Khái niệm và đặc điểm quyết định hành chính
Nội dung bài viết
1- Khái niệm quyết định hành chính
Theo Từ điển Hán Nôm, “quyết” là “chọn ra”; “định” là “không thay đổi nữa”.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “quyết định” là “chọn một trong các khả năng sau khi đã có sự cân nhắc”.
Quyết định có thể được xem xét như là kết quả (sản phẩm) của hoạt động lãnh đạo (của cá nhân hay tập thể), biểu hiện dưới dạng văn bản hoặc khẩu dụ thể hiện phương án ứng phó hay giải quyết một vấn đề hay một nhóm vấn đề.
Quyết định được xem là sự phản ứng của con người đối với một vấn đề - ra quyết định.
Theo nghĩa hẹp, ra quyết định là sự lựa chọn cuối cùng phương án hành động của con người.
Theo nghĩa rộng, ra quyết định là một quá trình gồm phát hiện vấn đề, xác định mục tiêu, tập hợp ý kiến và trí tuệ để định ra phương án; phân tích đánh giá lựa chọn phương án tối ưu, thực hiện phương án, phản hồi điều tiết.
Như vậy, ra quyết định là quá trình cân nhắc và lựa chọn trong hành động để đạt mục tiêu tốt nhất của con người.
Về bản chất, ra quyết định luôn thể hiện sự cân nhắc và lựa chọn: cân nhắc và lựa chọn vấn đề cần giải quyết, lựa chọn mục tiêu cần đạt, cân nhắc các phương án để rồi lựa chọn phương án hành động tối ưu trong một không gian, thời gian cụ thể.
Quyết định hành chính là quyết định được xác lập trong lĩnh vực quản lý hành chính, thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan hành chính nhà nước, cá nhân có thẩm quyền, tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền, được thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định.
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. (Khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Quyết định hành chính là biện pháp giải quyết công việc của chủ thể quản lý hành chính nhà nước trước một tình huống đang đặt ra, là sự phản ứng của chủ thể quản lý hành chính Nhà nước trước một tình huống đòi hỏi phải có sự giải quyết của Nhà nước theo thẩm quyền do luật định.
Việc ban hành quyết định hành chính là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm định ra chính sách, quy định, sửa đổi hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định. Như vậy, quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực nhà nước của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định.
Quyết định hành chính là sự phản ứng của chủ thể quản lý hành chính nhà nước trước một tình huống đòi hỏi phải có sự can thiệp theo thẩm quyền do luật định.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành chính của Công ty Luật TNHH Everest
2- Đặc điểm của quyết định hành chính
Thứ nhất, quyết định hành chính mang tính quyền lực nhà nước.
- Quyết định hành chính do chủ thể quản lý hành chính nhà nước hay chủ thể được giao nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước nhân danh quyền lực nhà nước ban hành – nên mang tính quyền lực nhà nước.
- Tính quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính đơn phương, mệnh lệnh của quyết định hành chính – buộc đối tượng quản lý phải thi hành.
- Hiệu lực của quyết định hành chính được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
Thứ hai, quyết định hành chính mang tính pháp lý.
- Quyết định hành chính thể hiện ý chí của Nhà nước nên mang tính pháp lý.
- Quyết định hành chính được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc là văn bản áp dụng pháp luật nên mang tính pháp lý.
- Tính pháp lý của quyết định hành chính còn thể hiện ở chỗ:
Việc ban hành quyết định hành chính có thể làm phát sinh, chấm dứt hoặc thay đổi quan hệ pháp luật hành chính.
Việc ban hành quyết định hành chính có thể làm xuất hiện quy phạm pháp luật mới, thay đổi hoặc hủy bỏ những quy phạm pháp luật đã tồn tại trước đó.
Thứ ba, quyết định hành chính là văn bản được ban hành để thi hành pháp luật.
- Cơ quan ban hành quyết định hành chính là cơ quan chấp hành, điều hành, cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
- Mục đích ban hành quyết định hành chính để tổ chức thi hành pháp luật (luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước).
Thứ tư, có nhiều chủ thể ban hành quyết định hành chính.
- Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.
- Cá nhân có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý hành chính nhà nước.
Thứ năm, quyết định hành chính được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Khái niệm và đặc điểm quyết định hành chính được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Khái niệm và đặc điểm quyết định hành chính có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm