Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía".
Eleanor Roosevelt, Đệ nhất phu nhân Mỹ 1933 - 1945
Phiên tòa hình sự sơ thẩm là nơi điều tra công khai, thẩm tra các chứng cứ của vụ án với sự tham gia đầy đủ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Tại phiên toà, các bên có quyền đưa ra những tài liệu, chứng cứ mới, có quyền yêu cầu triệu tập và xét hỏi người làm chứng mới... để thực hiện việc chứng minh; thể hiện quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án hình sự.
Đối với luật sư hình sự, dù là người bào chữa hay người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, phiên tòa sơ thẩm cũng là nơi kết tinh kết quả lao động của luật sư từ các giai đoạn trước đó, là nơi luật sư thể hiện quan điểm bào chữa, bảo vệ của mình trước Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa.
Việc chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm cần được tiến hành một cách chu đáo, tỉ mỉ, bởi lẽ, như mọi công việc khác, chuẩn bị tốt là đã bảo đảm cơ hội 50% thành công.
Hoạt động chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm của luật sư bao gồm nhiều công việc hướng tới mục đích chung là bảo đảm sự chủ động, hiệu quả của việc bào chữa tại phiên tòa. Các công việc chuẩn bị tham gia phiên tòa cụ thể là:
Nghiên cứu hồ sơ là công việc luật sư cần tiến hành để nắm được bản chất của vụ án hình sự, định hướng cho các hoạt động tiếp theo của luật sư. Kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sẽ là tiền đề, là cơ sở để xác định những vấn đề cần giải quyết trong vụ án, những vấn đề cần phải trao đổi với thân chủ, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng, lên kế hoạch hỏi, định hướng bào chữa, bảo vệ cho thân chủ tại phiên tòa. Kết quả nghiên cứu hồ sơ là chất liệu cho việc lập kế hoạch hỏi, soạn thảo luận cứ bào chữa, bảo vệ. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự giúp luật sư nhìn nhận tổng quan vụ án một cách khách quan, có định hướng thu thập các chứng cứ trong vụ án hình sự có liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của mình.
Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa có quyền “thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu” (điểm h khoản 1 Điều 73 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu” (điểm a khoản 3 Điều 84 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015). Đây là công việc cần được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng mà luật sư tham gia, trong đó có thời điểm chuẩn bị tham gia phiên tòa. Ngoài các chứng cứ, tài liệu về diễn biến vụ việc, các tài liệu về nhân thân của thân chủ cũng rất cần thiết cho việc chuẩn bị bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa vì vấn đề nhân thân của bị cáo trong nhiều trường hợp có ý nghĩa định tội (ví dụ: từng bị xử phạt hành chính, từng bị kết án chưa được xóa án tích) và luôn là một trong các căn cứ quyết định hình phạt mà Hội đồng xét xử cần xem xét và cân nhắc trước khi tuyên án. Luật sư phải thu thập hoặc tư vấn cho gia đình nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng tất cả những tài liệu liên quan đến hoạt động của bản thân, những bằng khen, giấy khen, tài liệu phản ánh hoàn cảnh sống đặc biệt có ý nghĩa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...
Việc luật sư gặp, trao đổi với người mà mình bào chữa, bảo vệ có ý nghĩa rất quan trọng. Trong cuộc gặp, luật sư giải thích những vấn đề pháp luật cần thiết, liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ đồng thời cũng là dịp để luật sư thu thập thêm thông tin về vụ án hình sjw, về thân chủ, thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn cho thần chủ tham gia phiên tòa. Khi gặp gỡ thân chủ trước phiên tòa, luật sư thường trao đổi với thân chủ về các vấn đề như: những điểm chưa rõ trong hồ sơ mà khả năng thân chủ có thể làm rõ được; những điểm có mâu thuẫn trong lời khai của thân chủ và những người tham gia tố tụng; các tình tiết về hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ và những vấn đề về nhân thân của bị can, bị cáo, bị hại… Luật sư động viên tinh thần, giải thích về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa, ý nghĩa của các chứng cứ quan trọng đối với kết quả giải quyết vụ án hình sự; phân tích và thống nhất với thân chủ về định hướng bào chữa, bảo vệ và phương án hỏi tại phiên tòa.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Luận cứ bào chữa, bảo vệ là tài liệu luật sư cần chuẩn bị trước khi tham gia phiên tòa. Đây là tài liệu thể hiện tập trung quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ của luật sư, là kết tinh kết quả nghiên cứu hồ sơ và các hoạt động khác của luật sư. Việc chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ càng chu đáo với định hướng phù hợp thì khả năng thành công của luật sư tại phiên tòa càng cao.
Kế hoạch hỏi là tài liệu trong đó luật sư dự kiến những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa, trình tự và nội dung những câu hỏi để làm rõ các vấn đề đó, dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và các phương án giải quyết. Luật sư dự kiến kế hoạch hỏi tại phiên tòa để chủ động trong hoạt động hỏi, có thể hỏi đầy đủ, chính xác và nhanh chóng, tránh trường hợp hỏi lan man, trùng lặp, không làm rõ được các vấn đề có lợi cho bị cáo. Kế hoạch hỏi là tài liệu quan trọng, cần thiết phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi luật sư tham gia phiên tòa.
Trước khi tham gia phiên tòa, tùy từng vụ án hình sự, luật sư còn cần thực hiện các công việc khác kiểm tra lại luận cứ bào chữa, bảo vệ và kế hoạch hỏi; chuẩn bị các phương tiện, tài liệu liên quan
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm