Khái niệm Nhượng quyền thương mại
1- Khái niệm về Nhượng quyền thương mại
[a]- Lịch sử và phát triển
Nhượng quyền thương mại lần đầu tiên được công nhận là một hình thức kinh doanh khi hợp đồng nhượng quyền kinh doanh giữa Nhà máy sản xuất máy khâu Singer và đối tác được ký kết tại Hoa Kỳ vào năm 1851. Và kể từ đó đến nay, tuy không phải là hình thức kinh doanh có chiều dài lịch sự quá lâu đời nếu so sánh với các phương thức kinh doanh khác, nhưng nhượng quyền thương mại đã có sự phát triển vô cùng ấn tượng.
[b]- Định nghĩa cơ bản
Nhượng quyền thương mại hiểu một cách đơn giản có thể coi là một hoạt động thương mại trong đấy có sự kết hợp của hai hoạt động thương mại khác là phân phối thương mại và xúc tiến thương mại. Nói một cách dễ hiểu hơn là việc trao đổi “sự nổi tiếng”. Nhượng quyền thương mại giúp cho thương nhân phát triển công việc kinh doanh của mình dưới một cái tên thương mại khác, cái tên thương mại vốn đã được đầu tư và xây dựng bởi số tiền của thương nhân khác, nay được đem đi mua bán. Khi thiết lập mối quan hệ nhượng quyền thương mại, mục đích của cả bên nhận nhượng quyền và bên cho nhận nhượng quyền là thu lại lợi nhuận qua việc phân phối hàng hóa, dịch vụ dưới một cái tên thương mại chung.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest
2- Quy định pháp lý quốc tế về Nhượng quyền thương mại
[a]- Định nghĩa của Hiệp hội Nhượng quyền Kinh doanh Quốc tế (IFA)
Để đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế, Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đã lần lượt ban hành các quy định, các văn bản pháp luật khác nhau, đi kèm với các chính sách ưu đãi để phát triển hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại. Cho đến nay, khái niệm về nhượng quyền thương mại vẫn còn chưa được thống nhất trên thế giới. Hiệp hội nhượng quyền kinh doanh quốc tế (The International Franchise Association) đưa ra khái niệm nhượng quyền thương mại là: “Quan hệ theo hợp đồng, giữa Bên giao và Bên nhận quyền, theo đó Bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của Bên nhận trên các khía cạnh như: bí quyết kinh doanh, đào tạo nhân viên; Bên nhận hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do Bên giao sở hữu hoặc kiểm soát; và Bên nhận đang, hoặc sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của mình”. Định nghĩa của IFA nhấn mạnh đặc biệt tới nghĩa vụ trong việc đầu tư vốn của bên nhận nhượng quyền.
[b]- Định nghĩa của Liên minh Châu Âu (EU)
Liên minh Châu Âu (EU) lại có định nghĩa về nhượng quyền thương mại như sau: “Nhượng quyền thương mại là tập hợp những quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết, hoặc sáng chế sẽ được khai thác để bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng cuối cùng”. Với định nghĩa của EU lại nhấn mạnh đến các quyền của bên nhận nhượng quyền.
[c]- Định nghĩa của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC)
Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ (The US Federal Trade Commission - FTC) định nghĩa nhượng quyền thương mại là “một hợp đồng hay thỏa thuận ít nhất là hai bên chủ thể, trong đó bên nhận quyền được cấp quyền bán hay phân phối sản phẩm, dịch vụ theo cùng một chương trình, kế hoạch kinh doanh của chủ thương hiệu. Hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền phải triệt để tuân theo kế hoạch tiếp thị, gắn liền với mục tiêu của chủ thương hiệu. Bên nhận quyền phải trả cho chủ thương hiệu một khoản phí nhượng quyền”.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest
3- Pháp luật Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
So với các quốc gia khác, nhượng quyền thương mại là hình thức kinh doanh còn mới tại Việt Nam. Chỉ thực sự vào những năm cuối của thế kỷ XX, hình thức này mới xuất hiện tại Việt Nam với cái tên tiên phong lúc bấy giờ là Trung Nguyên cà phê. Và cũng phải đến năm 1998 thì cụm từ “franchise” mới lần đầu được pháp luật Việt Nam ghi nhận trong văn bản. Tại Thông tư số 1254/1998/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn Nghị định số 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ có đề cập đến cụm từ “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh” với giải thích tiếng Anh là “franchise”. Đến năm 2006, hoạt động nhượng quyền thương mại được công nhận chính thức lần đầu tiên trong Luật Thương mại năm 2005, xác nhận nhượng quyền như một hoạt động thương mại đặc thù bên cạnh các hoạt động thương mại truyền thống khác. Pháp luật Việt Nam cũng ít nhiều tương đồng với các nước khác trên thế giới khi đưa ra định nghĩa nhượng quyền thương mại trong Điều 284 Luật Thương mại như sau:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã sớm khẳng định nhượng quyền thương mại là một trong các hoạt động thương mại do các thương nhân thực hiện vì mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Trong hoạt động nhượng quyền là sự ràng buộc mang tính chất đặc thù liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết và trong hoạt động kinh doanh.
Kết luận lại, mặc dù có sự khác biệt giữa các cách định nghĩa của các quốc gia, các tổ chức trên thế giới về nhượng quyền thương mại, nhưng chúng đều có một số điểm chung: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại giữa bên nhượng quyền là chủ sở hữu của thương hiệu cho phép bên nhận nhượng quyền được phép phân phối sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dưới tên thương mại và được quyền kinh doanh theo mô hình và phương thức kinh doanh gắn liền với các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình. Để đổi lấy sự cho phép này, bên nhận nhượng quyền phải bỏ ra một khoản phí, chịu sự kiểm soát và nhận được quyền hỗ trợ từ bên nhượng quyền.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái niệm Nhượng quyền thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái niệm Nhượng quyền thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm