Kỹ năng tham gia tranh luận tại phiên tòa

02/07/2021
Đào Lê Nhật Hậu
Đào Lê Nhật Hậu
Những điều cần lưu ý khi tham gia tranh luận tại phiên tòa và cách làm tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện

1- Tham gia tranh luận tại phiên tòa

Trong thủ tục này, Luật sư thường có hai nhiệm vụ: trình bày bản luận cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và tranh luận với các bên đương sự khác về những vấn đề còn mâu thuẫn sau khi đã tiến hành xong các thủ tục trình bày và hỏi tại phiên tòa. Do tính chất phức tạp của các vụ việc khiếu kiện trong quản lý đất đai nên đương sự thường ủy quyền cho Luật sư trả lời hoặc tranh luận nhiều nội dung vấn đề (có khi là toàn bộ). Để thực hiện đúng quy tắc thủ tục tố tụng ở phần này, Luật sư cần chú ý nhanh chóng xác định những vấn đề trọng tâm về tố tụng và nội dung đã được trình bày trong các phần thủ tục trước đó và bổ sung vào dự thảo luận cứ bảo vệ đã được chuẩn bị trước phiên tòa, đồng thời xác định những vấn đề cần tiếp tục tranh luận với bên đương sự khác theo hướng có lợi cho khách hàng của mình, làm bất lợi hơn cho phía bên kia. Luật sư cần xoáy sâu các lập luận của mình vào các vấn đề được xác định là có ý nghĩa phục vụ đắc lực cho phương án tranh tụng.

Khi tranh luận tại phiên tòa, Luật sư cần đề cập đến các vấn đề sai sót, vướng mắc về thủ tục tố tụng (nếu có) trước, sau đó mới đến các vấn đề về nội dung vụ án. Trong các vấn đề nội dung, cần đi từ các vấn đề về thủ tục (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thể thức văn bản) đến các vấn đề về nội dung (căn cứ và nội dung của Quyết định hành chính, Hành vi hành chính, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của đối tượng phải thi hành Quyết định hành chính hoặc chịu sự tác động trực tiếp của Hành vi hành chính) .

2- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện

Nếu Luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người khởi kiện thì trong bản luận cứ cần đưa ra các luận điểm sau để chứng minh Quyết định hành chính, Hành vi hành chính bị khiếu kiện là trái pháp luật:

(i) Người ký Quyết định hành chính hoặc thực hiện Hành vi hành chính không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Luật sư nên bắt đầu bằng việc chỉ dẫn các quy định của pháp luật đất đai (Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực vào thời điểm ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện Hành vi hành chính) về thẩm quyền giải quyết vụ việc; tiếp đó căn cứ vào tình tiết cụ thể thể hiện ai là người ký Quyết định hành chính hay thực hiện Hành vi hành chính đó để đối chiếu, xác định việc người đó ký Quyết định hành chính hay thực hiện Hành vi hành chính đó là trái thẩm quyền. Nếu chứng minh được điều này, Luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xứ tuyên hủy toàn bộ Quyết định hành chính hoặc tuyên Hành vi hành chính trái pháp luật.

(ii) Trình tự, thủ tục ban hành Quyết định hành chính hoặc thực hiện Hành vi hành chính có một hoặc một số điểm vi phạm quy định của pháp luật (không tiến hành hoặc tiến hành không đúng, không đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật khi giải quyết vụ việc). Chú ý làm rõ mức độ vi phạm là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng . Thông thường, vi phạm về trình tự, thủ tục sẽ được coi là nghiêm trọng khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoặc tổ chức là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Quyết định hành chính, Hành vi hành chính đó (nói cách khác là do có vi phạm từ phía cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ dẫn đến các đối tượng phải thi hành Quyết định hành chính hoặc trực tiếp chịu tác động của Hành vi hành chính không có điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp pháp của họ). Ví dụ: Không thực hiện đúng thủ tục thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai tới các đối tượng phải thi hành Quyết định hành chính trong thời hạn luật định; Không lập biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn ra quyết định xử phạt; Ban hành Quyết định hành chính quá thời hiệu, thời hạn theo luật định… Nếu chứng minh được có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục như vậy, Luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy toàn bộ Quyết định hành chính hoặc tuyên Hành vi hành chính trái pháp luật.

(iii) Quyết định hành chính, Hành vi hành chính không có hoặc thiếu căn cứ thực tế; việc giải quyết vụ việc không đúng thực tế khách quan, không bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của đương sự; việc áp dụng pháp luật khi đưa ra quyết định giải quyết không đúng hoặc không đủ. Tùy từng mức độ sai trái, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hủy bỏ một phần hay toàn bộ nội dung Quyết định hành chính hoặc tuyên Hành vi hành chính trái pháp luật.

(iv) Thể thức của Quyết định hành chính không bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sau khi đã lập luận về những luận điểm chứng minh Quyết định hành chính, Hành vi hành chính là trái pháp luật, Luật sư cần khẳng định lại một lần nữa việc ban hành Quyết định hành chính, thực hiện Hành vi hành chính là trái pháp luật và lấy đó làm cơ sở để đưa ra luận điểm và chứng minh cho các yêu cầu của người khởi kiện tại phiên tòa.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng tham gia tranh luận tại phiên tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.31185 sec| 946.266 kb