Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Sự phục tùng pháp luật là bắt buộc đối với tất cả mọi người"
– Xixêrôn
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kêt luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Giám định tư pháp được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Giám định tư pháp năm 2012.
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Một hoạt động giám định được coi là hoạt động giám định tư pháp phải hội tụ ba điều kiện sau:
Một là, chủ thể trưng cầu giám định phải là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc người có quyền yêu cầu giám định.
Hai là, chủ thể tiến hành hoạt động giám định phải là giám định viên tư pháp trong các tổ chức giám định hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.
Ba là, đối tượng cần giám định phải có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, có liên quan đến giải quyết vụ án hình sự, vụ, việc dân sự, vụ án hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết.
Như vậy, nếu một hoạt động giám định thiếu một trong ba điều kiện nêu lên thì hoạt động giám định đó không phải là hoạt động giám định tư pháp. Đó là điểm khác biệt giữa hoạt động giám định tư pháp với hoạt động giám định thông thường như giám định chất lượng hàng hóa, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... do các hoạt động này phục vụ hoạt động quản lý nhà nước theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Một là, giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học, giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh trong việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ việc dân sự, bảo đảm phán quyết được khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Nhiều trường hợp kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ duy nhất để giải quyết vụ việc.
Hai là, kết luận của giám định viên là cơ sở để minh oan cho người không phạm tội bị nghi oan, nếu kết quả giám định cho thấy rõ không liên quan đến đối tượng nào đó đang bị tình nghi.
Ba là, các nhận xét của giám định viên tại hiện trường nhiều khi có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ kịp thời cho công tác truy xét, điều tra theo dấu vết nóng, nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Bốn là, giám định tư pháp còn mang tính chất phòng ngừa tội phạm. Qua việc giám định thấy có vấn đề gì nổi cộm như phương thức, thủ đoạn gây án mới, những quan niệm, tập tục sai trái dẫn đến nguy hại đến tính mạng, tài sản của công dân; Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan giám định tuyên truyền, phổ biến, để người dân biết cách phòng, chống.
Xét trên phương diện quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền, hoạt động giám định tư pháp góp phần bảo vệ một cách hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ không thể phản bác, bảo đảm an toàn cho công dân trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia. Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tố tụng.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Giám định tư pháp chỉ được tiến hành khi có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan và người tiến hành tố tụng hoặc khi có yêu cầu của người có quyền yêu cầu giám định. Quá trình giám định có thể thực hiện tại hiện trường vụ, việc xảy ra hoặc tại cơ quan giám định.
Để nhận biết, phân biệt đối với một vụ, việc giám định cụ thể, có các hình thức giám định sau:
Một là, theo tiêu chí số lượng người giám định, có các hình thức: Giám định cá nhân, giám định tập thể. Giám định tập thể gồm: giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn và giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Hai là, theo tiêu chí thứ tự giám định, có các hình thức: Giám định lần đầu, giám định bổ sung, giám định lại, giám định hội đồng.
Theo đó, giám định lần đầu là giám định được tiến hành lần đầu; giám định bổ sung là sau khi trưng cầu giám định lần đầu, thấy có vấn đề có liên quan chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc trong quá trình điều tra phát sinh vấn đề mới, cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung. Giám định viên giám định lần đầu tiếp tục giám định trả lời các câu hỏi của cơ quan trưng cầu. Giám định lại là khi có kết luận giám định lần đầu cơ quan trưng cầu thấy thiếu cơ sở khoa học, có nghi ngờ về kết quả giám định, thì ra quyết định giám định lại. Giám định viên giám định lần đầu không được tham gia giám định lại. Giám định hội đồng là khi có kết luận giám định lại lần đầu, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thấy thiếu cơ sở khoa học thì ra quyết định giám định lại lần thứ hai.Việc giám định lại lần thứ hai phải do hội động giám định thực hiện. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai.
Có 3 lĩnh vực giám định tư pháp chuyên trách là: Giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và giám định kỹ thuật hình sự.
Giám định pháp y: Là lĩnh vực giám định tư pháp, sử dụng những thành tựu khoa học trong y học, sinh học, hoá học, vật lí học, tin học... để đáp ứng những yêu cầu của pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự. Giám định pháp y nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm con người, các vụ án mạng, đánh người thành thương, các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể người có liên quan đến vụ án.
Giám định pháp y tâm thần: Là xác định đối tượng giám định có bị bệnh tâm thần hay không; Bệnh gì; Mức độ bệnh ra sao; Họ có giả bệnh hay làm tăng triệu chứng bệnh hay không; Xác định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ. Trên cơ sở đó cơ quan tiến hành tố tụng xác định năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng giám định lại căn cứ giải quyết các vụ án, vụ việc.
Giám định kỹ thuật hình sự: Là một lĩnh vực giám định tư pháp, dựa trên cơ sở kiến thức chuyên môn về kỹ thuật hình sự và thành tựu khoa học của các ngành khoa học có liên quan, sử dụng các phương tiện giám định chuyên dụng và các phương pháp giám định phù hợp, để nghiên cứu, xem xét và đưa ra kết luận có tính khoa học trả lời các yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định. Giám định kỹ thuật hình sự có các chuyên ngành: Giám định dấu vết đường vân; Giám định tài liệu; Giám định dấu vết cơ học; Giám định súng, đạn; Giám định hóa, ma túy; Giám định sinh học; Giám định cháy, nổ; Giám định kỹ thuật; Giám định âm thanh; Giám định kỹ thuật số và điện từ.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Việc tiến hành giám định tư pháp đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định đó là: Quyết định trưng cầu giám định đúng thủ tục; mẫu vật cần giám định và mẫu so sánh đủ số lượng và chất lượng; Những thông tin cần thiết cho yêu cầu giám định được cung cấp đầy đủ và chính xác; Có giám định viên tư pháp đủ trình độ giám định; Có đủ cơ sở, phương tiện vật chất cần thiết cho yêu cầu giám định. Nếu thiếu một trong các điều kiện này thì việc giám định sẽ không tiến hành được. Tuy nhiên, khi đã có đầy đủ điểu kiện cần thiết đế tiến hành giám định thì kết quả của công việc giám định lại phụ thuộc vào phương pháp giám định và việc tuân thủ quy trình giám định. Tiến hành giám định tư pháp cần phải tuân thủ theo một quy trình bắt buộc để bảo đảm tính khoa học, chính xác và khách quan.
Phương pháp là tổng hợp các cách thức để một người tiến hành thực hiện một công việc cụ thể. Phương pháp thực hiện giám định do người giám định lựa chọn, có thể có phương pháp chung, có thể có phương pháp riêng phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên ngành giám định. Khi thực hiện giám định một vụ, việc cụ thể, người giám định tư pháp phải căn cứ nội dung vụ, việc, các đối tượng cần giám định và các hướng dẫn của Bộ, Ngành về quy chuẩn chuyên môn để xác định, lựa chọn phương pháp phù hợp thực hiện giám định, bảo đảm kết quả giám định được chính xác. Các phương pháp sử dụng trong giám định là những phương pháp khoa học, chính xác đã được thừa nhận
Quy trình giám định là những quy định về trình tự các bước phải tiến hành trong quá trình giám định. Tùy từng lĩnh vực giám định, chuyên ngành giám định, cơ quan quản lý giám định pháp xây dựng, ban hành quy trình giám định phù hợp.
Thông thường, một quy trình giám định tư pháp gồm 4 bước cơ bản sau:
Bước 1: Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định;
Bước 2: Chuẩn bị giám định;
Bước 3: Tiến hành giám định;
Bước 4: Ra văn bản kết luận giám định.
Kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định.
Kết luận giám định tư pháp phải có giá trị pháp lý và giá trị khoa học mới được sử dụng là nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tính pháp lý được thể hiện khi tiến hành giám định đã tuân thủ theo đúng trình tự tố tụng. Giá trị khoa học của kết luận giám định khi được tiến hành theo đúng quy trình, áp dụng phương pháp khoa học đã được thừa nhận và theo đúng quy chuẩn chuyên môn.
Kết luận giám định phải rõ ràng, không mập mờ, khó hiểu hoặc dẫn đến hiểu sai nội dung.
Hồ sơ giám định là tập hợp văn bản, giấy tờ liên quan đến công tác giám định từ khi tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định đến khi kết thúc giám định.
Các văn bản trong hồ sơ giám định do Giám định viên xác lập. Hồ sơ giám định có thể có nhiều tài liệu khác nhau nhưng bắt buộc phải có: Quyết định trưng cầu, văn bản yêu cầu giám định và tài liệu kèm theo (nếu có); Biên bản giao, nhận hồ sơ, đôi tượng trưng cầu, yêu cầu giám định; Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; Bản ảnh giám định; Kết luận giám định trước đó hoặc kết quả xét nghiệm, thực nghiệm giám định do người khác thực hiện; Tài liệu khác có liên quan đến việc giám định; Kết luận giám định tư pháp.
Việc lưu trữ hồ sơ giám định thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ bảo đảm thuận tiện tra cứu, sử dụng trong những trường hợp cần thiết như: Khi giám định lại, giám định bổ sung, người giám định sử dụng trong việc tham gia tố tụng hay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền hoặc xuất trình theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Theo quy định, hồ sơ giám định tư pháp phải lưu trữ 30 năm.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn: Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (phần tự chọn) - Học viện Tư pháp và các nguồn khác.)
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm