Kỹ năng của luật sư: theo dõi, đề xuất khi tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm

"Về sự thật và công lý, không có sự khác biệt giữa những vấn đề lớn nhỏ, vì những điều liên quan tới cách con người được đối sử đều giống như nhau".

Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại

Kỹ năng của luật sư: theo dõi, đề xuất khi tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm

Kỹ năng theo dõi, đề xuất là một trong những kỹ năng quan trọng của Luật sư trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và phần xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự. 

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư cần lưu ý về kỹ năng này để đảm bảo bảo vệ cho quyền lợi của khách hàng. 

Luật sư cần phải có kỹ năng theo dõi diễn biến tại phiên tòa nhằm phát hiện ra những lời khai nào có lợi, lời khai nào bất lợi cho thân chủ cũng như thần chủ có được thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình không, Hội đồng xét xử có bảo đảm các thủ tục tố tụng tại phiên tòa không.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THEO DÕI, ĐỀ XUẤT TRONG PHẦN THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TÒA

Ngay sau khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, khai mạc phiên tòa, luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ cần chú ý theo dõi diễn biến của phiên tòa xem các thủ tục tố tụng mà Bộ Luật tố tụng hình sự quy định có được Hội đồng xét xử thực hiện đúng hay không, các quyền tố tụng của thân nhân đã có được bảo đảm hay không. Khi thư ký phiên toà báo cáo danh sách những người được triệu tập luật sư chú ý theo dõi để biết những người nào Tòa án triệu tập đã có mặt, người nào vắng mặt, còn thiếu người nào chưa được Tòa án triệu tập để chủ động chuẩn bị sẵn ý kiến đề xuất khi chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến luật sư.

Theo quy định tại Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp bị cáo vắng mặt do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, luật sư bào chữa cần đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị cáo.

Điều 291 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Vì vậy, khi có lịch phiên tòa, người bào chữa phải thu xếp công việc một cách hợp lý để tham gia phiên tòa bào chữa cho bị cáo; nếu vì lý do trở ngại khách quan không thể có mặt tại phiên tòa thì cần báo trước và đề nghị hoãn phiên tòa để Tòa án có thể quyết định hoãn phiên tòa tránh lãng phí thời gian và chi phí tổ chức phiên tòa.

Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Khi luật sư được chỉ định bào chữa phải bảo đảm có mặt tại phiên tòa làm nhiệm vụ bào chữa, tuyệt đối không được lợi dụng quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về việc hoãn phiên tòa khi vắng mặt để buộc Tòa án phải hoãn phiên tòa nhiều lần, kéo dài thời hạn xét xử và tốn kém về vật chất, lãng phí thời gian không cần thiết. Tuy nhiên, nếu người bào chữa định vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo vẫn có thể đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa và Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người bào chữa.

Theo quy định tại Điều 292 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 20115 nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi những người này vắng mặt thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người đó cần đánh giá xem quyết định nào của Hội đồng xét xử có lợi cho thân chủ của mình từ đó đề xuất Hội đồng xét xử quyết định

Điều 293 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở CQĐT thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Căn cứ quy định trên, tùy từng trường hợp cụ thể khi thấy vắng mặt người làm chứng, luật sư kiểm tra lời khai của người làm chứng, đối chiếu với lời khai khác, chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án xem sự vắng mặt đó có lợi hay gây bất lợi cho thân chủ mà đề nghị hoãn phiên toà hay tiếp tục xét xử.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử bắt buộc phải hoãn phiên tòa trong một số trường hợp như vắng mặt Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa chỉ định còn các trường hợp khác thì Hội đồng xét xử có quyền xem xét để quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử. Tùy vào từng vụ án, vào lợi ích của bị cáo hay của đương sự mà luật sư bào chữa đề nghị hoãn phiên tòa hoặc phản đối ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa của người khác cho phù hợp. Đối với trường hợp luật quy định vắng mặt phải hoãn phiên tòa thì luật sư chỉ cần để nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, nhưng với các trường hợp vắng mặt sẽ do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định thì luật sư cần chuẩn bị ý kiến để thuyết phục Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử.

Đối với trường hợp trước khi xét xử, luật sư bào chữa đề nghị Tòa án triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên đã giải quyết vụ án đến phiên tòa mà những người này vắng mặt thì luật sư trình bày ý kiến nêu rõ sự cần thiết phải có mặt của những người này mới làm rõ được vấn đề liên quan đến vụ án như có dấu hiệu mớm cung, bức cung, nhục hình khi hỏi cung và việc giải quyết khiếu nại về vấn để đó không đúng để đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập họ đen phiên tòa.

Luật sư bào chữa cần chú ý theo dõi xem chủ tọa phiên tòa có hỏi bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử không, nếu có thì trong thời hạn bao nhiêu ngày. Trường hợp bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử dưới 10 ngày thì chủ tọa phiên tòa có hỏi bị cáo xem bị cáo có đề nghị hoãn phiên tòa không. Nếu chủ tọa không hỏi là thiếu sót và luật sư cần đề nghị chủ tọa giải thích cho bị cáo rõ quyền này. Khi theo dõi chủ tọa giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị cáo, luật sư cần chú ý xem chủ tọa phiên tòa có giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và hỏi bị cáo có đề nghị thay đổi những người trên hay không. Nếu bị cáo chưa được giải thích thì luật sư để nghị chủ tọa phiên tòa giải thích để bị cáo được thực hiện quyền này. Khi thực hiện quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, luật sư đối chiếu với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự xem có căn cứ xác định người tiến hành tố tụng có vô tư trong khi làm nhiệm vụ hay không. Theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;                                             

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.  

Đối với căn cứ thứ nhất và thứ hai, nếu Kiểm sát viên, Thư ký hoặc thẩm phán, Hội thẩm thuộc một trong các căn cứ đó thì việc đề nghị thay đổi có thể dễ dàng vì nếu đã tham gia trong vụ án với tư cách người tham gia tố tụng hoặc là người đại diện, người thân thích của người tham gia tố tụng thì người bị đề nghị thay đổi khó chối cãi. Đối với căn cứ “không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”, đây là “căn cứ mở” có nội dung không thật. Cụ thể nhưng rất rộng nên luật sư phải có tài liệu viện dẫn cùng với việc phân tích lập luận để chứng minh sự không vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Luật sư bào chữa cần cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vì lý do không vô tư của họ, cần phân biệt ranh giới việc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng của bị cáo, đương sự với yêu cầu thay đổi của luật sư.

Trường hợp bảo vệ cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, nếu thấy thân chủ không được chủ tọa giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa hoặc không hỏi họ có để nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật thì luật sư bảo vệ phải đề nghị Hội đồng xét xử cho họ được thực hiện các quyền đó theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, nếu được tiếp xúc với thân chủ là bị cáo của vụ án, luật sư bào chữa sẽ có điều kiện căn dặn, thống nhất với bị cáo về những tình huống mới phát sinh, giúp bị cáo bình tĩnh, tự tin hơn. Tuy vậy, nếu không được sự đồng ý của Hội đồng xét xử thì cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp sẽ không để luật sư tiếp xúc với bị cáo. Do vậy, luật sư cần đưa ra ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được tiếp xúc với mình.

Trước khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa thường hỏi các luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ có ý kiến gì không. Nếu đồng ý thì trả lời luật sư không có ý kiến gì, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc; nếu thấy cần có ý kiến để bảo đảm quyền lợi của thân chủ thì trình bày ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ THEO DÕI, ĐỀ XUẤT TRONG PHẦN XÉT HỎI TẠI PHIÊN TÒA

Xét hỏi là một bước trong trình tự tranh tụng tại phiên tòa. Đây là điểm mới của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 (đã nhập phần xét hỏi và phần tranh luận trong cùng thủ tục tranh tụng tại phiên tòa). Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự nói chung, tranh tụng xét xử nói riêng đã được đề ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp” và “việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định”.

Với yêu cầu trên thì luật sư có vai trò quan trọng, bởi vì luật sư là một bên tranh tụng. Bằng việc tham gia tranh tụng của luật sư bào chữa, các chứng cứ buộc tội sẽ được phản biện, các chứng cứ gỡ tội cũng được đề nghị xem xét, tạo nên sự cân bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, bảo đảm ở đâu có buộc tội thì ở đó có bào chữa. Và điều quan trọng là từ kết quả tranh tụng, giúp cho Hội đồng xét xử có điều kiện cân nhắc, đánh giá để ra bản án giải quyết vụ án được chính xác. 

Muốn tranh tụng tại phiên tòa đạt kết quả, trước hết luật sư bào chữa phải có kỹ năng theo dõi diễn biến tại phiên tòa nhằm phát hiện ra những lời khai nào có lợi, lời khai nào bất lợi cho thân chủ cũng như thân chủ có được thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình không, Hội đồng xét xử có bảo đảm các thủ tục tố tụng tại phiên tòa không... Từ kết quả theo dõi, luật sư bào chữa đưa ra những đề xuất bảo vệ cho thân chủ.

Theo dõi diễn biến tại phiên tòa:

- Theo dõi Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng: Luật sư bào chữa nghe để phát hiện bản cáo trạng được công bố tại phiên tòa có đúng là cáo trạng đã có trong hồ sơ vụ án không. Nếu thấy có điểm nào khác, luật sư cần ghi lại để sau khi Kiểm sát viên đọc xong, luật sư có ý kiến với Hội đồng xét xử yêu cầu Kiểm sát viên làm rõ những điểm khác đó. Nếu thấy điểm khác này là bất lợi cho thân chủ thì đề nghị hoãn phiên tòa, chuyển bản cáo trạng cho bị cáo để bị cáo biết nội dung thay đổi trong bản cáo trạng. 

Theo quy định tại Điều 306 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi công bố xong cáo trạng, Kiểm sát viên có thể trình bày ý kiến bổ sung. Luật sư bào chữa chú ý nghe và ghi lại ý kiến này vì có nhiều trường hợp Kiểm sát viên giải thích về một điểm nào đó trong bản cáo trạng, nếu không nghe kỹ thì luật sư không nắm được để thực hiện việc bào chữa cho phù hợp. Nếu ý kiến bổ sung bất lợi cho bị cáo, luật sư phải có ý kiến đề nghị với Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến bổ sung đó.

- Theo dõi việc hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và luật sư khác.

Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền của chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi theo hướng chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản. Như vậy, luật sư bào chữa chỉ được hỏi sau khi Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đã hỏi. Để việc bào chữa, bảo vệ đạt kết quả, luật sư cần chú ý theo dõi những câu hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên xem các vấn đề cần hỏi đã được hỏi hết chưa, còn vấn đề nào liên quan đến thân chủ chưa được hỏi. theo dõi phát hiện lời khai của người tham gia tố tụng nào có lợi, lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp.

Ví dụ:

Trong vụ án B phạm tội cố ý gây thương tích đã nêu trên, khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị hại về việc chứng kiến sự việc tại nhà ông T. Ông Th khai “Khi vào trong nhà, tôi thấy anh B chửi vợ chồng anh T và xông vào đấm anh T, rồi vớ chiếc xô nhựa ở gần ghế sa lông đánh anh T, cốc chén bị vỡ loảng xoảng. Tôi chạy vào can cũng bị B dùng tuýp sắt đâm vào tay trái làm tôi bị thương”. Rõ ràng lời khai việc xô xát giữa B và gia đình nhà anh T không đúng như tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện B một mình đến nhà anh T đòi nợ thì bị cả nhà anh T đánh, khóa cửa lại và rất khó khăn mới chạy được ra ngoài.

Còn bị hại Th không trực tiếp chứng kiến việc xảy ra xô xát lúc ban đầu, nhưng lại khai như mình đã trực tiếp chứng kiến việc cãi chửi nhau giữa hai bên và đổ hết lỗi cho B. Trong trường hợp này sự việc xô xát diễn ra như thế nào có những ai tham gia thì B là người biết rõ hơn cả nên luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa cho B có thể hỏi bị hại để làm rõ sự việc xô xát và nguyên nhân dẫn đến việc Th bị thương. .

Trường hợp trong hồ sơ vụ án có nhận xét của cơ quan, tổ chức về những tình tiết vụ án, về quá trình công tác của bị cáo nhưng đại diện cơ quan, tổ chức vắng mặt mà Hội đồng xét xử không công bố nhận xét đó thì luật sư đề nghị Hội đồng xét xử công bố nhận xét của cơ quan, tổ chức.

Khi tham gia phiên tòa, dù là bị cáo hay bị hại thì thường họ hay bị áp lực và mất bình tĩnh bởi những cầu hỏi dồn dập mang tính áp đặt của KSVKiểm sát viên, các thành viên Hội đồng xét xử và cả luật sư phía đối lập nên khó có thể trả lời câu hỏi một cách chính xác. Có những trường hợp Kiểm sát viên đặt những câu hỏi phiến diện, thiếu khách quan, đặt câu hỏi gợi ý hướng bị cáo khai nhận tội hoặc có hiện tượng bức cung hỏi dồn dập không cho bị cáo có thời gian suy nghĩ trả lời hoặc phát hiện những vi phạm thủ tục tố tụng khác xâm phạm đến nhân phẩm danh dự của thân chủ.

Đối với những trường hợp này, luật sư cần có ý kiến phản đối việc Kiểm sát viên hay Hội đồng xét xử đặt ra những câu hỏi như vậy. Điều này có ý nghĩa quan trọng; trong việc tạo tâm lý ổn định và sự bình tĩnh cho bị cáo, nhất là những bị cáo là người dưới 18 tuổi. Việc xét hỏi bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội phải theo quy dịnh của Bộ Luật tố tụng hình sự và phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).       

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư: theo dõi, đề xuất khi tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.37804 sec| 1141.438 kb