Hoạt động giao tiếp trong hoạt động tư pháp

04/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Hoạt động tư pháp sẽ mất hết ý nghĩa nếu như không có giao tiếp giữa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Giao tiếp được thực hiện sẽ hướng các hoạt động cá nhân (hoạt động nhận thức, hoạt động thiết kế, hoạt động giáo dục, hoạt động tổ chức, hoạt động chứng nhận) vào việc đạt các mục đích của hoạt động tư pháp.

1- Khái lược về hoạt động giao tiếp

Hoạt động giao tiếp là dạng hoạt động có trong hầu hết các hoạt động của con người. Một trong những nghề nghiệp có liên quan trực tiếp tới con người là hoạt động tư pháp. Hoạt động này sẽ mất hết ý nghĩa nếu như không có giao tiếp giữa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Giao tiếp được thực hiện sẽ hướng các hoạt động cá nhân (hoạt động nhận thức, hoạt động thiết kế, hoạt động giáo dục, hoạt động tổ chức, hoạt động chứng nhận) vào việc đạt các mục đích của hoạt động tư pháp.

Trước hết cần làm sáng tỏ và hiểu khái niệm của giao tiếp. Việc tìm hiểu khái niệm giao tiếp có ý nghĩa nhận thức, lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng đối với hoạt động tư pháp nói riêng.

Giao tiếp là một hiện tượng tâm lý rất phức tạp và nhiều mặt, nhiều cấp độ khác nhau. Do đó hiện nay người ta đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về giao tiếp. Mỗi định nghĩa của mỗi tác giả nêu ra đều dựa trên một quan điểm riêng. Tuy nhiên, các định nghĩa đều nêu ra những dấu hiệu cơ bản về giao tiếp như sau:

- Giao tiếp là một hiện tượng đặc thù của con người, nghĩa là chỉ riêng con người mới có giao tiếp thật sự khi sử dụng phương tiện ngôn ngữ (nói, viết), và phương tiện phi ngôn ngữ và được thực hiện chỉ trong xã hội loài người;

- Giao tiếp là cách thể hiện mối quan hệ giữa một người với một hay nhiều người khác, trên cơ sở các quan hệ kinh tế, chính trị của xã hội;

- Giao tiếp được thể hiện ở sự trao đổi thông tin, sự hiểu biết lẫn nhau, sự rung cảm và ảnh hưởng lẫn nhau;

- Giao tiếp dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người.

Tóm lại, giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người mà qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lỵ và được biểu hiện ở quá trình thông tin, hiểu biết, rung cảm, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Các thành phần của giao tiếp

Hoạt động giao tiếp rất phức tạp, đa dạng, song lại có tính quy luật. Có thể nói quan hệ giao tiếp giữa người với người trong xã hội là quá trình trao đổi và tiếp nhận thông tin. Xuất phát từ đặc điểm này trong bất cứ hoạt động giao tiếp nào cũng chứa đựng các thành phần cơ bản sau:

- Các nguồn truyền đạt thông tin. Trong quá trình giao tiếp tâm lý, các chủ thể của giao tiếp là nguồn truyền đạt thông tin đối với nhau. Mặt khác thông tin rất đa dạng và có thể toát ra từ vẻ ngoài như quần áo, cử chỉ hành vi, lời nói, âm điệu, nhịp nhàng, tốc độ của lời nói.

- Hệ thống truyền đạt thông tin. Có thể truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ (nói, viết), bằng cử chỉ, bằng hành vi...

- Hệ thống tiếp nhận thông tin. Con người có thể tiếp nhận thông tin nhờ các giác quan khác nhau như: Thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác...

- Sự kiểm soát quá trình truyền đạt thông tin. Kiểm tra việc truyền đạt thông tin và xử lý các thông tin được thực hiện nhờ hệ thống liên hệ ngược. Biểu hiện của sự nhận tin, hiểu tin... được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, âm thanh của các chủ thể giao tiếp;

- Xử lý thông tin. Xử lý thông tin thực hiện thông qua quá trình giao tiếp. Nó có khả năng thay đổi chính giao tiếp tâm lý, đảm bảo đạt được các mục đích của giao tiếp tâm lý và đảm bảo tăng hay giảm khả năng hiểu biết lẫn nhau. Cũng như tạo những điều kiện để tiếp tục hay chấm dứt giao tiếp.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp

Hoạt động giao tiếp tâm lý là một quá trình phức tạp. Quá trình này phụ thuộc vào các yếu tố:

- Mức độ nhận thức mục đích giao tiếp. Các chủ thể trong giao tiếp nhận thức được mục đích giao tiếp càng sâu sắc, thì hoạt động giao tiếp của họ càng được chủ động và tích cực thực hiện. Nhận thức tốt mục đích hoạt động giao tiếp sẽ giúp chúng ta tăng cường khả năng cung cấp và tri giác thông tin, tăng cường tốc độ xử lý thông tin;

- Kinh nghiệm, thói quen thực hiện vai trò xã hội trong giao tiếp. Chỉ khi nào các chủ thể nhận thức được mục đích của hoạt động, hiểu biết các phương pháp đạt các mục đích đó và có kinh nghiệm sử dụng các phương pháp thì mới có thể hoàn thành tốt vai trò xã hội trong giao tiếp. Thói quen nghề nghiệp, cũng có ý nghĩa lớn đối với hoạt động giao tiếp. Thói quen làm cho người ta vững vàng chủ động, tích cực thực hiện những hoạt động nghề nghiệp;

- Thái độ đối với việc thực hiện vai trò xã hội trong giao tiếp. Con người có thể có thái độ khác nhau đối với việc thực hiện vai trò xã hội trong giao tiếp. Có người có thái độ thờ ơ đối với việc thực hiện vai trò này, (họ cho rằng đây không phải là công việc của họ), nhưng có người lại có thái độ nhiệt tình và hứng thú với việc thực hiện vai trò trong giao tiếp.

- Các đặc tính giao tiếp của cá nhân. Mỗi cá nhân có những thuộc tính giao tiếp khác nhau. Các đặc tính này có ảnh hưởng không ít đến quá trình giao tiếp. Chẳng hạn như phong cách lịch sử, cởi mở, thiện chí sẽ tạo điều kiện cho quá trình giao tiếp có một không khí làm việc thoải mái. Trái lại, thái độ lãnh nhạt, gò bó, hách dịch, trình bày không mạch lạc sẽ làm cho cuộc giao tiếp trở nên nặng nề.

Nói chung các đặc tính giao tiếp của cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Như đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nghề nghiệp và thói quen, điều kiện giáo dục, đặc điểm tính cách, đặc điểm khí chất.

Đặc tính giao tiếp của cá nhân có thể phân ra thành mặt bên ngoài và mặt bên trong:

+ Mặt bên ngoài bao gồm cách ăn mặc, sức khỏe, độ tuổi, cử chỉ hành vi...Tất cả những dấu hiện này có vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp, đặc biệt trong lần giao tiếp đầu tiên và khi muốn thiết lập một quan hệ tình cảm nào đó. Vì bộ mặt bên ngoài quyết định ấn tượng ban đầu và quyết định mối quan hệ tiếp theo.

+ Mặt bên trong bao gồm thế giới quan của con người, thái độ của con người đối với những người khác, thái độ đối với hoạt động nghề nghiệp của mình và thái độ đối với giao tiếp cụ thể.

- Chất lượng của thông tin truyền đạt. Chất lượng của thông tin có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động giao tiếp. Thông tin cung cấp phải đúng với đối tượng, chẳng hạn các thuật ngữ chuyên môn của hoạt động tư pháp không thể cung cấp theo cách hiểu của các nhà chuyên môn một khi đối tượng tiếp nhận thông tin là công dân bình thường không có trình độ cơ bản về pháp lý. Chất lượng của thông tin còn phụ thuộc rất nhiều vào góc độ, và khối lượng thông tin truyền đạt trong một thời gian nhất định. Việc truyền đạt thông tin quá nhanh, quá nhiều sẽ gây ra sự hiểu nhầm, và mất khả năng tri giác thông tin của đối tượng tiếp nhận thông tin.

- Sự chuẩn bị cho hoạt động giao tiếp. Trước khi tham gia vào hoạt động giao tiếp con người thường suy nghĩ, xác định vai trò và hành vi của mình cũng như dự đoán về hành vi của người sẽ tham gia giao tiếp với mình. Sự chuẩn bị càng chu đáo thì hoạt động giao tiếp được tiến hành càng hiệu quả. Nhờ khâu chuẩn bị này mà chủ thể giao tiếp luôn luôn chủ động và tìm ra cách xử sự phù hợp đối với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong giao tiếp.

- Thời gian của hoạt động giao tiếp. Yếu tố này cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao tiếp. Thời gian dành cho sự thể hiện các giao tiếp tâm lý càng thích hợp thì kết quả của hoạt động giao tiếp càng cao.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

4- Đặc điểm của giao tiếp tâm lý trong hoạt động tư pháp

Giao tiếp tâm lý giữa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đạt mục đích của hoạt động tư pháp là xác minh sự thật khách quan của vụ án.

Trong hoạt động tư pháp, hoạt động giáo tiếp có những nét đặc trưng sau:

- Trong hoạt động tư pháp, lý do của các giao tiếp tâm lý mang tính chất đặc biệt. Điểm này được biểu hiện: Trong giao tiếp nói lên hai loại chủ thể tham gia với những vai trò, vị trí tố tụng khác nhau, với những mục đích hành động khác nhau.

- Có nhiều mục đích trong giao tiếp. Trong giao tiếp tâm lý, các chủ thể cùng một lúc theo đuổi nhiều mục đích khác nhau. Nổi bật lên hai loại mục đích cơ bản: Xác minh các tình tiết của vụ án; xác định các phương pháp tác động tâm lý nhằm giáo dục công dân có ý thức tôn trọng pháp luật;

- Tính chất xung đột trong giao tiếp. Tính chất này được biểu hiện rất rõ ở các giao tiếp tâm lý trong hoạt động tư pháp, bởi vì các chủ thế tham gia không có chung mục đích hay mục đích không trùng hợp nhau;

- Các chủ thể tham gia trong giao tiếp tâm lý thường có những trạng thái tâm lý khác nhau. Các chủ thể tham gia giao tiếp trong hoạt động tư pháp thường có trạng thái tâm lý căng thẳng, bởi vì tại thời điểm giao tiếp các bên tham gia phải tập trung trí tuệ giải quyết nhiều nhiệm vụ tư duy phức tạp.

Xem thêm:

5- Các loại giao tiếp trong hoạt động tư pháp

(i) Căn cứ vào phương tiện giao tiếp

Giao tiếp được chia thành hai loại: Giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Giao tiếp phi ngôn ngữ (không dùng ngôn ngữ). Phương tiện phi ngôn ngữ ở người gồm có: bộ mặt bên ngoài như hình dáng chung bên ngoài của con người, quần áo và cách ăn mặc, cung cách cư xử (thô lỗ hay tế nhị...), tướng mạo và những gì bổ sung cho tướng mạo như những nét điển hình trong giải phẫu (nốt ruồi, sẹo...) và sự trang điểm (dùng son phấn).

(ii) Căn cứ vào số lượng người tham gia

- Giao tiếp hai chiều, ở đây có hai người tham gia. Ví dụ: giao tiếp trong hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, các đương sự...

- Giao tiếp nhiều chiều. Trong đó có ba người hay nhiều người tham gia. Ví dụ: Giao tiếp trong đối chất, trong hoà giải, trong xét xử tại phiên toà.

(iii) Căn cứ vào lợi ích khác nhau trong giao tiếp

Giao tiếp có thể chia thành các nhóm sau: Giao tiếp có tính cộng tác; giao tiếp với các lợi ích khác nhau; giao tiếp xung đột.

- Trong cộng tác giữa các bên tham gia luôn có sự nhất trí về mục đích. Ví dụ giao tiếp giữa điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ quản giáo có sự nhất trí về mục đích như phối hợp tiến hành công tác cải tạo giáo dục người phạm tội. Tuy mục đích hoạt động giao tiếp cộng tác có thể chia thành hai nhóm giao tiếp cộng tác mang tính cố định và tạm thời.

+ Giao tiếp cộng tác mang tính chất cố định chỉ diễn ra khi các chủ thể tham gia trong giao tiếp có mục đích giống nhau và không đổi. Ví dụ, quan hệ giữa điều tra viên và kiểm sát viên.

+ Sự cộng tác tạm thời chỉ hình thành trên cơ sở các chủ thể tham gia trong giao tiếp chỉ nhất trí tạm thời về việc đạt một phần mục đích của hoạt động. Ví dụ, như mục đích của hoạt động ở điều tra viên và bị can không giống nhau. Nhưng nếu trong quá trình điều tra, bị can đồng ý thì trong giao tiếp cụ thể đã có quan hệ cộng tác tạm thời giữa điều tra viên và bị can.

Quan hệ cộng tác tâm lý có thể thực sự và có thể giả tạo. Trong khi giao tiếp có trường hợp một chủ thể bề ngoài thì tỏ thái độ thiện chí, song thực tế lại cố tình che giấu mục đích giao tiếp thực sự của mình. Quan hệ cộng tác giả tạo biểu hiện trong hoạt động nhận thức - khai man, trong hoạt động giáo dục người bị giáo dục bề ngoài tỏ vẻ tiếp thu các tác động giáo dục, nhưng thực tế lại tìm mọi cách chống lại tác động giáo dục. Chính vì vậy cần phải phát hiện quan hệ cộng tác giả tạo để ngăn chặn những sai lầm trong hoạt động.

- Giao tiếp với những lợi ích khác nhau. Các chủ thể trong giao tiếp tâm lý có những lợi ích riêng của mình. Chẳng hạn trong trường họp giao tiếp với người làm chứng. Họ không phải là đối tượng của hoạt động tư pháp và lợi ích của họ không gắn liền với hoạt động này. Thông thường những người làm chứng không muốn tiếp xúc với các cơ quan tư pháp, hoặc là khi phải tiếp xúc với các cơ quan này trong quá trình tố tụng, thì nhìn chung họ mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc tiếp xúc đó. Vì thế nếu không có những tác động tâm lý thích họp sẽ làm giảm khả năng cung cấp chứng cứ, cũng như giảm tâm lý tích cực trong hoạt động giao tiếp của người làm chứng.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác)

Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest

6- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Hoạt động giao tiếp trong hoạt động tư pháp được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Hoạt động giao tiếp trong hoạt động tư pháp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:  (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Hoạt động giao tiếp trong hoạt động tư pháp

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.46845 sec| 1017.852 kb