Đặc điểm về giao kết và hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử
1- Đặc điểm về giao kết hợp đồng thương mại điện tử
Quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử cũng có một số đặc thù so với quy trình giao kết hợp đồng thương mại thông thường. Theo quy định của pháp luật chung về giao kết hợp đồng, hợp đồng được hình thành trên cơ sở một bên đưa ra đề nghị giao kết và một bên chấp nhận đề nghị giao kết. Đối với hợp đồng thương mại điện tử, quy trình này có thể được tiến hành một phần hoặc toàn bộ bằng phương tiện điện tử, thông qua các thông điệp dữ liệu. Chính vì vậy, các quy định liên quan đến việc xác định đề nghị giao kết, xác định chấp nhận đề nghị giao kết, thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết, của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và thời điểm hình thành hợp đồng có một số điểm khác biệt so với quy định của pháp luật chung.
Pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử có quy định điều chỉnh quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử nói chung và quy trình giao kết hợp đồng có sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử nói riêng.
[a] Đối với quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử nói chung
Pháp luật công nhận giá trị pháp lý như bản gốc của các chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Các chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (gọi tắt là chứng từ điện tử) là thuật ngữ được sử dụng để áp dụng chung cho các hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan đến việc giao kết hay thực hiện hợp đồng. Để được công nhận giá trị pháp lý như bản gốc, các chứng từ điện tử cần phải đáp ứng cả hai điều kiện sau:
+ Bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử. Tiêu chí để đánh giá tính vẹn toàn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ và hiển thị chứng từ điện tử. Tính bảo đảm đủ tin cậy được xác định khi một trong những biện pháp sau được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trao đối và sử dụng chứng từ điện tử:
(1) Ký chứng từ điện tử bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp;
(2) Lưu trữ chứng từ điện tử tại hệ thống của một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã được cấp phép mà các bên thỏa thuận lựa chọn;
(3) Có sự bảo đảm từ phía thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng cho việc khởi tạo, gửi và lưu trữ chứng từ điện tử về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử trong quá trình gửi và lưu trữ trên hệ thống;
(4) Biện pháp khác mà các bên thống nhất lựa chọn.
+ Bảo đảm khả năng truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. Đây là yêu cầu đặt ra cho các thông điệp dữ liệu nói chung khi muốn được công nhận là có giá trị pháp lý như bản gốc.
Một đề nghị hay chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được coi là gửi đi dưới dạng thông điệp dữ liệu khi thông điệp dữ liệu đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo. Trong trường hợp chứng từ điện tử đó không rời hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hay đại diện của người khởi tạo thì thời điểm gửi là thời điểm nhận được chứng từ điện tử đó. Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và có thể truy cập được. Để đảm bảo bên kia nhận được chứng từ điện tử do mình gửi, bên gửi có quyền yêu cầu hoặc thỏa thuận với bên nhận về việc bên nhận phải gửi thông báo xác nhận khi nhận được chứng từ điện tử và ấn định một khoảng thời gian hợp lí để bên nhận gửi xác nhận. Trong trường hợp này, chứng từ điện tử chỉ được coi là có giá trị pháp lý khi bên nhận thông báo cho bên gửi và có sự xác nhận về việc đã nhận được chứng từ điện tử đó.
Các quy định này được áp dụng đối với những hợp đồng được xác lập qua thư điện tử và những hình thức điện tử khác như chat, fax,...
Quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử cũng thống nhất với quy định của pháp luật chung về các điều kiện cần phải đáp ứng để được coi là đề nghị giao kết hợp đồng. Cụ thể, một thông báo bằng chứng từ điện tử về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể thì chỉ là thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng, chứ không được coi là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên thông báo chỉ rõ tại thông báo đó trách nhiệm của mình trong trường hợp nhận được trả lời chấp nhận.
Với đặc thù của việc giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử, các chủ thể khó có thể thay đổi hay rút lại đề nghị giao kết hợp đồng cũng như chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng như giao kết hợp đồng bằng các phương tiện thông thường. Do vậy, pháp luật không có quy định về các trường hợp này trong giao kết hợp đồng thương mại điện tử.
[b] Đối với quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến
Pháp luật có quy định đặc thù về trường hợp giao kết hợp đồng có sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử. Các thông tin giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản liên quan chỉ được coi là thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng của thương nhân. Nếu một website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến cho từng hàng hóa, dịch vụ cụ thể được giới thiệu trên website đó, thì các thông tin giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản có liên quan được xem là thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng của thương nhân sở hữu hàng hóa, dịch vụ đó. Chỉ chứng từ điện tử do khách hàng khởi tạo và gửi đi bằng cách sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến mới được coi là đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ gắn kèm chức năng đặt hàng trực tuyến đó.
Dù không có quy định liên quan đến sửa đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng, nhưng pháp luật yêu cầu website thương mại điện tử phải có cơ chế cho phép khách hàng rà soát, bổ sung, sửa đổi và xác nhận nội dung giao dịch trước khi sử dụng chức năng trực tuyến để gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Cơ chế rà soát và xác nhận này phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Hiển thị cho khách hàng những thông tin sau: Tên hàng hóa hoặc dịch vụ, số lượng và chủng loại; phương thức và thời hạn giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ; tổng giá trị của hợp đồng và các chi tiết liên quan đến phương thức thanh toán được khách hàng lựa chọn. Những thông tin này phải có khả năng lưu trữ, in ấn được trên hệ thống thông tin của khách hàng và hiển thị được về sau.
+ Hiển thị cho khách hàng những thông tin về cách thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và thời hạn trả lời đề nghị giao kết hợp đồng.
+ Cho phép khách hàng sau khi rà soát những thông tin nói trên được lựa chọn hủy giao dịch hoặc xác nhận việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Trường hợp có lỗi nhập thông tin trong một chứng từ điện tử được sử dụng để trao đổi với hệ thống thông tin tự động của bên khác, nhưng hệ thống tự động này không hỗ trợ cho người đó sửa lỗi thì người đó hoặc thương nhân, tổ chức, cá nhân mà người đó đại diện có quyền rút bỏ phần chứng từ điện tử có lỗi, nếu đáp ứng hai điều kiện sau:
+ Ngay khi biết có lỗi, người đó hoặc thương nhân, tố chức, cá nhân mà người đó đại diện thông báo cho bên kia về lỗi và nêu rõ đã mắc phải lỗi trong chứng từ điện tử này.
+ Người đó hoặc thương nhân, tổ chức, cá nhân mà người đó đại diện vẫn chưa sử dụng hoặc có được bất kỳ lợi ích vật chất hay giá trị nào từ hàng hóa, dịch vụ nhận được từ bên kia.
Trường hợp thương nhân bán hàng có công bố thời hạn trả lời đề nghị giao kết hợp đồng, nếu hết thời hạn này mà khách hàng vẫn không nhận được trả lời thì đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng chấm dứt hiệu lực. Việc trả lời chấp nhập sau thời hạn này được coi là một đề nghị giao kết hợp đồng khác từ phía thương nhân bán hàng.
Trường hợp thương nhân bán hàng không công bố thời hạn trả lời đề nghị giao kết hợp đồng, nếu trong khoảng thời gian nhất định kể từ khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng, khách hàng không nhận được trả lời đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng được coi là chấm dứt hiệu lực.
Việc trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức phù hợp để thông tin có thể lưu trữ, in và hiển thị được tại hệ thống thông tin của khách hàng. Khi trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng, thương nhân phải cung cấp các thông tin như: Danh sách toàn bộ hàng hóa hoặc dịch vụ mà khách hàng đặt mua, số lượng và giá của từng sản phẩm và tổng giá trị của hợp đồng; thời hạn giao hàng và cung ứng dịch vụ; thông tin liên hệ để khách hàng có thể hỏi về tình trạng thực hiện hợp đồng khi cần thiết.
Thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử là thời điểm khách hàng nhận được trả lời của thương nhân bán hàng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Đó là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Cụ thể, đối với hợp đồng được giao kết khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm khách hàng nhận được trả lời của thương nhân, tố chức, cá nhân bán hàng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Xem thêm: Dịch vụ thư ký pháp lý thuê ngoài của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm về hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử được giao kết và phát sinh hiệu lực tuân theo quy định của pháp luật chung về hợp đồng. Tại thời điểm chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phát sinh hiệu lực, hợp đồng sẽ hình thành. Hợp đồng phát sinh hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Pháp luật có quy định cụ thể đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến khác. Trong thực tiễn, có nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ thương mại được xác lập thông qua phương tiện điện tử như hợp đồng cung cấp dịch vụ mạng internet, thuê bao điên thoại, dịch vụ ngân hàng... Đối với những trường hợp này, pháp luật quy định các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các website cung cấp dịch vụ trực tuyến khác phải cung cấp công cụ trực tuyến để khách hàng có thể gửi thông báo chấm dứt hợp đồng khi hết nhu cầu sử dụng dịch vụ. Công cụ này phải đáp ứng các điều kiện: (i) Cho phép khách hàng lưu trữ và hiển thị thông báo chấm dứt hợp đồng trong hệ thống thông tin của mình sau khi gửi đi; (ii) Có cơ chế phản hồi để khách hàng biết thông báo chấm dứt hợp đồng của mình đã được gửi.
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và website cung cấp các dịch vụ trực tuyến khác phải công bố thông tin minh bạch, đầy đủ về quy trình, thủ tục chấm dứt hợp đồng, bao gồm các nội dung sau:
+ Các trường hợp thương nhân, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chấm dứt hợp đồng và cách thức giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng này;
+ Thời điểm hợp đồng chấm dứt hiệu lực và cách thức thanh toán phí dịch vụ trong trường hợp khách hàng là bên chấm dứt hợp đồng;
+ Nếu website không công bố rõ thời điểm hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong trường hợp khách hàng là bên chấm dứt hợp đồng, thì thời điểm khách hàng gửi thông báo được coi là thời điểm hợp đồng chấm dứt.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Đặc điểm về giao kết và hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Đặc điểm về giao kết và hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm