Kỹ năng của luật sư: giám sát thực hiện hợp đồng

"Những người thành công luôn luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác. Những người không thành công luôn luôn hỏi: Tôi được lợi gì?".

Brian Tracy, diễn giả truyền cảm hứng, Mỹ

Kỹ năng của luật sư: giám sát thực hiện hợp đồng

Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, mỗi bên chủ thể đều hướng đến mục đích nhất định - là những lợi ích thu được từ việc thực hiện hợp đồng. Sau khi hợp đồng được giao kết và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực, hợp đồng có giá trị pháp lý đối với các bên chủ thể và các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Giám sát hợp đồng vô cùng quan trọng. Một hợp đồng được thực hiện “thông đồng bén giọt” thì các bên chủ thể đều đạt được mục đích thông qua việc phía bên kia thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng. 

Luật sư tham gia giám sát thực hiện hợp đồng để đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung của hợp đồng, đồng thời giải thích hướng dẫn cho các bên hiểu đúng điều khoản hợp đồng và quy định của pháp luật.

Liên hệ

I- LUẬT SƯ TƯ VẤN THỰC HIỆN ĐÚNG VÀ ĐỦ NỘI DUNG HỢP ĐỒNG

Hợp đồng có vai trò quan trọng, là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện các giao dịch dân sự (theo nghĩa rộng) trên thực tế. Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, mỗi bên chủ thể đều hướng đến mục đích nhất định - là những lợi ích thu được từ việc thực hiện hợp đồng. Sau khi hợp đồng được giao kết và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực, hợp đồng có giá trị pháp lý đối với các bên chủ thể và các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ đã thỏa thuận. Một hợp đồng được thực hiện “thông đồng bén giọt” thì các bên chủ thể đều đạt được mục đích thông qua việc phía bên kia thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng.

Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: “Thực hiện hợp đồng là những hành vi của các chủ thể tham gia vào quan hệ hợp đồng nhằm làm cho các điều khoản, nội dung đã cam kết trong hợp đồng trở thành hiện thực”. Như vậy, bản chất của việc thực hiện hợp đồng làm việc các bên chủ thể tiến hành các hành vi theo đúng cam kết về đối tượng, thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán... nhằm đáp ứng quyền dân sự cho phía bên kia. Thông thường, trong các hợp đồng song vụ, các bên tham gia hợp đồng có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau. Việc thực hiện nghĩa vụ của phía bên chủ thể này sẽ tương ứng với quyền của phía bên kia.

Có thể nói, trên thực tế khó có hợp đồng nào được soạn thảo là hoàn hảo ngay, trong khi đó, mong muốn lớn nhất của khách hàng là khi hợp đồng đã được ký kết thì giao dịch cứ thế được thực hiện đề đáp ứng được mục đích của các bên. Tuy nhiên, có nhiều lý do dẫn đến hợp đồng không thể “vận hành” một cách hoàn hảo, có thể kể đến những lý do như:

- Thực tế vốn khôn lường và biến hóa khiến các bên không thể dự tính hết mọi khả năng xảy ra. Đó có thể là những rủi ro trong kinh doanh, rủi ro từ môi trường tự nhiên và xã hội, sự thay đổi của chính sách, rủi ro do một bên vi phạm hợp đồng... Mặc dù khi đàm phán và dự thảo hợp đồng, các bên và luật sư tư vấn của họ đã ngầm thực hiện phân tích rủi ro, “cân đong đo đếm” mọi phí tổn kinh tế, thời gian so với nhu cầu dự tính và đưa vào hợp đồng những nội dung có khả năng xảy ra nhưng vẫn khó mà đầy đủ.

- Những thỏa thuận trong bản hợp đồng để thực hiện trên thực tế cũng có thể xảy ra nhiều phương án thực hiện khác nhau mà luật sư phải tư vấn cho khách hàng từng trường hợp cụ thể.

- Những thỏa thuận trong bản hợp đồng có thể phát sinh những câu chữ mập mờ, được hiểu theo nhiều nghĩa dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng.

Những lý do trên dẫn đến vai trò của luật sư trong tư vấn thực hiện hợp đồng cho khách hàng nhằm mục đích giúp khách hàng đạt được những lợi ích đặt ra ngay từ khi giao kết, tránh những thiệt hại, tranh chấp phát sinh không đáng có cho khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest

II- VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TƯ VẤN KHI GIÁM SÁT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Vai trò của luật sư tư vấn trong bước đầu tiên sau khi hợp đồng được ký kết và phát sinh hiệu lực là giám sát (theo dõi) quá trình thực hiện hợp đồng cho khách hàng. Nhiệm vụ đầu tiên của luật sư khi giám sát thực hiện một hợp đồng cho khách hàng là đảm bảo có đúng bản hợp đồng được cập nhật nhất, có hiệu lực pháp luật và cả các dạng sửa đổi, bổ sung của hợp đồng (nếu có).

Thứ nhất, luật sư tư vấn cho khách hàng thực hiện đúng nội dung và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của luật (nếu không có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng). Thực hiện đúng hợp đồng cụ thể là thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng trong trường họp các bên không có thỏa thuận. Việc thực hiện hợp đồng diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào nội dung và tính chất của từng hợp đồng cụ thể. Tuy vậy, có thể khái quát việc thực hiện những nội dung cơ bản của hợp đồng như sau:

- Thực hiện đúng đối tượng đã thỏa thuận trong hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng có thể là tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định.

Đối với vật đặc định, bên có nghĩa vụ “phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận”.

- Thực hiện đúng thời hạn đối với nghĩa vụ đòi hỏi nghĩa vụ phải được thực hiện toàn bộ, đầy đủ chứ không phải chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết. Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý .

- Thực hiện đúng phương thức, địa điểm đã thỏa thuận.

- Thực hiện nghĩa vụ trả tiền đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài những nội dung cơ bản trên, hợp đồng còn có các thỏa thuận khác phát sinh thì các bên cũng phải thực hiện đúng và đầy đủ theo cam kết. Trường hợp không có thỏa thuận của các bên thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trong điều kiện thông thường, các bên sẽ thực hiện hợp đồng mà không cần đến luật sư. Chỉ khi phát sinh các tình huống có liên quan thì vai trò của luật sư tư vấn mới được thế hiện trên thực tế.

Ví dụ: Trong một hợp đồng thuê trụ sở, khách hàng của luật sư là bên thuê hỏi họ sẽ làm gì khi hợp đồng thuê trụ sở có thỏa thuận bên thuê phải thanh toán tiền thuê vào ngày 30 hàng tháng. Ngày 30 của kỳ hạn đó (già sử là ngày 30/11) lại rơi vào ngày thứ bảy. Theo định nghĩa về ngày làm việc trong hợp đồng thì thử bảy, chủ nhật không được coi là ngày làm việc. Để trả lời khách hàng, luật sư sẽ phải rà soát lại văn bản hợp đồng thuê trụ sở này. Nếu hợp đồng thuê có dữ liệu trường hợp này, ví dụ như “bất cứ khoản thanh toán nào được công bố là sẽ đáo hạn vào ngày không phải ngày làm việc thì phải thanh toán khoản đó vào ngày làm việc trước đó”. Trong trường hợp này, luật sư tư vấn cho khách hàng thanh toán tiền thuê vào ngày thứ sáu (29/11). Tuy nhiên, nếu hợp đồng không dự liệu trường hợp này thì luật sư tư vấn cho khách hàng như thế nào? Luật sư tư vấn sẽ phải tra cứu trong các văn bản pháp luật để tư vấn cho khách hàng. Khoản 5 Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Như vậy, luật sư tư vấn cho khách hàng thanh toán vào ngày thứ hai (2/12) và trường hợp này không bị coi là vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Thứ hai, trong một số trường hợp luật sư tư vấn cho khách hàng thực hiện hợp đồng dựa trên các nguyên tắc của Bộ luật dân sự năm 2015.

Đây là những nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Theo Bộ luật dân sự năm 2015, việc thực hiện hợp đồng tuân theo những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự như sau :

- Thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận miễn là thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

- Thực hiện hợp đồng một cách thiện chí, trung thực;

-  Việc thực hiện hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Ví dụ: Ngày 22/4/2016, Công ty Trading Ltd (Bên bán) và Công ty cổ phần A (Bên mua) ký hợp đồng số 1/405 với nội dung bán 200 tấn nhôm thỏi. Hợp đồng được hai bên ký và gửi cho nhau qua Fax vào ngày 25/4/2016. Tại Điều 8 của hợp đồng quy định: đặt cọc 20% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản ngay sau khi Bên bán đưa ra thông báo giao hàng tạm thời. Sau khi ký hợp đồng, thì Bên mua không đặt tiền cọc cho Bên bán theo Điều 8 của hợp đồng nhưng Bên bán vận chuyển 200 tấn nhôm thỏi đến kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 12/5/2016, Bên bán đã gửi văn thư chỉ thị cho Công ty kho hàng thực hiện việc giao hàng tạm thời cho Bên mua; kèm theo các văn bản yêu cầu Bên mua thanh toán tiền nhưng Bên mua đã gửi thông báo trả lời không tiếp tục thực hiện hợp đồng và cũng không đến nhận hàng theo đúng thỏa thuận về thời gian giao hàng trong hợp đồng. Bên bán đã tìm đến luật sư để nhờ tư vấn trong trường hợp này. Luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng như thế nào khi trong hợp đồng không quy định cụ thể trường hợp Bên mua từ chối nhận hàng? 

Rõ ràng là sau khi hai bên ký kết hợp đồng, Bên bán đã thực hiện đúng hợp đồng cả về thời gian, địa điểm giao hàng. Còn phía Bên mua đã không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết. Như vậy, với các căn cứ trên thì trong việc thực hiện hợp đồng số 1/405, Công ty cổ phần A là bên vi phạm hợp đồng, là bên có lỗi. Trước tiên, luật sư phải tư vấn cho khách hàng (Bên bán) áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất cần thiết như tìm đối tác để bán số hàng hóa đó, tránh hư hỏng, thiệt hại, giảm thiểu số tiền lưu kho bãi...; sau đó, yêu cầu Công ty cổ phần A phải bồi thường các thiệt hại phát sinh.

Luật sư tư vấn cho khách hàng làm như vậy vì xuất phát từ một trong những nguyên tắc của việc thực hiện hợp đồng là thiện chí, trung thực. Thiện chí là ý định, suy nghĩ tốt và thực lòng mong muốn kết quả tốt khi giải quyết một việc gì. Thiện chí trong thực hiện hợp đồng là việc các bên khi thực hiện hợp đồng luôn hướng đến kết quả tốt nhất. Mặc dù bên mua có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không vì thế mà luật sư tư vấn cho khách hàng để mặc hậu quả xảy ra mà phải khắc phục thiệt hại một cách nỗ lực nhất trong khả năng của mình để giảm thiểu tối đa thiệt hại mà bên mua phải bồi thường. Luật Thương mại năm 2005 cũng đã quy định tại Điều 305 về nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

III- GIÁM SÁT HỢP ĐỒNG ĐỂ TƯ VẤN GIẢI THÍCH HỢP ĐỒNG

Luật sư tư vấn giải thích hợp đồng trong trường hợp hợp đồng có những điều khoản không rõ ràng hoặc ngôn từ khó hiểu. Một trong những vấn đề khó khăn khi thực hiện hợp đồng đó là có những điều khoản của hợp đồng có thể mập mờ, không rõ ràng hoặc ngôn từ khó hiểu do lỗi của các bên khi soạn thảo hợp đồng. Điều đó dẫn đến việc một trong các bên chủ thể của hợp đồng không biết thực hiện như thế nào. Hoạt động giải thích hợp đồng trước hết do chính các bên chủ thể của hợp đồng thực hiện. Khi đó, họ sẽ tìm đến luật sư tư vấn.

Trong một số trường hợp, luật sư tư vấn sẽ phải đưa ra cách giải thích điều khoản đó cho khách hàng. Tuy nhiên, việc giải thích hợp đồng do chính các bên chủ thể thực hiện bằng cách cùng nhau bàn bạc, giải thích lại điều khoản đó, luật sư chỉ giữ vai trò tư vấn cho khách hàng. Kết quả của việc giải thích các điều khoản của hợp đồng hoặc ngôn từ trong hợp đồng được các bên thực hiện bằng các phụ lục của hợp đồng.

Luật sư luật sư tư vấn phải dựa vào các căn cứ sau khi giải thích hợp đồng cho khách hàng:

Thứ nhất, căn cứ vào ngôn từ của hợp đồng và ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập và thực hiện hợp đồng. Khi một hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên. Khi đó, luật sư tư vấn phải tìm được ý chí chung, thống nhất của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Như vậy, luật sư tư vấn không chỉ căn cứ vào văn bản hợp đồng giữa các bên mà còn phải căn cứ vào các biên bản đàm phán hợp đồng, công văn trao đổi giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

Thứ hai, căn cứ vào mục đích, tính chất của hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. Trong trường hợp này, luật sư tư vấn phải tìm hiểu đến bối cảnh của hợp đồng, hoàn cảnh ra đời của hợp đồng để xem xét vì sao mà họ giao kết hợp đồng và mục đích để họ tham gia giao kết hợp đồng là gì.

Thứ ba, căn cứ vào tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

Thứ tư, căn cứ vào tính thống nhất của hợp đồng. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

Thứ năm, căn cứ có lợi cho bên không soạn thảo. Trường hợp các bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Trong trường hợp các bên không thống nhất được về việc giải thích hợp đồng thì luật sư sẽ tư vấn cho các bên khởi kiện đến Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải thích điều khoản đó. Bởi vì, các vấn đề phát sinh liên quan đến yêu cầu giải thích hợp đồng cũng là một loại tranh chấp hợp đồng, vì vậy, các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng chính là các chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng.

Hợp đồng cũng có vòng đời của nó (lifetime contract): bắt đầu từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng, tiếp đến thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng. Nhìn chung, có những hợp đồng mà các bên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi hoàn tất. Sau khi hoàn tất hợp đồng, luật sư tư vấn không phải giám sát quá trình thực hiện hợp đồng nữa. Tuy nhiên, cũng có những hợp đồng mà một số nghĩa vụ vẫn tiếp tục tồn tại sau khi họp đồng chấm dứt như nghĩa vụ bảo hành, nghĩa vụ bảo đảm hàng hóa không bị khiếm khuyết, nghĩa vụ bảo mật thông tin, nghĩa vụ không cạnh tranh... Như vậy, luật sư vẫn tiếp tục theo dõi thực hiện các nghĩa vụ đó sau khi hợp đồng đã hoàn tất và chấm dứt.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: giám sát thực hiện hợp đồng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38768 sec| 1138.211 kb