Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía".
Anna Eleanor Roosevelt, 1884 - 1962, chính khách, Đệ nhất phu nhân Mỹ
Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa Công ty luật TNHH Everest và khách hàng (cá nhân, tổ chức). Hợp đồng dịch vụ pháp lý thể hiện bằng hình thức văn bản là cơ sở để luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, khách hàng trả phí dịch vụ cho luật sư, các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, thiện chí theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Dịch vụ pháp lý là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên hợp đồng dịch vụ pháp lý phải tuân thủ các quy định pháp luật luật sư (chuyên ngành), hình thức của hợp đồng phải lập thành văn bản; nội dung hợp đồng phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
[......], ngày [...] tháng [...] năm [......] (1)
Số: [........]-EVER (2)
Chúng tôi gồm:
- Đại diện: [......]
- Căn cước số: [......]
- Địa chỉ: [......]
- Điện thoại: [......], Email: [......]
- Đại diện: [Luật sư ......], Chức vụ: [.......]
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số: [.......]
- Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà Times, số 35 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam (hoặc địa chỉ chi nhánh)
- Điện thoại: (024) 66.527.527 (hoặc số điện thoại của Trưởng chi nhánh)
- Website: https://everest.org.vn/, E-mail: info@everest.org.vn.
- Bên A là [......] trong vụ án/vụ việc [......] (sau đây gọi tắt là "vụ án/vụ việc")
- Bên A mong muốn Bên B cung cấp các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bên A trong vụ án/vụ việc nêu trên.
- Bên B là tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, có năng lực và khả năng thực hiện các công việc mà Bên A chỉ định.
Sau khi bàn bạc và trao đổi kỹ lưỡng, hai bên đồng ý việc giao kết Hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên (sau đây gọi tắt là “Hợp đồng”) với các nội dung như sau:
Trong phạm vi của Hợp đồng này, Bên B cung cấp một số hoặc toàn bộ các dịch vụ pháp lý sau cho Bên A: tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác, cụ thể:
1.1. Tư vấn pháp luật: Bên B hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp Bên A soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của Bên A.
1.2. Tham gia tố tụng: Bên B cử luật sư, chuyên gia tham gia tố tụng với tư cách:
- Là người bào chữa cho khách hàng là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, hoặc/và:
- Là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
1.3. Đại diện ngoài tố tụng: Bên B cử luật sư, chuyên gia đại diện cho Bên A để giải quyết những công việc có liên quan đến công việc/hoạt động của Bên A.
1.4. Dịch vụ pháp lý khác: Giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ Bên A thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
1.5. Chi tiết phạm vi dịch vụ đối với mỗi vụ, việc cụ thể được các Bên trao đổi/thống nhất hoặc bằng hình thức văn bản (phụ lục hợp đồng, hợp đồng ủy quyền) hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản (điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật).
2.1. Thời hạn cung cấp dịch vụ: [......] tháng (...... tháng).
2.2. Sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ tại Khoản 2.1 của Điều này mà dịch vụ vẫn chưa hoàn thành, nếu Bên A không phản đối thì Bên B tiếp tục cung ứng theo nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng.
2.3. Hình thức yêu cầu cung cấp dịch vụ:
a) Bên A chuyển yêu cầu cho Bên B thông qua hình thức văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản;
b) Bên A yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý qua điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp (miệng), Bên B sẽ xác định lại phạm vi công việc bằng hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương văn bản.
2.4. Người giao dịch hoặc đại diện
- Người đại diện/giao dịch của Bên A là: [.......]
- Người đại diện/giao dịch của Bên A là: [.......]
3.1. Căn cứ tính thù lao:
Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây: Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; Thời gian và công sức của luật sư. chuyên gia sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; Kinh nghiệm và uy tín của luật sư, chuyên gia. Các bên thỏa thuận cụ thể mức thù lao trong phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý.
3.2. Biểu phí dịch vụ pháp lý:
Nếu không có thỏa thuận khác, đổi lại việc Bên B cung cấp các dịch vụ nêu tại Điều 1 của Hợp đồng, Bên A đồng ý trả cho Bên B phí dịch vụ pháp lý (bằng đồng Việt Nam), được tính theo thời gian làm việc của luật sư, chuyên gia của Bên B, như sau:
Mức thù lao luật sư được giải thích cụ thể như sau:
a) Thù lao tính theo thời gian được tính trên thời gian làm việc thực tế của luật sư, giá chưa bao gồm thuế giá trij gia tăng. Phí luật sư tính theo giờ trong trường hợp làm việc ít hơn 2,5 giờ. Phí luật sư tính theo buổi (Mục II) trong trường hợp làm việc từ 2,5 giờ tới 4,0 giờ (hành chính);
b) Hệ số: Luật sư (tiêu chuẩn), hệ số 1,0; Luật sư cấp trung hoặc cao cấp, hoặc lĩnh vực chuyên ngành, hệ số từ 1,5 đến 10,0; Luật sư tập sự, hệ số từ 0,6 đến 0,9; Trợ lý pháp lý, hệ số từ 0,3 đến 0,5.
3.3. Chi phí pháp lý
Công tác phí (nếu không có thỏa thuận khác): Đường bộ, 10.000 đồng/km; Hàng không, đường sắt, đường thủy, căn cứ vào giá vé/hóa đơn thanh toán; Phí lưu trú qua đêm, 1.000.000 đồng/ngày. Các phụ phí khác có thể tính trong trường hợp cụ thể.
3.4. Các bên có thể thỏa thuận chi tiết bằng phụ lục hợp đồng hoặc hình thức văn bản khác về mức thù lao trọn gói, hoặc theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng.
3.5. Trường hợp không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.
4.1. Bên A có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp cho Bên B thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi;
b) Thanh toán phí dịch vụ và chi phí pháp lý đầy đủ, đúng hạn cho Bên B;
c) Cung cấp kịp thời các kế hoạch, chỉ dẫn và những chi tiết khác để việc cung ứng dịch vụ của Bên B được thực hiện không bị trì hoãn hay gián đoạn;
d) Hợp tác trong tất cả những vấn đề cần thiết khác để Bên B có thể cung ứng dịch vụ một cách thích hợp;
đ) Trường hợp một dịch vụ do Bên B cùng tiến hành hoặc phối hợp với bên cung ứng dịch vụ khác, Bên A có nghĩa vụ điều phối hoạt động của các bên cung ứng dịch vụ để không gây cản trở đến công việc của bất kỳ bên cung ứng dịch vụ nào.
4.2. Bên A có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Bên B thông báo đầy đủ về tiến độ thực hiện dịch vụ;
b) Yêu cầu Bên B thực hiện công việc theo đúng nội dung trong hợp đồng;
c) Trong trường hợp Bên B vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì Bên A có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại..
5.1. Bên B có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác, đồng thời thông báo đầy đủ tiến trình và kết quả việc thực hiện công việc định kỳ cho Bên A;
b) Không được giao cho Bên thứ ba thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Bên A;
c) Bảo quản và giao lại cho Bên A tài liệu đã nhận, sau khi hoàn thành công việc;
d) Báo ngay cho Bên A về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
đ) Giữ bí mật thông tin mà mình biết được, không được tiết lộ các thông tin liên quan cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào không liên quan đến hợp đồng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
e) Bồi thường thiệt hại cho Bên A, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin, hoặc trong các trường hợp pháp luật có quy định;
5.2. Bên B có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu Bên A cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện các công việc theo Điều 1 của Hợp đồng;
b) Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp quy định tại Quy tắc 11 và Quy tắc số 13, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
c) Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
d) Trong trường hợp Bên A vi phạm nghĩa vụ, Bên B có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu Bên A bồi thường thiệt hại;
đ) Yêu cầu Bên A trả tiền thù lao, các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý tại Điều 3 và/hoặc Phụ lục về phí dịch vụ kèm theo hợp đồng này.
ĐIỀU 6. BÍ MẬT THÔNG TIN (11)
6.1. Bên B không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, của Bên A mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được Bên A đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
6.2. Bên B không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về Bên A mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6.3. Bên B có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.
8.1. Phạt vi phạm
Trong trường hợp một trong các Bên bị vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không quá 5% (năm phần trăm) giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
8.2. Bồi thường thiệt hại
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Mức thiệt hại trong trường hợp này do hai Bên thỏa thuận hoặc xác định theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật thương mại.
8.1. Hủy bỏ hợp đồng
a) Hợp đồng bị hủy bỏ trong trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng; hoặc:
b) Hợp đồng bị hủy bỏ trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện;
c) Bên có quyền được hủy bỏ hợp đồng khi bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được.
d) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
8.2. Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
8.3. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật luật sư và luật khác có liên quan.
9.1. Bên A cam kết: không cung cấp chứng cứ giả, không yêu cầu Bên B thực hiện các việc trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.
9.2. Bên B cam kết: tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Bên A theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
9.3. Hai bên cùng cam kết:
a) Hai bên đã tự đọc, đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng;
b) Việc giao kết Hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;
c) Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng;
d) Không hủy ngang việc đại diện theo ủy quyền (nếu có), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
đ) Mọi tranh chấp có liên quan phát sinh giữa các Bên theo Hợp đồng trước hết sẽ được giải quyết trên cơ sở thương lượng và hòa giải trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
10.1. Hợp đồng này sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật Luật sư và các luật khác có liên quan.
10.2. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các phụ lục, tài liệu liên quan kèm theo là bộ phận không tách rời và có hiệu lực theo Hợp đồng;
10.3. Hợp đồng này được lập bằng tiếng Việt được dịch ra tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác (trong trường hợp một hoặc hai bên có yêu cầu), được ký kết qua phương tiện điện tử hoặc/và được in thành 02 (hai) bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên lưu giữ làm cơ sở thực hiện.
Xem thêm: Hướng dẫn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý
Các điều khoản mẫu dưới đây, đã được Hội đồng luật sư thẩm định, căn cứ các quy định của pháp luật: Bộ luật dân sư, Luật thương mại, Luật luật sư, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sư, Luật tố tụng hành chính, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc).
Do đó, trừ nội dung điền bổ sung ở Mục III, luật sư không thay đổi các điều khoản mẫu này để đảm bảo sự thống nhất và minh bạch thông tin với khách hàng. Cụ thể:
(6) Điều 1. Phạm vi của dịch vụ: liệt kê và mô tả các dịch vụ pháp lý luật sư cung cấp theo quy định tại Điều 22, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật luật sư, để khách hàng hiểu rõ phạm vi quyền nghĩa vụ của luật sư. Lưu ý: căn cứ các thỏa thuận (khung), các bên có thể lập Phụ lục hợp đồng quy định và diễn giải chi tiết nội dung này.
(8) Điều 3. Phí dịch vụ, chi phí pháp lý, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán: Luật Luật sư quy định Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có điều khoản về hương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (Điểm d, Khoản 2, Điều 26). Về mức thù lao và căn cứ tính thù lao được được soạn thảo căn cứ Điều 54, Điều 55, Điều 56 Luật Luật sư. Điều khoản mẫu, yêu cầu các luật sư không thay đổi để đảm bảo sự thống nhất và minh bạch thông tin với khách hàng. Lưu ý: căn cứ các thỏa thuận (khung) về phí dịch vụ và chi phí pháp lý, các bên có thể lập Phụ lục hợp đồng quy định và diễn giải chi tiết mức phí này.
(9) Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Bên A: được soạn thảo căn cứ vào Điều 515, 516 Bộ luật dân sự; Điều 85 Luật thương mại.
(10) Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của Bên B: được soạn thảo căn cứ vào Điều 517, 518 Bộ luật dân sự; Điều 78 Luật thương mại; Điều 5, Điều 9 Luật luật sư.
(11) Điều 6. Bí mật thông tin: được soạn thảo căn cứ vào Điều 517 Bộ luật dân sự; Điều 25 Luật luật sư.
(12) Điều 7. Phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại: được soạn thảo căn cứ vào Điều 418, Điều 419 Bộ luật dân sự; Điều 89, Điều 90, Điều 91, Điều 92 Luật luật sư.
(13) Điều 8. Hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng: được soạn thảo căn cứ vào Điều 423, Điều 424, Điều 425, Điều 426, Điều 427, Điều 428 Bộ luật dân sự; Quy tắc 11, Quy tắc 13 Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
(14) Điều 9. Cam kết của các bên: được soạn thảo căn cứ vào Điều 117 Bộ luật dân sự; Quy tắc 11, Quy tắc 12, Quy tắc 13 Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
(15) Điều 10. Điều khoản khác: là điều khoản giải thích và bổ sung cho các điều khoản khác của Hợp đồng.
(16) Đại diện của Bên A, Đại diện của Bên B: ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Việc giao kết bằng phương thức ký điện tử và bản giấy. Luật sư trao đổi, giải thích và khuyến khích khách hàng ký điện tử, đảm bảo sự lưu trữ tài liệu phục vụ cho việc quản lý tài liệu, cung cấp dịch vụ cho khách hàng chuyên nghiệp và đảm bảo tuân thủ pháp luật luật sư.
Xem thêm: Hướng dẫn luật sư tiếp xúc với khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý
(1) [......], ngày [...] tháng [...] năm [......]: ghi địa điểm giao kết hợp đồng tại trụ sở chính, địa chỉ các chi nhánh, ví dụ: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh...
Ngày tháng năm ký hợp đồng có thể là ngày cung cấp dịch vụ pháp lý hoặc những ngày sau đó. Lưu ý ghi ngày tháng năm phải đảm bảo việc ký hợp đồng thực hiện trước khi luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý (Chú ý Điều 26 Luật Luật sư về Thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý).
(2) Số: [........]-EVER: do từng chi nhánh đánh số và ký hiệu hợp đồng, đảm bảo số văn bản là duy nhất trong một năm, không trùng lặp, thuận lợi cho việc quản lý hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Ví dụ: Hợp đồng do Chi nhánh Nghệ An lấy số: 02/2024/HĐDVPL.NA-EVER.
(3) Bên A. Bên yêu cầu dịch vụ: Nếu là cá nhân, ví dụ: Nguyễn Văn C, đại diện Nguyễn Văn A, Căn cước công dân số 0123456789000, địa chỉ và số điện thoại liên lạc là những thông tin tối thiểu để giữ liên lạc và giao dịch với khách hàng. Nếu là tổ chức, ví dụ: Công ty Cổ phần XYZ, Mã số doanh nghiệp: 01234567890, người đại diện thường ghi trong Giấy đăng ký doanh nghiệp, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức, nếu là ủy quyền ghi rõ và kèm theo Giấy ủy quyền, Hợp đồng ủy quyền, Giấy giới thiệu. Các thông tin khác như: số điện thoại, email, website nên điền đầy đủ.
(4) Bên B. Bên cung cấp dịch vụ: Công ty Luật TNHH Everest hoặc là Chi nhánh của Công ty, ví dụ Chi nhánh Công ty Luật TNHH Everest tại Nghệ An.
- Đại diện: Luật sư Phạm Ngọc Minh, Chức vụ: Giám đốc công ty, nhưng có thể là người khác. Các Trưởng chi nhánh đều có Giấy ủy quyền để ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý và phát hành văn bản trong phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của Chi nhánh.
- Giấy đăng ký hoạt động số 01071045/TP/ĐKHĐ do Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp cho Công ty hoặc của Chi nhánh, ví dụ: Giấy đăng ký hoạt động số 034080060/TP/ĐKHĐ do Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Chi nhánh Quảng Ngãi.
(5) Xét rằng (Bối cảnh của vụ việc):
Ví dụ thứ nhất: Bên A và anh Nguyễn Thế T, Căn cước công dân số 0123456789000 Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ngày cấp: .../.../..., có hộ khẩu thường trú tại ... có tranh chấp về hợp đồng vay tiền và ủy quyền quản lý, sử dụng, chuyển nhượng mảnh đất tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tình Hòa Bình (chi tiết tại Bản tường trình của Bên A lập ngày .../.../... tại ... (sau đây gọi tắt là "vụ việc").
Ví dụ thứ hai: Bên A (Nguyễn Văn D) là bị can theo: Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12345/QĐ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh XYZ ngày .../.../... về tội cố ý gây thương tích; Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số .../QĐ-KTVAHS ngày 06/7/2023 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh XYZ từ tội Cố ý gây thương tích tội Giết người;... Quyết định khởi tố bị can số 12345/ĐN-VPCQCSĐT ngày .../.../... đối với Nguyễn Văn D về tội gây rối trật tự công cộng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh XYZ; Quyết định 12345/QĐ-VKSHN-P2 ngày .../.../... của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh XYZ về việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can số số 12345/ĐN-VPCQCSĐT (Sau đây gọi tắt là "Vụ án").
(7) Điều 2. Thời hạn, phương thức cung cấp, tiếp nhận dịch vụ:
Thời hạn cung cấp dịch vụ, các bên nên thỏa thuận thời hạn cụ thể: 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng... đồng thời có điều khoản mở: các bên có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng khi hết thời hạn nêu trên và còn nhu cầu sử dụng/cung cấp.
Các bên nên ghi rõ người đại diện công ty luật cung cấp dịch vụ/người đại diện của khách hàng để giao dịch, cung cấp thông tin, trả phí.
Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm