Kỹ năng của Luật sư: nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía".

Eleanor Roosevelt, Đệ nhất phu nhân Mỹ 1933 - 1945

Kỹ năng của Luật sư: nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là bước rất quan trọng để củng cố chứng lý, giúp luật sư hình sự tranh biện tại tòa án. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án hình sự vô cùng quan trọng, giúp luật sư hình sự tập trung vào những điểm nhấn cần thiết để bào chữa, bảo vệ cho khách hàng.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các họat động xem xét, đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm nắm vững bản chất vụ án, diễn biến của hành vi phạm tội, qua đó xác định sự thật khách quan của vụ án. 

Liên hệ

I- KHÁI LƯỢC VỀ HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hoặc lập ra trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, được sắp xếp theo một trình tự nhất định để phục vụ cho việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc lập hồ sơ vụ án hình sự, theo đó: Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.

Hồ sơ vụ án hình sự bao gồm:

- Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;

- Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;

- Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án;

- Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

Hồ sơ vụ án phải có bản thống kê tài liệu kèm theo. Bản thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu đó (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có bản thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu trữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hồ sơ vụ án hình sự, khi tiến hành các hoạt động tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ban hành, lập biên bản theo mẫu thống nhất. Hiện nay, khi ban hành các văn bản tố tụng hay lập biên bản các hoạt động tố tụng trong quá trình tham gia quyết vụ án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng các mẫu biên bản được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, cụ thể:

- Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự (Thông tư số 61/2017/TT-BCA), áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

- Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố (Quyết định số l5/QĐ-VKSTC).

- Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Các loại tài liệu và cách sắp xếp hồ sơ vụ án hình sự.

Bộ luật hình sự chia tội phạm thành nhiều nhóm khác nhau, như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về ma túy, tội phạm chức vụ... Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng loại tội phạm, hồ sơ vụ án có thể có những loại tài liệu đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, hồ sơ vụ án hình sự thường bao gồm các nhóm tài liệu sau:

- Các văn bản tố tụng như quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, quyết định phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên.

- Các văn bản về thủ tục liên quan đến việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn như lệnh bắt bị can để tạm giam.

- Các tài liệu liên quan đến việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, kê biên tài sản, xử lý vật chứng.

- Các biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng như: Biên bản hỏi cung bị can; biên bản ghi lời khai của người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, người bị bắt, bị tạm giữ; biên bản ghi lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; biên bản ghi lời khai của người chứng kiến; biên bản đối chất...

- Các tài liệu về kết quả điều tra không thuộc lời khai của những người tham gia tố tụng như: Tài liệu giám định; tài liệu định giá tài sản; tài liệu về hiện trường, biên bản xác minh; hợp đồng, hóa đơn, chứng từ tài liệu liên quan khác.

- Các tài liệu về nhân thân bị can như: Lý lịch bị can; danh bản, chỉ bản; yêu cầu tra cứu trích lục tiền án, tiền sự hoặc trích sao bản án hình sự trích lục tiền án, tiền sự; trong trường hợp bị can, bị cáo là người đã từng có tiền án, trong hồ sơ sẽ có trích sao bản án hình sự đối với vụ án trước đó của bị can; trong trường hợp bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, còn có các tài liệu liên quan đến việc chứng minh độ tuổi của bị can, bị cáo

- Các tài liệu về nhân thân bị hại.

- Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra (nếu có).

- Các tài liệu liên quan đến người bào chữa, người bảo vệ như: Yêu cầu phân công người bào chữa (trong trường hợp chỉ định người bào chữa); hồ sơ đăng ký bào chữa của luật sư; thông báo về việc đăng ký bào chữa; thông báo từ chối việc đăng ký bào chữa; văn bản kiến nghị, bài bào chữa, bảo vệ...

- Các tài liệu kết thúc điều tra - bản kết luận điều tra.

- Các tài liệu trong giai đoạn truy tố do Viện kiểm sát lập như: Biên bản hỏi cung bị can (phúc cung), biên bản ghi lời khai, bản cáo trạng...

- Các tài liệu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (do Tòa án lập).

- Các tài liệu của Tòa án cấp trên khi hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại (nếu có).

Khi kết thúc giai đoạn điều tra, hồ sơ vụ án hình sự được đánh số bút lục, sắp xếp theo một trình tự nhất định, theo từng nhóm tài liệu có liên quan với nhau, trong cùng nhóm tài liệu, lấy thời gian thu thập làm căn cứ để sắp xếp theo thứ tự tài liệu nào thu thập trước sắp xếp trước, tài liệu nào thu thập sau sắp xếp sau.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự  (Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT VKSNDTC-BCA-BQP), việc thống kê, đánh số và đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra và trong giai đoạn truy tố được thực hiện như sau:

- Khi kết thúc điều tra, các biên bản, tài liệu trong quá trình khởi tố, Điều tra do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Điều tra viên đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các biên bản, tài liệu theo thứ tự từ 01 đến hết.

Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Điều tra viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Điều tra viên được đưa vào hồ sơ vụ án;

- Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và được đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi số thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VÀ TRÍCH DẪN TÀI LIỆU CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ

1- Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án là cách thức luật sư hình sự sử dụng để nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ, việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào phụ thuộc vào đặc điểm của từng vụ án cụ thể cũng như kinh nghiệm thực tiễn của từng luật sư hình sự. Về cơ bản, có hai phương pháp nghiên cứu hồ sơ thường được áp dụng, cụ thể là:

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo trình tự tố tụng diễn ra theo thời gian, tức là bắt đầu nghiên cứu hồ sơ từ các tài liệu tố tụng như quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố bị can; các quyết định phê chuẩn, yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, các quyết định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn; biên bản ghi lời khai của bị can, bị cáo, các đối tượng liên quan trong vụ án; biên bản hiện trường; kết luận giám định; kết luận điều tra; bản cáo trạng; các tài liệu liên quan khác...

Nghiên cứu hồ sơ theo phương pháp này bắt đầu từ các tài liệu tố tụng rồi mới đến các tài liệu xác định về hành vi phạm tội của bị can, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... Phương pháp nghiên cứu hồ sơ này có ưu điểm là giúp luật sư hình sự nhìn nhận, đánh giá các thông tin khách quan hơn, không bị chi phối, ảnh hưởng, phụ thuộc vào quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, song lại có nhược điểm là mất nhiều thời gian mới nắm vững được các tình tiết của vụ án cũng như quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ này thường được áp dụng để nghiên cứu hồ sơ đối với các vụ án hình sự không quá phức tạp, ít bị can, bị cáo, số lượng bút lục không nhiều.

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng, bắt đầu từ việc nghiên cứu bản cáo trạng, bản kết luận điều tra để nắm được tổng thể diễn biến vụ án, hành vi phạm tội, ý thức của bị can, bị cáo, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quan điểm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với việc giải quyết vụ án. Tiếp đó nghiên cứu đến các tài liệu khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, ngay sau khi nghiên cứu bản cáo trạng, kết luận điều tra, luật sư hình sự đã có cái nhìn tổng thể về nội dung vụ án. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, luật sư hình sự có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Cơ quan điều tra cũng như quan điểm truy tố của Viện kiểm sát dẫn đến định kiến, thiếu sáng suốt khi nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án, không nhìn ra những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong hồ sơ vụ án.

Đối với vụ án hình sự phức tạp, nhiều bị can, bị cáo, liên quan đến nhiều tội danh, số lượng hồ sơ vụ án lớn, nếu sử dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo trình tự tố tụng sẽ mất nhiều thời gian và có thể sẽ dẫn đến việc nghiên cứu cả những tài liệu không cần thiết, không liên quan nhiều đến thân chủ luật sư hình sự nhận bảo vệ.

Do đó, trong trường hợp này, luật sư hình sự có thể áp dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng, bởi vì sau khi nghiên cứu bản cáo trạng, kết luận điều tra, luật sư sẽ có được cái nhìn tổng thể về nội dung vụ án, từ đó giúp luật sư xác định được vị trí, vai trò của thân chủ mình trong vụ án, mối quan hệ đan xen giữa thân chủ mình nhận bảo vệ với các bị can, bị cáo khác trong vụ án... từ đó, luật sư có thể lựa chọn, xác định những tài liệu liên quan đến thân chủ trong hồ sơ vụ án để tập trung nghiên cứu, loại bỏ những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không liên quan đến thân chủ của mình

2- Phương pháp trích dẫn tài liệu vụ án hình sự

Hồ sơ vụ án hình sự thường bao gồm nhiều loại tài liệu khác nhau. Với vai trò tham gia vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, mục đích nghiên cứu hồ sơ vụ án của luật sư hình sự là để nắm được bản chất sự việc, tìm ra các tài liệu, chứng cứ có lợi, bất lợi cho thân chủ để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Thực tế, khi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hay tham gia phiên tòa, luật sư hình sự không thể lúc nào cũng mang theo toàn bộ hồ sơ vụ án để sử dụng, viện dẫn.

Để thuận tiện cho việc sử dụng các căn cứ đã được tìm ra trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư cần ghi chép lại, trích dẫn các căn cứ, nội dung cần thiết sẽ sử dụng trong quá trình tố tụng. Khi ghi chép, bên cạnh việc trích dẫn chính xác về nội dung, ngày, tháng, cần ghi rõ tên tài liệu, số bút lục của tài liệu trích dẫn để đối chiếu, tìm kiếm trong trường hợp cần thiết.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- LUẬT SƯ HÌNH SỰ TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, từ cái nhìn toàn diện đối với vụ án, luật sư hình sự nên lập bản tóm tắt nội dung, quá trình giải quyết vụ án, điều đó sẽ giúp luật sư hình sự hệ thống lại toàn bộ sự việc một cách đầy đủ, toàn diện.

Bản tóm tắt nội dung, quá trình giải quyết vụ án bao gồm các nội dung sau:

- Các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong vụ án;

- Những người tham gia tố tụng trong vụ án;

- Quá trình tố tụng giải quyết vụ án, các quyết định tố tụng liên quan;

- Tóm tắt diễn biến sự việc, hành vi phạm tội, chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo;

- Nhân thân của bị can, bị cáo;

- Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

- Thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội;

- Ý thức của bị can, bị cáo, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội;

- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

- Việc thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu và việc xử lý vật chứng;

- Lý do, căn cứ đề nghị truy tố, tội danh, điều, khoản, điểm của Bộ luật tố tụng hình sự được áp dụng;

- Quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

Nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư: nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.61862 sec| 1152.008 kb