Đạo đức và Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với khách hàng

"Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"

- Trích: "Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam".

Đạo đức và Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với khách hàng

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.

Luật sư là hoạt động nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Công việc của Luật sư luôn gắn với khách hàng. Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng là quan hệ cơ bản nhất, phổ biến nhất trong các quan hệ liên quan đến nghề nghiệp Luật sư.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành ngày 13 tháng 12 năm 2019 đã dành Chương II, với 04 Mục, 12 Quy tắc, để quy định những chuẩn mực Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp trong quan hệ giữa Luật sư với Khách hàng. 

Liên hệ

MỤC 1 - NHỮNG QUY TẮC CƠ BẢN:

Quy tắc 5 - Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng:

Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Quy tắc 6 - Tôn trọng khách hàng:

Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở yêu cầu hợp pháp của khách hàng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng.

Quy tắc 7 - Giữ bí mật thông tin:

Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Quy tắc 8 - Thù lao:

Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Lưu ý: 

Đây là quy tắc rất quan trọng, gắn với nghề nghiệp Luật sư. Luật sư cần quan tâm tuân thủ, thỏa thuận minh bạch, hợp lý khi thương lượng, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Việc minh bạch về thù lao, phân chia rõ ràng trị giá thù lao theo từng giai đoạn, từng phần công việc, minh bạch thỏa thuận về chi phí còn rất có ý nghĩa trong giải quyết tranh chấp với khách hàng và là công cụ bảo vệ Luật sư khi mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng xấu đi, hoặc khi khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng, đòi lại tiền thù lao, chi phí đã thanh toán cho Luật sư.

Nội dung quy tắc yêu cầu Luật sư phải giải thích, thông báo cho khách hàng về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán, thông báo rõ mức thù lao, chi phí và ghi vào hợp đồng dịch vụ pháp lý. Việc tuân thủ đúng Quy tắc này đòi hỏi các Luật sư phải nghiên cứu, tìm hiểu tiếp các quy định của pháp luật liên quan đến thù lao Luật sư và hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Quy tắc 9 - Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng:

9.1. Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng.

9.2. Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.

9.3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.

9.4. Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.

9.5. Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng.

9.6. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác.

9.7. Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng.

9.8. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.

9.9. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.

9.10. Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xung luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật.

Lưu ý: 

Quy tắc 9.1: Biểu hiện vi phạm cụ thể thường gặp là thông qua hoạt động nghề nghiệp, Luật sư có thể nhận những khoản tiền của khách hàng để nộp đóng án phí, đo vẽ, định giá... nhưng không thực hiện mà sử dụng cá nhân. Có trường hợp Luật sư đại diện khách hàng nhận tiền thi hành án nhưng không thông báo cho khách hàng biết mà giữ để sử dụng cá nhân.

Quy tắc 9.2: Biểu hiện vi phạm cụ thể thường gặp như hình thức lập văn bản hứa thưởng cho Luật sư bằng tiền hoặc tài sản khác.

Quy tắc 9.4: Biểu hiện vi phạm cụ thể thường gặp như các hành vi sách nhiễu khách hàng nhằm trục lợi, nhận thêm những khoản tiền ngoài thù lao, chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Quy tắc 9.6: Biểu hiện vi phạm cụ thể là khoe khoang mối quan hệ với các cơ quan, cán bộ nhà nước để nhận được dịch vụ pháp lý, thậm chí nhận với mức thù lao rất cao.

Quy tắc 9.8: Biểu hiện vi phạm cụ thể hứa hẹn bào chữa với kết quả là án treo trong vụ án hình sự. Một số trường hợp Luật sư đã phân chia thang bậc năm tù (dự kiến) mà khách hàng có khả năng gánh chịu để làm căn cứ tính thù lao. Mức năm tù càng thấp thì thù lao Luật sư càng cao.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

MỤC 2 - NHẬN VỤ VIỆC:

Quy tắc 10 - Tiếp nhận vụ việc của khách hàng:

10.1. Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không.

10.2. Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết.

10.3. Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.

10.4. Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.

10.5. Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: 

Quy tắc 10.4: Về nghĩa vụ "giải thích cho khách hàng". Trên thực tế, khi có sự việc bất đồng, tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý thì khách hàng sẽ tranh luận nội dung từng điều khoản, nhất là các vấn đề về phạm vi công việc, thù lao, chi phí trong hợp đồng. Do đó, để tránh khác biệt quan điểm về cách hiểu các nội dung, điều khoản của hợp đồng, Luật sư cần giải thích và ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là Luật sư đã giải thích, khách hàng đã được nghe giải thích về quyền, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

Quy tắc 10.5: Nghĩa vụ "ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý" - bắt buộc Luật sư phải tuân thủ. Từ quy tắc này có mối liên hệ đến Điều 26 Luật Luật sư, theo đó thì luật sư phải thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính bao gồm: tên, địa chỉ của khách hàng và tổ chức hành nghề Luật sư (hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân); Nội dung dịch vụ; Thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; Các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Quy tắc 11 - Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng:

11.1. Khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

11.2. Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư mà luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác.

11.3. Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chúng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

11.4. Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.

Lưu ý: 

Quy tắc 11 quy định nếu luật sư biết rõ các trường hợp nêu trong quy tắc thì buộc phải từ chối nhận vụ việc. Trường hợp Luật sư biết rõ mà vẫn nhận vụ việc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Xem thêm: Đạo đức và Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp

MỤC 3 - THỰC HIỆN VỤ VIỆC:

Quy tắc 12 - Thực hiện vụ việc của khách hàng:

12.1. Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết.

12.2. Luật sư nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với khách hàng.

12.3. Khi thực hiện vụ việc, luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng.

12.4. Trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng thì luật sư phải thông báo để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn.

Lưu ý:

Quy tắc 12 quy định về trách nhiệm và ứng xử của Luật sư trong quá trình thực hiện vụ việc của khách hàng. Đây là giai đoạn Luật sư thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết, tức là cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Quy tắc 13 - Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng:

13.1. Luật sư có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

13.1.1. Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật;

13.1.2. Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục;

13.1.3. Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của luật sư;

13.1.4. Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp;

13.1.5. Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối luật sư.

13.2. Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

13.2.1. Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức;

13.2.2. Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11;

13.2.3. Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.

Lưu ý:

Quy tắc này quy định về việc Luật sư được từ chối thực hiện vụ việc của khách hàng trong giai đoạn sau khi đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với khách hàng. Quy tắc này chia làm 02 phần quy định, gồm phần quy định về các trường hợp Luật sư có thể từ chối, và phần Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.

Các trường hợp Luật sư được quyền chọn lựa ứng xử và có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng, gồm: [1] Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề Luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật; [2] Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do Luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục; [3] Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa Luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của Luật sư; [4] Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc Luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; [5] Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối Luật sư.

Các trường hợp quy định Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng gồm: [1] Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức; [2] Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11; [3] Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.

Quy tắc 14 - Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý:

Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13, luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.

Lưu ý:

Quy tắc này quy định về thái độ, ứng xử của Luật sư khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13. Theo đó, dù chấm dứt cung cấp dịch vụ, Luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.

Quy tắc 15 - Xung đột về lợi ích:

15.1. Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này.

15.2. Trong quá trình thực hiện vụ việc, luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của luật sư thì luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết.

15.3. Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:

15.3.1. Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;

15.3.2. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện.

15.3.3. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ;

15.3.4. Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư;

15.3.5. Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên;

15.3.6. Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư;

15.3.7. Trường hợp luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6.

15.4. Luật sư vẫn có thể nhận hoặc thực hiện vụ việc trong các trường hợp tại Quy tắc 15.3, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, trừ các trường hợp sau đây:

15.4.1 Các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật;

15.4.2 Các vụ án, vụ việc tố tụng, vụ việc khiếu nại hành chính, vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, hòa giải thương mại;

15.4.3 Trường hợp tại Quy tắc 15.3.5.

MỤC 4 - KẾT THÚC VỤ VIỆC:

Quy tắc 16 - Thông báo kết quả thực hiện vụ việc:

Khi kết thúc vụ việc, luật sư cần thông tin cho khách hàng biết về kết quả thực hiện vụ việc và thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư trong lĩnh vực thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest .

MỘT SỐ LƯU Ý TRONG QUAN HỆ GIỮA LUẬT SƯ VỚI KHÁCH HÀNG:

Số liệu thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho thấy, kể từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2020, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã nhận được khoảng gần 1.500 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, các Ban Chủ nhiệm, thành viên Ban Chủ nhiệm của các Đoàn Luật sư. Tổng hợp các trường hợp khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, phần lớn thuộc các trường hợp:

- Đa số trường hợp khách hàng khiếu nại Luật sư liên quan đến việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Khách hàng không hài lòng về chất lượng công việc mà Luật sư đã thực hiện so với số tiền mà khách hàng đã thanh toán cho Luật sư nên khiếu nại đòi lại một phần hoặc toàn bộ tiền thù lao;

- Một số trường hợp khách hàng cho rằng Luật sư hứa hẹn kết quả nhưng không làm được công việc như đã hứa;

- Một số khách hàng khiếu nại vì Luật sư làm việc thiếu nhiệt tình, tắc trách hoặc có thái độ không đúng với khách hàng;

- Một số trường hợp người khiếu nại không phải là khách hàng của Luật sư, mà là đương sự có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư;

- Một số trường hợp cơ quan tố tụng có văn bản gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư để yêu cầu xử lý Luật sư do cho rằng Luật sư có những ứng xử không chuẩn mực khi tham gia tố tụng;

- Một số Luật sư nhân danh nghề nghiệp Luật sư, tư cách Luật sư có nhiều phát biểu, phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với nội dung sai trái, ngôn phong, thái độ thể hiện sự lệch lạc về chuẩn mực ứng xử, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp Luật sư, gây hậu quả xấu đối với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội và làm mất uy tín đối với đội ngũ Luật sư.

Do vậy, trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, ngoài việc xây dựng, củng cố, duy trì, gìn giữ niềm tin của khách hàng, của xã hội theo những chuẩn mực chung của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Luật sư khi hành nghề cần quan tâm ứng xử đối với một số vấn đề trong quan hệ giữa Luật sư với Khách hàng:

- Khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng, cần xác lập quan hệ dịch vụ đúng quy định. Cụ thể là, giữa tổ chức hành nghề của Luật sư với khách hàng phải có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản với đầy đủ các nội dung chính theo quy định của Điều 26 Luật Luật sư, trong đó cần xác định rõ: Phạm vi và nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; Các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

- Đối với thù lao, nếu công việc là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn, nhiều hạng mục công việc thì nên phân chia rõ là mỗi giai đoạn công việc tương ứng mức thù lao cụ thể.

- Luật sư cần thỏa thuận rõ với khách hàng, phân biệt mức giá trị ghi trong hợp đồng là bao gồm thù lao hay bao gồm cả thù lao và chi phí. Luật sư có thể thỏa thuận cách tính chi phí (các khoản ăn ở, đi lại, chi phí trang trải cho hoạt động liên quan đến công việc) với khách hàng và tách thành mục riêng trong hợp đồng. Chi phí có thể thỏa thuận thanh toán theo thực tế hoặc trọn gói cho Luật sư.

- Về căn cứ và phương thức tính thù lao, trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính thì tuyệt đối tránh việc thỏa thuận lập các văn bản về hứa thưởng. Luật sư nên xác lập lợi ích của mình ngay trong hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng), có thể xác định thù lao Luật sư theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án...

- Điều 9 Luật Luật sư thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Do vậy, việc thỏa thuận hứa thưởng hiện nay được hiểu là vi phạm Luật Luật sư và đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

- Khi Luật sư đại diện cho khách hàng trong tố tụng, ngoài tố tụng thì giữa Luật sư với khách hàng cần lập văn bản xác định rõ phạm vi đại diện, tránh trường hợp khách hàng khiếu nại, cho rằng Luật sư tự ý thỏa thuận, thực hiện công việc vượt quá phạm vi đại diện, nhất là các trường hợp Luật sư đại diện đàm phán, thương lượng với đối tác hoặc phía đối lập của khách hàng về những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế. 

- Khi thực hiện công việc cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết, Luật sư theo dõi, nắm rõ phạm vi công việc đã thỏa thuận với khách hàng, tránh trường hợp làm thiếu công việc (không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ), hoặc làm thừa công việc (vượt phạm vi trách nhiệm). Cả hai tình huống đều có nguy cơ rủi ro khi công việc không thành công và bị khách hàng khiếu nại.

- Khi Luật sư và khách hàng có mâu thuẫn hoặc tranh chấp và khách hàng khiếu nại, Luật sư nên nỗ lực hòa giải. Hạn chế quan điểm bảo thủ. Thực tiễn xử lý khiếu nại, tố cáo thì quan điểm người làm công tác xử lý cũng có thể có những quan điểm, góc nhìn khác nhau. Do đó, Luật sư không nên chủ quan và cho rằng mình luôn đúng, khách hàng luôn sai. Khi cần thiết, luật sư cũng cần nhượng bộ khách hàng, hy sinh một phần lợi ích.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Đạo đức và Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với khách hàng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.02166 sec| 1185.57 kb