Khái quát về các tội xâm phạm tính mạng

15/04/2023
Nguyễn Thị Thu Hồng
Nguyễn Thị Thu Hồng
Con người được coi là vốn quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được luật hình sự nói riêng cũng như pháp luật nói chung bảo vệ. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và tự do của họ, vì đây là những điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với con người. ​​​​​​​Vì lẽ đó, các Bộ luật hình sự Việt Nam đều quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người ở vị trí thứ hai sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đây là một trong những chương của Bộ luật hình sự bao gồm những quy phạm pháp luật trực tiếp bảo vệ con người với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội.

Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người xác định những hành vi bị coi là hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người cũng như quy định các khung hình phạt cho phép áp dụng đối với người có hành vi phạm tội đó. Trong Bộ luật hình sự năm 2015, các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định tại chương XIV với 34 điều luật. Các tội này có thể chia thành ba nhóm. Đó là:

- Nhóm các tội xâm phạm tính mạng của con người;

- Nhóm các tội xâm phạm sức khoẻ của con người; và

- Nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Trước khi có Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1985), Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật hình sự nào quy định một cách có hệ thống và đầy đủ về các nhóm tội phạm này. Văn bản được áp dụng để xét xử các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người trong giai đoạn này là sắc luật số 03/SL ngày 15/3/1976. Sắc luật 03/SL chỉ nêu 5 tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là tội giết người, tội vô ý làm chết người, tội cố ý gây thương tích, tội vô ý gây thương tích nặng và tội hiếp dâm. Còn các tội danh khác chỉ được nêu chung là "các tội khác xâm phạm thân thể và nhân phẩm của người dân”.

Các Bộ luật hình sự năm 1985, năm 1999 và năm 2015 đều có một chương riêng với các điều luật khác nhau quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. So sánh các bộ luật này trong việc quy định nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người có thể thấy các quy định này có sự phát triển theo hướng tăng cường bảo vệ con người, thể hiện ở việc bổ sung hành vi phạm tội và phân hoá trách nhiệm hình sự rõ hơn.

1- Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng

Các tội xâm phạm tính mạng là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác.

Trong Bộ luật hình sự năm 2015 cổ 13 tội danh thuộc nhóm tội phạm này. Đó là:

- Tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự);

- Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124 Bộ luật hình sự);

- Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 Bộ luật hình sự);

- Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126 Bộ luật hình sự);

- Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127 Bộ luật hình sự);

- Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự);

- Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129 Bộ luật hình sự);

- Tội bức tử (Điều 130 Bộ luật hình sự);

-  Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 131 Bộ luật hình sự);

-  Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 Bộ luật hình sự);

-  Tội đe dọa giết người (Điều 133 Bộ luật hình sự);

-  Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148 Bộ luật hình sự);

- Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149 Bộ luật hình sự).

Trong các tội danh nêu trên, hai tội danh cuối được quy định lần đầu trong Bộ luật hình sự năm 1999. Sự bổ sung này là cần thiết vì dựa trên các cơ sở thực tế. Đó là:

- Thứ nhất, tình trạng nhiễm HIV ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay;

- Thứ hai, khả năng xảy ra hành vi cố ý lây truyền cũng như hành vi cố ý truyền HIV ở Việt Nam hiện nay và

- Thứ ba, tính nguy hiểm của những hành vi này trong điều kiện khả năng cứu chữa người mắc căn bệnh HIV/AIDS của thế giới và Việt Nam hiện nay.

Hành vi phạm tội của hai tội danh này có tính nguy hiểm đến tính mạng của người bị lây nhiễm HIV nên có thể được xếp vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng.

2- Các yếu tố cấu thành tội phạm

[1] Khách thể của tội phạm

Khách thể của nhóm tội phạm này là một trong những khách thể quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Khách thể của nhóm tội phạm này được phản ánh trong Bộ luật hình sự qua dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm.

Đối tượng tác động của nhóm tội phạm này là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng. Đó là những người đang sống, những người đang tồn tại trong thế giới khách quan với tư cách là con người, là thực thể tự nhiên và xã hội mà trong Bộ luật hình sự được gọi là “người khác”.

[2] Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng tuy khác nhau ở hình thức thể hiện cụ thể nhưng có cùng tính chất là đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đó. Hành vi này được mô tả là dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong tất cả các cấu thành tội phạm. Trong những hành vi phạm tội của nhóm tội này có những hành vi có thể được thực hiện cả bằng hình thức hành động và không hành động (như hành vi của tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự), có những hành vi chỉ có thể được thực hiện bằng hình thức hành động (như hành vi của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự) và có hành vi chỉ có thể được thực hiện bằng hình thức không hành động (hành vi của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự).

Hậu quả mà những hành vi nói trên (trừ hành vi được quy định tại Điều 133) có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là thiệt hại đến quyền sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là chết người. Tuy nhiên, hậu quả chết người chỉ được mô tả là dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong một số cấu thành tội phạm (như các cấu thành tội phạm tại Điều 123, Điều 124, Điều 125 Bộ luật hình sự). Ở các cấu thành tội phạm còn lại, hậu quả chết người không được mô tả là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hai trong sổ các cấu thành tội phạm đó có sự mô tả dấu hiệu hậu quả là hành vi tự sát của nạn nhân (các cấu thành tội phạm tại Điều 130 và Điều 131 Bộ luật hình sự).

[3] Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của hầu hết các tội xâm phạm tính mạng không phải là chủ thể đặc biệt. Những người có năng lực trách nhiệm hình sự đều có khả năng trở thành chủ thể của nhiều tội thuộc nhóm tội phạm này. Trong các tội xâm phạm tính mạng có 4 tội danh mà cấu thành tội phạm có sự phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp dấu hiệu đặc biệt của chủ thể của tội phạm. Những dấu hiệu đó là: “là mẹ của nạn nhân mới được sinh”, “là người đang thi hành công vụ”, “là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân” và “là người b| nhiễm HIV”. 04 tội danh đó là tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” (Điều 124 Bộ luật hình sự), tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127 Bộ luật hình sự); tội bức tử (Điều 130 Bộ luật hình sự) và tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148 Bộ luật hình sự). Trong nội dung trình bày về dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể, dấu hiệu chủ thể của tội phạm chỉ được trình bày khi chủ thể của tội phạm có dấu hiệu đặc biệt.

[4] Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội có thể là lỗi cố ý (như các tội được quy định tại Điều 123, Điều 133 Bộ luật hình sự) hoặc lỗi vô ý (như tội được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự)...

Động cơ phạm tội của nhóm tội phạm này tương đối đa dạng nhưng chỉ được phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp trong một số cấu thành tội phạm như cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự.

3- Hình phạt

Hình phạt chính được quy định cho các tội xâm phạm tính mạng có nhiều mức độ khác nhau. Hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là tử hình. Trong sổ các tội xâm phạm tính mạng có 01 tội danh được quy định luôn luôn là tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 124 Bộ luật hình sự); 02 tội danh được quy định có thể là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (các điều 123 và 149 Bộ luật hình sự); 04 tội danh được quy định có thể là tội phạm rất nghiêm trọng (các điều 127, 128, 129 và 130 Bộ luật hình sự); 06 tội danh được quy định có thể là tội phạm nghiêm trọng (các điều 125,126,131,132,133 và 148 Bộ luật hình sự).

Ngoài hình phạt chính, hình phạt bổ sung được quy định ở 05 tội danh. Đó là tội giết người, tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tội cố ý truyền HIV cho người khác. Hình phạt bổ sung được quy định cho 05 tội danh này là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Riêng ở tội giết người còn có thêm hình phạt bổ sung là hình phạt quản chế và hình phạt cấm cư trú.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về các tội xâm phạm tính mạng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.55352 sec| 983.344 kb