Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

04/03/2023
Sống và hoạt động trong thế giới khách quan, con người phải nhận thức, tỏ thái độ (tình cảm) và hành động với thế giới ấy. Nhận thức, tình cảm và hành động là ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người. Trong quá trình hoạt động con người phải nhận thức, phản ánh hiện thực xung quanh cả hiện thực của bản thân mình, trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành động. Hoạt động nhận thức là quá trình tâm lý phản ánh hiện thức khách quan và bản thân con người thông qua các cơ quan cảm giác và dựa trên những hiểu biết von liếng kinh nghiệm đã có của bản thân.

1- Khái niệm hoạt động nhận thức

Sống và hoạt động trong thế giới khách quan, con người phải nhận thức, tỏ thái độ (tình cảm) và hành động với thế giới ấy. Nhận thức, tình cảm và hành động là ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người. Trong quá trình hoạt động con người phải nhận thức, phản ánh hiện thực xung quanh cả hiện thực của bản thân mình, trên cơ sở đó con người tỏ thái độ, tình cảm và hành động.

Hoạt động nhận thức là quá trình tâm lý phản ánh hiện thức khách quan và bản thân con người thông qua các cơ quan cảm giác và dựa trên những hiểu biết von liếng kinh nghiệm đã có của bản thân.

Trong việc nhận thức thế giới, con người có thể đạt tới những mức độ nhận thức khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Mức độ thấp là nhận thức cảm tính bao gồm cảm giác và tri giác, trong đó con người phản ánh những cái bên ngoài, những cái đang trực tiếp tác động đến giác quan con người. Mức độ cao là nhận thức lý tính, bao gồm tư duy và tưởng tượng, trong đó con người phản ánh những cái bản chất bên trong, những mối quan hệ có tính quy luật. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, chi phối lẫn nhau trong cùng một hoạt động nhận f thức thống nhất của con người.

2- Mục đích của hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

Hoạt động nhận thức là bộ phận, một mặt hoạt động rất cơ bản, rất cần thiết, không thể thiếu được của hoạt động tư pháp. Bất kỳ một chủ thể nào của hoạt động tư pháp (điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân...) khi tiến hành nhiệm vụ của mình đều phải sử dụng hoạt động nhận thức.

Trong hoạt động tư pháp hoạt động nhận thức thức nhằm bảo đảm:

- Thu thập tất cả các chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án;

- Phân tích, đánh giá các chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án;

- Tìm hiểu thái độ, hành vi xử sự của những người tham gia tố tụng;

- Nắm bắt được đặc điểm tâm lý của những người tham gia tố tụng;

- Đưa ra các cách thức, phương pháp tác động tâm lý đến những người tham gia tố tụng.

3- Các giai đoạn của hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp được tiến hành qua các giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1: Tri giác các sự việc bằng các cơ quan cảm giác.

- Giai đoạn 2: Thiết lập và tìm ra các cách thức phương hướng thu thập chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án.

- Giai đoạn 3: Xây dựng mô hình tư duy năng động về vụ án đã xảy ra trên cơ sở các chứng cứ tài liệu đã thu thập được. Trong hoạt động tư pháp vấn đề xây dựng các mô hình tư duy về vụ án đã xảy ra trong hoạt động nhận thức được coi là cần thiết và không thể thiếu được. Thật vậy, các thẩm phán, kiểm sát viên cũng như các điều tra viên không trực tiếp chứng kiến vụ án xảy ra. Họ chỉ khôi phục lại vụ án theo những thông tin thu được từ những người tham gia tố tụng.

- Giai đoạn 4: Đề ra và giải quyết các nhiệm vụ cụ thể.

4- Đặc điểm cơ bản của hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

- Quá trình nhận thức là quá trình phát triển toàn diện tất cả các thành phần của hoạt động tư pháp. Có thể nói nhận thức là phương tiện thực hiện các hoạt động khác trong hoạt động tư pháp.

- Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp phần lớn mang tính chất gián tiếp và ít trường hợp mang tính chất trực tiếp.

- Trong hoạt động nhận thức của quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng thu nhận được khối lượng thông tin rất lớn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng những thông tin cần thiết, liên quan trực tiếp đến vụ án thường bị thiếu hụt và khó xác định. Điều quan trọng là từ khối lượng thông tin phong phú này, các các cơ quan tiến hành tố tụng phải có khả năng phân tích, đánh giá để rồi rút ra được mối liên hệ biện chứng giữa các nguồn tin và chọn lấy nguồn tin nào có liên quan trực tiếp với đối tượng nhận thức, đồng thời gạt bỏ những nguồn tin không cần thiết. Như vậy, những người tiến hành tố tụng phải có khả năng tạo ra các mô hình tư duy về sự kiện đã xảy ra, đối chiếu các mô hình này với thực tế để rút ra kết luận về thực tế của sự kiện. Có thể nói đây là quá trình rất phức tạp, đòi hỏi ở người tiến hành quá trình này phải có những phẩm chất tâm lý vững vàng và ổn định.

- Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp liên quan chặt chẽ với các thủ tục tố tụng.

- Hoạt động nhận thức trong quá trình tố tụng luôn luôn mang sắc thái tình cảm cao và được tiến hành trong trạng thái tâm lý căng thẳng.

- Nhận thức bị hạn chế về thời gian. Sự hạn chế về thời gian đã thôi thúc những người tiến hành tố tụng phải hoạt động tích cực để xác định sự thật khách quan của vụ án đã xảy ra. Sự hạn chế này được quy định trong các văn bản pháp luật.

5- Các phương pháp cơ bản giải quyết nhiệm vụ tư duy trong hoạt động tư pháp

Trong hoạt động tư pháp những người tiến hành tố tụng thường phải giậi quyết nhiều nhiệm vụ tư duy phức tạp. Vì vậy vấn đề phương pháp giải quyết các nhiệm vụ tư duy được đặt ra khá quan trọng. Việc lựa chọn, cũng như áp dụng các phương pháp giải quyết nhiệm vụ tư duy thích hợp sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho hoạt động nhận thức.

(i) Phương pháp tư duy logic

Thông thường, phần lớn các nhiệm vụ tư duy được giải quyết bằng phương pháp tư duy lôgic. Có nghĩa là các nhiệm vụ tư duy được giải quyết trên cơ sở nhận thức được một cách đầy đủ các sự kiện và hướng giải quyết các sự việc.

Giải quyết nhiệm vụ tư duy bằng phương pháp tư duy lôgic trong hoạt động tư pháp là căn cứ vào những công thức có sẵn - các quy phạm pháp luật để giải quyết các nhiệm vụ tư duy phát sinh trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án.

(ii) Phương pháp tư duy linh hoạt

Đó là sự giải quyết nhanh chóng các nhiệm vụ thực tiễn trong hoạt động tư pháp. Phương pháp này chỉ phát huy tác dụng khi các sự kiện được sắp xếp theo một hệ thống khoa học, các tình tiết của sự kiện đã rõ ràng và được lựa chọn kỹ càng.

(iii) Phương pháp tư duy theo linh cảm

Phương pháp này được áp dụng trong hoạt động của những người tiến hành tố tụng có kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Trong hoạt động nhận thức của mình những người tiến hành tố tụng đã mạnh dạn áp dụng phương pháp tư duy này để nắm bắt những tình tiết quan trọng của vụ án. Như vậy có thể hiểu linh cảm là khả năng giải quyết các nhiệm vụ tư duy, xác định cách giải quyết các nhiệm vụ này trong trường hợp thiếu những số liệu nhất định. Linh cảm cho phép chúng ta bất ngờ và nhanh chóng tìm ra những giả thiết mới hay lời giải thích mới về các nguyên nhân, lý do, mục đích và diễn biến của các vụ án.

(iv) Phương pháp tư duy sáng tạo

Là phương pháp được áp dụng trong hoạt động nhận thức, đặc biệt là khi hoạt động này gặp những vấn đề đòi hỏi phải có sự sáng tạo nhất định. Trong hoạt động tư pháp những người tiến hành tố tụng gặp phải không ít trường hợp vấn đề bất ngờ bị đảo lộn, tình huống bất ngờ bị thay đổi, sự việc không thể lường trước được. Vì vậy, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có khả năng sáng tạo. Có thể nói tư duy sáng tạo là một hoạt động tìm kiếm đầy sáng tạo.

(v) Phương pháp phỏng đoán

Là bắt chước tư tưởng (suy nghĩ) và hành động của các đối tượng thông qua đó tiên đoán hành động, phản ứng của họ trong các hoàn cảnh khác nhau.

Phương pháp phỏng đoán tạo điều kiện:

- Xây dựng mô hình tư duy về hành vi của những người tham gia khác nhau trong quá trình nhận thức các sự việc đã xảy ra;

- Lập kế hoạch hoạt động của bản thân những người tiến hành tố tụng;

- Dự đoán hành vi của những người tham gia tố tụng;

- Vạch ra hệ thống các phương pháp tác động đến những người tham gia tố tụng nhằm tiếp nhận thông tin cần thiết từ họ;

- Vạch ra hệ thống phương pháp tác động nhằm cải tạo, cảm hóa, giáo dục người phạm tội.

Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.

0 bình luận, đánh giá về Hoạt động nhận thức trong hoạt động tư pháp

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.71396 sec| 979.508 kb