Đặc điểm tâm lý trong hoạt động hòa giải vụ án dân sự

09/04/2023
Nguyễn Ngọc Nghĩa
Nguyễn Ngọc Nghĩa
Hòa giải vụ án dân sự có thể diễn ra trong mọi giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trước khi xét xử sơ thẩm, hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với hầu hết các vụ án dân sự. Tiến hành hoạt động hòa giải, Toà án giải thích pháp luật, giúp các đương sự nhận thức đúng quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự tháo gỡ những vướng mắc trong tình cảm để thoả thuận giải quyết các vấn đề của vụ án.

Hoạt động hòa giải có những đặc điểm sau:

- Hòa giải là một hoạt động được tiến hành trước khi xét xử vụ án, nhằm giúp cho các đương sự tự thoả thuận với nhau để giải quyết vụ án dân sự trên tinh thần đoàn kết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

- Giao tiếp trong hòa giải là giao tiếp nhiều chiều, có nhiều mục đích được đặt ra. Tham gia vào hoạt động hòa giải có nhiều chủ thể. Xét về mặt tâm lý, hòa giải chính là quá trình thương lượng, đàm phán giữa các bên. Mỗi bên có một lợi ích cụ thể cần phải đạt được: các đương sự có mục đích của họ khi tham gia hòa giải; thẩm phán, là người đại diện của Nhà nước và pháp luật, khi tiến hành hòa giải cũng phải làm sao cho sự thoả thuận của các bên phù hợp với pháp luật, qua đó mà giáo dục ý thức pháp luật và tình cảm đạo đức cho các công dân.

- Thẩm phán là người điều khiển giao tiếp của các bên tham gia hòa giải. Thẩm phán không phải là một bên chủ thể của quá trình hòa giải, nhưng thẩm phán lại là chủ thể quan trọng, giúp cho các đương sự có thể tìm thấy thoả thuận chung trong quá trình hòa giải. Quá trình hòa giải vụ án dân sự có kết quả hay không, phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật hòa giải của thẩm phán. Để đạt được hiệu quả trong hoạt động hòa giải, thẩm phán cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cho việc hòa giải. Quá trình điều tra, nghiên cứu hồ sơ vụ án giúp cho thẩm phán đã có thể nắm vững nội dung của vụ án, hiểu rõ quan hệ pháp luật mà các đương sự đang tranh chấp, nguyên nhân của tranh chấp, tình cảm giữa các đương sự, yêu cầu của đương sự và các quy phạm pháp luật cần được áp dụng... Trên cơ sở đó, thẩm phán phải xây dựng kế hoạch hòa giải, xác định người tham gia hòa giải, thời gian và địa điểm thích hợp để hòa giải. Khi tiến hành hòa giải, trước hết thẩm phán phải phân tích rõ nội dung sự việc mà các đương sự đang tranh chấp, đồng thời, phân tích những vướng mắc trong tư tưởng, tình cảm của mỗi bên đương sự và có những lời lẽ thấu tình đạt lý, giúp đương sự xoá đi những mâu thuẫn để thông cảm được với nhau cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Khi phân tích lý lẽ, thẩm phán phải thể hiện được sự khách quan vô tư, phân tích thấu tình đạt lý. cần tránh những lời lẽ mang tích chất miệt thị, chỉ trích nặng nề, gây phản ứng tiêu cực ở các đương sự. Đối với những tranh chấp dân sự mà giữa các bên đã có mối quan hệ bền chặt như huyết thống, hôn nhân... thẩm phán có thể dựa trên truyền thống tình cảm tốt đẹp của gia đình Việt Nam để giúp họ thấy được tình cảm ruột thịt mà nhường nhịn nhau trong tranh chấp. Bên cạnh đó, thẩm phán phải giải thích phân tích để các đương sự nắm được pháp luật áp dụng để giải quyết vụ án, để họ hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong tranh chấp. Là người điều khiển giao tiếp, thẩm phán chỉ đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề mang tính chất định hướng để các đương sự tự suy nghĩ, bàn bạc và đi đến thoả thuận chứ không được ép buộc các đương sự phải chấp nhận hòa giải theo hướng mà Toà án dự kiến quyết định khi xét xử.

 

- Khi tranh chấp xảy ra, các bên đương sự đã có quá trình tác động qua lại lẫn nhau. Họ có thể đã đưa ra các phương án để giải quyết tranh chấp nhưng không thoả thuận được với nhau. Do đó, mối quan hệ của các đương sự khi tham gia hòa giải có sự mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn đó thể hiện ở sự đối kháng về quyền lợi giữa các đương sự. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục nghĩ đến các phương án giải quyết tranh chấp mà trước đây đã không thoả thuận được. Có thể lúc này, các phương án đó sẽ được họ cân nhắc, xem xét và lựa chọn. Bên cạnh sự mâu thuẫn, ở mỗi bên có thể xuất hiện xu thế thoả hiệp, nhượng bộ. Do đó xét về mặt tâm lý, hòa giải là quá trình các bên đưa ra yêu cầu, nhượng bộ và đi đến thoả thuận. Như vậy, nếu trong hòa giải, mỗi bên cứ khăng khăng giữ yêu cầu của mình không chịu nhượng bộ thì hòa giải sẽ thất bại.

Khi tham gia hòa giải, giữa các bên không chỉ mâu thuẫn về lợi ích, mà họ còn cố gắng đạt được tối đa lợi ích riêng của mình. Để hòa giải có kết quả, các bên phải điều chỉnh lợi ích của mình, xích lại gần nhau và cùng nhau đi đến sự nhất trí. Thẩm phán phải làm cho các đương sự hiểu rằng, để có thể thoả thuận được, họ không thể đòi hỏi sự thoả mãn tuyệt đối yêu cầu của mình, mà chỉ là sự thoả mãn có giới hạn yêu cầu đó mà thôi.

- Thoả thuận đạt được giữa các bên trong hòa giải phải đúng pháp luật, và phải được ghi nhận trong biên bản. Mặc dù khi hòa giải, quyền tự định đoạt của các đương sự được tôn trọng tối đa, song thoả thuận mà các bên đạt được phải không được trái với pháp luật. Là người tiến hành hòa giải, thẩm phán cần phải tư vấn cho các đương sự về các căn cứ pháp lý được sử dụng để giải quyết tranh chấp. Nhờ đó mà đương sự hiểu được quyền và trách nhiệm của họ trong tranh chấp. Từ đó, họ có thể thoả thuận với nhau cách giải quyết tranh chấp đúng với pháp luật và hợp tình người, thoả thuận đạt được trong hòa giải phải được ghi nhận lại trong biên bản hòa giải, trong đó phải nêu cụ thể nội dung sự việc tranh chấp và những điều mà các bên đã thoả thuận được.

Như vậy, hòa giải là một hoạt động có ý nghĩa to lớn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bằng hoạt động hòa giải, Toà án giúp các đương sự thoả thuận giải quyết được các vấn đề của vụ án. Nhờ đó, không chỉ góp phần giảm bớt được các vụ án cần phải xét xử, mà còn nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, giáo dục tinh thần " sống và làm việc theo pháp luật”, ngăn ngừa những hành vi phạm tội có thể phát sinh từ các tranh chấp dân sự. Trong các trường hợp hòa giải không thành, thì thẩm phán có điều kiện để hiểu rõ hơn về vụ án, về quan hệ của các đương sự, để có thể xét xử vụ án một cách chính xác, đúng pháp luật.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm tâm lý trong hoạt động hòa giải vụ án dân sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.51697 sec| 958.063 kb