Khái niệm và chính sách xử lý về các tội xâm phạm an ninh quốc gia
1. Khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhóm tội phạm được quy định tại chương đầu tiên trong Phần các tội phạm của BLHS. Nhóm tội phạm này có tính chất nguy hiểm cho xã hội rất đặc biệt vì có khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội giữ vị trí quan trọng, có tính quyết định trong hệ thống các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Đó là an ninh quốc gia. Đảm bảo an ninh quốc gia là điều kiện cần thiết cho sự đảm bảo các quan hệ xã hội khác. Trong đó, an ninh quốc gia được hiểu “có sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thố của Tổ quốc”.
Như vậy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi cố ý xâm hại sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm hại sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
An ninh quốc gia là tổng thể các an ninh trên các lĩnh vực khác nhau như an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hoá, an ninh xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh đối ngoại v.v... Trong đó, an ninh chính trị là trung tâm, giữ vai trò quyết định của an ninh quốc gia. Trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia có tội có thể xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể nhưng cũng có tội chỉ có thể xâm phạm an ninh quốc gia thuộc lĩnh vực cụ thể nhất đỉnh. Tuy nhiên, tội xâm phạm an ninh quốc gia thuộc lĩnh vực chính trị cũng được coi là xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể do ý nghĩa quyết định của lĩnh vực an ninh này.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam và quốc tế; dựa trên kinh nghiệm đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cũng như kinh nghiệm lập pháp hình sự trong lĩnh vực này, BLHS (năm 2015) đã quy định từ Điều 108 đến Điều 121 mười bốn tội danh khác nhau thuộc chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đó là các tội danh sau:
- Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108);
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
- Tội gián điệp (Điều 110);
- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111);
- Tội bạo loạn (Điều 112);
- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113);
- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 114);
- Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội (Điều 115);
- Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116);
- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 117);
- Tội phá rối an ninh (Điều 118);
- Tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119);
- Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120);
- Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121).
Các tội phạm nói trên có chung một số đặc điểm sau:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều xâm phạm một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau của an ninh quốc gia. Các quan hệ xã hội bị các tội xâm phạm an ninh quốc gia xâm phạm đều thuộc nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất. Đó là nhóm quan hệ xã hội về an ninh quốc gia với nội dung cụ thể đã được định nghĩa trong Luật an ninh quốc gia.
- Lỗi của người phạm tội của các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều là lỗi cố ý.
- Mục đích của người phạm tội của các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều hướng tới mục đích chung là chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, chống chính quyền các cấp của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Trong các đặc điểm chung nói trên của các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đặc điểm chung về mục đích phạm tội là đặc điểm để phân biệt giữa một số tội xâm phạm an ninh quốc gia với các tội phạm thuộc các chương khác của BLHS có những đặc điểm khác tương tự như ở các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Ví dụ: Giữa tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 BLHS) với tội khủng bố (Điều 299 BLHS); giữa tội phá rối an ninh (Điều 118 BLHS) với tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS); giữa tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119 BLHS) với tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang, bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù (Điều 387 BLHS)...
Bên cạnh các đặc điểm chung như vậy, giữa các tội xâm phạm an ninh quốc gia còn có những điểm khác nhau về quan hệ xã hội cụ thể bị trực tiếp xâm phạm và chủ thể của tội phạm. Cụ thể: về khách thể trực tiếp, có tội xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể như tội phản bội Tổ quốc, có tội chỉ xâm phạm đến an ninh quốc gia thuộc lĩnh vực cụ thể như tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; về chủ thể của tội phạm, có tội phạm chỉ có thể do người Việt Nam thực hiện như tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, có tội có thể do cả người nước ngoài và cả người Việt Nam thực hiện như tội gián điệp v.v... Trong nội dung trình bày về dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể, dấu hiệu chủ thể của tội phạm chỉ được trình bày khi chủ thể của tội phạm có dấu hiệu đặc biệt.
Từ sự khác nhau giữa các tội xâm phạm an ninh quốc gia có thể phân loại các tội phạm này thành các nhóm khác nhau theo tiêu chí chủ thể của tội phạm hoặc theo tiêu chí phạm vi quan hệ xã hội bị trực tiếp xâm phạm. Theo tiêu chí chủ thể của tội phạm có thể phân các tội xâm phạm an ninh quốc gia thành ba nhóm: Nhóm tội phạm có thể do bất cứ ai thực hiện không phụ thuộc vào quốc tịch, nhóm tội phạm chỉ có thể do người có quốc tịch Việt Nam thực hiện và nhóm tội phạm chỉ có thể do người không có quốc tịch Việt Nam thực hiện. Theo tiêu chí phạm vi quan hệ xã hội bị trực tiếp xâm phạm có thể phân các tội xâm phạm an ninh quốc gia thành hai nhóm: Nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể (có tính nguy hại tổng thể) và nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thuộc từng lĩnh vực (có tính nguy hại cho từng lĩnh vực). Thuộc nhóm thứ nhất có 3 tội danh là tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tội gián điệp. Trong đó, tội phản bội Tổ quốc và tội gián điệp có phạm vi xâm phạm an ninh quốc gia ở diện rộng có tính tổng thể còn tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tuy chỉ xâm phạm một lĩnh vực an ninh nhưng là lĩnh vực chính trị nên cũng bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia có tính tổng thể. Thuộc nhóm thứ hai là các tội danh còn lại. Các tội phạm này xâm phạm an ninh quốc gia thuộc các lĩnh vực khác nhau: An ninh lãnh thổ, an ninh trật tự, an ninh kinh tế - xã hội, an ninh tư tưởng.
2- Chính sách xử lý các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Điều 12 Luật an ninh quốc gia đã xác định rõ chính sách xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Theo đó, việc xử lý các hành vi này cần tuân thủ các nguyên tắc xử lý được áp dụng chung cho tất cả các tội phạm sau:
- Nguyên tắc xử lý kịp thời và nghiêm minh;
- Nguyên tắc xử lý nghiêm trị kết hợp với khoan hồng.
Theo nguyên tắc thứ nhất, tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều phải được xử lý kịp thời. Tuân thủ nguyên tắc này là điều kiện cần thiết đảm bảo tính hiệu quả của đấu tranh chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phát huy được tối đa tác dụng phòng ngừa của các biện pháp xử lý. Khi thực hiện việc xử lý kịp thời vẫn phải đảm bảo tính nghiêm minh. Theo đó, các tội xâm phạm an ninh quốc gia tuy là loại tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội rất đặc biệt nhưng việc xử lý về hình sự các tội phạm này vẫn đòi hỏi phải tuân thủ tuyệt đối và đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trước hết là luật tố tụng hình sự và luật hình sự cũng như pháp luật quốc tế. Việc xử lý về hình sự các tội xâm phạm an ninh quốc gia đòi hỏi phải có sự rõ ràng, công khai, đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật của tất cả những người phạm tội, không có sự phân biệt đối xử giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài; giữa những người có đặc điểm nhân thân khác nhau v.v...
Theo nguyên tắc thứ hai, việc xử lý về hình sự các tội xâm phạm an ninh quốc gia cần có sự phân hoá cao về TNHS theo hướng nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, người ngoan cố chống đối đồng thời cũng khoan hồng đối với người bị ép buộc, bị lừa gạt, bị lôi kéo mà phạm tội nhưng đã tự thú, thành khẩn khai báo. Thể hiện nguyên tắc này, trong các điều luật cụ thể quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều có ít nhất hai khung hình phạt khác nhau. Trong đó có nhiều điều luật xác định rõ hai loại khung hình phạt cho trường hợp nghiêm trị và cho trường hợp khoan hồng. Ngoài ra, Điều 110 BLHS còn cụ thể hóa nguyên tắc khoan hồng qua việc quy định về trường hợp được miễn TNHS đối với người phạm tội gián điệp. Đây là một trong số ít các điều luật thuộc Phần các tội phạm đã cụ thể hoá điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS là điều quy định về căn cứ miễn TNHS nói chung.
Nguyên tắc thứ hai này không chỉ được thể hiện trong sự phân hoá TNHS trong BLHS mà còn đòi hỏi phải được thể hiện trong sự cá thể hóa TNHS trong áp dụng luật.
Từ nguyên tắc xử lý chung như trên, BLHS Việt Nam quy định hình phạt có thể được áp dụng cho người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia như sau:
- Hình phạt chính có thể được áp dụng là hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân hoặc hình phạt tử hình.
- Hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là hình phạt tước một số quyền công dân, hình phạt quản chế, hình phạt cấm cư trú, hình phạt tịch thu tài sản.
3- Sơ lược về sự hình thành và thay đổi của khái niệm “các tội xâm phạm an ninh quốc gia”
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 là văn bản quy phạm pháp luật hình sự đầu tiên sử dụng khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, khái niệm này được sử dụng khi đó với nghĩa rộng hơn so với hiện nay. Theo Bộ luật hình sự năm 1985, các tội xâm phạm an ninh quốc gia gồm hai nhóm tội phạm: Nhóm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và nhóm các tội phạm khác xâm phạm an ninh quốc gia. Hai nhóm tội phạm này khác nhau trước hết ở mục đích phạm tội. Nhóm tội phạm thứ nhất có mục đích chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhóm tội phạm thứ hai không có mục đích phạm tội này.
Nhóm tội thứ nhất gồm: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội hoạt động phỉ; Tội khủng bố; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá trại giam; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Nhóm tội thứ hai gồm: Tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy; Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép; Tội xuất, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép; Tội vi phạm các quy định về hàng không; Tội vi phạm các quy định về hàng hải; Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước; Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước; Tội phá huỷ các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự; Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá hủy tiền tệ; Tội truyền bá văn hoá đồi trụy.
Trong Bộ luật hình sự năm 1999, khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” được sử dụng theo nghĩa như hiện nay và tương ứng với khái niệm “Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia” đã được sử dụng trong Bộ luật hình sự năm 1985. Kể từ đây, khái niệm “Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia” và khái niệm “Các tội khác xâm phạm an ninh quốc gia” không còn được sử dụng. Các tội danh cụ thể thuộc “Các tội phạm khác xâm phạm an ninh quốc gia” đã được đưa về các chương tội phạm tương ứng. Ví dụ: Tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ; Tội phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia được đưa về chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được đưa về chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; v.v…
Trong Bộ luật hình sự năm 2015, khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” được sử dụng theo nghĩa như đã được sử dụng trong Bộ luật hình sự năm 1999.
Trước khi có khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, luật hình sự Việt Nam sử dụng khái niệm “Các tội phản cách mạng” để chỉ nhóm tội phạm mà hiện nay gọi là “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Khái niệm “Các tội phản cách mạng” được sử dụng chính thức lần đầu trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967. Theo Pháp lệnh này, các tội phản cách mạng bao gồm: Tội phản quốc; Tội âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội hoạt động phỉ; Tội trốn theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài; Tội giết người, gây thương tích, bắt giữ người, doạ giết người vì mục đích phản cách mạng; Tội phá hoại; Tội phá hoại khối đoàn kết toàn dân; Tội chống lại hoặc phá hoại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước; Tội phá rối trật tự, an ninh; Tội tuyên truyền phản cách mạng; Tội phá trại giam, đánh cướp can phạm, tổ chức vượt trại giam, trốn tù; Tội che giấu phần tử phản cách mạng.
Khái niệm “Tội phản cách mạng” cũng được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật hình sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là sắc luật số 03-SL/76 năm 1976. Điều 3 của sắc luật này xác định tội phản cách mạng bao gồm: Tội phản quốc; Tội âm mưu lật đổ chính quyền; Tội gián điệp; Tội vì mục đích phản cách mạng mà phá hoại khối đoàn kết và thống nhất dân tộc, phá hoại quốc phòng, phá hoại trật tự an ninh, phá hoại kinh tế, tài chánh, văn hoá và xã hội; Tội cố ý tuyên truyền, xuyên tạc nhằm lung lạc tinh thần, gây hoang mang rối loạn, chống chính quyền cách mạng, phá hoại chế độ; Tội biết rõ là phần tử phản cách mạng mà che giấu.
Tóm lại, khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” có quá trình bắt đầu từ khái niệm “Các tội phản cách mạng” (năm 1967), tiếp đến được thay thế bằng khái niệm “Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia” (năm 1985) và từ năm 1999, khái niệm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” đã được thống nhất sử dụng trong luật hình sự Việt Nam.
Tổng hợp từ Giáo tình Luật Hình sự Việt Nam phần các tội phạm (tập 1) Đại học Luật Hà Nội
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm