tính khách quan của các mâu thuẫn thế hiện ở sự hiểu sai lệch vấn đề của người này, hoặc sự tri giác sai các sự kiện của người khác. Trong quá trình đối chất, tính khách quan của các quan hệ mâu thuẫn luôn luôn thay đổi. Điều này có nghĩa là mâu thuẫn của những lời khai dần dần bị loại trừ. Bởi vì trong khi đối chất, các quan hệ thực tế của người nào đó đối với vụ án đã được làm sáng tỏ, đồng thời các kết luận sai lầm trước kia đã được sửa đổi - sự thú nhận của một người nào đó.

Các quan hệ mâu thuẫn chủ quan chỉ có thể bị loại trừ trong trường hợp, nếu trong khi đối chất một trong những người tham gia đối chất đã thừa nhận sự khai gian dối của mình về sự kiện đã xảy ra.

Mục đích chủ yếu của đối chất là xác định sự thật. Để đi đến mục đích này cần phải có sự tác động đối với người cung cấp chứng cứ sai (người đối chất thứ nhất). Như vậy người tham gia đối chất thứ hai là phương tiện tác động tâm lý đặc biệt. Có thể nói sự tác động tâm lý tích cực của người đối chất thứ hai đối với lời khai man của người đối chất thứ nhất là một điều kiện không thể thiếu được trong đối chất.

Như vậy, trong giai đoạn điều tra, vấn đề đối chất chỉ được đặt ra khi đã xác định được rằng sự thật và chân lý thuộc về người đối chất thứ hai. Sự trực tiếp tranh luận, tiếp xúc với người đối chất thứ hai sẽ có tác động rất lớn đối với người đã khai man trước cơ quan điều tra, buộc họ phải thay đổi cách xử sự và cuối cùng đi đến thừa nhận sự cung cấp thông tin giả mạo của mình trước cơ quan điều tra. Trong điều tra tội phạm việc người trực tiếp chứng kiến sự kiện khai báo về diễn biến của vụ án sẽ làm tăng giá trị tố cáo đối với người phạm tội. Thực tiễn điều tra cho thấy hầu hết các trường họp bị can thú nhận lỗi là do điều tra viên đã khéo nhắc lại cho bị can những tình tiết cụ thể của vụ án tại cuộc đối chất (thông qua người đối chất thứ hai...). Nếu không có đối chất thì khó có thể buộc bị can nhanh chóng thú nhận tội lỗi của họ.

Trong đối chất, ý nghĩa của việc trực tiếp nhận thông tin từ nguồn tin sẽ được tăng lên rất nhiều nếu người cung cấp thông tin này lại đưa ra thêm một số chứng cứ nhất định. Người đối chất thứ hai không chỉ đưa ra chứng cứ thực tế của vụ án để thuyết phục sự ngoan cố của người đối chất kia mà còn thông qua hành động, lời nói, cử chỉ của bản thân, khẳng định thái độ dứt khoát của mình đối với sự kiện đã xảy ra và đối với người đối chất thứ nhất. Có thể nói sự có mặt của người đối chất thứ hai sẽ là một đòn tâm lý giáng mạnh vào sự ngoan cố của người phạm tội.

Trong quá trình đối chất không phải chỉ riêng người đối chất thứ hai tác động đến người kia, mà điều tra viên cũng cần tác động một cách tích cực đến họ. Đối chất là phương tiện bổ sung, là phương pháp tác động đặc biệt đối với người khai báo sai sự thật. Phương tiện bổ sung này chỉ có thể đem lại kết quả trong trường hợp nếu nó không bị biến thành một buổi hỏi cung bình thường.

Kết quả của đối chất phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

- Sự chuẩn bị cho hoạt động đối chất - chuẩn bị về mặt tâm lý. Hoạt động đối chất được xem là đã chuẩn bị chu đáo, nếu điều tra viên trong khi hỏi cung đã áp dụng đầy đủ các phương pháp thuyết phục và cung cấp tin tức. Nói cách khác, đối chất cần phải trở thành một thành phần trong hệ thống các phương pháp tác động tâm lý nhằm thay đổi hướng xử sự của người khai báo sai sự thật. Sự tác động tâm lý trong đối chất bao giờ cũng phải là sự tiếp tục, phát triển và bổ sung của tác động tâm lý trong hỏi cung. Tính chất liên tục và thống nhất của các tác động tâm lý sẽ làm tăng hiệu quả của đối chất, càng làm cho người khai báo sớm nhìn thấy tính vô nghĩa trong sự quanh co ngoan cố của mình;

- Tính bất ngờ của đối chất. Hoạt động đối chất được tả chức càng bất ngờ bao nhiêu thì sự tác động tâm lý của nó đối với người khai sai sự thật sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Đồng thời mục đích của đối chất cũng nhanh chóng đạt được. Nếu người khai báo sai sự thật đã có sự chuẩn bị tâm lý đối với hoạt động đối chất thì giá trị tác động của đối chất sẽ bị giảm đi rất nhiều, thậm chí có thể làm mất tác dụng của đối chất;

-  Sự tác động đến đạo đức và tình cảm của bị can. Hoạt động đối chất cần được tổ chức bất ngờ. Hơn thế nữa sự bất ngờ này còn phải xảy ra trước khi đã dùng những tác động tâm lý nhất định, kích thích bị can về mặt đạo đức và tình cảm. Nếu ở bị can đã có những chuyển biến tốt về tình cảm đạo đức - nhận thức rõ sai lầm thì cuộc đối chất sẽ diễn ra hết sức thuận lợi;

- Tính thuyết phục của những chửng cứ được nêu ra trong đối chất, và xử sự của người trình bày những chứng cứ này. Người đối chất thứ hai càng kiên quyết giữ vững lập trường của mình, các chứng cứ mà họ trình bày càng chặt chẽ, lôgic bao nhiêu thì sự tác động của đối chất đối với người khai man sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Như vậy, trước khi đối chất điều tra viên cần chú ý chuẩn bị thật tốt về mặt tâm lý đối với người đối chất thứ hai;

- Sự biểu lộ ý chí và tính tích cực tâm lý của những người tham gia đối chất. Điều kiện này có nghĩa là trong khi đối chất người khai đúng cũng như người khai sai phải ở trong trạng thái tâm lý tích cực người khai đúng trình bày chính xác sự kiện đã xảy ra; người khai sai chú ý lắng nghe, suy nghĩ và lựa chọn cách xử sự của mình;

- Sự chờ đợi những thông tin nhất định của người khai sai. Vấn đề ở đây là phải làm sao để các thông tin đưa ra trong đối chất phải hết sức bất ngờ, sắc bén... Tính sắc bén, bất ngờ của thông tin sẽ làm cho người khai man trở nên lúng túng bị động. Thường trong trường hợp này, kết quả của đối chất sẽ là rất khả quan;

- Bản chất các quan hệ tâm lý giữa những người tham gia đối chất. Có thể nói quan hệ giữa những người tham gia đối chất cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với kết quả đối chất. Ví dụ, người khai đúng về vụ án có uy tín cá nhân rất lớn đối với người cố tình khai man. Trường họp này người khai man dễ dàng đi đến sự thừa nhận sai lầm của mình;

- Tác động tâm lý của điều tra viên đối với người khai man. Trong khi đối chất điều tra viên có thể dùng nhiều biện pháp tác động tâm lý tích cực đối với người khai sai, cung cấp thêm tin tức, khêu gợi... kết quả của những tác động tâm lý càng cao thì hoạt động đối chất càng mau chóng đi đến kết quả.

Trước khi tiến hành đối chất, điều tra viên cần chú ý tìm hiểu về đặc điểm tâm lý của những người tham gia. Có thể sử dụng các khả năng tâm lý tốt của cá nhân trong khi đói chất, ví dụ khả năng thuyết phục, bình tĩnh, sâu sắc trong tranh luận... Trong bước chuẩn bị đối chất cần chú ý nghiên cứu đặc điểm của những quan hệ tâm lý giữa những người tham gia. Cần làm sáng tỏ các quan hệ cơ bản sau đây của những người tham gia đối chất:

- Quan hệ tâm lý phát triển ở thời kỳ nào;

- Mức độ của quan hệ tâm lý;

- Giữa những người tham gia đối chất có sự lệ thuộc nào không (nếu có thì nguyên nhân của sự lệ thuộc là gì);

- Các bên tham gia đối chất có ảnh hưởng gì với nhau không? Sự ảnh hưởng này có làm giảm đi kết quả của đối chất hay không;

- Có thể tận dụng những đặc điểm quan hệ tâm lý nào giữa các bên tham gia để làm tăng kết quả của đối chất…

Ngoài ra, điều tra viên cần chú ý nghiên cứu kỹ về mức độ biểu hiện các phẩm chất ý chí của những người tham gia đối chất - kiên định, giao động, hấp tấp, đa cảm...

Các bước chuẩn bị về mặt tâm lý cho hoạt động đối chất nói trên là hết sức cần thiết. Nó là cơ sở để điều tra viên có thể đạt được mục đích của đối chất: Kích thích tâm lý của người khai man; hình thành ở họ trạng thái tâm lý tích cực; tạo ra niềm tin và tính kiên quyết; cũng như sự sáng tạo trong đối chất của người khai đúng. Chuẩn bị cho người tham gia đối chất thứ hai khả năng tự chủ trước phản ứng tiêu cực của người khai man. Củng cố ý chí của người đối chất thứ hai, kích thích họ chủ động hoàn thành vai trò của mình trong đối chất.

3- Một số hình thức đối chất đặc biệt trong điều tra

(i) Đối chất nhằm giúp một người tham gia đối chất nhớ lại các sự kiện của vụ án mà họ đã quên

Loại đối chất này có đặc điểm là ngay từ đầu, những người tham gia đối chất đều hiểu rằng giữa họ không có mâu thuẫn, lời khai của họ là thống nhất và cùng vì một mục đích điều tra nhất định. Để các bên tham gia đối chất không đi đến mâu thuẫn với nhau về lời khai, điều quan trọng là điều tra viên phải xác định rõ mục đích của đối chất. Phải hình thành ở các bên tham gia đối chất trạng thái tâm lý hưng phấn, tích cực, có như vậy họ mới có thể nhanh chóng hồi tưởng lại, nhớ lại các sự kiện đã bị lãng quên, cần chú ý khắc phục hiện tượng hoang mang, nôn nóng, căng thẳng trong tiếp xúc. Vì những hiện tượng này sẽ cản trở quá trình tư duy, nhớ lại các tình tiết của vụ án.

Do tính chất đặc biệt của loại đối chất nói trên, nên yếu tố bất ngờ của đối chất không cần thiết phải sử dụng. Các bên tham gia đối chất có thể được báo trước về cuộc đối chất để nhớ lại các tình tiết bị quên, nhằm tạo điều kiện cho việc nhớ lại các tình tiết của vụ án được tiến hành thuận lợi. Các bên tham gia đối chất cũng có thể được thông báo trước về mục đích của cuộc đối chất, vai trò, chức năng của họ trong đối chất.

Đối với điều tra viên sự chuẩn bị cho hoạt động đối chất cần phải tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Phân tích kỹ mối quan hệ của những người đối chất với các sự kiện của vụ án;

- Phân tích tính quan trọng và tính lôgic của các tình tiết cần được xác minh;

- Quan hệ giữa các bên đối chất.

Điều cơ bản là trong khi đối chất, các bên tham gia phải thực sự cùng chung mục đích nhớ lại sự kiện bị quên, cần khắc phục hiện tượng dựa vào nhau, phó thác cho nhau trong khi nhớ lại các sự kiện. Đặc biệt các hiện tượng hời hợt, vô trách nhiệm trong quá trình nhớ lại cần phải được chấn chỉnh loại bỏ kịp thời.

(ii) Đối chất tiến hành theo yêu cầu bị can

Trường họp này đối chất chính là phương tiện tự vệ của bị can. Việc bị can yêu cầu được đối chất là nhằm gây tác động tâm lý đối với những người đã khai ra những tình tiết bất lợi cho họ. Vì vậy cơ cấu tâm lý của quan hệ đối chất trong trường hợp này đã hoàn toàn thay đổi nếu như trong đối chất để vạch trần tính chất gian dối của người khai man nào đó, yếu tố bất ngờ được coi là yếu tố đảm bảo sự thành công của đối chất, thì ở trường họp đối chất theo yêu cầu của bị can, tính bất ngờ không còn giá trị nữa. Bị can nhận thức được rằng cuộc đối chất theo yêu cầu của họ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nên họ cần phải chuẩn bị kỹ càng về các phương pháp tác động đối với điều tra viên và với người tham gia đối chất.

Trong công tác chuẩn bị cho hoạt động đối chất này, điều tra viên cần chú ý làm rõ các vấn đề sau:

- Mục đích của việc bị can yêu cầu được đối chất;

- Phán đoán các tác động tâm lý mà bị can có thể sử dụng đối với người tham gia đối chất;

- Chuẩn bị tốt tâm lý cho người tham gia đối chất trước khi gặp bị can;

- Chuẩn bị ngăn chặn những tác động tâm lý tiêu cực của bị can đối với người tham gia đối chất kia (đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ...).

Tóm lại, đối chất là một hoạt động giao tiếp tâm lý nhiều chiều hết sức phức tạp. Vai trò của điều tra viên trong hoạt động này là hết sức quan trọng. Cũng như đối chất là một nghệ thuật để nâng sự điều khiển hoạt động đối chất lên thành nghệ thuật trong điều tra, điều tra viên cần hiểu đúng bản chất của đối chất, biết phân tích tâm lý của những người tham gia đối chất một cách sâu sắc, khoa học, biết chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho từng đối tượng tham gia đối chất một cách linh hoạt.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý trong đối chất

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.54271 sec| 1000.305 kb