Khái niệm và các hình thức cho vay của tổ chức tín dụng

23/02/2023
Cho vay là hiện tượng kinh tế khách quan, xuất hiện khi trong xã hội loài người có tình trạng tạm thời thừa và tạm thời thiếu vốn. Khái niệm cho vay, theo nghĩa chung nhất được hiểu là việc một người thỏa thuận để cho người khác được quyền sử dụng tài sản của mình (vật cùng loại) trong một thời hạn nhất định với điều kiện có hoàn trả, dựa trên cơ sở sự tín nhiệm của mình đối với người đó. Xét về mặt lí thuyết, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng có thể được phân loại dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau và mỗi cách phân loại đều đem lại những ý nghĩa, tác dụng nhất định.

1- Khái niệm cho vay của tổ chức tín dụng

Cho vay là hiện tượng kinh tế khách quan, xuất hiện khi trong xã hội loài người có tình trạng tạm thời thừa và tạm thời thiếu vốn. Khái niệm cho vay, theo nghĩa chung nhất được hiểu là việc một người thỏa thuận để cho người khác được quyền sử dụng tài sản của mình (vật cùng loại) trong một thời hạn nhất định với điều kiện có hoàn trả, dựa trên cơ sở sự tín nhiệm của mình đối với người đó. Hoạt động cho vay (nói chung) bao gồm các yếu tố cấu thành cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về chủ thể, việc cho vay bao giờ cũng có hai bên tham gia, bao gồm bên vay và bên cho vay. Bên cho vay là người có tài sản chưa dùng đến, muốn cho người khác sử dụng để thoả mãn một số lợi ích của mình, có thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Còn bên vay chính là người đang cần sử dụng loại tài sản đó để thoả mãn nhu cầu về kinh doanh hoặc tiêu dùng.

Thứ hai, hình thức pháp lí của việc cho vay chính là hợp đồng tín dụng tài sản. Hợp đồng này được các bên xác lập và thực hiện trên nguyên tắc tự do và thống nhất về ý chí, nguyên tắc tự định đoạt...

Thứ ba, sự kiện cho vay phát sinh bởi hai hành vi căn bản là hành vi ứng trước và hành vi hoàn trả một số tiền (hay tài sản) nhất định là các vật cùng loại. Hành vi ứng trước tài sản do người cho vay thực hiện, còn hành vi hoàn trả được thực hiện bởi người vay sau đó một khoảng thời gian theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Thứ tư, việc cho vay bao giờ cũng dựa trên sự tín nhiệm giữa người cho vay đối với người đi vay về khả năng hoàn trả tiền vay.

Trong đời sống xã hội, cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thường được xem là hình thức cho vay phổ biến nhất, có quy mô lớn nhất. Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-NHNN ngày 22/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tể chức tín dụng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền đế sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Ngoài những dấu hiệu chung của quan hệ cho vay, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng còn thể hiện những dấu hiệu có tính đặc thù như sau:

Một là việc cho vay của tổ chức tín dụng là hoạt động nghề nghiệp kinh doanh mang tính chức năng. Mặc dù theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng cũng có thể thực hiện việc cho vay đối với khách hàng như một hoạt động kinh doanh nhưng hoạt động cho vay của các tổ chức này hoàn toàn không phải là nghề nghiệp mang tính chức năng như đối với các tổ chức tín dụng.

Hai là hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không chỉ là một nghề kinh doanh mà hơn nữa còn là một nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện. Điều này thể hiện ở chỗ hoạt động cho vay chuyên nghiệp của tổ chức tín dụng phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định như phải có vốn pháp định; phải được Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngân hàng trước khi tiến hành việc đăng ký kinh doanh theo luật định.

Ba là ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật về hợp đồng, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng còn chịu sự điều chỉnh, chi phối của các đạo luật về ngân hàng, thậm chí kể cả các tập quán thương mại về ngân hàng. Đặc điểm này bị chi phối bởi tính chất đặc thù trong nghề nghiệp kinh doanh của các tổ chức tín dụng như tính rủi ro cao và sự ảnh hưởng mang tính chất dây chuyền đối với nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội.

2- Các hình thức cho vay của tổ chức tín dụng

Xét về mặt lí thuyết, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng có thể được phân loại dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau và mỗi cách phân loại đều đem lại những ý nghĩa, tác dụng nhất định.
Căn cứ vào thời hạn sử dụng vốn, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng có thể phân chia thành hai loại:

a) Cho vay ngắn hạn

Là hình thức cho vay trong đó thời hạn sử dụng vốn vay do các bên thỏa thuận là đến 1 năm. Hình thức cho vay này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động của khách hàng trong hoạt động kinh doanh hoặc thoả mãn nhu cầu về tiêu dùng của khách hàng trong thời hạn ngắn.

b) Cho vay trung hạn và dài hạn

Là hình thức cho vay trong đó thời hạn sử dụng vốn vay do các bên thỏa thuận là từ trên một năm trở lên. Hình thức cho vay này thường được sử dụng để thoả mãn nhu cầu mua sắm tài sản cố định của khách hàng trong kinh doanh hoặc thoả mãn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng như mua sắm nhà ở, phương tiện đi lại... Căn cứ vào tính chất có bảo đảm của khoản vay, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng có thể phân chia thành hai loại:

- Cho vay có bảo đảm bằng tài sản

Là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ trả nợ tiền vay được bảo đảm bằng tài sản của bên vay hoặc của người thứ ba. Để xác lập và thực hiện việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản, giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay (hoặc có thể liên quan đến người thứ ba trong trường hợp bảo đảm tiền vay bằng biện pháp bảo lãnh) phải ký kết cả hai loại hợp đồng, bao gồm hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay (hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh). Tuy nhiên, do pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận lập hợp đồng chung nên trong trường hợp này các thoả thuận về bảo đảm tiền vay được xem là bộ phận hợp thành của hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản.

- Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản

Là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ hoàn trả tiền vay không được bảo đảm bằng các tài sản của khách hàng vay hoặc của người thứ ba. Để thực hiện việc cho vay theo hình thức này, thông thường các bên chỉ cần giao kết một hợp đồng duy nhất là hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh bằng tín chấp thì mặc dù khoản vay này không thể xem là khoản vay có bảo đảm bằng tài sản nhưng người bảo lãnh bằng tín chấp vẫn phải xác lập văn bản cam kết bảo lãnh bằng uy tín của mình và gửi cho tổ chức tín dụng để khách hàng vay có thể được tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay.

Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được chia thành hai loại:

- Cho vay kinh doanh
Là hình thức cho vay trong đó các bên cam kết số tiền vay sẽ được bên vay sử dụng vào mục đích thực hiện các công việc kinh doanh của mình. Nếu sau khi được giải ngân mà người vay lại sử dụng vốn vào mục đích khác với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay có quyền áp dụng các chế tài thích hợp như đình chỉ việc sử dụng vốn vay hoặc thu hồi vốn vay trước thời hạn...

- Cho vay tiêu dùng
Là hình thức cho vay trong đó các bên cam kết số tiền vay sẽ được bên vay sử dụng vào việc thoả mãn nhu cầu sinh hoạt hay tiêu dùng như mua sắm đồ gia dụng, mua sắm nhà cửa hoặc phương tiện đi lại, thậm chí bao gồm cả việc sử dụng vốn vay vào mục đích chi trả chi phí học tập của sinh viên, học viên...

Căn cứ vào phương thức cho vay, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được chia thành các loại sau đây:

- Cho vay từng lần: Là phương thức cho vay theo đó mỗi lần vay vốn, khách hàng và tổ chức tín dụng phải thực hiện thủ tục vay vốn và ký kết hợp đồng tín dụng theo quy định.

- Cho vay theo hạn mức tín dụng: Với phương thức này, tổ chức tín dụng và khách hàng xác định và thỏa thuận hạn mức tín dụng duy trì trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời ký kết hợp đồng tín dụng cho cả thời gian duy trì hạn mức tín dụng đó. Mỗi lần rút vốn, khách hàng vay phải ký kết một khế ước nhận nợ với tổ chức tín dụng. Các khế ước này chỉ được ký kết và giải ngân trong khuôn khổ hạn mức tín dụng đã thỏa thuận cho cả thời gian đó.

- Cho vay theo dự án đầu tư: Với phương thức này, tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống.

- Cho vay hợp vốn: Theo phương thức này, một nhóm tổ chức tín dụng cùng cho vay đối với dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn của khách hàng, trong đó có một tổ chức tín dụng làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các tổ chức tín dụng khác. Việc cho vay hợp vốn thực hiện theo quy định của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và Quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành.

- Cho vay trả góp: Theo phương thức này, khi vay vốn, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận số lãi vốn vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ theo nhiều kỳ hạn khác nhau trong thời hạn cho vay.

- Cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi hạn mức tín dụng nhất định. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng dự phòng, mức phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.

- Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: Theo phương thức này, tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng được sử dụng số vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ và rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động hoặc điểm ứng tiền mặt là đại lí của tổ chức tín dụng. Khi cho vay phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, tổ chức tín dụng và khách hàng phải tuân theo các quy định của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam về phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

- Cho vay theo hạn mức thấu chi: Là việc cho vay mà tổ chức tín dụng thỏa thuận bằng văn bản chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng phù hợp với các quy định của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ngày nay, trong điều kiện quốc tế hoá cao độ hoạt động ngân hàng và sự bùng nổ mạnh mẽ của các dịch vụ tài chính, việc phân loại như trên đây về các hình thức cho vay của tổ chức tín dụng sẽ chỉ có tính chất tương đối. Trên thực tế, để cạnh tranh với sức hấp dẫn vốn có của thị trường chứng khoán - với ý nghĩa là kênh dẫn vốn trực tiếp trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức tín dụng đang có xu hướng ngày càng mở rộng các sản phẩm mới về dịch vụ tài chính, trong đó bao gồm cả việc đa dạng hoá mạnh mẽ các hình thức cho vay đối với khách hàng.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và các hình thức cho vay của tổ chức tín dụng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17162 sec| 983.594 kb