Học thuyết pháp trị của Hàn Phi

“Người bán cỗ xe làm xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người ta chết”

Hàn Phi, năm 281 đến năm 233 TCN, triết gia thời cuối Chiến Quốc (Trung Quốc)

Học thuyết pháp trị của Hàn Phi

Pháp trị - được cho là Hàn Phi - là học thuyết chủ trương dùng pháp luật cai trị xã hội, trị quốc an dân. Nhà vua (giới cầm quyền) có quyền ban hành pháp luật để cai trị (ngôn từ hiện đại: Quản trị), nhưng pháp luật phải được tuân thủ tuyệt đối. Hàn Phi coi trọng tác dụng của pháp luật, chủ trương xây dựng một lý luận Pháp trị hoàn chỉnh, lấy “Pháp” làm hạt nhân, kết hợp chặt chẽ “Pháp”, “Thuật” với “Thế”.

Trong học thuyết Pháp trị, Hàn Phi tiếp thu điểm ưu trội của 03 (ba) trường phái trong Pháp gia: “Pháp” (Thương Ưởng), “Thuật” (Thân Bất Hại), “Thế” (Thận Đáo). Hàn Phi đã đề xuất tư tưởng “Trị nước bằng luật pháp” (dĩ pháp trị quốc), “luật pháp không phân biệt sang hèn” (pháp bất a quý), “hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu” (hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu)... Tần Thủy Hoàng sau khi biết về Pháp trị đã triệt để áp dụng, sau khoảng 10 năm đã thống nhất Trung Quốc, lập ra Đế quốc Đại Tần (năm 221 TCN).

Liên hệ

KẾT HỢP PHÁP - THUẬT - THẾ

Pháp
Cốt lõi của việc xây dựng đất nước giàu mạnh là phải dựa vào pháp luật. Có pháp luật, pháp luật được thi hành phổ quát thì xã hội ổn định. Xã hội ổn định là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chúng được yên bình.
Thuật
Là một loạt các phương pháp: bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt... “Pháp” và “Thuật” gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nhà vua không có Thuật trị nước thì ở trên bị che đậy, Bầy tôi mà không có Pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới”.
Thế
Là “quyền thế”, “uy thế”, “thế trọng”, là sức mạnh quyền uy tuyệt đối, cũng là quyền thống trị tối cao của Nhà vua như quyền sử dụng người, quyền thưởng phạt. Chỉ khi một người nắm quyền thống trị trong tay, thì người đó là kẻ thống trị.

GIÁ TRỊ CỦA PHÁP TRỊ

Học thuyết của Đế Vương
Dù giết Hàn Phi, nhưng Tần Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) đã triệt để thi hành Pháp trị, xây dựng Nhà Tần hùng mạnh, hoàn thành thống nhất Trung Quốc, lập ra Đế Quốc Đại Tần (năm 221 TCN). Pháp trị vì thế được gọi là: "Học thuyết của Đế vương".
Ảnh hưởng của Pháp trị
Các triều đại Trung Quốc tuyên ngôn Tư tưởng Nho giáo thống trị, nhưng lại áp dụng Pháp trị. Một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Pháp trị là "Thơ Đường luật" - hệ thống quy tắc phức tạp: Luật, Niêm, Vần, Đối, Bố cục (Thơ cũng phải theo Luật).
Pháp trị và Pháp quyền
Nhà nước pháp quyền (hiện đại) được xây dựng trên nền tảng của chế độ Pháp trị. Lưu ý, trong Nhà nước Trung Quốc cổ đại thì Pháp trị - dùng pháp luật để cai trị (rule by law), trong Nhà nước pháp quyền thì Pháp trị - pháp luật cai trị (rule of law).

I- SƠ LƯỢC VỀ HÀN PHI - NGƯỜI SÁNG LẬP PHÁP TRỊ

Hàn Phi là triết gia thời cuối Chiến Quốc, được cho là người tập đại thành tư tưởng Pháp gia. Hàn Phi sống cuối đời Chiến Quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Quốc, vào khoảng năm 281 đến năm 233 TCN, thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn (được gọi là "công tử"), thích cái học "hình danh". Hàn Phi có tật nói ngọng, không thể biện luận nhưng giỏi viết sách.

Hàn Phi và Lý Tư (sau này là Tể tướng Nước Tần) là học trò Tuân Khanh (Tuân Tử). Lý Tư tự cho mình kém Hàn Phi. Hàn Phi thấy nước Hàn bị suy yếu, mấy lần viết thư dâng lên hiến kế cho vua Hàn, nhưng Vua Hàn không dùng.

Hàn Phi ghét những người trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng rõ mà muốn dùng cái thế của mình để chế ngự bầy tôi; không lo việc làm cho nước giàu, binh mạnh bằng cách tìm người xứng đáng, dùng người hiền; trái lại dùng những bọn tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt, đặt chúng ở địa vị cao hơn những người có công lao và có thực tài. Hàn Phi cũng cho rằng, Nhà Nho dùng lời văn làm rối loạn luật pháp, bọn du hiệp dùng võ lực phạm đến điều ngăn cấm, gặp lúc yên ổn thì nhà vua dùng bọn hám danh, gặp lúc nguy cấp thì lại dùng kẻ sĩ mang giáp trụ.

Như thế thành ra, ngày nay người nhà vua nuôi lại không phải là những người nhà vua cần dùng, những người nhà vua cần dùng đều lại không phải những người Nhà vua nuôi. Hàn Phi thương xót những người thanh liêm, chính trực không được bọn tôi gian tà dung tha, nhìn những sự biến đổi tồn vong của các nước ngày xưa.

Hàn Phi viết nhiều sách. Có người đem sách của Hàn Phi đến nước Tần. Vua Tần (Tần vương Chính, sau này là Tần Thủy Hoàng) đọc được rất thích. Được Lý Tư (Tể tướng nước Tần) cho biết Hàn Phi là tác giả sách, Vua Tần liền vội vàng đánh nước Hàn. Lúc đầu, Vua Hàn không dùng Hàn Phi, đến khi nguy cấp bèn sai Hàn Phi đi sứ sang nước Tần. Vua Tần gặp được Hàn Phi rất mừng rỡ, nhưng chưa tin dùng.

Qua nước Tần, Hàn Phi  viết bài Tồn Hàn cho Vua Tần, cố hết sức thuyết phục Vua Tần (Tần vương Chính) đừng đánh nước Hàn. Lý Tư và Diêu Giả ganh ghét, gièm pha Hàn Phi, nói với Vua Tần: "Hàn Phi là công tử nước Hàn. Nay nhà vua muốn thôn tính tất cả nước chư hầu, nhưng Phi thì rốt cuộc chỉ lo cho Hàn chứ không lo cho Tần, thường tình con người ta vẫn thế. Nay nhà vua không dùng, giữ lại đây lâu rồi cho về, thế là gây cho mình một mối lo. Không bằng lấy cớ làm trái pháp luật mà giết đi". Vua Tần cho là phải, giao cho quan lại trị tội Hàn Phi. Lý Tư sai người đưa thuốc độc để cho Hàn Phi tự sát. Hàn Phi muốn bày tỏ, xin gặp nhưng Vua Tần không tiếp. Vua Tần sau đó hối tiếc, sai người vào tù để tha thì Hàn Phi đã chết rồi.

- Về tư tưởng: 

Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là Học thuyết Pháp trị. Các nghiên cứu cho thấy, Hàn Phi không phải là người đầu tiên nêu lên Học thuyết Pháp trị. Trước đó, Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đã khởi xướng học thuyết Pháp trị. Tư tưởng của Hàn Phi khác với tư tưởng của Nho giáo (cho rằng để quản lý xã hội thì dùng Nhân trị và Đức trị), Hàn Phi cho rằng, cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng Pháp luật: "Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu".

Hàn Phi theo Thuyết Tính ác của thầy là Tuân Tử một cách triệt để. Hàn Phi nói: "không gì thân bằng tình cha con. Vậy mà, có nhiều người cha sinh con trai thì nuôi, sinh con gái thì giết đi, coi cái lợi của mình nặng hơn tình ruột thịt. Như vậy, con người bẩm sinh vốn đại ác". Do đó Hàn Phi không bàn đến Nhân nghĩa, cũng không trọng Lễ như Tuân Tử, mà đề cao phương pháp dùng Thế, dùng Thuật, dùng Luật của Pháp gia để trị nước.

Ông chủ trương cho dân chúng tự do cạnh tranh trong phạm vi kinh tế để nước được mau giàu. Hàn Phi tin rằng, theo chính sách độc tài về chính trị, tự do về kinh tế, thì Nhà vua chẳng cần làm gì, cứ ngồi ở trên kiểm soát kẻ dưới, là nước sẽ trị. Chủ trương "vô vi nhi trị" đó thực trái hẳn chủ trương của Lão Tử, Trang Tử - chính ra nó là một thứ cực hữu vi.

- Các Tác phẩm: 

Hàn Phi tổng hợp tư tưởng của các Pháp gia trước đó và các nhà nghị luận thời Chiến Quốc, mà viết Bộ sách Hàn Phi Tử. Trong bộ sách này, Hàn Phi thương xót những người thanh liêm, chính trực không được bọn tôi gian tà dung tha, nhìn những sự biến đổi tồn vong của các nước ngày xưa, nên viết Cô Phẫn (sự phẫn nộ của con người cô độc), Ngũ Đố (năm thứ sâu mọt). Nội Ngoại Trữ Thuyết (sưu tập những lời bàn về việc trong và việc ngoài), Thuyết Lâm (chuyện xưa), Thuyết Nan (cái khó trong việc du thuyết),... tất cả hơn mười vạn chữ.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 225 TCN, lập ra Đế Quốc Đại Tần, trong đó có đóng góp không nhỏ của Pháp trị

II- PHÁP - THUẬT - THẾ TRONG PHÁP TRỊ

[1] Pháp

Pháp luật là then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh. Có pháp luật, pháp luật được thi hành một cách phổ quát, đúng đắn thì xã hội ổn định. Xã hội ổn định là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc. Từ chỗ cho rằng, “Không có nước nào luôn luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật yếu thì nước yếu”, Hàn Phi đã đề xuất tư tưởng “Trị nước bằng luật pháp” (dĩ pháp trị quốc), chủ trương “luật pháp không phân biệt sang hèn” (pháp bất a quý), “hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu” (hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu). Hàn Phi hết sức coi trọng tác dụng của pháp luật và chủ trương xây dựng một lý luận Pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “Pháp” làm hạt nhân, kết hợp chặt chẽ “Pháp”, “Thuật” với “Thế”.

Hàn Phi hiểu rất rõ và sâu sắc về pháp luật, coi: “pháp luật là mệnh lệnh ban bố rõ ràng ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh”. Cái gọi là “mệnh lệnh ban bố rõ ràng nơi cửa công” khác xa so với cách cai trị bởi ý muốn chủ quan của các cá nhân quý tộc nắm quyền đương thời. Pháp luật rõ ràng được ban bố cho trăm họ, làm cho dân biết pháp luật để tránh phạm pháp; lấy đó làm chuẩn tắc cho hành vi của mọi người, chứ không phải là cái bẫy để hại dân. Các điều luật minh bạch là phương thức phòng bị tích cực, chứ không phải là một thủ đoạn chế tài tiêu cực. Đồng thời, nó cũng chính là “hiến lệnh” - một công cụ - để vua cai trị thần dân. Nội dung chủ yếu của “Pháp” có thể quy về hai (02) khái niệm chủ yếu là “Thưởng”“Phạt”.

Lập pháp, Hành pháp:

Thực hành pháp trị trước hết phải: xây dựng pháp luật. Hàn Phi cho rằng, Lập pháp cần phải xét đến các nguyên tắc sau:

- Tính tư lợi: Hàn Phi quan niệm nền tảng của quan hệ giữa con người với con người là tư lợi, ai cũng muốn giành cái lợi cho mình. “Ông thầy thuốc khéo hút mủ ở vết thương người ta, ngậm máu người ta không phải vì có tình thương cốt nhục, chẳng qua làm thế thì có lợi. Cho nên, người bán cỗ xe làm xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người ta chết”. Luật pháp đặt ra thì cái lợi của phải lớn hơn cái hại.

- Hợp với thời thế: Đây chính là thuyết Biến pháp của Hàn Phi. Nguyên tắc thực tế của việc xây dựng pháp luật, hay tính thực tiễn của luật pháp, là nét nổi bật trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi. Đối với ông, không có một pháp luật siêu hình hay một mô hình pháp luật trừu tượng tiên thiên để mà noi theo. Chỉ duy nhất có yêu cầu và tiêu chuẩn của thực tiễn. “Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao… Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn… Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi”.

- Ổn định, thống nhất: Mặc dù pháp luật phải thay đổi cho hợp với thời thế, song trong một thời kỳ, pháp lệnh đã đặt ra thì không được tùy tiện thay đổi (“số biến pháp”), vì nếu vậy thì dân chúng không những không thể theo, mà còn tạo cơ hội cho bọn gian thần.

Ngoài ra, Pháp luật phải phù hợp với tình người: dễ biết dễ làm; Đơn giản mà đầy đủ; Thưởng hậu Phạt nặng.

Chấp pháp - Tư pháp:

Đối với việc Chấp pháp, nguyên tắc của Hàn Phi là:

- Tăng cường Giáo dục Pháp chế (dĩ pháp vi giáo).

- Bình đẳng trước pháp luật: mọi người bình đẳng trước pháp luật (pháp bất a quý, hình bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu). Đến bản thân bậc Quân chủ (Nhà vua) cũng phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật: “Kẻ làm vua chúa là kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả mà xét để lập công lao”; Nếu Nhà vua biết bỏ điều riêng tư, làm theo phép công thì chẳng những dân sẽ được yên, mà nước cũng được trị. Nếu xét theo ý nghĩa của những luận điểm này thì có thể thấy rằng, mặc dù Hàn Phi chủ trương quân quyền thần thánh không thể xâm phạm, song hình thái Quân quyền này vẫn bị chế ước bởi Pháp quyền.

- Nghiêm khắc cẩn thận, “tín thưởng tất phạt”, không được tùy ý thưởng cho người không có công, vô cớ sát hại người vô tội.

- Dùng sức mạnh đạo đức hỗ trợ cho việc thi hành pháp luật.

[2] Thuật

Hàn Phi chủ trương Pháp trị, song cũng rất chú trọng đến “Thuật” của Nhà vua, bởi “bầy tôi đối với nhà vua không phải có tình thân cốt nhục, chỉ vì bị tình thế buộc không thể không thờ”. Nhà vua dựa vào Pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh, song nếu “không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi”. Do vậy, Nhà vua phải có “Thuật” để dùng người. Đối với Hàn Phi, “Thuật” chính là một loạt các phương pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt của Nhà vua. Trong đó, phép Hình danh là một thuật không thể thiếu được của bậc Quân chủ. Với cách nhìn như vậy thì “Pháp” và “Thuật” gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nhà vua không có thuật trị nước thì ở trên bị che đậy; bầy tôi mà không có pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới. Hai cái không thể thiếu cái nào, đó đều là những công cụ của bậc đế vương”.

[3] Thế

Ngoài “Pháp” và “Thuật”, Hàn Phi đặc biệt coi trọng “Thế”. “Thế” là “quyền thế”, “uy thế”, “thế trọng”, nó chỉ một sức mạnh quyền uy tuyệt đối, đó cũng chính là quyền thống trị tối cao của Nhà vua, bao gồm quyền sử dụng người, quyền thưởng phạt... Hàn Phi cho rằng, chỉ khi nào nắm quyền thống trị trong tay, thì một người nào đấy mới là kẻ thống trị, mới có thể cai trị dân chúng. Trong thiên “Bát kinh”, Hàn Phi viết: “Cái thế là cơ sở để thắng đám đông” (Thế giả, thắng chúng chi tư dã). Để yên ổn trị nước, bậc quân chủ tất phải nắm giữ quyền thế. Hàn Phi quan niệm rất rõ ràng những điểm trọng yếu về thế:

- Vua không được cho bề tôi mượn quyền thế.

- Vua không được dùng chung quyền thế với bề tôi.

- Cần sử dụng Thuật thưởng phạt để củng cố quyền thế.

- Vua phải duy trì địa vị độc tôn của mình, không được để bề tôi quá quý hiển, đề phòng đại thần tiếm quyền. Vì vậy, nếu chỉ xét về bản thân vị vua, thì “Thế” là cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, còn “Pháp” và “Thuật” chỉ là công cụ.

Sử dụng “Pháp”, “Thuật”, “Thế” cốt yếu là để tăng cường sức mạnh của tập quyền quân chủ, tạo nên bối cảnh chính trị “việc tuy ở bốn phương song then chốt ở tại trung ương, thánh nhân nắm giữ cái chủ yếu, bốn phương đến phục dịch” (sự tại tứ phương, yếu tại trung ương, thánh nhân chấp yếu, tứ phương lai hiệu), từ đó góp phần tạo ra một xu thế lịch sử cho việc xây dựng một Nhà nước trung ương tập quyền phong kiến thống nhất.

Xem thêm: Ứng dụng Pháp trị tại Công ty Luật TNHH Everest

VI- NHỮNG HẠN CHẾ CỦA HỌC THUYẾT PHÁP TRỊ

Thực tế, sau khi sử dụng Học thuyết Pháp trị, nhà Tần đã thu phục được các nước còn lại, thống nhất Trung Quốc. Song sang đến đời Hán, Nho gia đã hưng thịnh trở lại, Pháp gia cùng hệ thống Pháp trị nhanh chóng mất đi chỗ đứng. Nhà triết học nổi tiếng người Trung Quốc Ngô Kinh Hùng - nhận xét: sở dĩ Pháp gia thất bại là do bản thân cách làm của Pháp gia (trong đấy có Hàn Phi) tồn tại nhiều điểm quá cực đoan:

- Đồng nhất việc cai trị dựa trên pháp luật với việc cai trị dựa vào các hình phạt nghiêm khắc.

- Quan niệm về pháp luật của Pháp gia nói chung và Hàn Phi nói riêng quá máy móc, cứng nhắc, hoàn toàn không có tính đàn hồi trong việc sử dụng pháp luật.

- Coi các điều khoản pháp luật chính thức là hình thức duy nhất phù hợp với pháp luật, hoàn toàn bỏ qua nhân tố luật tập quán.

- Giải thích mục tiêu pháp luật quá chú trọng đến phương diện vật chất; thực ra, luật pháp cần phải giúp phát triển một cách bình đẳng các lợi ích khác nhau.

- Ở họ, có lòng nhiệt huyết cải cách mù quáng, song lại quá thiếu ý thức lịch sử, dường như là muốn sáng tạo lại lịch sử(18).

Thực tế sau đó cho thấy, tư tưởng Nho gia đã nhấn chìm chế độ pháp luật, mà chậm nhất là đời Đường đã xuất hiện một chủ nghĩa Nho gia khống chế toàn bộ hệ thống pháp luật.

Theo Nhà triết học Ngô Kinh Hùng: “Bắt đầu từ đó, pháp luật là nô tỳ của đạo đức - nằm ở địa vị thứ cấp  không được những người tài năng nhất coi trọng”; “Từ trong thâm tâm, tôi cho rằng thắng lợi của Nho gia… đã đặt pháp luật học vào trong quan tài, khiến nó biến thành con rối trong suốt hơn 20 thế kỷ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng của phương Tây mới bắt đầu giải thoát tinh thần pháp luật Trung Quốc ra khỏi tấm áo chế ngự của truyền thống Nho gia”. Nhà triết học Ngô Kinh Hùng cũng rằng, ở phương Tây thời cổ đại, người La Mã đã đạt đến trình độ cao nhất về tư tưởng pháp luật, qua suốt thời kỳ trung cổ, đến tận thời cận đại, pháp luật luôn được coi trọng và được mọi người công nhận là công cụ của chính nghĩa.

Tư tưởng pháp trị của Trung Quốc mà Hàn Phi là đại biểu xuất sắc nhất vẫn thiếu một tinh thần pháp luật tối thượng. Tuy Hàn Phi quan niệm Nhà vua phải tuân theo pháp luật, song trên thực tế, Nhà vua là người siêu vượt lên trên pháp luật, vì mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Nhà vua. Hơn nữa, xem xét dưới góc độ kỹ thuật, dù có một số người vẫn quan niệm pháp luật của Hàn Phi là sự kết hợp giữa Lễ và Hình, song để so sánh thì “Hình” vượt xa “Lễ” rất nhiều. Trên thực tế, hình phạt là nền tảng của những điều luật mà Pháp gia đưa ra.

Nếu nhìn trong quá trình lịch sử thì cái gọi là sự thất bại của Pháp trước Nho có nhiều căn nguyên xã hội sâu xa. Sau khi thống nhất Trung Quốc (năm 223, TCN), Tần Thủy Hoàng đã tiến hành một loạt cải cách quan trọng, như: xác lập chế độ sở hữu đất đai phong kiến trên phạm vi cả nước, xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi lớn, loại bỏ chế độ phân phong, thiết lập chế độ quận huyện, thống nhất tiền tệ, hệ thống đo lường, bánh xe, văn tự toàn quốc... Khi Nhà Tần sụp đổ, Nhà Tây Hán từ Hán Cao Tổ đến Hán Vũ Đế vẫn tiếp tục con đường chính trị và chính sách của Pháp gia, từ đây sự đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng Nho và Pháp ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Mặc dù từ Tần Thủy Hoàng đã phế bỏ chế độ nô lệ, song đến đầu Nhà Tây Hán, việc mua bán, sử dụng nô lệ với số lượng lớn vẫn được tiến hành, nhất là ở các nhà quý tộc sáu (06) nước cũ (Lục quốc cường tộc). Ngoài ra, các nhà buôn và các ông chủ sản xuất lớn (nhất là trong các ngành quan trọng: luyện sắt, làm muối, đúc tiền,…) cũng lấy nô lệ làm lực lượng lao động chủ yếu. Hai (02) thế lực này cấu kết với nhau, gây một áp lực lớn đối với chính quyền nhà Hán. Trước tình hình đó, Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế tiếp tục tiến hành con đường của Pháp gia, bác bỏ các lập luận của hai (02) nhóm trên, mạnh tay bãi bỏ phiên trấn, tăng cường trung ương tập quyền.

Sau khi lên ngôi, Hán Vũ Đế từng tiếp nhận kiến nghị “Độc tôn Nho học, loại bỏ các trường phái khác” (Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật). Tuyên ngôn ý thức hệ là như vậy, song trên bình diện hành động thực tiễn, Hán Vũ Đế vẫn triệt để đi theo con đường Pháp gia. Dù Đổng Trọng Thư đề xuất: “Xuân Thu đại nhất thống”, cổ vũ “làm vua, dựng nước trên cơ sở cắt đất, chia dân” (cát địa phân dân nhi kiến quốc lập quân), nhằm quay lại chế độ chư hầu phân phong, song Hán Vũ Đế vẫn nhất quán chính sách “tiêu phiên” (diệt trừ phiên trấn), củng cố chế độ trung ương tập quyền. Hán Vũ Đế bác bỏ chính sách kinh tế “nhà nước không tranh lợi với nhân dân” (bất dữ dân tranh lợi), “trả nghề làm muối và luyện sắt cho người dân” (diêm thiết giai quy ư dân) của Đổng Trọng Thư, thực hành chính sách Nhà nước phải nắm ngành muối và sắt của Pháp gia, đồng thời tiến hành các biện pháp “toán mân” (thu thuế tài sản của các nhà buôn giàu có và những người cho vay nặng lãi), “cáo mân” (đánh thuế các chủ sử dụng nô lệ).

Đến trung kỳ, hậu kỳ Tây Hán, quá trình tập trung hóa đất đai vào tay số ít tư nhân (các nhà quý tộc phong kiến, quan lại, đại địa chủ) diễn ra ngày càng mạnh. Trong Hán Thư có ghi: “Kẻ mạnh thì ruộng vườn ngàn mảnh, kẻ yếu thì tấc đất cắm dùi cũng không” (Cường giả quy điền dĩ thiên số, nhược giả tằng vô lập chùy chi cư). Thế lực đại địa chủ, thế gia hào tộc này cũng chính là lực lượng bảo thủ trong xã hội. Họ ra sức tuyên truyền một ý thức hệ lạc hậu nhằm kìm hãm sự bùng phát của số đông nông dân bị phá sản, tôn sùng Khổng Mạnh, đề cao việc đọc kinh điển (tôn Khổng độc kinh), thi nhau nhận mình là học trò của Khổng Mạnh. Sau khi Hán Vũ Đế qua đời, lực lượng thế gia hào tộc liền mở: “Hội nghị làm muối làm sắt” (Diêm thiết hội nghị), tấn công Pháp gia nhằm thay đổi con đường Pháp trị. Tuy kế hoạch này thất bại, nhưng lực lượng trên đã khống chế được quyền lực trong triều đình và từ đó, ý thức hệ Nho gia chiếm địa vị thống trị.

Quang Vũ Đế thành lập Nhà Đông Hán, đặc biệt đề cao Nho học, coi các con chữ trong kinh điển như những lời sấm truyền. Bất cứ ai tỏ thái độ hoài nghi hay bất kính với Nho gia đều bị khép vào tội chết “phi thánh vô pháp”. Đến năm 79, Hán Chương Đế tự mình chủ trì một cuộc hội kinh học Bạch Hổ Quan lớn, lý luận hóa thuyết “thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư, biên tập ra Bạch Hổ thông nghĩa nổi tiếng, chính thức tuyệt đối hóa địa vị ý thức hệ Nho gia. Từ đây, hệ tư tưởng Pháp gia và phương thức Pháp trị hạ thêm một bậc nữa trong lịch sử Trung Quốc.

Xem thêm: Dịch vụ Pháp chế doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Học thuyết pháp trị của Hàn Phi

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.41539 sec| 1173.656 kb