Khái niệm, đặc điểm cấu thành tội phạm
1- Khái niệm cấu thành tội phạm
CTTP là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự.
Với nội dung này, CTTP được coi là khái niệm pháp lí, là sự mô tả tội phạm cụ thể trong luật hình sự. Quan hệ giữa tội phạm với CTTP là quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm. Tội phạm là hiện tượng xã hội cụ thể, tồn tại khách quan còn CTTP là khái niệm pháp lý của hiện tượng đó.
Các dấu hiệu được mô tả trong CTTP là những dấu hiệu phản ánh nội dung các yếu tố của tội phạm. Nhưng không phải tất cả các dấu hiệu của bốn yếu tố đều được đưa vào CTTP. Có những dấu hiệu phải có trong tất cả các CTTP; có những dấu hiệu có thể có trong CTTP của tội phạm này nhưng lại không có trong CTTP của những tội phạm khác. Những dấu hiệu phải có trong tất cả các CTTP là:
- Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm;
- Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm;
- Dấu hiệu năng lực TNHS (trong đó có dấu hiệu độ tuổi chịu TNHS) thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm.
Đây là 3 dấu hiệu cần thiết tối thiểu phải được mô tả trong CTTP để xác định tội phạm và phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Các dấu hiệu này phù hợp với đòi hỏi của Điều 8 BLHS – Điều luật định nghĩa tội phạm: Tội phạm là hành vi (nguy hiểm cho xã hội) do người có năng lực TNHS thực hiện cố ý hoặc vô ý...
Ngoài những dấu hiệu kể trên, những dấu hiệu khác của bốn yếu tố của tội phạm đều là những dấu hiệu không đòi hỏi phải có trong mọi CTTP như dấu hiệu hậu quả của tội phạm, dấu hiệu địa điểm phạm tội, dấu hiệu mục đích phạm tội, dấu hiệu động cơ phạm tội... Những dấu hiệu này chỉ được mô tả trong CTTP của tội nhất định khi có tính đặc trưng, cần thiết cho việc phân biệt với tội phạm khác hoặc phân biệt với trường hợp không phải là tội phạm. Ví dụ: Dấu hiệu “qua biên giới” là dấu hiệu địa điểm phạm tội có tính đặc trưng của tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) và là dấu hiệu cần thiết phân biệt với trường hợp không phải là tội phạm này; dấu hiệu “tự sát” là dấu hiệu hậu quả phạm tội có tính đặc trưng của tội bức tử (Điều 130 BLHS) và là dấu hiệu cần thiết phân biệt với trường hợp không phải là tội phạm này v.v..
Cần phân biệt CTTP với phần quy định trong điều luật Phần các tội phạm của BLHS. Phần quy định trong điều luật của Phần các tội phạm của BLHS chỉ là nội dung chủ yếu của CTTP. CTTP bao gồm phần quy định này và những nội dung có tính chất chung cho các tội đã được quy định trong Phần chung của BLHS (quy định về tuổi chịu TNHS, về năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi, về nội dung của các loại lỗi).
Ngoài việc mô tả tội phạm như trình bày trên, luật hình sự có thể đặt tên cho từng tội phạm và thường được gọi là tội danh. Các BLHS Việt Nam đều mô tả tội phạm và đặt tên cho từng tội phạm. Trong khi đó có quốc gia khác chỉ mô tả tội phạm mà không đặt tội danh như Trung Quốc.
Như vậy, mỗi tội phạm có CTTP và tội danh là hai hình thức phản ánh, hai kỹ thuật quy định tội phạm trong luật hình sự. Việc đặt tội danh cũng như việc mô tả tội phạm đòi hỏi phải tuân theo nguyên tắc cũng như đáp ứng những yêu cầu nhất định.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm của các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm
[a] Đặc điểm “luật định"
Tội phạm theo luật hình sự Việt Nam phải được quy định trong luật hình sự. Nhà nước quy định tội phạm trong luật hình sự bằng cách mô tả những dấu hiệu của tội phạm và quy định những dấu hiệu đó trong luật. Do vậy, tất cả những dấu hiệu trong CTTP đều là những dấu hiệu đã được quy định trong luật hình sự.
Cơ quan giải thích cũng như cơ quan áp dụng luật không được phép thêm hoặc bớt dấu hiệu nào trong CTTP mà chỉ được phép giải thích nội dung những dấu hiệu đã được quy định.
Việc bớt hoặc thêm dấu hiệu nào đó trong CTTP đều có thể dẫn đến tình trạng truy cứu TNHS không đúng hoặc bỏ lọt tội phạm không truy cứu TNHS.
[b] Đặc điểm “có tính đặc trưng”
Với ý nghĩa là khái niệm pháp lý của tội phạm cụ thể, CTTP vừa đòi hỏi có tính khái quát vừa đòi hỏi phải rõ ràng, phản ánh được những nội dung biểu hiện của bốn yếu tố có tính chất đặc trưng của tội phạm đó và đủ để phân biệt tội phạm này với những tội khác cũng như với trường hợp chưa phải là tội phạm. Yêu cầu phân biệt với trường hợp chưa phải là tội phạm không được đặt ra đối với những tội phạm không có ranh giới với vi phạm như tội giết người, tội hiếp dâm v.v.. Dựa vào CTTP, người áp dụng luật có thể nhận thức được đặc điểm cấu trúc của từng tội phạm cụ thể mà không có sự hiểu rộng ra hoặc hẹp đi và cũng không có sự nhầm lẫn giữa tội phạm này với tội phạm khác cũng như với trường hợp chưa phải là tội phạm. Việc lựa chọn những dấu hiệu cụ thể để đưa vào CTTP phải đảm bảo được yêu cầu đã được đặt ra này.
Tính đặc trưng của các dấu hiệu trong CTTP có nghĩa, trong sự kết hợp với nhau, những dấu hiệu này vừa phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được phản ánh và vừa đủ cần thiết cho phép phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác cũng như với trường hợp chưa phải là tội phạm. Các dấu hiệu này trong sự kết hợp với nhau hoàn toàn có tính riêng biệt, đặc trưng cho từng tội phạm. Như vậy, không thể có 2 CTTP giống nhau. Nhưng như thế không có nghĩa dấu hiệu cụ thể nào đó chỉ có ở một CTTP. Dấu hiệu cụ thể, nếu xét độc lập với những dấu hiệu khác, có thể có ở nhiều CTTP. Ví dụ: Dấu hiệu “dùng vũ lực” có thể thấy ở nhiều CTTP như CTTP tội cướp tài sản, CTTP tội hiếp dâm. Nhưng trong sự kết hợp với những dấu hiệu khác của CTTP, những dấu hiệu đó vẫn có tính riêng biệt. Dùng vũ lực trong tội cướp tài sản khác với dùng vũ lực trong tội hiếp dâm. Dùng vũ lực trong tội cướp tài sản là nhằm chiếm đoạt tài sản còn dùng vũ lực trong tội hiếp dâm là để thực hiện hành vi giao cấu.
[c] Đặc điểm “có tính bắt buộc"
Tất cả các dấu hiệu của CTTP đều có tính bắt buộc khi xác định tội phạm. Nếu một trong những dấu hiệu của CTTP không thoả mãn thì hành vi không cấu thành tội phạm mà CTTP đó phản ánh. Tất cả những dấu hiệu của CTTP đều là điều kiện cần để xác định tội phạm. Người áp dụng luật hình sự không thể bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào của CTTP khi xác định tội phạm.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái niệm, đặc điểm cấu thành tội phạm khác được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái niệm, đặc điểm cấu thành tội phạm khác có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm