Kỹ năng của Luật sư: tham gia một số hoạt động điều tra vụ án hình sự

"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ".

- John Adams Jr, 1735 - 1826, Tổng thống thứ hai của Mỹ

Kỹ năng của Luật sư: tham gia một số hoạt động điều tra vụ án hình sự

Luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, góp phần hạn chế việc vi phạm pháp luật của điều tra viên khi tiến hành điều tra vụ án, góp phần đảm bảo cho hoạt động điều tra khách quan, toàn diện, đầy đủ.

Giai đoạn điều tra là giai đoạn có tính quyết định của quá trình tiến hành tố tụng, người bị tạm giữ, bị can chỉ là đối tượng bị “tình nghi phạm tội”, nếu thiếu thận trọng thì khoảng cách giữa không phạm tội và phạm tội hoặc giữa lỗi và tội dễ bị xóa nhòa.

Liên hệ

I- PHẠM VI CỦA LUẬT SƯ HÌNH SỰ KHI THAM GIA VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

Để biết được phạm vi hoạt động điều tra luật sư tham gia, cần phải có nhận thức thống nhất, cơ bản về hoạt động điều tra vụ án hình sự. Trước hết, điều tra hình sự là giai đoạn thứ hai sau giai đoạn khởi tố vụ án do cơ quan điều tra (bao gồm cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra - sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền điều tra) thực hiện. Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, pháp luật quy định, trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra được tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đảm bảo mọi hoạt động điều tra đúng pháp luật.

Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các hoạt động điều tra một cách khách quan, toàn diện và chính xác, đảm bảo cho việc xử lý vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là phải thu thập được những chứng cứ, bao gồm cả chứng cứ buộc tội để chứng minh tội phạm, người, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội, xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, cũng như chứng cứ xác định các tình tiết khác của vụ án để làm rõ những vấn đề cần chứng minh theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Phạm vi của giai đoạn điều tra vụ án hình sự được xác định từ khi có quyết định khởi tố vụ án và kết thúc khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban hành bàn kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ban hành bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định từ Chương XI đến Chương XVII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể là khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai nhận dạng, đối chất... hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Như vậy, điều tra là giai đoạn TTHS, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp điều tra, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định để xác định tội phạm và người, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc truy tố của VKS, xét xử của Tòa án.

Thực tiễn cho thấy, không phải người bị buộc tội nào (người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) và những người tham gia tố tụng khác như bị hại, nguyên đơn dân sự... cũng có khả năng tự bào chữa, tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Do vậy, pháp luật quy định họ có thể nhờ người khác trong đó có luật sư, thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015, bị can trong vụ án hình sự là người hoặc pháp nhân thương mại bị khởi tố về hình sự, họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa. Khi bị can thực hiện quyền “nhờ người bào chữa”, sau khi làm các thủ tục về đăng ký bào chữa theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì luật sư được mời chính thức trở thành người bào chữa, có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Có thể nói rằng, quyền của luật sư khi tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung, trong đó có tham gia vào các hoạt động điều tra nói riêng được bắt nguồn từ quyền của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự.

Về thời điểm luật sư tham gia hoạt động tố tụng, Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKS có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.

Theo quy định nêu trên, người bào chữa nói chung, luật sư nói riêng được tham gia tố tụng, trong đó có việc tham gia một số hoạt động điều tra từ một trong ba thời điểm, đó là:

- Thứ nhất: Từ khi khởi tố bị can;

- Thứ hai: Từ khi người bị bắt (trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, đang bị truy nã) có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ;

- Thứ ba: Từ khi kết thúc điều tra trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và thẩm quyền quyết định việc tham gia các hoạt động tố tụng của luật sư thuộc về Viện trưởng VKS có thẩm quyền.

Mỗi thời điểm nêu trên đều gắn với một quyết định tố tụng cụ thể của người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Thực tiễn chứng minh rằng việc luật sư có thể tham gia tố tụng ở thời điểm thứ hai là rất hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau, còn ở thời điểm thứ ba thì luật sư chỉ có thể tham gia vào một số hoạt động điều tra bổ sung bởi vì đã kết thúc điều tra những vụ án có hoạt động điều tra bổ sung hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Viện trưởng VKS có thẩm quyền.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, việc tham gia một số hoạt động điều tra của luật sư chủ yếu là ở thời điểm "từ khi khởi tố bị can". Theo quy định của pháp luật, việc hỏi cung bị can phải do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Trước khi hỏi cung bị can, điều tra viên phải thông báo cho kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên sẽ tham gia việc hỏi cung bị can. Địa điểm hỏi cung bị can có thể được thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó (khoản 1 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Như vậy, luật sư có thể tham gia các hoạt động điều tra, cụ thể là gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Luật sư có thể trực tiếp thực hiện hoạt động hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can sau khi hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can của người có thẩm quyền kết thúc. Ngoài ra, sự tham gia của luật sư vào một số hoạt động điều tra còn được thể hiện bằng việc có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Ví dụ: Luật sư có mặt khi cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại hiện trường vụ án hình sự, khám xét nơi ở - trụ sở làm việc của bị can là cá nhân hay pháp nhân thương mại phạm tội. Để bảo đảm cho luật sư thực hiện được các hoạt động nêu trên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác.

Đồng thời, luật sư tham gia vào một số hoạt động điều tra còn được thể hiện ở hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp thu thập chứng cứ. "Người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa'’ (khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Đây là lần đầu tiên Bộ luật tố tụng hình sự ghi nhận quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa bao gồm việc chủ động gặp thân chủ mình và những người khác để hỏi và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để người bào chữa có thể thu thập chứng cứ phục vụ mục tiêu bào chữa qua đó giúp quyền bào chữa của người bị buộc tội được đảm bảo tốt hơn. Đồng thời, luật sư còn các quyền khác như: đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản...

Từ những nội dung nêu trên có thể nhận thấy, phạm vi tham gia một số hoạt động điều tra của luật sư về thời gian bắt đầu từ ba thời điểm đã nêu và kết thúc khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ban hành bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC LUẬT SƯ HÌNH SỰ THAM GIA VÀO GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA

Giai đoạn điều tra vụ án hình sự, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can chỉ là đối tượng bị tình nghi phạm tội chứ chưa phải là người phạm tội. Pháp luật quy định về thẩm quyền, về các hoạt động, về thời hạn điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội (gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại). Giai đoạn điều tra có một số đặc điểm mà luật sư cần lưu ý là: điều tra viên luôn là người nắm quyền chủ động, đôi khi có tâm lý coi thường người bị buộc tội, có xu hướng buộc tội, còn người bị buộc tội là người yếu thế, bị động, thường có tâm lý hoang mang, dao động, không ổn định khi khai báo nên dễ có lời khai khác nhau. Tham gia hoạt động điều tra là một trong những quyền tố tụng quan trọng của luật sư, đồng thời là một trong những phương thức quan trọng để luật sư thực hiện chức năng của mình. Tham gia vào một số hoạt động điều tra, luật sư hướng tới các mục đích, ý nghĩa sau:

Thứ nhất, góp phần xác định sự thật của vụ án, bảo đảm các chứng cứ của vụ án được thu thập, kiểm tra, đánh giá một cách chính xác, khách quan để xử lý công minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Đây được coi là mục đích cơ bản trong giai đoạn điều tra, hoạt động của luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng đều hướng tới mục đích này. Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra sử dụng các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thu thập chứng cứ làm sáng tỏ sự việc phạm tội và người thực hiện tội phạm, cũng như các tình tiết khác có liên quan đến vụ án theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Như vậy, thu thập chứng cứ là nhiệm vụ trọng tâm và có tính đặc thù trong giai đoạn này so với các giai đoạn khác. Việc thu thập chứng cứ có đầy đủ, khách quan hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả giải quyết vụ án.

Không ai có thể bảo đảm rằng trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, mọi việc đều được làm theo đúng quy định của pháp luật và kết quả thu được từ hoạt động này hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc tiếp theo được chuẩn mực. Sự tham gia của luật sư vào một số hoạt động điều tra như lấy lời khai, hỏi cung, khám nghiệm lại, khám nghiệm bổ sung hiện trường, đối chất, nhận dạng... không những giúp cho thân chủ tự tin hơn trong khai báo mà còn ngăn ngừa sự vi phạm, làm trái pháp luật của một số ít người tiến hành tố tụng, tránh tình trạng khi ra toà có sự phản cung, khiếu nại về việc dùng nhục hình, bức cung, mớm cung... Tham gia vào các hoạt động điều tra nêu trên, luật sư có thể phát hiện được những mâu thuẫn trong các tình tiết của vụ án hoặc các tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, tình tiết có ý nghĩa minh oan cho bị can trong trường hợp bị can không phạm tội, hạn chế tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự.

Như vậy, sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra không làm cản trở công tác điều tra vụ án của điều tra viên, ngược lại, hoạt động của hai bên có mối quan hệ thúc đẩy, bổ sung cho nhau, nâng cao chất lượng điều tra, tăng cường pháp chế trong giai đoạn điều tra. Sự tham gia này hướng tới mục đích quan trọng là góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ công lý, bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tiến hành khách quan, đúng pháp luật, giúp việc điều tra (sau đó là truy tố và xét xử) được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm và nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tội phạm.

Thứ hai, bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại hoặc các đương sự khác trong vụ án hình sự.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, có thể ví luật sư như “bác sĩ pháp lý” cho người bị buộc tội, luật sư thực hiện trách nhiệm giải thích cho người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố... về những quyền được pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện, chuẩn bị tâm lý để từ đó giúp người bị buộc tội bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình tham gia tố tụng.

Sự tham gia của luật sư ở giai đoạn điều tra nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và các đương sự khác bằng việc sử dụng những biện pháp hợp pháp để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can. Trong thực tiễn, những biện pháp hợp pháp mà luật sư thực hiện là gặp, hỏi người bị buộc tội, có mặt khi lấy lời khai, trực tiếp hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can sau khi người có thẩm quyền kết thúc việc lấy lời khai, việc hỏi cung và tham gia vào các hoạt động điều tra khác. Điều này không thể phủ nhận rằng, quá trình tiếp xúc với thân chủ, tham gia các hoạt động điều tra, luật sư sẽ tìm hiểu được đầy đủ bản chất và diễn biến của vụ việc, hành vi cụ thể của thân chủ và các tình tiết khác của vụ án để có kế hoạch bào chữa, bảo vệ tối ưu, có hiệu quả nhất cho thân chủ. Như vậy, sự tham gia vào các hoạt động điều tra của luật sư không chỉ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mà còn góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người trong TTHS. Thông qua việc thực hiện chức năng xã hội của mình, đội ngũ luật sư đã từng bước thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Thứ ba, sự tham gia của luật sư góp phần hạn chế những vi phạm tố tụng của điều tra viên.

Điều quan trọng mà luật sư cần quan tâm chính là xem xét các hành vi tố tụng của các cơ quan và người tiến hành tố tụng có phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hay không? Thể chế hóa các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT/VKSNDTC-TANDTC-BCA- BQP ngày 22/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017/ TTLT/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP) đã liệt kê 16 trường hợp bị coi là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Trong thực tiễn, có một số hành vi bị coi là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng đã xâm phạm đến quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa, cũng như cản trở, xâm phạm đến các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Cụ thể như hành vi không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo trong trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật; cản trở, đưa ra những yêu cầu vô lý để từ chối đăng ký bào chữa; không tạo điều kiện cho thân nhân và người bào chữa được gặp mặt người bị buộc tội khi họ từ chối người bào chữa. Hoặc là các hành vi như: không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can ở giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can; xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, cũng phải đưa vào diện vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, dụ cung, dùng nhục hình (kể cả nhục hình biến tướng) trong giai đoạn điều tra vụ án và trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật; các khiếu nại, tố cáo của bị can và những người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn điều tra vụ án không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ. 

Vì vậy, sự tham gia của luật sư vào các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật sẽ góp phần hạn chế những vi phạm tố tụng của người tiến hành tố tụng, góp phần bảo vệ quyền con người được Hiến pháp ghi nhận.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest 

III- YÊU CẦU ĐỐI VỚI LUẬT SƯ HÌNH SỰ KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

Khi luật sư tham gia vào các hoạt động điều tra theo luật định, cần quán triệt các yêu cầu sau:

Thứ nhất, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng.

Thực hiện yêu cầu này một mặt nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, của đương sự trong vụ án hình sự, mặt khác góp phần quan trọng đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố... đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Ví dụ: Khi tham gia vào hoạt động đối chất, nhận dạng...luật sư phải thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 189, Điều 190, Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tham gia vào các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, khi thu thập được, luật sư phải kịp thời giao cho cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao nhận này phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Cùng với việc tự mình tuân thủ quy định pháp luật trong từng hoạt động điều tra mà luật sư tham gia thì luật sư còn có vai trò “giám sát” việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động điều tra mà những người tiến hành tố tụng đã, đang thực hiện nhằm đảm bảo mọi hành vi và quyết định tố tụng liên quan đến thân chủ của mình đều phải dựa trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật (nếu có) của các cơ quan tiến hành tố tụng để yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết được quy định để khắc phục vi phạm đó.

Thứ hai: tôn trọng sự thật khách quan khi tham gia vào các hoạt động điều tra.

Điều tra vụ án là để thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người, pháp nhân thương mại phạm tội. Luôn tôn trọng sự thật khách quan là tôn trọng những chứng cứ có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định và từ các nguồn chứng cứ được ghi nhận tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong giai đoạn điều tra vụ án, các cơ quan và người tiến hành tố tụng thường có tâm lý, định kiến về người bị buộc tội, coi họ là người có tội. Luật sư bào chữa thì có tâm lý, định hướng ngược lại với người tiến hành tố tụng. Vì vậy, yêu cầu xác định sự thật vụ án một cách khách quan đòi hỏi cơ quan, người tiến hành tố tụng và cả luật sư khi tham gia vào các hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình chứng minh tội phạm, người phạm tội. Cả điều tra viên và luật sư đều không được định kiến cá nhân, không được suy luận theo ý chí chủ quan mà phải dựa vào những chứng cứ của vụ án đã được thu thập, kiểm tra, xác minh. Như vậy, tôn trọng sự thật khách quan là tôn trọng chứng cứ, chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS của bị can và những tình tiết khác để giải quyết chính xác vụ án.

Tuy nhiên, khi tham gia vào các hoạt động điều tra, luật sư phải có tính độc lập của mình, đồng thời phải có sự hợp tác với cơ quan điều tra và điều tra viên trên cơ sở quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Bên cạnh đó, kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học cũng giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả của các hoạt động điều tra mà luật sư tham gia.

Thứ ba: phải giữ bí mật điều tra khi tham gia hoạt động điều tra và khi thực hiện bào chữa.

Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là nghĩa vụ của luật sư được quy định tại các điểm e, g khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Giữ bí mật điều tra là một trong những yếu tố quan trọng góp phần khám phá tội phạm, nếu bí mật điều tra bị tiết lộ thì ảnh hưởng lớn đến kết quả giải quyết vụ án, vì vậy, bí mật điều tra phải được đảm bảo. Theo quy định của pháp luật thì bí mật điều tra gồm những thông tin về điều tra vụ án hình sự từ khi có quyết định khởi tố vụ án đến khi có kết luận điều tra của cơ quan điều tra; những thông tin về kết quả kiểm sát điều tra...

Giữ bí mật điều tra là trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và luật sư khi tham gia vào một số hoạt động điều tra hoặc khi thực hiện bào chữa, cụ thể như khi sao chụp, nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Pháp luật quy định người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự có trách nhiệm thông báo về việc không được tiết lộ bí mật điều tra vụ án cho người tham gia tố tụng, luật sư, việc thông báo này phải được ghi vào biên bản.

Trường hợp phát hiện người bào chữa thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì cơ quan điều tra, điều tra viên phải có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm của người bào chữa; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan điều tra thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý người bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do thu hồi.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (Phần đào tạo bắt buộc) - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư: tham gia một số hoạt động điều tra vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.36522 sec| 1190.563 kb