Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Luật pháp quá nhẹ nhàng ít khi được tuân theo; quá hà khắc, hiếm khi được thi hành".
- Benjamin Franklin, 1706-1790, chính trị gia, thành viên lập quốc Hoa Kỳ
Tại Công ty Luật TNHH Everest, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả thành viên. Quản trị cá nhân, quản trị tổ chức đều dựa trên việc xây dựng, tuân thủ hệ thống các quy tắc nội bộ: thống nhất, đồng thuận, dài hạn, rõ ràng, minh bạch, dựa trên tinh thần nhân ái, hài hòa lợi ích.
Cần thống nhất rằng, Quản trị dựa trên pháp luật là xu thế tất yếu. Chúng ta thường nghe tới: Thượng tôn pháp luật (Pháp luật là trên hết, tiếng Anh: Strictly abide by the laws) diễn đạt theo thuật ngữ trong ngành luật học, thì là “Sự nghiêm minh của pháp luật”. Một nhà nước pháp quyền, hay một tổ chức vững mạnh, hoặc một cá nhân xuất sắc đều được quản trị (hay tự quản trị) trên nền tảng của pháp lý. Học thuyết pháp trị cổ đại (Trung Quốc) nhấn mạnh Cai trị bằng pháp luật (tiếng Anh: Rule by law). Pháp trị hiện đại được hiểu, ứng dụng theo nghĩa: Pháp luật cai trị (tiếng Anh: Rule of law).
Học thuyết pháp trị cổ đại (của Hàn Phi, 281 - 233 TCN, Trung Quốc), từng được coi là Học thuyết của Đế Vương, với minh chứng rõ ràng: Tần Thủy Hoàng đã triệt để thi hành Pháp trị, xây dựng Nhà Tần hùng mạnh, hoàn thành thống nhất Trung Quốc, lập ra Đế Quốc Đại Tần (221 TCN).
Học thuyết pháp trị coi pháp luật là then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh. Có pháp luật và pháp luật được thi hành một cách phổ quát, đúng đắn thì xã hội ổn định. Xã hội ổn định là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc.
Hàn Phi đề xuất tư tưởng: "Trị nước bằng luật pháp" (dĩ pháp trị quốc), chủ trương: “Luật pháp không phân biệt sang hèn” (Pháp bất a quý), “Hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu” (hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu). Pháp luật rõ ràng được ban bố cho trăm họ, làm cho dân biết pháp luật để tránh phạm pháp; lấy đó làm chuẩn tắc cho hành vi của mọi người, chứ không phải là cái bẫy để hại dân. Các điều luật minh bạch là phương thức phòng bị tích cực, chứ không phải là một thủ đoạn chế tài tiêu cực. Nội dung chủ yếu của “Pháp” có thể quy về hai (02) khái niệm chủ yếu là “Thưởng” và “Phạt”.
- Quan điểm về lập pháp:
Để thực hành pháp trị trước hết phải xây dựng pháp luật. Lập pháp cần phải xét đến các nguyên tắc:
Tính tư lợi: nền tảng của quan hệ giữa con người với con người là tư lợi, ai cũng muốn giành cái lợi cho mình. “Ông thầy thuốc khéo hút mủ ở vết thương người ta, ngậm máu người ta không phải vì có tình thương cốt nhục, chẳng qua làm thế thì có lợi. Cho nên, người bán cỗ xe làm xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người ta chết”. Luật pháp đặt ra thì cái lợi của phải lớn hơn cái hại.
Hợp với thời thế: Không có một pháp luật siêu hình hay một mô hình pháp luật trừu tượng tiên thiên để mà noi theo. Chỉ duy nhất có yêu cầu và tiêu chuẩn của thực tiễn. Theo Hàn Phi: “Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao… Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn… Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi”.
Ổn định, thống nhất: Mặc dù pháp luật phải thay đổi cho hợp với thời thế, song trong một thời kỳ, pháp lệnh đã đặt ra thì không được tùy tiện thay đổi. Vì nếu vậy, dân chúng không những không thể theo, mà còn tạo cơ hội cho bọn gian thần.
Phù hợp với tình người: Pháp luật dễ biết dễ làm. Đơn giản mà đầy đủ. Thưởng hậu, Phạt nặng.
- Quan điểm về chấp pháp:
Tăng cường giáo dục pháp chế: Dĩ pháp vi giáo.
Bình đẳng trước pháp luật: mọi người bình đẳng trước pháp luật (pháp bất a quý, hình bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tứ phu). Nhà vua cũng phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật: “Kẻ làm vua chúa là kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả mà xét để lập công lao”. Nếu Nhà vua biết bỏ điều riêng tư, làm theo phép công thì chẳng những dân sẽ được yên, mà nước cũng được trị. Theo luận điểm này, mặc dù cho rằng, Quân quyền thần thánh không thể xâm phạm, song vẫn bị chế ước bởi Pháp quyền.
Nghiêm khắc cẩn thận: “Tín thưởng tất phạt”, không được tùy ý thưởng cho người không có công, vô cớ sát hại người vô tội.
Dùng sức mạnh đạo đức: hỗ trợ cho việc thi hành pháp luật bằng đạo đức.
- Thuật và Thế:
Hàn Phi đồng thời chủ trương xây dựng một lý luận Pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “Pháp” làm hạt nhân, kết hợp chặt chẽ với “Thuật” và "Thế”.
Nhà vua phải có “Thuật” để dùng người. “Thuật” chính là một loạt các phương pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt của Nhà vua.
Pháp trị rất chú trọng đến “Thuật” của Nhà vua, bởi: “Bầy tôi đối với nhà vua không phải có tình thân cốt nhục, chỉ vì bị tình thế buộc không thể không thờ”. Nhà vua dựa vào Pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh, song nếu “không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi”.
Với cách nhìn như vậy thì “Pháp” và “Thuật” gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nhà vua không có thuật trị nước thì ở trên bị che đậy; bầy tôi mà không có pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới. Hai cái không thể thiếu cái nào, đó đều là những công cụ của bậc đế vương”.
“Thế” là “quyền thế”, “uy thế”, “thế trọng”. Thế có chỉ một sức mạnh quyền uy tuyệt đối, đó cũng chính là quyền thống trị tối cao của Nhà vua, bao gồm quyền sử dụng người, quyền thưởng phạt... Chỉ khi nào nắm quyền thống trị trong tay, thì một người nào đấy mới là kẻ thống trị, mới có thể cai trị dân chúng. “Cái thế là cơ sở để thắng đám đông” (Thế giả, thắng chúng chi tư dã). Để yên ổn trị nước, bậc quân chủ tất phải nắm giữ quyền thế.
Nhà Vua không được cho bề tôi mượn quyền thế. Nhà Vua không được dùng chung quyền thế với bề tôi. Nhà Vua sử dụng Thuật thưởng phạt để củng cố quyền thế. Nhà Vua phải duy trì địa vị độc tôn của mình, không được để bề tôi quá quý hiển, đề phòng đại thần tiếm quyền. Như vậy, nếu chỉ xét về bản thân Nhà Vua, thì “Thế” là cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, còn “Pháp” và “Thuật” chỉ là công cụ.
- Hạn chế của Học thuyết pháp trị cổ đại:
Sau khi sử dụng Học thuyết pháp trị, Nhà Tần đã thu phục được các nước còn lại, thống nhất Trung Quốc. Song sang đến đời Hán, Hệ thống pháp trị nhanh chóng mất đi chỗ đứng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Sở dĩ Pháp gia thất bại là do bản thân cách làm tồn tại nhiều điểm quá cực đoan:
Hình phạt nghiêm khắc: Pháp trị đã đồng nhất việc cai trị dựa trên pháp luật với việc cai trị dựa vào các hình phạt nghiêm khắc.
Quan niệm về pháp luật: quá máy móc, cứng nhắc, hoàn toàn không có tính đàn hồi trong việc sử dụng pháp luật.
Đề cao vật chất: Việc giải thích mục tiêu pháp luật quá chú trọng đến phương diện vật chất; thực ra, luật pháp cần phải giúp phát triển một cách bình đẳng các lợi ích khác nhau.
Bỏ qua tập quán: Coi các điều khoản pháp luật chính thức là hình thức duy nhất phù hợp với pháp luật, hoàn toàn bỏ qua nhân tố luật tập quán.
Bỏ qua lịch sử: Có lòng nhiệt huyết cải cách mù quáng, song lại quá thiếu ý thức lịch sử, dường như là muốn sáng tạo lại lịch sử.
Học thuyết pháp trị cổ đại coi pháp luật là then chốt để quản trị, từng được cọi là Học thuyết của Đế Vương. Pháp trị đồng thời tăng cường giáo dục pháp chế, dùng sức mạnh đạo đức, thuật và thế để hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật. Tư tưởng vượt trội của Học thuyết vẫn còn nguyên giá trị.
Thế nhưng, Học thuyết pháp trị cổ đại có những hạn chế: Quản lý xã hội bằng pháp luật (Cai trị bằng pháp luật, tiếng Anh: Rule by law), thì pháp luật được xem là công cụ cai trị (quản lý), quyền lực nằm trong tay Người quản trị. Họ vừa là người ban hành, vừa là người thực thi pháp luật. Trong trường hợp này, Người quản trị dễ lạm quyền, đứng trên pháp luật.
Tinh thần pháp trị hiện đại, Pháp trị là sự “Cai trị của pháp luật” (Rule of law). Trong trường hợp này pháp luật là tối thượng, không ai có quyền đứng trên pháp luật. Khi pháp luật “cai trị”, thì mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, người vi phạm pháp luật đều bị pháp luật trừng trị.
- Những nguyên tắc cơ bản của pháp trị hiện đại:
Tính tối thượng của pháp luật: Pháp luật phải được đặt trên cá nhân, tổ chức, bao gồm cả nhà nước. Mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ một hệ thống thủ tục được xác lập từ trước và được công bố công khai. Bảo đảm nguyên tắc công dân được làm mọi điều pháp luật không cấm, nhưng nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép.
Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với nhà nước. Không để xảy ra trường hợp mọi vi phạm của người dân đều bị trừng trị, còn mọi vi phạm của nhà nước (hoặc của các quan chức) đều bị bỏ qua.
Công lý thì về nội dung và công lý về hình thức: Ví dụ, người phạm tội phải bị trừng trị là công lý về nội dung. Thế nhưng, các bị cáo đều có quyền đòi hỏi được xét xử bởi một phiên tòa mà các thẩm phán là hoàn toàn độc lập và với những thủ tục tranh tụng công khai là công lý về hình thức. Tại các nước đề cao pháp luật, công lý về hình thức rất quan trọng. Họ cho rằng, khi các thủ tục được tuân thủ nghiêm ngặt thì công lý nội dung bao giờ cũng đạt được.
Với tư cách là công cụ bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức, pháp trị đòi hỏi: Hệ thống pháp luật phải có đầy đủ các quy định công bằng về việc ban hành quyết định và về thủ tục, không thể phán quyết tùy tiện. Các quy định về việc ban hành quyết định và về thủ tục phải được xác định từ trước và phải được công bố từ trước. Các quy định về việc ban hành quyết định và thủ tục phải được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thể áp dụng các quy định mà không dẫn chiếu được, không lý giải được; Các quy định về việc ban hành quyết định và thủ tục phải được áp dụng một cách nhất quán (không thể nay áp dụng thế này, mai áp dụng thế khác.
Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa lập hiến:
Một là, quyền lực giữa nhà nước và các công dân được phân chia theo kế ước xã hội. Bản kế ước đó chính là Hiến pháp. Hiến pháp vì vậy phải do quốc hội lập hiến soạn thảo và phải được toàn dân phê chuẩn. Việc sửa đổi hiến pháp phải do toàn dân phúc quyết.
Hai là, quyền con người là những quyền hiến định. Các quyền này là không thể bị xâm phạm. Hơn thế nữa, trách nhiệm của nhà nước là phải bảo đảm các điều kiện để người dân có thể thực thi được các quyền của mình.
Ba là, quyền lực của nhà nước phải bị phân chia để tránh lạm quyền và lộng quyền.
Bốn là, các quyền lực nhà nước phải được tổ chức theo quyền tắc kiểm tra và cân bằng lẫn nhau (check and balance). Điều này vừa giúp cho việc tránh lạm quyền, vừa làm cho việc thực thi quyền lực được minh bạch và hợp lý.
Tại Công ty Luật TNHH Everest, các luật sư, chuyên gia và nhân viên của có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam:
Sứ mệnh của luật sư: Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chức năng xã hội: Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đạo đức nghề nghiệp: Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
2- Quy tắc nội bộ trong tổ chức
Việc xây dựng, thực thi các quy tắc nội bộ của Công ty đảm bảo sự: thống nhất, đồng thuận, dài hạn, rõ ràng, minh bạch, dựa trên tinh thần nhân ái, hài hòa lợi ích của các thành viên, đối tác, khách hàng và xã hội. Bắt đầu từ văn hóa tổ chức, chúng tôi cụ thể hóa thành các chuẩn mực, tiêu chuẩn, quy trình, quy định, quy chế... tổ chức thực hiện, kiểm soát và điều chỉnh để ngày càng chuyên nghiệp, hoàn hảo hơn.
- Về văn hóa tổ chức:
Tầm nhìn: Trở thành tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý đa dạng, chuyên nghiệp, uy tín, có mạng lưới và sự hiện diện rộng khắp.
Sứ mệnh: Cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, dễ sử dụng, chi phí hợp lý, góp phần đưa dịch vụ pháp lý trở thành thông dụng.
Triết lý: Thành công bền vững đến từ đội ngũ luật sư nhân ái, thượng tôn pháp luật, đề cao công bằng, rèn luyện không ngừng.
Giá trị cốt lõi: Chia sẻ - Kết nối - Tin tưởng - Khác biệt - Kết quả.
Nền tảng: Công ty phải là nơi hội tụ của những luật sư chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, tôn trọng đạo đức, lẽ công bằng, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, uy tín cá nhân và tổ chức. Chúng tôi phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
Trụ cột: Công ty ứng dụng công nghệ, áp dụng triết lý quản trị truyền thống và hiện đại, từng bước mở rộng hợp tác sâu, rộng với nhiều đối tác, nhằm mang tới cho khách hàng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, dịch vụ có chất lượng cao, chi phí hợp lý.
Toàn bộ Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi, Triết lý, Nền tảng, Trụ cột nêu trên đều được cụ thể hóa bằng hệ thống quy tắc ứng xử nội bộ: tiêu chuẩn, chuẩn mực, quy trình, quy định, quy chế của tổ chức.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm