Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình".
Brian Tracy, diễn giả truyền cảm hứng, người Mỹ
Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là kỹ năng đầu tiên trong quá trình tham gia giải quyết vụ án hình sự của luật sư.
Khách hàng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư. Không có khách hàng, không có tổ chức hành nghề luật sư nào tồn tại. Muốn thu hút khách hàng, luật sư cần có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng trao đổi với khách hàng thật tốt để tạo được ấn tượng và lòng tin của khách hàng.
Mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng là mối quan hệ quan trọng hàng đầu của luật sư và nghề luật sư. Luật sư phải có trách nhiệm, tận tâm trong việc thực hiện vụ việc của khách hàng; phải biết từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng; giải quyết xung đột về lợi ích.
Khách hàng của luật sư là tất cả những cá nhân, tổ chức mà luật sư cung cấp hoặc dự định sẽ cung cấp dịch vụ trong quá trình hành nghề của mình. Khách hàng đến với luật sư qua rất nhiếu nguồn và các kênh thông tin khác nhau như: uy tín, kinh nghiệm của luật sư; qua sách, báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do sự giới thiệu của các khách hàng khác... Như vậy, khách hàng của luật sư rất phong phú và đa dạng, bao gồm các nhóm khách hàng sau đây:
- Khách hàng hiện tại: Là tất cả những người đang sử dụng dịch vụ của luật sư.
- Khách hàng quen, khách hàng thường xuyên: Là những người có nhiều khả năng sử dụng dịch vụ của luật sư.
- Khách hàng tiềm năng: Là những khách hàng trong tương lai.
Ngoài ra còn có khách hàng vãng lai, tức là khách hàng không thường xuyên. Đây là những khách hàng lần đầu tiên đến với văn phòng của luật sư.
Trong một vụ án hình sự, để việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng đạt hiệu quả cao nhất, trước hết luật sư hình sự phải xác định rõ tư cách pháp lý của khách hàng trong vụ án hình sự, từ đó xác định luật sư hình sự tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hay là người bảo vệ quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Bên cạnh việc tham gia trực tiếp trong vụ án hình sự, luật sư cũng có thể làm đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, liên quan đến phần dân sự trong vụ án hình sự. Có thể thấy, trong vụ án hình sự, khách hàng của luật sư có một số điểm đặc thù, khác biệt so với các loại án khác như vụ án dân sự, hành chính...
Khách hàng trong vụ án hình sự tìm đến luật sư với nhu cầu mời luật sư bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ hoặc người thân của họ. Đối với trường hợp khách hàng có nhu cầu mới luật sư bào chữa, họ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Khách hàng gặp và mời luật sư bào chữa có thể là:
- Bị can, bị cáo:
Theo quy định tại Điều 60 vả Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa. Trong trường hợp họ được tại ngoại và có nhu cầu nhờ luật sư bào chữa thì có thể trực tiếp đến gặp luật sư.
Bị can là người hoặc pháp nhân đã bị khởi tố về hình sự. Một người hoặc một pháp nhân chỉ có thể bị khởi tố với tư cách bị can trong vụ án hình sự khi có đủ căn cứ xác định người hoặc pháp nhân đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Không ai hoặc pháp nhân nào có thể bị coi là bị can nếu không có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền.
Bị cáo là người hoặc pháp nhân bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ thời điểm này, bị can trở thành bị cáo. Tương tự như đối với bị can, để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị cáo có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.
Đối với pháp nhân thương mại, theo quy định tại Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố bị can, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc trường hợp không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng của luật sư hình sự là pháp nhân thương mại phạm tội thì người đến tìm gặp luật sư để trao đổi các thông tin về vụ việc của pháp nhân thương mại là người đại diện của pháp nhân đó. Tuy nhiên, tư cách khách hàng là tư cách của pháp nhân thương mại phạm tội chứ không phải là tư cách của cá nhân người đại diện của pháp nhân thương mại. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội. Trong đó, có những tội phạm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... nhưng cũng có tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như: Tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. Vì vậy, đối tượng khách hàng là pháp nhân thương mại phạm tội nhờ luật sư bào chữa chỉ liên quan tới nhóm 33 tội danh nêu trên.
- Người thân thích của người bị buộc tội:
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Do đó, trong trường hợp người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam thì người thân thích của họ có thể đến gặp luật sư để nhờ luật sư bào chữa cho người bị buộc tội.
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người thân thích của người bị buộc tội gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột. Như vậy, trong trường hợp có người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì người thân thích của các đối tượng này có quyền tìm gặp luật sư để nhờ bào chữa.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng người tham gia tố tụng mới, đó là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Đây là người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội. Việc quy định địa vị pháp lý của những người này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia tố tụng, thậm chí ngay khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa. Do đó, người thân thích của họ có quyền đến nhờ luật sư bào chữa.
- Người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần:
Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi thì người đại diện của họ có quyền liên hệ nhờ luật sư bào chữa.
Bên cạnh đối tượng khách hàng tìm đến luật sư với nhu cầu mời luật sư bào chữa, trên thực tế còn có khách hàng có nhu cầu mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Đó là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ mời luật sư bảo vệ.
- Bị hại:
Bị hại là khái niệm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trên cơ sở kế thừa khái niệm người bị thiệt hại, người bị hại trong các quy định trước đó. So với khái niệm người bị hại, khái niệm bị hại rộng hơn, không chỉ gồm cá nhân mà cả cơ quan, tổ chức trực tiếp bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Quy định mới này nhằm bảo đảm tính công bằng giữa cá nhân và cơ quan, tổ chức cùng bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội.
Theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì bị hại có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Do đó, trường hợp bị hại nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ thì họ sẽ trở thành khách hàng của luật sư.
- Nguyên đơn dân sự:
Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra. So với bị hại, thiệt hại của nguyên đơn dân sự là thiệt hại gián tiếp, không phải là đối tượng tác động của tội phạm. Theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì họ có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Trường hợp nguyên đơn dân sự nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ thì họ sẽ trở thành khách hàng của luật sư.
- Bị đơn dân sự:
Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điêu 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì họ có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Trường hợp bị đơn dân sự nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ thì họ sẽ trở thành khách hàng của luật sư.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì họ có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ thì họ sẽ trở thành khách hàng của luật sư.
Khách hàng giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư. Không có khách hàng, không được khách hàng tin cậy và sử dụng dịch vụ pháp lý đồng nghĩa với sự thất bại của luật sư. Do đó, khách hàng và sự hài lòng của khách hàng chính là thước đo khẳng định sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư.
Trên thực tế, nhận biết rõ đối tượng khách hàng và đặc điểm tâm lý của khách hàng là vấn đề luật sư cần quan tâm khi tiếp xúc với họ. Khách hàng của luật sư rất đa dạng, họ có thể làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, với trình độ chuyên môn, nhận thức khác nhau, với đặc điểm tâm lý khác nhau. Đối với người bị buộc tội, họ có thể có tâm lý hoang mang, dao động, mặc dù nắm chắc sự việc nhưng lại muốn che giấu hành vi của mình. Đối với người thân thích của người bị buộc tội, họ thường không nắm chắc sự việc và có thể chỉ biết đến sự việc qua người khác hoặc nghe nói lại, với yêu cầu là mong được luật sư giúp đỡ.
Đối với bị hại hoặc người thân của bị hại, họ thường tỏ ra nôn nóng, buồn bực, thậm chí có thái độ căm thù bị cáo và muốn trả thù... Vì vậy, tùy từng đối tượng khách hàng, luật sư cần có kỹ năng giao tiếp và trao đổi phù hợp, được thể hiện qua các kỹ năng nghe, nói, trình bày để khách hàng tin tưởng, lựa chọn mình.
Đối với những khách hàng trong các vụ án chức vụ, tham nhũng, kinh tế: Đây là đối tượng khách hàng có yêu cầu cao và thường có đặc điểm chung là hiểu biết rộng, có trình độ chuyên môn cao, có những mối quan hệ nhất định đối với nhiều người có chức vụ trong xã hội. Đây là nhóm khách hàng khá “khó tính”, họ hiểu rõ về pháp luật, có nhiếu mối quan hệ, có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng ký những hợp đổng chi phí cao nhưng đòi hỏi luật sư cũng phải làm việc rất chuyên nghiệp. Khi giao tiếp, trao đổi với nhóm khách hàng này, nếu luật sư thể hiện sơ sót, yếu về chuyên môn, khả năng nghe và nói không tốt thì việc không được khách hàng lựa chọn ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý là rất cao.
Bởi vậy, đối với những loại án này, luật sư được lựa chọn thường là những luật sư hình sự có uy tín, kinh nghiệm để có thể bảo vệ quyền lợi cho khách hàng một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, do là người có trình độ chuyên môn nên bị can cũng có những quan điểm, lập luận để tự bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. Luật sư đã trao đổi để biết được các quan điểm tự bảo vệ của thân chủ từ đó có phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bị can.
Đối với khách hàng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, mặc dù chưa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng họ đã bị cơ quan điều tra mời lên đề lấy lời khai, xác minh sự việc. Đối với nhóm khách hàng này, họ hoàn toàn có quyền được mời luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích trong các vấn đề có liên quan đến vụ án. Sau khi khách hàng viết đơn mời luật sư, ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư hình sự xác định vai trò, vị trí của khách hàng có liên quan đến vụ án như thế nào, từ đó thực hiện các kỹ năng phù hợp để tư vấn nhằm bảo đảm tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng mà mình bảo vệ. Việc tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong giai đoạn chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can sẽ gặp nhiều khó khăn. Bản thân khách hàng chưa nhận thức rõ được hết hành vi của mình, việc trao đổi tường trình lại sự việc với luật sư hình sự đôi khi còn không được rõ ràng.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Hội đồng luật sư Toàn quốc xác định mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng là mối quan hệ quan trọng hàng đầu của luật sư và nghề luật sư. Quy tắc quan hệ với khách hàng (quy định tại Chương II Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) quy định: luật sư phải có trách nhiệm, tận tâm trong việc thực hiện vụ việc của khách hàng; phải biết từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng; giải quyết xung đột về lợi ích.
Khi phải đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý thì luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện lựa chọn luật sư khác, trên tinh thần tôn trọng khách hàng, quyền lợi của khách hàng, với thái độ ôn hòa, không sử dụng lời lẽ có tính chất xúc phạm đối với khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nghề luật sư cũng như của khách hàng.
Mối quan hệ pháp lý giữa luật sư với khách hàng trong vụ án hình sự thường phát sinh thông qua các hình thức như:
- Khách hàng tự tìm đến luật sư;
- Khách hàng tìm đến luật sư trong vụ án hình sự qua bạn bè, người quen, qua quảng cáo dịch vụ pháp lý;
- Qua chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các trường hợp bắt buộc phải có luật sư tham gia.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì trong các trường hợp sau đây, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
(i) Bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình. So với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng trường hợp chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân.
(ii) Người bị buộc tội có nhược điểm vế thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Như vậy, ngoài các hình thức khách hàng trực tiếp tìm đến luật sư nhờ bào chữa, bảo vệ thì mối quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng có thể được hình thành thông qua hình thức chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thực tế cho thấy, khi khách hàng tìm đến luật sư và có nhu cầu mời luật sư bào chữa, bảo vệ thì sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa luật sư với khách hàng nếu đạt được thỏa thuận từ hai phía. Có thể thấy, quan hệ pháp lý giữa luật sư với khách hàng là một loại quan hệ dân sự thông qua những hợp đồng dịch vụ pháp lý, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, thể hiện bằng đơn mời luật sư tham gia trong quá trình tố tụng, được thiết lập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của khách hàng. Nếu như mối quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng được xác lập thì sẽ làm phát sinh các hoạt động đặc thù của luật sư như: gặp gỡ bị can, bị cáo; nghiên cứu hồ sơ; trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng, chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ; tham gia tranh tụng tại phiên toà...
Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư giữ vị trí quan trọng trong quá trình hành nghề của luật sư. Chính vì vậy, khi thiết lập quan hệ với khách hàng, luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng.
Để mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng luôn tốt đẹp thì luật sư phải tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng và có trách nhiệm giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của khách hàng trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện dịch vụ. Khi nhận vụ việc, luật sư phải thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư trong việc thực hiện yêu cầu của khách hàng. Luật sư không được chuyển giao vụ việc mà mình đang đảm nhận cho luật sư khác hoặc làm thay trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc bất khả kháng.
Việc cung cấp dịch vụ đối với khách hàng cần phải đảm bảo tính pháp lý, tôn trọng pháp luật và tôn trọng nguyện vọng của khách hàng. Tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng không có nghĩa là cứ có yêu cầu của khách hàng (bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc tham gia bào chữa) thì luật sư không được từ chối. Ngược lại, nét văn hóa của luật sư trong việc tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng còn được thể hiện ở việc luật sư chỉ nhận những vụ việc theo khả năng chuyên môn và điều kiện của mình trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng. Luật sư nhận việc không đúng với chuyên môn nghiệp vụ, không phù hợp với điều kiện của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dịch vụ pháp lý, đến quyền lợi của khách hàng, làm giảm lòng tin của khách hàng vào cá nhân luật sư đó và giới luật sư.
Do vậy, luật sư cũng hoàn toàn có thể từ chối những nguyện vọng trái đạo đức, trái pháp luật. Đối với những khách hàng không tôn trọng luật sư, nghề luật sư, không tôn trọng pháp luật, muốn lợi dụng hình ảnh hoặc lợi dụng luật sư cung cấp chứng cứ giả, yêu cầu luật sư phải thực hiện những công việc không đúng chuẩn mực của nghề luật sư, thì luật sư hoàn toàn có quyền từ chối không nhận vụ việc của những khách hàng này. Điều quan trọng trong mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng là luật sư có thể đem đến cho khách hàng lời khuyên vô tư, không bị áp lực bởi ảnh hưởng từ bên thứ ba, khách hàng phải được lựa chọn luật sư bằng ý chí tự do của riêng mình và luật sư cũng không bị áp lực (áp lực tài chính, hoặc áp lực khác) từ một bên thứ ba nào có thể làm ảnh hưởng tới việc nhận lời hay từ chối bào chữa, bảo vệ cho khách hàng.
Luật sư có quyền từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý nếu yêu cầu của khách hàng không có căn cứ. Do vậy, nếu yêu cầu của khách hàng vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc nếu thực hiện yêu cầu đó dẫn đến việc luật sư vi phạm pháp luật hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư thì luật sư phải từ chối thực hiện yêu cầu của khách hàng.
Để xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, ngoài việc tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng, nghĩa vụ của luật sư là phải giữ gìn bí mật thông tin của khách hàng: “1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quỵ định của pháp luật. 2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" (Quy tắc 7 Chương II Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghềnghiệp luật sư Việt Nam).
Trên thực tế, khách hàng có tin tưởng mới lựa chọn luật sư để đứng ra bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Khách hàng sẽ không lựa chọn người mà họ không tin tưởng để trao gửi số phận pháp lý hoặc quyền lợi hợp pháp của họ cho luật sư đứng ra bảo vệ. Khi tin tưởng luật sư, khách hàng sẽ chia sẻ những thông tin, kể cả những bí mật riêng tư, để luật sư hình sự bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Việc khách hàng tin tưởng, hợp tác, chia sẻ bí mật của khách hàng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho luật sư trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý. Thế nên việc luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng (bí mật thông tin do luật sư biết được trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý hoặc do chính khách hàng cung cấp) sẽ tạo nên uy tín của luật sư.
Ngược lại, luật sư hình sự không giữ được bí mật thông tin của khách hàng sẽ không chỉ mất lòng tin của chính khách hàng đó mà còn mất lòng tin với những người khác và vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Mối quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng là mối quan hệ cơ bản, làm phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa luật sư và khách hàng thông qua dịch vụ pháp lý và đơn mời luật sư của khách hàng, kể cả trong trường hợp trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, hai bên phải xác lập rõ ràng nội dung tham gia, quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Việc xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ pháp lý của luật sư và khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý nhằm tránh những mâu thuẫn, khiếu nại của khách hàng đối với luật sư hoặc của luật sư đối với khách hàng trong quá trình giải quyết vụ việc (nếu có). Ví dụ: Việc tính thù lao đối với từng vụ việc cũng phải được thông báo rõ ràng, được ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, trong trường hợp phát sinh phí thù lao thì cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Điều này sẽ tránh được những rủi ro trong mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng.
Sau ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, để thực hiện nhiệm vụ của mình đối với vụ việc của khách hàng, luật sư phải chủ động, nhiệt tình và có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sau khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý khách hàng đã có thái độ không tôn trọng pháp luật, yêu cầu những vấn đề trái luật, trái đạo đức, khách hàng không tôn trọng ý kiến tư vấn của luật sư giải quyết sự việc đúng pháp luật mặc dù đã được luật sư giải thích, phân tích hoặc khách hàng không tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng pháp lý đã ký, cố tình vi phạm các điều khoản trong hợp đồng, cung cấp chứng cứ giả... Trong những trường hợp này, luật sư hoàn toàn có thề từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký.
Mỗi khách hàng đến gặp luật sư đều có một hoàn cảnh khác nhau, vụ việc khác nhau, vì vậy quan hệ pháp lý giữa luật sư đối với từng vụ việc hay từng khách hàng cũng không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung chính là hợp đồng dịch vụ pháp lý. Bởi mọi phát sinh sau đó đều xuất phát từ hợp đồng dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, chúng ta đều nhận thấy trong nhiều vụ án có nhiều khách hàng mời một luật sư (ví dụ: những vụ án đòi bồi thường đất) hoặc một khách hàng mời nhiều luật sư (ví dụ các vụ án hình sự gần đây) thì vấn đề này có làm ảnh hưởng đến quan hệ pháp lý của luật sư đối với khách hàng không? Câu trả lời là không vì trong mỗi vụ án mà luật sư tham gia đều phải trao đổi thật rõ ràng trong hợp đồng pháp lý về nhiệm vụ của mình, về phần việc mình đảm nhiệm và thực hiện theo đúng hợp đồng, đúng vai trò của mình. Có như vậy mới không chồng chéo vai trò, trách nhiệm giữa các luật sư đồng nghiệp với khách hàng và giữ được mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng.
Như vậy, để xây dựng một quan hệ tốt với khách hàng thì luật sư hình sự cần hiểu được các yêu cầu, nguyện vọng của khách hàng. Họ có thể có những mong đợi chính đáng như: Cần luật sư hình sự cho họ những lời khuyên tốt nhất; họ muốn được vô tội, muốn đòi lại những gì đã mất, muốn mình chỉ phải chịu một hình phạt nhẹ nhất... Khách hàng luôn mong muốn luật sư phải coi việc của khách hàng là quan trọng, phải toàn tâm, toàn ý và thể hiện cho khách hàng thấy luật sư đang cố gắng làm những điều tốt nhất cho họ, muốn số tiền mình bỏ ra là xứng đáng, tương xứng với việc làm của luật sư. Bên cạnh những nhu cầu thực tế, khách hàng trong vụ án hình sự cũng có thể có những mong đợi thiếu hiện thực như: Luật sư phải đổi trắng thay đen (cãi cho mình từ có tội thành vô tội); luật sư có thể làm mọi việc mà bản thân họ lại không phải làm bất cứ việc gì...
Có thể thấy, yêu cầu và nguyện vọng của khách hàng rất phong phú và đa dạng. Do vậy, để giữ được mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng thì luật sư hình sự phải hiểu được các yêu cầu của khách hàng và giải thích cho họ hiểu luật sư sẽ làm những điều tốt nhất cho khách hàng, tuy nhiên, những yêu cầu thiếu hiện thực, trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp luật sư thì sẽ không thực hiện.
Có thể thấy, việc tham gia giải quyết vụ án hình sự có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ pháp lý giữa luật sư hình sự và khách hàng.
Đây là mối quan hệ nhạy cảm, dựa trên quy định của pháp luật với một bên có nhu cầu dịch vụ pháp lý và một bên thực hiện dịch vụ pháp lý. Trên thực tế, luật sư hình sự phải kết hợp và coi khách hàng như một người cộng sự trong quá trình giải quyết bào chữa, bảo vệ. Nếu tinh thần hợp tác của mối quan hệ đó trên cơ sở luật định không tốt thì khó tránh khỏi các vụ việc khách hàng khiếu nại, khởi kiện luật sư, yêu cầu luật sư bồi thường thiệt hại... mà không cần biết luật sư có lỗi hay không hoặc có hay không có thiệt hại trên thực tế...
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác)
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm