Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
1- Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia loại hình bảo hiểm này.
2- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng
Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động được xác định như sau:
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng.
- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, với mức lương đóng tối đa như sau:
- Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở = 29,8 triệu đồng/tháng
- Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng.
3- Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mỗi chế độ lại yêu cầu những điều kiện hưởng nhất định. Cụ thể:
(i) Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…
(ii) Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động chỉ cần đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được thì sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
(iii) Điều kiện được hỗ trợ học nghề
Theo Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Trừ trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…
(iv) Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm
Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chính sách dành riêng cho người sử dụng lao động. Để được hưởng quyền lợi này, người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ các điều kiện nêu tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013:
- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
- Đã có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4- Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
(i) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng |
= |
Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp |
|
x |
60% |
Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.
(ii) Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
(iii) Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A đóng BHTN 50 tháng với lương bình quân 6 tháng cuối cùng là 4.000.000đ
Thời gian được hưởng BHTN của ông A:
- 36 tháng BHTN đầu tiên => được hưởng 3 tháng trợ cấp
- 12 tháng BHTN tiếp theo => được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp
- số tháng còn dư là 2 tháng BHTN => cộng dồn vào lần hưởng BHTN sau.
Mức hưởng trợ cấp TN hàng háng của ông A là: 4.000.000đ x 60% = 2.400.000đ
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
1. Bài viết trong lĩnh vực pháp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm