Khái niệm, đối tượng điều chỉnh Luật hình sự Việt Nam

04/11/2024
Lê Hằng Nga
Lê Hằng Nga
Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng, đồng thời tuân theo một hệ thống các nguyên tắc riêng biệt và có những nhiệm vụ riêng. Dưới đây là nội dung tham khảo cho bạn đọc về Khái niệm đối tượng điều chỉnh và quy phạm pháp luật Luật hình sự Việt Nam.

1- Khái niệm về Luật hình sự

Luật hình sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật có đối tượng và phương pháp điều chỉnh đặc biệt, tuân theo các nguyên tắc và thực hiện các nhiệm vụ riêng. Với tính chất là ngành luật, luật hình sự được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt có thể áp dụng cho các tội phạm đó. Gắn với luật hình sự là hiện tượng tội phạm và biện pháp trách nhiệm đối với hiện tượng đó. Hình phạt và biện pháp hình sự phi hình phạt tuy cùng thuộc các biện pháp hình sự những hình phạt vẫn được xem là biện pháp hình sự đặc trưng có tính "truyền thống”. Do vậy, thường có sự “vô tình” đồng nhất giữa hình phạt với các biện pháp hình sự. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là phát triển biện pháp hình sự phi hình phạt cùng với hạn chế hình phạt. Luật hình sự Việt Nam cũng đang theo xu hướng này.

Với hai nội dung như vậy mà ngành luật này có tên gọi gắn với một trong hai nội dung đó - tội phạm hoặc hình phạt. Ví dụ: Trong tiếng Anh, ngành luật này thường được gọi là Criminal Law (pháp luật hay ngành luật về tội phạm); còn trong tiếng Đức, ngành luật này lại thường được gọi là Strafrecht (pháp luật hay ngành luật về hình phạt). Trong tiếng Việt, hình sự có nghĩa là sự trừng trị, trừng phạt và ngành luật hình sự cũng có nghĩa là ngành luật về trừng phạt hay về hình phạt. 

Bên cạnh nội dung quy định hình phạt, ngành luật hình sự còn quy định các biện pháp hình sự khác không phải là hình phạt mà thường được gọi là biện pháp hình sự phi hình phạt. Trong các BLHS Việt Nam, các biện pháp này có tên gọi là các biện pháp tư pháp; các biện pháp giám sát, giáo dục và được coi là các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt. Các biện pháp phi hình phạt này có xu hướng phát triển trong luật hình sự của các nước cũng như của Việt Nam. Tuy nhiên, hình phạt vẫn là biện pháp cưỡng chế hình sự chính và có tính đặc trưng của ngành luật hình sự. Do vậy, khi nói về ngành luật hình sự, các tài liệu thường chỉ nói đến hình phạt. BLHS Việt Nam khi xác định nhiệm vụ của mình cũng chỉ viết: “... Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt”. (Điều 1 BLHS) Tuy nhiên, khi định nghĩa khái niệm tội phạm, Điều 8 BLHS không đề cập đến tính “chịu hình phạt” như một số tài liệu mà đã đề cập đến đặc điểm “bị xử lý hình sự” của tội phạm. Theo đó, “chịu hình phạt” chỉ là một nội dung của “bị xử lý hình sự”; hình phạt chỉ là một loại của biện pháp hình sự.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Đối tượng điều chỉnh của Luật hình sự

Đối tượng điều chỉnh của ngành luật hình sự trước hết là quan hệ xã hội giữa Nhà nước và người phạm tội. Khi có sự kiện tội phạm xảy ra - một loại quan hệ xã hội đặc biệt giữa Nhà nước và chủ thể đã gây ra sự kiện tội phạm đó được phát sinh. Ngành luật hình sự điều chỉnh quan hệ xã hội này qua việc xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của hai chủ thể - Nhà nước và người phạm tội. Trong quan hệ này, người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải chịu TNHS, trong đó có hình phạt còn Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý đó. Đối với người phạm tội, Nhà nước có quyền buộc họ phải chịu TNHS; đối với xã hội, Nhà nước có trách nhiệm xử lý nghiêm minh những người đã thực hiện hành vi phạm tội để bảo đảm trật tự xã hội, trấn áp tội phạm. Người phạm tội, tuy có nghĩa vụ pháp lý phải chịu TNHS nhưng cũng có quyền yêu cầu Nhà nước chỉ được buộc mình chịu TNHS đúng với quy định của pháp luật.

Với việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại, luật hình sự Việt Nam đã mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu TNHS và do vậy cũng mở rộng đối tượng điều chỉnh của mình. Theo đó, ngành luật hình sự cũng điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước với pháp nhân thương mại phải chịu TNHS. Trong quan hệ này, Nhà nước có quyền và nghĩa vụ đối với pháp nhân thương mại phải chịu TNHS tương tự như đối với người phạm tội. Trái lại, pháp nhân thương mại phải chịu TNHS cũng có nghĩa vụ và quyền tương tự như người phạm tội.

Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội có tính đặc thù. Quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của ngành luật hình sự không những không cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội mà trái lại, xã hội đã phải chịu sự tác động xấu khi quan hệ xã hội này phát sinh. Các quan hệ xã hội cần thiết cho xã hội được các ngành luật khác điều chỉnh như quan hệ sở hữu được ngành luật dân sự điều chỉnh, quan hệ vợ chồng được ngành luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh v.v. đều không phải là đối tượng điều chỉnh của ngành luật hình sự nhưng có thể là đối tượng bảo vệ của ngành luật hình sự khi bị xâm hại ở mức độ nhất định. Các ngành luật khác có thể vừa điều chỉnh và vừa bảo vệ cùng nhóm các quan hệ xã hội nhất định, còn ngành luật hình sự chỉ điều chỉnh một loại quan hệ xã hội - quan hệ giữa Nhà nước và người phạm tội cũng như với pháp nhân thương mại phải chịu TNHS và bảo vệ nhiều loại quan hệ xã hội khác được các ngành luật khác điều chỉnh. Với lý do này mà quy phạm pháp luật hình sự có thể được coi là quy phạm pháp luật bảo vệ mà không phải là quy phạm pháp luật điều chỉnh. Quy phạm pháp luật hình sự không chỉ xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự mà còn là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người có phải là tội phạm hay không. Là tiêu chuẩn đánh giá hành vi của con người, quy phạm pháp luật hình sự tuy không trực tiếp điều chỉnh xử sự của con người trong cuộc sống hàng ngày như các ngành luật khác (mà chỉ điều chỉnh xử sự của Nhà nước và người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại phải chịu TNHS sau khi có sự kiện tội phạm xảy ra) nhưng vẫn có tác động điều chỉnh xử sự đó của con người. Quy phạm pháp luật hình sự xác định tội phạm, quy định hình phạt cũng như biện pháp hình sự phi hình phạt và qua đó gián tiếp “cấm đoán” việc thực hiện những hành vi bị coi là tội phạm - những hành vi đã được quy định trong luật hình sự. Với lý do này mà quy phạm pháp luật hình sự còn có thể được coi là quy phạm pháp luật cấm đoán và sự cấm đoán này gián tiếp điều chỉnh xử sự của con người theo hướng tránh thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh các quy phạm pháp luật có tính “cấm đoán” như vậy, luật hình sự cũng có một số quy phạm pháp luật “cho phép” như là sự bổ sung để đảm bảo tính hoàn chỉnh của hệ thống quy phạm pháp luật hình sự. Ví dụ: Cho phép gây thiệt hại khi phải phòng vệ v.v..

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái niệm, đối tượng điều chỉnh và quy phạm pháp luật Luật hình sự Việt Nam được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Khái niệm, đối tượng điều chỉnh và quy phạm pháp luật Luật hình sự Việt Nam có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm, đối tượng điều chỉnh Luật hình sự Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16870 sec| 960.523 kb