Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án phần bốn

11/06/2021

 

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Luật sư cần có kỹ năng thực hiện một số thủ tục sau khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của bị cáo.

 

 

kế hoạch hỏi Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Chuẩn bị tâm thế của Luật sư và trau dồi kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

 

Thứ nhất, cần có kỹ năng nhận thức đúng đắn và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Luật sư tại phiên tòa

 

 

Thực tiễn tố tụng hình sự những năm qua ở nước ta cho thấy, trong quá trình tham gia tranh tụng tại phiên tòa đã xảy ra nhiều vụ việc giữa những người tiến hành tố tụng và Luật sư có sự va đập về quan điểm, một số trường hợp phát sinh căn thẳng đến mức hai bên làm văn bản đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Trong một số vụ án, sau phiên tòa Viện kiểm sát đề nghị Đoàn Luật sự kiểm điểm xử lý một luật sư vì nội dung lời phát biểu tại phiên trong khi Đoàn Luật sư hoàn toàn phản đối; có vụ án Viện kiểm sát làm văn bản đề nghị khởi tố một luật sư vì cho rằng xúc phạm, vu khống cơ quan tiến hành tố tụng, dân đến cả Điều tra viên và Luật sư đều đề nghị xem xét trách nhiệm lẫn nhau ...

 

 

Vấn đề đặt ra là việc xác định giới hạn trách nhiệm của người bảo chữa như thế nào? Ở nhiều quốc gia có nghề luật phát triển, vấn đề quyền miễn trừ hình sự về ý kiến phát biểu tại Tòa hoặc các văn bản tố tụng hữu quan của Luật sư đã được ghi nhận. Điều 20 “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò Luật sư” của Liên hợp quốc tại Havana năm 1990 đã quy định quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa bằng miệng hay bằng văn bản trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ trước Tòa hay trước cơ quan pháp luật hay hành chính.

 

 

Trong quá trình thực thi các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, Luật sư có quyền đưa ra kiến nghị về pháp lý, tiến hành thu thập, đưa ra chứng cứ trong giai đoạn điều tra, trình bày quan điểm và phát biểu tranh tụng tại phiên tòa. Do bản chất hoạt động nghề nghiệp mang tính đối trọng với chức năng buộc tội, nên đương nhiên nhiều ý kiến, quan điểm của Luật sư có sự khác biệt căn bản, thậm chí xung đột với các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

 

Do đó, việc nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của Luật sư, bảo đảm quyền miễn trừ của Luật sư trong tố tụng thể hiện ứng xử chuẩn mực văn minh pháp lý, một mặt có thể loại trừ những rủi ro nghề nghiệp của Luật sư với một mức độ nhất định, ngăn ngừa các biểu hiện tùy tiện truy cứu trách nhiệm người bào chữa từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.

 

 

Mặt khác, nội dung các điểm a, b, c, d và đ khoản 3 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đòi hỏi Luật sư phải sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ “sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định” của Luật sư là một vấn đề quan trọng. Bởi lẽ mỗi luật sư sẽ phải tự mình biết được giới hạn mà pháp luật đã xác lập cho mình các quyền và nghĩa vụ để có thái độ và cách hành xử đúng mực, có thái độ tôn trọng các cơ quan và người tiến hành tố tụng, tận tâm thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh của người bào chữa. Trong một số trường hợp, Luật sư có thể cho rằng những hành vi của mình có thể thực hiện theo nguyên tắc được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng nó lại có thể bị chế ước bởi bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Do đó, nội hàm của mọi biện pháp mà pháp luật quy định”được hiểu theo nghĩa rộng của cụm từ này và trách nhiệm của Luật sư chính là phải tự điều chỉnh các hành vi của mình cho phù hợp.

 

 

Đặc biệt, trong việc ứng xử tại phiên tòa, vấn đề quan trọng là Luật sư không được suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình, không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử trái quá trình hành nghề, đứng ở vị thế là chủ thể thực hiện chức năng bào chữa, tự bản thân quan điểm hay tranh luận của Luật sư ít nhiều mang tính chủ quan. Vấn đề cần phân biệt chính là ở chỗ cần tránh nhận thức phiến diện, dẫn đến trong lời nói, hành động, trong văn bản, kiến nghị lại sử dụng những lời lẽ, câu chữ mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác. Điều này vẫn thường xảy ra trên thực tế, có thể do vị thế của Luật sư đứng trên quyền lợi của khách hàng khác nhau hoặc do thiếu kiềm chế dẫn đến quy chụp mang tính cá nhân, thoát ly khỏi nội dung tranh tụng của vụ án.

 

 

Pháp luật cũng quy định bổn phận của Luật sư là phải tôn trọng sự thật; Không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Kinh nghiệm của các Luật sư tham gia tố tụng lâu năm cho thấy, chỉ khi nào người bào chữa có sự tôn trọng sự thật, hành nghề trung thực thì sẽ gặt hái được những thành công  về mặt nghề nghiệp và tạo được sự tin cậy của người dân về chức phận của người bào chữa.

 

 

Thứ hai, kỹ năng của Luật sư trong phần thủ tục phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

 

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký Tòa án, người bào chữa, các đương sự, Điều tra viên, Kiểm sát viên (nếu được triệu tập), nhân chứng, người giám định, người định giá ... có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thẩm tra, đánh giá chứng cứ và từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sẽ là cơ sở cho việc hình thành phán quyết của Hội đồng xét xử.

 

 

Trong một số trường hợp, nhiều Luật sư không có kỹ năng quan tâm đến phần thủ tục phiên tòa, kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của các thành phần tiến hành và tham gia tố tụng, đưa ra các yêu cầu triệu tập bổ sung hoặc xem xét tại chỗ, đề nghị giải quyết các kiến nghị trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa. Để có thể rà soát sự hiện diện của các chủ thể nói trên, Luật sư cần bám sát danh sách triệu tập của Tòa án nêu trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử để từ đó có ý kiến về sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập, chủ động đề xuất triệu tập bổ sung những người cần có mặt để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

 

 

Trong một số vụ án, ngay trong phần thủ tục, Luật sư có thể yêu cầu triệu tập bổ sung một số nhân chứng, người liên quan, người giám định, người định giá những chủ tọa cho rằng họ đã có lời khai trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải có mặt. Tuy nhiên, do những người này có lời khai mâu thuẫn hoặc thiếu tính xác thực, việc mặt của họ tại phiên tòa nhằm làm rõ những tình tiết, chứng cứ có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, Luật sư có thể đề xuất là do thời gian Xét xử kéo dài, nên đề nghị Tòa án triệu tập bổ sung những người này. Khi tiếp nhận đề xuất của Luật sư hợp lý, thường Hội đồng xét xử sẽ chấp nhận.

 

 

Ngoài ra, cũng có tình trạng là do lịch xét xử của Tòa án có thể trùng lịch xét xử của vụ án khác mà Luật sư là người bào chữa, nếu Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa thì nên trao đổi và cần được sự đồng ý của bị cáo, còn nếu tiếp tục xét xử thì có thể gửi ý kiến bào chữa. Theo Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ làn thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Chỉ trong trường hơp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Luật sư, gửi bản bào chữa là trường hợp bất khả kháng, tối kỵ trong hoạt động hành nghề của Luật sư, nên cần hết sức cân nhắc, tránh gây tâm lý hoang mang lo sợ cho bị cáo.

 

 

Điều đáng chú ý là ngay trong phần thủ tục, có thể xuất hiện tình huống hoặc nhu cầu hoãn phiên tòa. Trước hết, nhìn từ góc độ pháp lý, việc hoãn phiên tòa chỉ nảy sinh khi thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm: (a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật Tố tụng hình sự; (b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; (c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; (d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

 

 

Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu. Luật sư cũng cần có kỹ năng dự liệu tình huống Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong các trường hợp: (a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, viếc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.

 

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp luật thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

 

 

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án phần bốn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38484 sec| 966.633 kb