Khái niệm của thương nhân
1- Khái niệm của thương nhân
Trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật thực định của Việt Nam tồn tại ba khái niệm có nội hàm và ngoại diên về cơ bản giống nhau, đó là doanh nghiệp, thương nhân và thương gia.
Đặc biệt, pháp luật hiện hành Việt Nam đã xác định cụ thể khái niệm doanh nghiệp và khái niệm thương nhân:
“Doanh nghiệp là tố chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
“Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh” (khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005).
Cả hai khái niệm trên đều phản ánh một nhóm người trong xã hội, với thuộc tính cơ bản nhất của doanh nghiệp cũng như thương nhân đó là tổ chức, cá nhân được thành lập (đăng ký) để thực hiện hoạt động thương mại (hoạt động kinh doanh). Tuy nhiên, hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau mà giữa chúng có một số điểm khác nhau không nhiều về nội hàm cũng như ngoại diên của khái niệm.
Vốn dĩ Luật Thương mại được coi là luật của các thương gia. Vì vậy, khái niệm thương nhân (thương gia) luôn được xác định trong pháp luật thương mại của các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng. Theo Điều 1 Bộ luật Thương mại của Cộng hoà Pháp năm 1807 thì: “Thương nhân là người thực hiện các hành vi thương mại và lấy đó làm nghề nghiệp thường xuyên của mình”. Để trở thành thương nhân, một người nào đó phải có hai điều kiện:
Thứ nhất, thực hiện những hành vi thương mại;
Thứ hai, thực hiện những hành vi thương mại mang tính nghề nghiệp thường xuyên.
Ngoài ra, trong quá trình thi hành Bộ luật Thương mại, các thẩm phán và các học giả pháp lý đều thừa nhận thêm hai điều kiện nữa: Thực hiện hành vi mang danh nghĩa của chính mình và vì lợi ích của mình, có năng lực hành vi thương mại.
Như vậy, khái niệm đầy đủ về thương nhân theo pháp luật của Cộng hoà Pháp được xác định: "Thương nhân là những người có năng lực hành vi thương mại, thực hiện hành vi thương mại một cách độc lập, mang danh nghĩa chính mình và vì lợi ích của mình và lấy đó làm nghề nghiệp thường xuyên".
Với quan niệm, hành vi thương mại là hành vi của các thương gia, pháp luật thương mại Cộng hoà Liên bang Đức quy định về thương nhân (thương gia) có phần phức tạp hơn. Theo pháp luật thương mại Đức, thương gia bao gồm các loại: Thương gia đương nhiên, thương gia do đăng ký, thương gia do hình thức pháp lý, thương gia nhỏ và thương gia giả tạo. Còn theo Điều 1 Bộ luật Thương mại Việt Nam cộng hoà năm 1972: “Thương gia là những người làm hành vi thương mại cho chính mình và lấy hành vi ấy làm nghề nghiệp thường xuyên của mình”.
Như vậy, pháp luật thương mại của các nước trên thế giới đều xác định chính xác cả về nội hàm (các thuộc tính của thương nhân), cả về ngoại diên (các loại thương nhân) của khái niệm thương nhân.
Khái niệm thương nhân được pháp luật thương mại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận trong Luật Thương mại năm 1997. Theo quy định của khoản 6 Điều 5 Luật Thương mại năm 1997: “Thương nhân gồm cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập và thường xuyên”.
Tương tự như vậy, khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 xác định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
2- Thuộc tính cơ bản của khái niệm thương nhân
Từ khái niệm thương nhân được xác định trên đây, có thể thấy thương nhân có những thuộc tính cơ bản như:
(i) Thương nhân phải thực hiện các hoạt động thương mại; thương nhân phải thực hiện các hoạt động thương mại một cách độc lập;
(ii) Thương nhân phải thực hiện các hoạt động thương mại một cách thường xuyên;
(iii) Thương nhân phải đăng ký kinh doanh.
Như vậy, Luật Thương mại năm 1997 và Luật Thương mại năm 2005 đã xây dựng khái niệm thương nhân dựa trên sự kết hợp của hai tiêu chí: Chủ thể và khách thể. Ngoại diên của khái niệm (số lượng thương nhân) rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào quan niệm về hoạt động thương mại ở nghĩa nào. Nếu quan niệm hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 1997 thì số lượng thương nhân bị hạn chế (chỉ bao gồm những cá nhân, tổ chức thực hiện một trong 14 hành vi thương mại quy định tại Điều 45). Còn nếu hiểu hoạt động thương mại theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 hoặc theo Luật Thương mại năm 2005 thì số lượng thương nhân được mở rộng đáng kể.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái niệm của thương nhân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái niệm của thương nhân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm