Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp
1- Khái niệm hoạt động giáo dục
Một trong những mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp là giáo dục, cải tạo và cảm hóa người phạm tội, cũng như giáo dục mọi công dân có ý thức tuân thủ pháp luật. Hoạt động giáo dục được coi là một chức năng tâm lý cơ bản của của hoạt động tư pháp.
Hoạt động giáo dục là quá trình tác động có hệ thống và có mục đích đến tâm lý người bị giáo dục, để luyện tập cho họ những thói quen cũng như những phấm chât tâm lý mà người giáo dục mong muốn.
2- Mục đích của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp
Trong hoạt động tư pháp, hoạt động giáo dục nhằm hướng tới các mục đích:
- Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời tăng cường ý thức pháp luật của mọi công dân. Thông qua hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong các quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của công dân.
- Phòng ngừa hành vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy có nhiều người coi thường pháp luật, do kém hiểu biết pháp luật nên đã dẫn đến chỗ phạm tội. Vì vậy giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người có thái độ đúng đắn đối với việc tuân thủ các quy phạm pháp luật có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm;
- Giáo dục, cải tạo và cảm hóa người phạm tội. Đây là mục tiêu chủ yếu của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp. Bên cạnh những phẩm chất tâm lý tiêu cực, ở người phạm tội vẫn có những phẩm chất tâm lý tích cực. Giáo dục phải hướng đến loại bỏ những phẩm chất tâm lý tiêu cực ở người phạm tội, làm nảy sinh và phát triển các phẩm chất tâm lý tích cực để đưa họ trở về với xã hội. Có như thế hình phạt mà Toà án tuyên mới có ý nghĩa cải tạo, giáo dục, cảm háa họ, và có thể làm giảm tình trạng phạm tội hiện nay.
3- Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp
Trong các dạng hoạt động của con người, hoạt động giáo dục luôn luôn được coi là bộ phận hết sức quan trọng. Tuy nhiên mục đích, điều kiện giáo dục, và đối tượng giáo dục trong từng loại hoạt động cụ thể lại thể hiện rất khác nhau. Chẳng hạn hoạt động của giáo viên, hoạt động của người chỉ huy quân đội đều có chức năng giáo dục khác nhau. Nói tóm lại, mặc dù mục đích chung của hoạt động giáo dục - giáo dục con người, nhưng hoạt động giáo dục trong các hoạt động nghề nghiệp khác nhau, trong những điều kiện khác nhau đều được đặt ra rất khác nhau. Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp cũng có những đặc điểm nồi bật:
- Hoạt động giáo dục trong các giai đoạn tố tụng luôn luôn được thực hiện trong khuôn khổ luật định;
- Hoạt động giáo dục do các cán bộ tư pháp thực hiện nhằm tác động đến tâm lý của những người tham gia tố tụng;
- Hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các giai đoạn tố tụng;
- Khi tiến hành hoạt động giáo dục, các cán bộ tư pháp thường sử dụng những phương pháp tâm lý tư pháp.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm