Hướng dẫn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý

"Hành nghề luật sư liên quan mật thiết đến công lý, công bằng, đạo đức, sự chuyên nghiệp. Lợi nhuận sẽ đến sau, nhưng sẽ luôn đến nếu luật sư nhớ rõ điều này".

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest

Hướng dẫn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa công ty luật, văn phòng luật sư và khách hàng (cá nhân, tổ chức), theo đó tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, khách hàng phải trả phí dịch vụ cho tổ chức hành nghề luật sư, trừ trường hợp tổ chức hành nghề luật sư miễn nghĩa vụ trả phí cho khách hàng.

Dịch vụ pháp lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên hợp đồng dịch vụ pháp lý phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật luật sư (chuyên ngành), đảm bảo hình thức của hợp đồng phải lập thành văn bản; nội dung hợp đồng phải thể hiện trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng, luật sư không được cam kết bảo đảm kết quả vụ việc, luật sư không được cung cấp dịch vụ cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc.

Liên hệ

I- BẢN CHẤT CỦA HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ 

Một là, hợp đồng dịch vụ pháp lý là một dạng hợp đồng dịch vụ mang tính thương mại. Bộ luật dân sự quy định: hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ (Điều 513). Như vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý phù hợp với định nghĩa hợp đồng dịch vụ tại Bộ luật dân sự.

Hai là, hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng song vụ, trong đó tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, còn khách hàng phải trả phí cho tổ chức hành nghề luật sư, trừ trường hợp tổ chức hành nghề luật sư miễn trừ nghĩa vụ trả phí cho khách hàng. Như vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý có tính chất của hợp đồng song vụ trong Bộ luật dân sự, nghĩa là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau (Khoản 1 Điều 402). 

Do đó, những quy định của Bộ luật dân sự về thực hiện hợp đồng song vụ (Điều 410); quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ (Điều 411); cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ (Điều 412); nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của một bên (Điều 413) cũng được áp dụng cho hợp đồng dịch vụ pháp lý.

II- ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (Điều 117). Về điểm (a) và điểm (b) sẽ phân tích chi tiết ở các phần sau, chúng tôi lưu ý về điểm (c) Mục đích và nội dung của hợp đồng dịch vụ pháp lý không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Bộ luật dân sự quy định: Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng (Điều 123).

Hợp đồng dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp không được vi phạm điều cấm của pháp luật. Các điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội này được quy định tại Điều 9 Luật luật sư Quy tắc 9 trong Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Ngoài ra, các điều cấm còn được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Luật sư đặc biệt lưu ý, vi phạm phổ biến trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là việc luật sư cam kết về kết quả vụ việc trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Theo Quy tắc 9.8 luật sư không được “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư”. Hành vi này dẫn đến hai hậu quả pháp lý chính: hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bị tuyên vô hiệu và Luật sư có thể nhận một trong các mức kỷ luật. Trên thực tế, đã có vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng (nguyên đơn) và luật sư (bị đơn). Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có thỏa thuận, luật sư bào chữa cho khách hàng trong vụ án hình sự để tòa xử khách hàng được hưởng án treo với giá 120 triệu đồng. Tòa án đã nhận định, thỏa thuận trên vi phạm Quy tắc 9.8 Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, vi phạm Khoản 2 Điều 5 Luật luật sư. Do đó, tuyên hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và luật sư vô hiệu do đã vi phạm điều cấm của pháp luật.

Tuy pháp luật cấm hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc, nhưng trên thực tế luật sư phải cam kết khác để có được niềm tin của khách hàng mà không vi phạm pháp luật, ví dụ: các cam kết về chất lượng, tiến độ cung cấp dịch vụ, cam kết bảo mật thông tin, cam kết về kết quả các thủ tục hành chính.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

III- CHỦ THỂ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1- Bên sử dụng dịch vụ pháp lý

Khách hàng là cá nhân: Bộ luật dân sự quy định, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 19). Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Điều 20), trừ trước hợp: người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22),  người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23), người hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 24).

Bộ luật dân sự quy định, người đại diện theo pháp luật của một cá nhân bao gồm: cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện; người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 136). Như vậy, những người đại diện theo pháp luật nêu trên được quyền thay mặt và đại diện cho khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư.

Bộ luật dân sự quy định, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (Khoản 4 Điều 21). Hiện nay, không có quy định bắt buộc người từ đủ 15 tuổi khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ đồng ý. Do đó, người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự tham gia giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 Bộ luật dân sự (nêu trên).

Luật hôn nhân và gia đình quy định, việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật hôn nhân gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Như vậy, trừ trường hợp vợ hoặc chồng có quyền lợi đối lập nhau, thì vợ hoặc chồng có thể đại diện cho nhau ký hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Khách hàng là người thân thích của người bị tạm giữ, tạm giam: Quy định tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự: "Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn". Như vậy, trong trường hợp khách hàng là người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo Điểm d Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự không trực tiếp ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để mời luật sư tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cả hai đối tượng có thế ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư để lựa chọn người bào chữa, đó là người đại diện hoặc người thân thích của họ.

Liên quan đến khái niệm “người thân thích” của người bị buộc tội, căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự, Khoản 1 Điều 51 Bộ luật dân sự, người thân thích gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, me vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội. cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột. Như vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể được những người thân thích nêu trên ký để đề nghị tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa cho người bị buộc tội.

Khách hàng là tổ chức: Khi tổ chức tham gia giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý phải thông qua người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó. Do đó, chủ thể giao kết hợp đồng của tổ chức vừa phải đáp ứng điều kiện đối với cá nhân (có đủ năng lực hành vì) lại vừa phải đáp ứng điều kiện là người đại diện theo pháp luật (hoặc người đại diện theo ủy quyền) của tổ chức đó.

2- Bên cung cấp dịch vụ pháp lý

Căn cứ vào quy định tại Điều 39 và Điều 49 của Luật luật sư có thể thấy rằng, chỉ tổ chức hành nghề luật sư (Công ty luật, Văn phòng luật sư) mới được ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Sau đó, tổ chức hành nghề luật sư sẽ phân công cho các luật sư làm vìệc trong tổ chức của mình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó. Như vậy, chỉ có tổ chức hành nghề luật sư mới đủ tư cách để ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.

Lưu ý, trường hợp luật sư tham gia vụ vìệc theo yêu cầu của cơ quan tố tụng (luật sư chỉ định), luật sư được ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với cơ quan chỉ định mà không ký hợp đồng dich vụ pháp lý với khách hàng (Khoản 1 Điều 26 Luật luật sư). Tuy nhiên, Luật luật sư không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ "luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng". Hiện nay chỉ có Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư có điều khoản liên quan đến chế độ thanh toán tiền thù lao (Điều 19) và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề ở đây là, pháp luật không quy định cụ thể và cũng không có hợp đồng ràng buộc một cách rõ ràng, các bên sẽ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý.

IV- PHẠM VI CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Dịch vụ pháp lý là một loại hình dịch vụ đặc thù do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật đăng ký và được Nhà nước công nhận được hành nghề (ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Luật luật sư quy định: dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác (Điều 4). Trong đó:

[a] Thực hiện tư vấn pháp luật: là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (Khoản 3 Điều 22, Điều 28).

[b] Hoạt động tham gia tố tụng: Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; hoặc: Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật (Khoản 1, Khoản 2 Điều 22).

[c] Hoạt động đại diện ngoài tố tụng: Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý" (Khoản 4 Điều 22, Điều 29).

[d] Thực hiện dịch vụ pháp lý khác: bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật (Khoản 5 Điều 22, Điều 30).

Tại Công ty Luật TNHH Everest, phạm vi dịch vụ pháp lý mang tính nguyên tắc (nêu trên) được ghi nhận tại Điều 1 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu). Thông thường, chi tiết phạm vi dịch vụ đối với mỗi vụ việc cụ thể được các Bên thỏa thuận hoặc bằng hình thức văn bản như phụ lục hợp đồng, hợp đồng ủy quyền hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản.

Xem thêm: Hợp đồng dịch vụ pháp lý mẫu tại Công ty Luật TNHH Everest

V- THỜI HẠN THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TRONG HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Luật sư dự tính thời hạn hoàn thành dịch vụ dựa trên những công việc được liệt kê trong điều khoản về phạm vi công việc. Để xác định thời gian hoàn thành công việc, luật sư cần cân nhắc các yếu tố sau: tính chất vụ việc; những yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nội dung dịch vụ pháp lý, quy định của pháp luật về những thời hạn nhất định (ví dụ như các thủ tục hành chính).

Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý các bên được quyền thỏa thuận thời điểm bắt đầu thời hạn (thực hiện hợp đồng (thời điểm có hiệu lực của hợp đồng) theo những mốc thời gian như sau: [a] Kể từ ngày ký hợp đồng; [b] Kể từ ngày khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của luật sư; [c] Kể từ ngày khách hàng thanh toán một phần hoặc toàn bộ thù lao cho luật sư.

Các bên có thể thỏa thuận thời điểm kết thúc hợp đồng. Đó có thể là một khoảng thời gian do các bên ấn định hoặc một sự kiện nào đó xảy ra, ví dụ: khi có kết quả giải quyết hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền hay khi có bản án có hiệu lực pháp luật.

Nghề luật cũng như phần lớn các ngành dịch vụ khác, khách hàng chỉ quan tâm đến kết quả và luôn muốn được phục vụ chu đáo, đúng hạn khi có nhu cầu. Do đó, cam kết về thời hạn thực hiện công việc có ý nghĩa quan trọng. Luật sư có thể cam kết thời hạn thực hiện công việc và thực hiện đúng cam kết đó để đảm bảo uy tín của mình, nhưng cần lưu ý không cam kết nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.

Tại Công ty Luật TNHH Everest, thời hạn thực hiện dịch vụ pháp lý được ghi nhận tại Điều 2 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu). Các bên có thể thỏa thuận chi tiết hơn nội dung này trong phụ lục hợp đồng, hợp đồng ủy quyền hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản.

VI- THÙ LAO LUẬT SƯ VÀ CÁC CHI PHÍ PHÁP LÝ

Thù lao luật sư được tính dựa trên căn cứ: [a] Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; [b] Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; [c] Kinh nghiệm và uy tín của luật sư (Khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư). Trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ nội dung vụ việc và yêu cầu của khách hàng, đặc thù của công việc luật sư thỏa thuận với khách hàng áp dụng một trong các cách tính thù lao:

Thù lao tính theo giờ làm việc: thường được áp dụng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, khi mà luật sư và khách hàng đều không biết rõ khối lượng công việc phải làm cũng như thời gian cụ thể như thế nào. Cách tính thù lao luật sư này phù hợp với thông lệ quốc tế mà các công ty luật trên thế giới thường dùng. 

Tuy nhiên, nhiều khách hàng không thích việc tính thù lao theo hình thức này, bởi họ không thể dự kiến được số tiền sau cùng phải trả cho luật sư là bao nhiêu. Trong nhiều trường hợp, khách hàng cũng không hài lòng với cách tiêu tốn thời gian của luật sư cho công việc của họ. Do đó, trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể đưa ra một mức phí trần cho vụ việc để khi số tiền phí theo giờ đạt tới mức tối đa đó thì bên cung cấp dịch vụ sẽ không tính thêm thù lao nữa.

Thù lao trọn gói theo vụ việc: Đây là cách tính thù lao được khách hàng ưa chuộng vì dễ tính toán và khách hàng cũng không phải lo lắng về việc số tiền thù lao phải trả cho luật sư có thể vượt quá mức dự tính. Theo đó, khách hàng và luật sư tính một mức thù lao cố định cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc theo yêu cầu của khách hàng. Việc thoả thuận về mức thù lao trọn gói thường được căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc trong dịch vụ đã được xác định trước cũng như tổng số thời gian dự tính hoàn thành công việc. Đồng thời, luật sư cần giải thích kỹ lưỡng cho khách hàng về phương thức tính thù lao trọn gói của luật sư và phân biệt với hợp đồng khoán việc dân sự, để tránh việc khách hàng hiểu nhầm.

Hạn chế của cách tính thù lao này là, hai bên không thể dự liệu hết khối lượng công việc và tình tiết phát sinh. Do đó, khi phí dịch vụ tính theo thời gian làm việc của luật sư hết, luật sư giảm thời gian cung cấp dịch vụ và điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ pháp lý. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, luật sư nên đưa ra mức phí trọn gói nhưng kèm theo một số điều kiện, giả định. Nếu điều kiện hoặc giả định đó xảy ra thì khách hàng sẽ thanh toán thêm chi phí cho luật sư.

Thù lao cố định: Cách tính thù lao này thường được áp dụng cho các công việc pháp lý có liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Luật sư làm nhiều loại việc này sẽ có kinh nghiệm, biết khá rõ công việc phải làm, thời gian hoàn thành nên tính toán mức thù lao công việc mà khách hàng phải trả. Thông thường đối với loại hình này, luật sư có thể đưa ra mức thù lao dựa trên một khoảng thời gian cố định. Ví dụ: hợp đồng tư vấn thường xuyên với mức phí 10 triệu đồng tháng cho khoảng thời gian là 10 giờ làm việc của luật sư. Lưu ý, cũng giống như với cách tính thù lao trọn gói theo vụ việc thì trong trường hợp lấy thù lao cố định, luật sư cùng phải dự phòng các tình huống mà công việc vượt qua khoảng thời gian theo hợp đồng để thỏa thuận một khoản thù lao ngoài khoản thù lao cố định.

Thù lao của luật sư dựa trên giá trị phần trăm kết quả đạt được: Hình thức tính thù lao này thường được áp dụng cho các công việc pháp lý của khách hàng liên quan đến tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay hỗ trợ thu hồi nợ.

Ngoài tiền thù lao luật sư thì trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) sẽ có thể tốn chi phí liên quan đến công việc được giao. Các chi phí phát sinh cho công việc của khách hàng thường bao gồm liên quan đến: [a] Chí phí văn phòng để đảm bảo thực hiện các hoạt động liên quan đến công việc của khách hàng như điện thoại, fax, photocopy giấy tờ; [b] Chi phí đi lại, sinh hoạt, lưu trữ của luật sư dễ thực hiện công việc cho khách hàng như vé máy bay, tiền ở khách sạn; [c] Phí và lệ phí nhà nước như lệ phí cấp phép, các khoản tạm ứng án phí, án phí, lệ phí; [c] Chi phí trả cho bên thứ ba thay mặt khách hàng như phí công chứng, phí thừa phát lại.

Tại Công ty Luật TNHH Everest, thù lao luật sư và chi phí pháp lý được ghi nhận tại Điều 3 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu). Các bên có thể thỏa thuận chi tiết hơn nội dung này trong phụ lục hợp đồng, hợp đồng ủy quyền hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest

V- QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA KHÁCH HÀNG

1- Nghĩa vụ của khách hàng

Bộ luật dân sự quy định, bên sử dụng dịch vụ có các nghĩa vụ (chung): [1]  Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi; [2] Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận (Điều 515).

2- Quyền của khách hàng

Bộ luật dân sự quy định, bên sử dụng dịch vụ có các quyền (chung): [1] Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác; [2] Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 516).

Tại Công ty Luật TNHH Everest, quyền và nghĩa vụ của khách hàng (Bên A) được ghi nhận tại Điều 4 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu)

Hành nghề luật sư là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có đặc thù riêng, để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ, Công ty Luật TNHH Everest bổ sung thêm một số quyền, nghĩa vụ của Bên A:

Nghĩa vụ cung cấp thông tin: là một trong những nghĩa vụ quan trọng của khách hàng. Không có thông tin luật sư sẽ không thể xem được nội dung vụ việc một cách đầy đủ, khách quan để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất. Thông tin bao gồm rất nhiều loại: văn bản, lời kể, vật chứng... Vì vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý cần có điều khoản quy định nghĩa vụ của khách hàng là phải cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho luật sư.

Nghĩa vụ hợp tác: là một nghĩa vụ quan trọng của khách hàng, bởi lẽ trong nhiều vụ việc nếu không có sự hợp tác của khách hàng thì luật sư khó có thể hoàn thành công việc của mình. Nghĩa vụ hợp tác thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: hợp tác trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, hợp tác trong việc ký các văn bản mà luật sư soạn thảo, hợp tác trong việc cùng với luật sư đến làm việc với các cơ quan chức năng nếu luật sư thấy cần thiết.

Quyền được thông báo: luật sư bên cung ứng dịch vụ thông báo đầy đủ về tiến độ thực hiện dịch vụ.

Lưu ý, khách hàng có quyền yêu cầu luật sư thực hiện đúng những công việc đã cam kết trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong trường hợp thấy luật sư không làm đúng những gì đã cam kết, khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Tại Công ty Luật TNHH Everest, quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ (Bên A) được ghi nhận tại Điều 4 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu)

VI- QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

1- Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư

Bộ luật dân sự quy định, bên cung cấp dịch vụ có các nghĩa vụ (chung): [1] Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác; [2] Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ; [3] Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc; [4] Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc; [5] Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định; [6] Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin (Điều 517).

2- Quyền của tổ chức hành nghề luật sư

Bộ luật dân sự quy định, bên cung cấp dịch vụ có các quyền (chung): [1] Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc; [2] Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ; [3] Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Ngoài các nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự nói trên, hợp đồng dịch vụ pháp lý cần có các quy định liên quan đến một số nghĩa vụ cơ bản của luật sư như nghĩa vụ trung thành; nghĩa vụ bảo mật thông tin; nghĩa vụ cẩn trọng.

Nghĩa vụ trung thành: Nghĩa vụ này yêu cầu luật sư cam kết không tư vấn hay bảo vệ cho bên có quyền lợi đối lập với quyền lợi của khách hàng mà mình đã nhận bảo vệ.

Nghĩa vụ cẩn trọng: Luật sư phải có nghĩa vụ cẩn trọng khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Nghĩa vụ cẩn trọng đòi hỏi luật sư không chỉ thận trọng khi nghiên cứu hồ sơ mà còn có nghĩa vụ đưa ra các tư vấn hợp lý và cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin về tiến trình giải quyết vụ việc. Như vậy, luật sư phải có nghĩa vụ thông tin cho khách hàng về tiến trình giải quyết vụ việc, khả năng thành công của vụ việc (cao hay thấp), các quy định mà khách hàng phải tuân thủ, các biện pháp xử lý mà luật sư sẽ áp dụng.

Tại Công ty Luật TNHH Everest, quyền và nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ (Bên B) được ghi nhận tại Điều 5 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu)

Xem thêm: Tin tưởng - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

VII- TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng dịch vụ pháp lý nhằm mục đích ngăn ngừa hành vi vi phạm hợp đồng của các bên hoặc dự báo các tình huống vi phạm và cách xử lý. Luật sư cần thiết kế cụ thể hành vi nào của luật sư, hành vi nào của khách hàng sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng, đồng thời đưa ra các giải pháp tương ứng với từng hành vi vi phạm.

Ví dụ: Trong một hợp đồng dịch vụ pháp lý có ghi về sự kiện vi phạm như sau: "Các hành vi sau đây số được coi là vi phạm hợp đồng: không hợp tác với  luật sư; không cung cấp thông tin; chậm thanh toán thù lao luật sư”. Nếu luật sư thấy bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào từ phía khách hàng, luật sư sẽ gửi một thư thông báo cho khách hàng và yêu cầu khắc phục vi phạm trong một khoảng thời gian hợp lý. Sau khoảng thời gian đó mà vi phạm không được khắc phục, luật sư được quyền thực hiện các biện pháp sau: Tạm dừng thực hiện hợp đồng cho đến khi vi phạm được khắc phục hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu khách hàng bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra cho luật sư.

Đối với khách hàng, họ cùng có quên chấm dứt hợp đồng nếu có căn cứ cho rằng luật sư đất không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ của luật sư theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Nếu các vi phạm của luật sư gây thiệt hại cho khách hàng, khách hàng được quyền yêu cầu luật sư đền bù các thiệt hại đã gây ra.

Tại Công ty Luật TNHH Everest, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 7 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu)

VIII- PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Pháp luật hiện hành công nhận các phương thức giải quyết tranh chấp sau đây: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp kinh doanh, các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua việc trực tiếp thương lượng với nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện với sự trợ giúp của bên thứ ba thông qua phương thức hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Thông thường, cuộc hẹn trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thường chọn toàn là cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, luật sư có thể trao đổi và thoả thuận với khách hàng về việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhằm đảm bảo được tính bảo mật của vụ việc.

Điều khoản luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng dịch vụ pháp lý trong trường hợp khách hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài: Thỏa thuận cụ thể về luật áp dụng sẽ tránh rủi ro cho các bên khi tranh chấp phát sinh sẽ dùng luật của quốc gia nào áp dụng cho quan hệ hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa các bên.

Ví dụ về điều khoản giải quyết tranh chấp

Giải quyết tranh chấp bằng tòa án: "Mọi tranh chấp có liên quan phát sinh giữa các Bên theo Hợp đồng này trước hết sẽ được giải quyết trên cơ sở thương lượng và hòa giải trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật".  

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: "Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tàm này”, hoặc: "Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đền hợp đồng này sẽ được giải quyết hàng trong tài trợ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này". Ngoài ra, các bên có thể bổ sung: (a) Số lượng trọng tài viên là (một (01) hoặc ba (03). (b) Địa điểm trọng tài là thành phố và/hoặc quốc gia [...]. (c) Luật áp dụng cho hợp đồng là [...]. (d)Ngôn ngữ trọng tài là [...].

Tại Công ty Luật TNHH Everest, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 9 Hợp đồng dịch vụ pháp lý (mẫu)

Xem thêm: Chia sẻ - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

IX- HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Theo quy định của Luật luật sư, thì hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây: (a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; (b) Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; (c) Quyền, nghĩa vụ của các bên; (d) Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có); (đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; (e) Phương thức giải quyết tranh chấp (Khoản 2 Điều 26).

Các hợp đồng thông thường có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Nhưng căn cứ quy định nêu trên, pháp luật luật sư chỉ ghi nhận duy nhất hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý là văn bản. Các hình thức thể hiện sự thỏa thuận của luật sư và khách hàng về việc cung cấp dịch vụ pháp lý lời nói hoặc các hành vi cụ thể, đã bị loại trừ.

[?] Trường hợp các bên giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng lời nói hoặc các hành vi cụ thể (không lập thành văn bản) giá trị thế nào:

Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sự, hợp đồng không tuân thủ điều kiện về hình thức sẽ bị vô hiệu trừ trường hợp “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó". Như vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý không được lập thành văn bản, nhưng đảm bảo các điều kiện sau đây thì vẫn có thể coi như các bên đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản: một bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ hoặc cả hai bên dẫn thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ, ví dụ: một bên cung cấp dịch vụ tư vấn, một bên thanh toán tiền... thì hợp đồng dịch vụ pháp lý vẫn có hiệu lực. Tất nhiên, việc chứng minh "đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ" trong nhiều trường hợp rất khó xác định, ví dụ: tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, sẽ rất khó định lượng, trừ tổ chức hành nghề luật sư chứng minh được mình đã hoàn thành nghĩa vụ tư vấn.

Thông tư số 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của luật luật sư về tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư quy định về việc thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư: "1- Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý... 3- Đối với vụ, việc có mức thù lao dưới 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng), tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân lập phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý với khách hàng...". Lưu ý rằng, Thông tư số 05/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 24/6/2021 hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư (thay thế Thông tư số 17/2011/TT-BTP) thì không còn hình thức phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý.

Luật sư cần đặc biệt lưu ý đến chế tài xử phạt khi cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc ký nhưng không đúng quy định về hình thức. Cụ thể, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đinh, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp quy định: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: ... (h) Hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung theo quy định" (Điểm h Khoản 3 Điều 7). "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản" (Điểm a Khoản 5 Điều 7).

X- BẢN ĐỀ XUẤT GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Một bản đề xuất dịch vụ pháp lý bằng văn bản nên được gửi cho khách hàng, để họ tham khảo trước khi các bên đàm phán hợp đồng chính thức. Mẫu bản đề xuất dịch vụ pháp lý:

ĐỀ XUẤT DỊCH VỤ PHÁP LÝ

Kính gửi: CÔNG TY [......]

Địa chỉ: [......]

Đại diện: Ông [......] - Chức danh: [......]

Thưa Ông [......] và quý Khách hàng,

Trước hết, Công ty Luật TNHH Everest (sau đây gọi tắt là Luật Everest) trân trọng cảm ơn quý Khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi.

[1] YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG

Trong quá trình hoạt động thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, quý Khách hàng đã xảy ra tranh chấp với Công ty [......]. Công ty [......] đã thông báo chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu quý Khách hàng bồi thường toàn bộ thiệt hại. Vì vậy, quý Khách hàng mong muốn Luật Everest tư vấn pháp luật và cung cấp các hỗ trợ pháp lý khác, để giải quyết nhanh nhất xung đột, tranh chấp giữa quý Khách hàng với với Công ty [......] trong sự vìệc nêu trên.

[2] CÔNG VIỆC THỰC HIỆN BỞI LUẬT EVEREST

(a) Đưa ra báo cáo phân tích các vấn đề pháp lý của vụ vìệc: Báo cáo này sẽ phân tích các sự kiện pháp lý đã xảy ra, nhận định về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, điểm mạnh, điểm yếu về mặt pháp lý của quý Khách hàng và hướng xử lý.

(b) Soạn thảo văn bản, giấy tờ pháp lý gửi các cơ quan, tổ chức liên quan trên cơ sở bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của quý Khách hàng và phù hợp với các quy định của pháp luật.

(c) Hỗ trợ hoặc thay mặt quý Khách hàng đàm phán, thương lượng, hòa giải với các bên liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp.

(d) Soạn thảo hồ sơ khởi kiện các bên liên quan ra toà án có thẩm quyền và hỗ trợ quý Khách hàng làm việc với cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khác trong quá trình giải quyết vụ án.

[3] NGHĨA VỤ CỦA KHÁCH HÀNG

(a) Cung cấp đầy đủ. trung thực, chính xác thông tin, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của [......]

(b) Thanh toán đầy đủ và đúng hạn khoản phí dịch vụ.

[4] NGHĨA VỤ CỦA LUẬT EVEREST

(a) Đảm bào cung cấp dịch vụ trong thời gian nhanh nhất và chất lượng tốt nhắn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quý Khách hàng.

(b) Trung thành với lợi ích của quý Khách hàng, không sử dụng các thông tin có được từ quý Khách hàng để phục vụ lợi ích của mình hoặc lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào khác.

[5] PHÍ DỊCH VỤ

(a) Phí dịch vụ cho những công việc tại Điểm (a), (a), (a) Mục [2] là: [......] (Bằng chữ:…)

(b) Phí đi lại từ tỉnh A đến tỉnh B để làm vìệc dự kiến là 05 buổi, mỗi buổi chi phí là [......]

Lưu ý: Phí dịch vụ nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), phí dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam, công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự, phí trả cho cơ quan nhà nước.

(c) Tiến độ thanh toán: Quý Khách hàng thanh toán 100% phi dịch vụ nêu tại Điểm (a) Mục [5] trong vòng ba (03) ngày kể từ ngày Quý khách hàng chấp nhận Bản đề xuất dich vụ pháp lý này.

(d) Phí dịch vụ sẽ được chuyển qua tài khoản ngân hàng với các thông tin sau:

- Số tài khoản: [......]

 - Ngân hàng [......]

 - Người thụ hường: [......]

[6] TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Trong thời gian một (01) ngày làm vìệc kể từ ngày Bản đề xuất dịch vụ pháp lý này được quý Khách hàng chấp nhận, Luật Everest sẽ tiến hành các công vìệc nêu tại Mục (a), (b) và (c) Khoản [2] của Bản đề xuất dịch vụ pháp lý này. Dự kiến các công vìệc sẽ được thực hiện trong thời gian ba mươi (30) ngày.

Trên đây là Bản đề xuất dịch vụ pháp lý, Luật Everest mong sớm nhận được ý kiến trả lời từ quý Khách hàng và hân hạnh được cung cấp dịch vụ pháp lý cho quý Khách hàng.

Trân trọng.

CÔNG TY LUẬT TNHH EVEREST

CHẤP THUẬN CỦA KHÁCH HÀNG

Tôi đồng ý với Bản đề xuất dịch vụ pháp lý này. Chữ ký: [......],  Chức danh: [......],  Ngày: [......]

- LƯU Ý CUỐI CÙNG:

Tại Công ty Luật TNHH Everest: 

[1] Thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ pháp lý theo Quy chế phân công công việc và ủy quyền.

[2] Phí dịch vụ pháp lý và thực hiện theo Quy chế tài chính và Hướng dẫn về thù lao luật sư và chi phí pháp lý.

[3] Việc quản lý hợp đồng dịch vụ pháp lý thực hiện theo Quy chế văn thư lưu trữ.

[4] Hợp đồng dịch vụ pháp lý đánh số thứ tự theo thời gian, kèm theo ký hiệu đồng dịch vụ pháp lý, đơn vị ký kết. Các phụ lục hợp đồng có các quản lý theo số của hợp đồng dịch vụ pháp lý (hợp đồng chính). Ví dụ: Hợp đồng số: 123/2023/HĐDVPL.QN-EVER (hợp đồng dịch vụ pháp lý số 123 của năm 2023, do Chi nhánh Quảng Ninh ký kết); Phụ lục về phí dịch vụ: 123.01/2023/HĐDVPL.QN-EVER; Phụ lục về phạm vi công việc: 123.02/2023/HĐDVPL.QN-EVER.

[5] Khi trao đổi, thỏa thuận về hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư cần giải thích rõ cho khách hàng các quy định bắt buộc của Luật luật sư, đặc biệt là: bảo mật thông tin, thù lao luật sư, cấm luật sư cam kết bảo đảm kết quả vụ việc, giao kết hợp đồng dịch vụ bằng hình thức văn bản.

Xem thêm: Kết quả - một giá trị cốt lõi của Công ty Luật TNHH Everest

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Hướng dẫn đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.24285 sec| 1260.023 kb