Khái niệm và những chức năng xã hội của gia đình
1- Khái niệm về gia đình
Gia đình là sản phẩm của xã hội, đã phát sinh và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Với ý nghĩa là một thiết chế xã hội đặc thù, gia đình chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên và xã hội. Các điều kiện kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển nhất định là nhân tố quyết định tính chất và kết cấu của gia đình. Do vậy, gia đình là hình ảnh thu hẹp của xã hội, là tế bào của xã hội, Trong mỗi hình thái kinh tế xã hội, tính chất và kết cấu của gia đình ngoài những giá trị phổ biến còn có những đặc thù riêng biệt.
Ví dụ: trong gia đình của chế độ phong kiến, tính chất quyền gia trưởng của người chồng, người cha là một đặc tính nổi trội với kết cấu nhiều thế hệ (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường...), coi lợi ích của gia đình, dòng họ cao hơn lợi ích cá nhân. Đặc tính và kết cấu của gia đình thuộc hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa là quyền tự do cá nhân và bình đẳng nam nữ, nền sản xuất công nghiệp và tư tưởng đề cao vai trò của cá nhân trong thời đại dân chủ đã tạo nên kết cấu gia đình với cấu trúc hai thế hệ là chủ yếu.
Gia đinh của xã hội Việt Nam hiện nay là sự kế thừa và phát triển các giá trị của gia đình truyền thống, kết họp với những giá trị tự do và bình đẳng giữa các cá nhân của thời đại dân chủ. Quan hệ bình đẳng về mọi mặt giữa vợ và chồng trong gia đình xã hội chủ nghĩa phản ánh mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ ngoài xã hội; tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân, đồng thời hài hòa lợi ích cá nhân, gia đình, họ tộc và xã hội.
Theo pháp luật hiện hành có thể hiểu, gia đình là sự liên kết của nhiều người có quan hệ với nhau do:
- Hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng;
- Cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần;
- Sinh đẻ và giáo dục con cái;
- Có các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản.
Trong từng trường hợp cụ thể, mỗi gia đình có thể mang những nét này hoặc nét khác: hoặc có thể chỉ có quan hệ huyết thống với nhau hoặc chỉ có quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ hôn nhân.
Trong các văn bản pháp luật trước đây không có định nghĩa về gia đình. Đến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, gia đình mới được định nghĩa là “tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (khoản 2 Điều 3). Theo khái niệm này, gia đình được xác định là “tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng...”. Thuật ngữ “tập hợp” ở đây tạo nên liên tưởng đến sự tập trung một cách thiếu chủ động của những cá nhân với nhau, lại bị gò bó bởi quy định: “theo quy định của Luật này”. Thực tế trong xã hội, gia đình là một thiết chế xã hội có kết cấu hết sức chặt chẽ, bị chi phối không chỉ bởi pháp luật mà còn bởi các quy tắc xã hội khác.
Trong các tài liệu nghiên cứu của các bộ môn triết học, xã hội học... có đưa ra khái niệm về gia đình. Khái niệm gia đình còn thay đổi theo phạm vi nghiên cứu. Trong hệ thống pháp luật, khái niệm gia đình của mỗi ngành luật cũng khác nhau.
Như vậy, có thể đưa ra khái niệm gia đình như sau: Gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam là sự liên kết của nhiều người dựa trên cơ sở hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau, cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần, xây dựng gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
2- Những chức năng xã hội của gia đình
Là tế bào của xã hội, gia đình thực hiện các chức năng xã hội của mình. Mỗi chế độ xã hội khác nhau có một mô hình gia đình với chức năng xã hội khác nhau. Tuy nhiên, ở chế độ xã hội nào thì gia đình cũng thực hiện các chức năng chủ yếu sau: chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục và chức năng kinh tế.
[a] Chức năng sinh đẻ
Gia đình là tế bào của xã hội, dựa trên cơ sở hôn nhân và huyết thống, trước hết là một hình thái xã hội mà trong đó diễn ra quá trình tái sản xuất ra con người, quá trình tiếp tục nòi giống, c. Mác và Ph. Ăngghen đã từng đề cập đến chức năng đó của gia đình. Từ thời kỳ xa xưa trong bước phát triển lịch sử của xã hội loài người, đã có mối quan hệ xã hội đặc biệt, thể hiện ở chỗ “con người ta thay đổi hàng ngày cuộc sống của chính mình, bắt đầu sản xuất ra những con người khác, tức tự tái sản xuất, đó là quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, giữa cha mẹ và con cái, đó là gia đình".
Nếu không có sản xuất và tái sản xuất, kể cả tái sản xuất ra con người thì xã hội không phát triển, thậm chí không tồn tại được.
Chức năng gia đình như một tế bào tự tái sản xuất đều có chung ở tất cả các chế độ xã hội. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận gia đình từ chức năng đó thì chúng ta thấy rằng việc gia đình thực hiện chức năng tự tái sản xuất phụ thuộc vào các điều kiện của chế độ xã hội mà trước hết là các điều kiện về kinh tế. Vào thời kì trước lịch sử, khi con người chưa thoát khỏi giới động vật hoang dã, quan hệ giới tính, quan hệ đối với con cái được xác định bởi các điều kiện chung của cuộc sống, các điều kiện mà chưa có một quan hệ nào đối với công cụ lao động cả. Công cụ lao động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, sức sản xuất ngày càng phát triển và đến lúc nó có ảnh hưởng lớn đến quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, trong đó có quan hệ tái sản xuất.
Mặt khác, con người vừa là thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, con người là sản phẩm của xã hội, trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tống hòa của tất cả các quan hệ xã hội. Con người là thành viên trong gia đình, đồng thời là thành viên của xã hội, đại diện cho một tầng lớp, một giai cấp, một xã hội nhất định.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, chức năng tự tái sản xuất ra con người nhằm phục vụ cho lợi ích xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết họp hài hòa lợi ích cá nhân, gia đình và lợi ích xã hội.
[b] Chức năng giáo dục
Chức năng giáo dục là một chức năng chủ yếu của gia đình. Mỗi con người sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể. Việc giáo dục của gia đình bắt đầu từ lúc con người sinh ra cho đến suốt cuộc đời.Trong gia đình, vai trò của cha mẹ rất quan trọng đối với việc giáo dục con cái. Mặt khác, vai trò của mỗi thành viên trong gia đình (như anh, chị, em, ông bà, chú, bác...) cũng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách, đến sự trưởng thành của các thành viên khác.Việc xác lập hệ thống kinh tế xã hội đảm bảo lợi ích chung về vật chất và tinh thần - là cơ sở quan trọng giúp cho việc giáo dục ý thức thống nhất lợi ích xã hội và gia đình, làm cho gia đình phát triến không cách biệt, mà gắn liền với tập thể, với xã hội.Trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội, vai trò của gia đình càng được đề cao hơn trong việc giáo dục con cái và tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa gia đình với nhà trường, xã hội trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
[c] Chức năng kinh tế
Chức năng kinh tế của gia đình ở mỗi chế độ khác nhau có nội dung khác nhau. Trong xã hội có giai cấp bóc lột, quan hệ gia đình bị điều kiện kinh tế của chế độ tư hữu chi phối, chức năng chủ yếu của gia đình là chức năng kinh tế. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến, mỗi gia đình phong kiến và chủ nô là một đơn vị kinh tế. Trong xã hội tư bản, sản xuất đã mang tính xã hội hơn nhưng chức năng kinh tế của gia đình vẫn là chức năng chủ yếu. Khi mà trong xã hội, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đã được xác lập, gia đình không còn là đơn vị kinh tể nữa, chức năng kinh tế của gia đình chủ yếu là tổ chức đời sống của mọi thành viên trong gia đình, thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên đó.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest.
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái niệm và những chức năng xã hội của gia đình được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái niệm và những chức năng xã hội của gia đình có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm