Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Luật pháp, với sự bình đẳng uy nghiêm, cấm cả người giàu lẫn người nghèo ngủ dưới cầu, ăn xin trên phố và trộm bánh mỳ".
- Anatole France
Kỹ năng của Luật sư trong các vụ án ma túy đòi hỏi Luật sư không chỉ nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải có tác phong tỷ mỉ, thận trọng khi xem xét, đánh giá các chứng cứ. Trong một số trường hợp tham gia bào chữa các vụ án được Tòa án xét xử lưu động, Luật sư cần nhận thức tính chất nghiêm trọng của vụ án, dư luận bức xúc của quần chúng nhân dân và mức độ nghiêm khắc của hình phạt để cân nhắc
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư cần phải xác định loại chất ma túy mà bị can bị quy buộc có hành vi phạm tội có nằm trong danh mục và liệt kê các loại chất ma túy theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất hay không; các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm về ma tuý. Nếu chất hoặc tiền chất đó không có trong danh mục mà Nhà nước quy định thì hành vi của khách hàng không thể bị xử lý theo quy định của bộ luật hình sự về các tội liên quan đến ma túy được.
Trong một số vụ án, Luật sư cũng cần phân biệt giữa hành vi phạm tội về ma túy với các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất ma túy, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần. Ngoài ra, trong một số tội cần xác định chính xác khối lượng chất ma túy để truy cứu hình sự.
Trong thực tiễn, một số hành vi của nhóm tội phạm ma túy có sự “dấp dính”, Luật sư cần phân biệt và xác định như:
- Trong tội sản xuất trái phép chất ma túy, Luật sư cần nghiên cứu các chứng cứ để xác định hành vi sản xuất trái phép chất ma túy mà khách hàng đã thực hiện là hành vi gì. Phân biệt giữa sản xuất pha chế chất ma túy vì thực tế hành vi pha chế ma túy thành dung dịch hay trộn các chất ma túy để dùng tăng tính kích thích thì hành vi này là pha chế. Hành vi sản xuất là hành vi làm ra chất ma túy.
- Trong các vụ án mà khách hàng phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với hành vi cung cấp địa điểm để sử dụng ma túy. Luật sư cần nghiên cứu xác định việc khách hàng có phải là con nghiện hay không. Con nghiện cho con nghiện khác sử dụng địa điểm do mình sở hữu, quản lý để họ sử dụng ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu không phải là con nghiện mà cho người khác dùng địa điểm để họ dùng ma túy thỏa mãn cơn nghiện thì đây là hành vi chứa chấp người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc xác định con nghiện phải được tiến hành theo quy định của pháp luật.
- Trong tội mua bán trái phép chất ma túy, vụ án có đối tượng mua bán chất ma túy là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cần nghiên cứu xác định hành vi của khách hàng được thực hiện bao nhiêu lần, tổng trọng lượng các lần mua bán đó là bao nhiêu để xác định việc truy tố của Viện kiểm sát có đúng với quy định tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hay không.
Trong một số vụ án về ma túy, để khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử một số bị can, cơ quan công an đã sử dụng một số hoạt động trinh sát để phá án. Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) có quy định tại điểm (b); Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy; vấn đề sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát trong các chuyên án đấu tranh chống tội phạm về ma túy là cần thiết. Tuy nhiên, các tài liệu do cán bộ trinh sát thu thập có được coi là chứng cứ trong vụ án hay không? Theo Điều 86 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ coi là chứng cứ nếu được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật tố tụng hình sự quy định. Vì vậy, hiện nay các tài liệu trinh sát không được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, thực tế trong vụ án về ma túy, Luật sư gặp rất nhiều báo cáo của cán bộ trinh sát, báo cáo của người bắt giữ (công an phường, công an quận) tham gia quá trình bắt giữ người phạm tội quả tang báo cáo về việc phát hiện và bắt giữ người phạm tội như thế nào.
Khi nghiên cứu hồ sơ trong các vụ án ma túy, Luật sư cần lưu ý các loại tài liệu sau đây:
- Tài liệu về việc thu giữ đồ vật, vật chứng: Nghiên cứu tài liệu này để xác định cơ quan điều tra đã thu được ma túy hay không, số lượng, hình thức lúc thu giữ ra sao, thu được ở đâu? Thông thường khi thu giữ, cơ quan điều tra sẽ ghi trong biên bàn là “chất bột trắng nghi là heroin” hay là các viên thuốc màu hồng hay màu vàng mà không xác định ngay đó có phải là ma túy. Vật chứng ma túy trong vụ án ma túy là chứng cứ quan trọng để chứng minh khách hàng có phạm tội. Nếu một vụ án về ma túy mà không có ma túy sẽ là vụ án luôn gây tranh cãi khi định tội cũng như khi định khung để áp dụng.
- Nghiên cứu về thú tục giám định do cơ quan điều tra tiến hành, nhưng cần kiểm tra kỹ hồ sơ về các biên bản niêm phong tang vật, chữ ký của bị can trên các biên bản và dấu niêm phong, cũng như các dụng cụ phân chia ma túy đã được thu giữ như thế nào. cơ quan điều tra trưng cầu giám định đối với vật chứng nào và kết luận của cơ quan giám định ra sao. Chú ý các trường hợp cần giám định để xác định hàm lượng chính xác chất ma túy. Theo đó, tại Công văn số 315/TATC-PC/2017 đã xác định: Trường hợp qua xét xử mà xác định rõ chất ma túy bị pha lẫn, trộn nhiều loại chất tạp khác để tăng trọng lượng bán cho các con nghiện thu lời, thì sẽ phải trưng cầu giám định xác định chính xác hàm lượng ma túy; hoặc trường hợp lượng ma túy bắt giữ của đối tượng phạm tội thu được thuộc khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình thì phải giám định xác định chính xác hàm lượng chất ma túy.
Giám định trong trường hợp là ma túy tổng hợp, ma túy đá... Luật sư cần lưu ý đó là chất gây nghiện nào số lượng là bao nhiêu viên, trọng lượng mỗi loại, đồng thời phải xác định loại chất này có được xác định trong danh mục các chất ma túy, các chất gây nghiện hay các chất hướng thần mà Chính phủ đã ban hành hay không.
- Nghiên cứu các lời khai của khách hàng, xác định khách hàng có nhận tội hay không, có khai thêm các hành vi phạm tội đã thực hiện trước đó không. Khi thấy khách hàng tự nhận thêm hành vi phạm tội Luật sư cần nghiên cứu các lời khai khác trong hồ sơ để xác định C phải chỉ có duy nhất lời nhận tội của khách hàng hay còn có lời khai của các đối tượng khác. Nếu chỉ có duy nhất lời khai tự nhận tội của khách hàng thì đây là điểm Luật sư có thể tranh luận với VKS. Nếu còn có các lời khai của người khác, Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ các lời khai đó để xác định sự phù hợp của các lời khai. Nếu các lời khai là thống nhất và lôgic thì đây là điểm bất lợi cho khách hàng vì các Tòa án sẽ xem lời khai là căn cứ để định tội và định khung cho các bị cáo.
Nếu khách hàng hoàn toàn không thừa nhận mình có hành vi phạm tội, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các lời khai của những người khác cũng như các tài liệu xác định cơ quan công an có thu giữ được ma túy tại nơi ở của khách hàng hay không? Nếu thu giữ được thì cần phải xem xét khách hàng khai về việc tại sao có ma túy ở trong nhà.
Nếu không thu giữ được ma túy mà chỉ đơn thuần dựa vào lời khai của những người khác, Luật sư phải nghiên cứu từng bàn lời khai một, cần so sánh một cách kỹ lưỡng từng sự kiện, hành vi mà họ đã khai để tìm ra những điểm không đồng nhất, những điểm còn nghi ngờ.
Nếu những lời khai đó vừa có lời khai đồng nhất kết tội khách hàng vừa có những lời khai có lợi, thừa nhận khách hàng không tham gia phạm tội, Luật sư đương nhiên sẽ ghi lại những tình tiết có lợi nhưng vẫn phải tìm những khe hở trong lời khai kết tội để bác bỏ lời khai của họ. Nếu không lập luận bác bỏ được lời khai buộc tội, hậu quả là vụ án có nguy cơ bị xử đi xử lại nhiều lần vì các quan điểm khác nhau của người tiến hành tố tụng.
- Nghiên cứu các tài liệu khác để tìm tình tiết giảm nhẹ cho khách hàng như tài liệu về nhân thân. Đối với khách hàng là phụ nữ cần nghiên cứu xác định khách hàng có phải là phụ nữ đang mang thai hoặc là người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hay không như trong hồ sơ có tài liệu về việc khách hàng mang thai, có tài liệu về giấy khai sinh của con hay không. Luật sư nghiên cứu lý lịch cá nhân, tàng thư căn cước có trong hồ sơ để xác định khách hàng có tiền án, tiền sự không. Nếu đã có tiền án, cần kiểm tra tiền án đã được xóa hay chưa bằng cách kiểm tra các tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập như bản án, giấy ra tù, văn bản trả lời của Cơ quan thi hành án dân sự về việc đã thi hành phần dân sự trong bán án hình sự chưa.
Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa của Công ty Luật TNHH Everest.
Trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, Luật sư phải làm việc với khách hàng là bị can (bị cáo) của vụ án. Khi gặp gỡ, trao đổi với bị can (bị cáo) trong các vụ án ma túy cần chú ý các điểm sau:
- Trong các cuộc gặp, làm việc đầu tiên, trước khi vào trại tạm giam gặp khách hàng, Luật sư cần tìm hiểu khách hàng mình là người như thế nào, có tiền án, tiền sự hay không, làm nghề gì để lựa chọn cách giao tiếp, trao đổi nội dung cuộc làm việc cho phù hợp. Thông thường, khách hàng trong các vụ án ma túy là những đối tượng có tâm lý hay nghi ngờ người khác, che giấu tâm tư cũng như các vấn đề liên quan đến họ. Đây là đối tượng rất khó tiếp cận, trong quá trình làm việc, hoặc họ không hợp tác với Luật sư hoặc họ che giấu, không nói đúng sự việc cũng như luôn có sự đánh giá, cân nhắc về khả năng của Luật sư đối với việc bào chữa cho họ.
Trong nhiều vụ án, ngoài bị can còn có những người thân khác cũng tham gia nên họ thường có tư tưởng không khai báo, che giấu sự việc phạm tội. Từ tâm lý đó họ có thái độ nghi ngờ và không hợp tác với bất cứ ai. Chính vì vậy trong cuộc gặp và trao đổi đầu tiên, Luật sư nên chuẩn bị các phương án tiếp cận, làm việc phù hợp. Không nên đặt mục tiêu thu thập được thông tin về hành vi của khách hàng ngay trong cuộc gặp đầu tiên. Luật sư nên quen, trao đổi các vấn đề về điều kiện giam giữ cũng như tình trạng sức khỏe, tinh thần khi bị bắt tạm giam. Trong quá trình làm việc nên kiên nhẫn, tránh thái độ nôn nóng hoặc thờ ơ.
Với khách hàng mà Luật sư là người được chỉ định bào chữa, Luật sư cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với thái độ không tin tưởng, không hợp tác của khách hàng. Thông thường, trường hợp được chỉ định thường là các bị can bị khởi tố ở khung có mức hình phạt chung thân, tử hình, đồng thời chính sách hình sự đối với nhóm tội ma túy rất nghiêm khắc, khả năng bị áp dụng hình phạt nặng là rất lớn nên họ hoặc có tâm lý buông xuôi hoặc có tâm lý cố gắng che giấu hành vi phạm tội đến cùng.
Cho nên, Luật sư cần chuẩn bị tốt nội dung cuộc gặp cũng như chuẩn bị tâm lý, cách thức làm việc phù hợp. Nếu khách hàng có tâm lý thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội thì nội dung lời khai của khách hàng tại buổi làm việc sẽ giống như trong quá trình khai nhận ở cơ quan điều tra. Nếu khách hàng kêu oan, Luật sư nên chú ý lắng nghe, ghi nhận lại thông tin mà khách hàng kêu oan. Tránh tình trạng nóng vội đưa ra những nhận định, đánh giá sau khi nghe được thông tin. Nếu khách hàng không hợp tác, Luật sư nên giải thích về trách nhiệm của Luật sư với khách hàng.
- Trong quá trình vụ án đang được điều tra, truy tố, Luật sư gặp và trao đổi với khách hàng để làm rõ nội dung vụ án, làm rõ những tình tiết có lợi cho khách hàng. Trong các cuộc gặp đó, Luật sư cần chuẩn bị các vấn đề, câu hỏi để làm rõ nội dung mà khách hàng đã khai trong hồ sơ cho nên Luật sư cần phải nghiên cứu hồ sơ cẩn thận, chi tiết trước khi gặp khách hàng.
Đối với những vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có tổ chức, Luật sư phải làm rõ vị trí, vai trò của khách hàng cũng như sự liên hệ, trao đổi liên lạc giữa khách hàng và những bị can khác trong đường dây, cách thức vận chuyển, giao nhận hàng; khách hàng tham gia ở công đoạn nào, có nằm trong đường dây hay được thuê để thực hiện một công đoạn trong cả quá trình phạm tội, nếu được thuê để thực hiện một công đoạn thì đây là lần đầu hay là đã thực hiện nhiều lần trước đó; khách hàng có biết về mục đích phạm tội của đối tượng khác liên quan trong vụ án không.
Nếu vụ án mà khách hàng tự khai nhận thêm hành vi, sự việc phạm tội, Luật sư cần trao đổi để làm rõ trong tình huống nào họ đã khai như vậy. Luật sư trao đổi để xác định sự việc họ đã khai có những ai biết, chứng kiến để đối chiếu, so sánh với lời khai của những bị can khác.
- Trong quá trình điều tra, truy tố, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư nên tư vấn cho khách hàng thực hiện việc tự nguyện sứa chừa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra để được áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa hành vi khắc phục hậu quả với hành vi tự nguyện nộp tiền, tài sản do phạm tội mà có.
- Trước khi ra phiên tòa, Luật sư cần trao đổi với khách hàng về những vấn đề mà Luật sư sẽ hỏi cũng như tranh luận đối đáp tại Tòa.
- Luật sư phân tích về hậu quả pháp lý mà khách hàng sẽ có thể phải chịu đối với hành vi mà họ đã thực hiện cũng như chính sách hình sự đối với nhóm tội phạm về ma túy như việc rất khó có thể được áp dụng hình phạt nhẹ như cải tạo không giam giữ, cánh cáo hay phạt tù cho hưởng án treo, mức hình phạt thường nghiêm khắc. Ngoài ra, Luật sư cũng nên trao đổi thêm về hình phạt bổ sung có thể được áp dụng với bị cáo như hình phạt tiền hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản sung công quỹ.
Luật sư cần trao đổi với khách hàng về một số nội dung của Chỉ thị số 01/2005/CT-TA ngày 30/8/2005 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về chính sách hình sự đối với tội phạm về ma túy như: “Khi xét xử, các Tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo khung hình phạt mà điều luật đã quy định;... khi xét xử các hành vi phạm tội mà theo quy định của bộ luật hình sự có thể áp dụng hình phạt bổ sung thì kiên quyết áp dụng, đặc biệt là đối với những người phạm các tội về ma túy”.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.
Luật sư tiến hành trao đổi, đề xuất với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi có vấn đề cần làm rõ, vấn đề có lợi cho khách hàng. Trong các vụ án ma túy, việc trao đổi, đề xuất để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi khách hàng bị tạm giam rất khó được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.
Vì các đối tượng trong vụ án ma túy hiểu rất rõ hậu quả pháp lý cũng như chính sách hình sự của Nhà nước đối với các tội về ma túy nên nếu được thay đổi biện pháp tạm giam có thể sẽ là điều kiện thuận lợi để bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc thông cung. Việc trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án ma túy chủ yếu liên quan đến tội danh, thủ tục tố tụng và thu thập, làm rõ chứng cứ.
Về tội danh, khung khoản áp dụng, Luật sư sẽ trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng khi việc khởi tố, điều tra, truy tố không đúng. Đặc biệt là trường hợp khách hàng thực hiện nhiều hành vi liên quan mật thiết đến nhau được quy định trong các điều từ Điều 249 đến Điều 255 Bộ luật hình sự năm 2015 và các tội đó không bằng nhau. Luật sư cần trao đổi, kiến nghị nếu cơ quan điều tra khởi tố thành các tội danh độc lập tương ứng với mỗi hành vi đó. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ được khởi tố về hành vi theo điều luật có quy định tội nặng hơn.
Ngoài ra, trong vụ án ma túy có rất nhiều trường hợp từ việc bắt quả tang, bị can đã khai ra các hành vi mua bán trái phép chất ma túy trước đó. Trong các vụ án đó, Luật sư cần trao đổi, kiến nghị về việc không được áp dụng tình tiết định khung phạm tội nhiều lần đối với khách hàng vì không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nhiều lần của khách hàng.
Về việc thu thập, đánh giá chứng cứ: Khi các chứng cứ buộc tội còn mâu thuẫn hoặc chính khách hàng kêu oan, Luật sư cần có kiến nghị, trao đổi đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thêm chứng cứ, làm rõ điểm mâu thuẫn hoặc đánh giá chứng cứ phải thận trọng.
Ngoài ra, trong vụ án về ma túy, Luật sư cũng cần đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng cho đối chất làm rõ mâu thuẫn trong lời khai buộc tội. Bởi lẽ, trong vụ án ma túy, chứng cứ chủ yếu là các lời khai của các bị can trong vụ án. Các bị can thường có tâm lý đổ tội hoặc khai không chính xác, mâu thuẫn. Cho nên, nếu thấy lời khai buộc tội khách hàng có mâu thuẫn giữa chính khách hàng với lời khai của bị can khác, hoặc giữa các bị can thì Luật sư phải đề xuất đối chất làm rõ.
Ngoài vấn đề tội danh, khung khoản áp dụng, thu thập và đánh giá chứng cứ, trong các vụ án ma túy lớn, Luật sư đôi khi cũng cần trao đổi, kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề xác định tiền, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của khách hàng.
Xem thêm: Nghĩ về Luật sư tử tế.
Lập kế hoạch xét hỏi trước khi tham gia phiên tòa là hoạt động không thể thiếu của Luật sư. Trong các vụ án ma túy, một đặc thù mà Luật sư nên lưu ý khi lập kế hoạch xét hỏi, đó là việc có mặt của những người làm chứng tại phiên tòa. Thực tế rất nhiều vụ án không có người làm chứng mà chỉ có các bị can. Bởi vì tội phạm ma túy thường được thực hiện bí mật, dưới các hình thức ngụy trang khác nhau nên việc chứng kiến hành vi chủ yếu là những người tham gia trong hoạt động phạm tội đó. Ngoài ra, tâm lý chung của mọi người là không muốn liên quan đến tội phạm ma túy. Họ thường không sẵn lòng đứng ra khai báo về sự việc mà họ chứng kiến. Nếu vụ án có người làm chứng thì việc triệu tập họ đến phiên tòa là rất khó khăn đặc biệt là những vụ án mà con nghiện lả người làm chứng. Chính vì vậy, khi xác định đối tượng hòi, Luật sư cần dữ liệu trường hợp việc vắng mặt của người làm chứng hoặc vụ án không có người làm chứng mà có phương án hỏi phù hợp.
Trong các vụ án mà khách hàng kêu oan, kế hoạch xét hỏi của Luật sư cần tập trung vào tìm kiếm những điểm mâu thuẫn trong chứng cứ buộc tội đặc biệt là lời khai.
Trong các vụ án về ma túy, các vụ án có nhiều bị cáo, Luật sư phải chuẩn bị trước kế hoạch xét hỏi trong đó xác định sẽ hỏi ai, hỏi vấn đề gì và câu hỏi đặt ra cho người được hỏi.
Để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án ma túy, trước hết Luật sư phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để định hướng quan điểm bào chữa cho bị cáo có phạm tội hay không phạm tội về ma túy.
Thứ nhất, nếu dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng không phạm tội, cần phân biệt hai trường hợp: (i) Trường hợp bị oan. khởi tố, điều tra về một tội danh không đúng; (ii) Trường hợp có những dấu hiệu hành vi khách quan, nhưng “chứng cứ yếu" hoặc chưa đủ căn cứ buộc tội... Như đã nêu ở trên, thường trong các vụ án liên quan đến ma túy, mức độ “chối tội”, phần cứng hay tìm mọi cách chứng minh sự vô tội của từng bị cáo có tính quyết liệt hơn nhũng vụ án hình sự khác. Để xác định chính xác quan điểm bào chữa trong những trường hợp này, Luật sư không chỉ gặp mặt và thống nhất quan điểm với bị cáo tại trại tạm giam trước khi xét xử, mà còn bằng niềm tin nội tâm và sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình, có thể nhận thấy bị cáo mình bào chữa có bị oan hay không. Thật sự đây không phải là điều dễ dàng khi bàn đến vấn đề niềm tin nội tâm, nhưng nếu không có niềm tin này, mỗi luật sư khó có thể trình bày hoặc nói ra những quan điểm bênh vực mang tính thuyết phục được.
Thứ hai, nếu dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, ngoài những quy định rõ trong bộ luật hình sự năm 2015, Luật sư cũng cần chú ý đến một số trường hợp đã có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng pháp luật và đường lối xử lý nêu trong Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi, bò sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015 TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP) để bào chữa chuyển tội danh cho chính xác.
Nếu bào chữa theo hướng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho khách hàng, Luật sư đề xuất áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 bộ luật hình sự thì cần lưu ý đến hướng dẫn của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Toà án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ. Neu khách hàng, tại giai đoạn điều tra hoặc tại phiên tòa sơ thẩm quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng sau khi có kết luận điều tra hoặc sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm đã khai báo lại một cách đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội, thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo’’.
Kỹ năng của Luật sư trong các vụ án ma túy đòi hỏi Luật sư không chỉ nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải có tác phong tỉ mỉ, thận trọng khi xem xét, đánh giá các chứng cứ. Trong một số trường hợp tham gia bào chữa các vụ án được Tòa án xét xử lưu động, Luật sư cần nhận thức tính chất nghiêm trọng của vụ án, dư luận bức xúc của quần chúng nhân dân và mức độ nghiêm khắc của hình phạt để cân nhắc liều lượng câu chữ, lập luận khi bào chữa cho có tính thuyết phục. Cách thức chuẩn bị và cơ cấu của bài bào chữa cũng có thể thiết lập theo kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án hình sự khác như các vụ án về xâm phạm sở hữu, án tham nhũng.
Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học việc Tư pháp và các nguồn khác.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm