Kỹ năng của luật sư trao đổi với người bị buộc tội, bị hại và đương sự khác trong vụ án hình sự

"Công lý là hành động của sự thật hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. Sự bất công là hành động của dối trá"

Horatio Walpole, 1717-1797, Bá tước thứ 4 của Orford, nhà văn, nhà sử học nghệ thuật người Anh

Kỹ năng của luật sư trao đổi với người bị buộc tội, bị hại và đương sự khác trong vụ án hình sự

Để thực hiện tốt công việc của mình, Luật sư cũng cần thiết phải trao đổi với người bị buộc tội, người bị hại và những đương sự khác. Điều này giúp Luật sư tìm hiểu được bản chất của sự việc để có kế hoạch và phương án bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thân chủ trong vụ án hiệu quả nhất. Theo đó, khi trao đổi với người bị buộc tội, người bị hại và đương sự khác, cũng như thực hiện các công việc bào chữa, bảo vệ, Luật sư cần có phương pháp để nghiên cứu về tâm lý chung của những đối tượng trên đặc biệt là khách hàng của mình.

Liên hệ

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI, BỊ HẠI, ĐƯƠNG SỰ KHÁC

1- Mục đích trao đổi

Trao đổi với người bị buộc tội, bị hại và các đương sự khác là công việc luật sư tiến hành tiếp xúc với người bị buộc tội, bị hại, đương sự khác nhằm làm rõ các thông tin cần thiết liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho thân chủ.

Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị buộc tội có quyền mời luật sư bào chữa cho mình hoặc tự mình bào chữa, trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa mà người bị buộc tội không mời người bào chữa thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải chỉ định luật sư bào chữa cho họ. Bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Trong quá trình bào chữa cho người bị buộc tội hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự khác, luật sư cần có sự tiếp xúc trao đổi với thân chủ của mình. Khi thấy cần thiết, trên cơ sở đã trao đổi, thống nhất với thân chủ, luật sư có thể gặp và trao đổi với những người tham gia tố tụng khác như khi thấy cần làm rõ một vài chi tiết liên quan đến vụ án còn nhiều điểm nghi vấn hoặc khi cần thương lượng, hòa giải về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường.

Việc trao đổi của luật sư với người bị buộc tội, bị hại, đương sự khác hướng tới một số mục tiêu sau đây:

- Nhằm tìm kiếm, làm rõ các thông tin, tình tiết liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ. Thông qua vụ việc trao đổi với người bị buộc tội, bị hại hay các đương sự khác trong vụ án, luật sư sẽ biết được các tình tiết của vụ án, đồng thời làm rõ được các thông tin liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ.

- Nhằm trao đổi, thống nhất với thân chủ về bản chất của sự việc, hướng giải quyết vụ án có lợi nhất trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng pháp luật;

- Nhằm tư vấn, giải đáp pháp luật cho thân chủ, hướng dẫn họ ứng xử đúng pháp luật, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp một cách tối ưu nhất, hiệu quả nhất;

- Nhằm thương lượng, hòa giải, bồi thường để phục vụ việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ.

2- Yêu cầu khi trao đổi

Khi tìm đến luật sư, khách hàng thường có nhiều tâm trạng, người bị buộc tội thì lo lắng, mong muốn luật sư giúp đỡ để giảm thiểu tối đa về TNHS, mức hình phạt, cũng như bồi thường thiệt hại ở mức thấp nhất. Trái với tâm trạng hoang mang, lo lắng, sợ hãi của bị can, bị cáo thì bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại ở nhiều tâm trạng khác nhau, có thể họ mong muốn bị cáo phải chịu mức hình phạt cao nhất, “máu phải trả bằng máu, mạng phải đền mạng”; mong muốn được bồi thường ở mức cao nhất, mong muốn được trả lại tài sản... Một số khách hàng là bị hại trong vụ án nhạy cảm không muốn sự thật được phơi bày nhưng lại muốn luật sư giúp đỡ họ lấy lại tài sản đã bị chiếm đoạt trái pháp luật.

Khi trao đổi, luật sư phải đưa ra chính kiến của mình bằng việc cung cấp cho họ những lời khuyên chân thành nhất, đúng đắn nhất nhưng luật sư cũng phải biết từ chối những yêu cầu không chính đáng, những đòi hỏi không thể chấp nhận được của khách hàng. Vì vậy, khi trao đổi, luật sư cần phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, tuân thủ pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan

Khi trao đổi với người bị buộc tội, bị hại hoặc các đương sự khác liên quan đến vụ án hình sự, luật sư cần thực hiện việc bào chữa, bảo vệ với phương châm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, cũng như phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Luật sư không được xúi giục người bị buộc tội, bị hại cũng như những người tham gia tố tụng khác khai báo gian dối, đổi trắng thay đen hoặc xúi giục đổ tội cho người khác. Khi nhận yêu cầu của khách hàng, luật sư có quyền từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý nếu thấy yêu cầu của khách hàng không có căn cứ. Nếu yêu cầu của khách hàng vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc việc thực hiệu yêu cầu đó có thể dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp thì luật sư phải từ chối thực hiện yêu cầu đó.

Thứ hai, bảo vệ lợi ích của khách hàng

Luật sư có trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho khách hàng trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của khách hàng, luật sư phải tuyệt đối giữ bí mật cho khách hàng về mối quan hệ cũng như công việc của họ. Khi luật sư nắm được thông tin bí mật của khách hàng, luật sư có thể phán đoán được khách hàng đang có ý định muốn làm sai lệch sự thật, ý định đó có thể sẽ làm phương hại đến nhiều người khác, hoặc đạt được lợi ích trước mắt nhưng có thể khiến khách hàng phải đối mặt với những hậu quả rủi ro, thậm chí là phạm tội. Trong trường hợp đó, luật sư cần có biện pháp khuyên can khách hàng của mình, thuyết phục họ từ bỏ ý định đó.

Thứ ba, trao đổi đầy đủ và toàn diện

Khi trao đổi, luật sư cần trao đổi tất cả các vấn đề liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của mình, nội dung trao đổi phải toàn diện, đầy đủ dù những chi tiết nhỏ nhất cũng không được chủ quan bỏ qua. Bởi lẽ, đôi khi những chi tiết nhỏ lại quyết định chuyển biến của sự việc sang chiều hướng khác, có lợi cho khách hàng mà mình nhận bào chữa, bảo vệ.

Ví dụ 01:

Luật sư tiến hành trao đổi với khách hàng là bị can trong vụ án Cố ý gây thương tích bị truy tố theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Quá trình trao đổi, bị can cho biết: Tôi chỉ ấn nhẹ vào vai bị hại, bị hại không bị ngã. Liền lúc đó, bị hại cầm cuốc giơ lên tấn công tôi. Tôi liền giơ hai tay đỡ, đúng lúc đó mẹ bị hại lao vào vật tôi ngã ngửa, hai mẹ con bị hại ngã lên người tôi, làm tôi bị gãy 05 xương sườn. Tôi hoàn toàn không biết vì sao bị hại bị gãy tay, tôi chỉ biết trước đó 02 tháng tay bị hại bị gãy, nhiều khả năng do bị hại đánh tôi nên vết thương cũ bị tái phát.

Theo hồ sơ vụ án, lời khai của bị hại như sau: Tôi bị đạp ngã. Sau khi đạp ngã tôi, bị can giơ cuốc tấn công. Tôi đưa tay đỡ và hai bên giằng co, lúc đó mẹ tôi mới vật bị can ngã ra.Về phía người làm chứng, có lời khai của 04 người làm chứng trong đó có 02 người làm chứng là người quen của bị hại. Nội dung lời khai của những người làm chứng có nhiều mâu thuẫn.

Kết luận giám định có nhiều điểm chưa phù hợp, lời khai người tham gia tố tụng có nhiều mâu thuẫn nhưng Cơ quan điều tra không cho đối chất, thực nghiệm điều tra.

Khi gặp khách hàng là bị can trong vụ án này, luật sư cần trao đổi với khách hàng để tìm hiểu về diễn biến hành vi, nguyên nhân diễn ra xô xát, bị can có dùng cuốc không, nguyên nhân vết thương của bị hại và của bị can...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

II- LUẬT SƯ XÁC ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI

Để việc trao đổi với thân chủ đạt kết quả, luật sư phải dự kiến trước nội dung cần trao đổi. Tùy theo thời điểm trao đổi mà luật sư cần xác định những vấn đề trao đổi khác nhau.

1- Trao đổi trong giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra vụ án

Nội dung luật sư trao đổi với người bị buộc tội trong giai đoạn này thường tập trung vào những vấn đề sau:

(i) Nếu thấy có căn cứ để có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn cho thân chủ của mình hoặc có căn cứ để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn mà Cơ quan điều tra đang áp dụng thì luật sư cần trao đổi với khách hàng những căn cứ có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn để họ hoặc gia đình có thể cung cấp cho luật sư những thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ việc đề xuất với Cơ quan điều tra.

(ii) Trao đổi với người bị buộc tội về các chứng cứ chứng minh họ không phạm tội hoặc phạm tội nhẹ hơn tội đang bị khởi tố, trao đổi về các tình tiết giảm nhẹ cũng như các tình tiết khác trong vụ án.

(iii) Trao đổi về những nội dung đã khai tại buổi hỏi cung chưa rõ, cần thống nhất cách khai báo trong lần hỏi cung tiếp theo.

(iv) Trao đổi với người bị buộc tội về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nếu khách hàng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.

(v) Trao đổi về những vi phạm tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (nếu có).

(vi) Khi thấy có căn cứ để đình chỉ điều tra đối với bị can, luật sư cần trao đổi với họ về các căn cứ và thủ tục cần thiết để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ theo quy định của pháp luật.

Đối với bị hại, trong giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, luật sư cần trao đổi về các tình tiết sự việc mà bị hại biết, thiệt hại thực tế xảy đối với bị hại. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính chính xác của kết luận giám định, luật sư cần tiến hành những công việc cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình.

Ví dụ 02:

Kết luận giám định của Hội đồng giám định tỉnh Y xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại chưa chính xác theo Bảng đối chiếu tỷ lệ % theo hướng dẫn tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 20/4/2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Luật sư cần trao đổi với khách hàng yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giám định lại hoặc giám định bổ sung theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Khi luật sư trao đổi với khách hàng là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, lợi ích liên quan đến vụ án, cần trao đổi với khách hàng về những chứng cứ và yêu cầu liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

2- Luật sư trao đổi trong giai đoạn truy tố

Đây là giai đoạn mà luật sư đã có thể nghiên cứu hồ sơ, nắm được đầy đủ hơn các tình tiết của vụ án. Nội dung cần trao đổi với người bị buộc tội ở giai đoạn này tập trung vào một số vấn đề sau:

(i) Nếu phát hiện có dấu hiệu việc khởi tố oan, sai, hoặc có nhiều hoạt động tố tụng không đúng thì luật sư trao đổi với khách hàng về việc làm đơn kiến nghị gửi Viện kiểm sát đề nghị tiến hành điều tra làm rõ hoặc Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung hoặc kiến nghị Viện kiểm sát đình chỉ vụ án.

(ii) Nếu thấy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với khách hàng là không cần thiết, luật sư cần trao đổi với khách hàng làm đơn gửi Viện kiểm sát xin được thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với khách hàng của mình.

(iii) Trao đổi với người bị buộc tội những điểm cần làm rõ, những điểm còn mâu thuẫn trong kết luận điều tra để đưa ra những định hướng bào chữa cho thân chủ.

(iv) Hướng dẫn khách hàng cách trình bày, cung cấp lời khai... khi kiểm sát viên thực hiện việc phúc cung, cách trình bày ý kiến, quan điểm của mình trong Biên bản giao nhận khi nhận Cáo trạng.

Đối với bị hại hoặc các đương sự khác, nếu qua nghiên cứu hồ sơ thấy vụ án còn có những người khác cùng tham gia thực hiện hành VI phạm tội chưa bị khởi tố, điều tra, luật sư trao đổi với khách hàng về việc yêu cầu Viện kiểm sát xem xét để có biện pháp xử lý. Trường hợp xét thấy có biểu hiện bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý về tội danh chưa chính xác, luật sư cũng trao đổi với khách hàng về việc kiến nghị Viện kiểm sát xem xét thay đổi tội danh cho phù hợp. Trong trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để bị can không thể cản trở việc điều tra, truy tố hoặc bị can không thể đe dọa hoặc tiếp tục gây nguy hại cho người mà mình bảo vệ, đặc biệt đối với những vụ án về bạo lực gia đình, luật sư cần trao đổi với khách hàng về việc làm đơn đề nghị Viện kiểm sát cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn này với người có hành vi phạm tội.

3- Luật sư trao đổi trong giai đoạn xét xử

Khi trao đổi với khách hàng là bị cáo ở giai đoạn xét xử, luật sư cần tập trung vào những vấn đề liên quan tới việc tham gia phiên tòa sơ thẩm và bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể là:

(i) Thống nhất định hướng bào chữa, bảo vệ; phổ biến, hướng dẫn cho thân chủ về nội quy phiên tòa, thủ tục tố tụng tại phiên tòa; tư vấn để thân chủ ổn định về tâm lý trước phiên tòa.

(ii) Trao đổi với thân chủ về kế hoạch hỏi, cách trả lời câu hỏi, cách đưa ra chứng cứ và yêu cầu, thái độ và cách xưng hô tại phiên tòa...

Trong trường hợp đến giai đoạn xét xử, luật sư mới tham gia bào chữa thì cần trao đổi thêm với thân chủ về những điểm còn mâu thuẫn, những điểm còn chưa rõ giữa lời khai của thân chủ với những lời khai của người tham gia tố tụng khác, trao đổi để tìm ra những điểm vi phạm tố tụng của người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố (nếu có) để kịp thời có kiến nghị, để xuất phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

III- CÁC HÌNH THỨC TRAO ĐỔI CỦA LUẬT SƯ VỚI NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI, BỊ HẠI, ĐƯƠNG SỰ KHÁC

1- Trao đổi trực tiếp với khách hàng

Trao đổi trực tiếp với khách hàng là trường hợp luật sư trực tiếp gặp gỡ trao đổi nội dung công việc với khách hàng. Ưu điểm của hình thức trao đổi này là luật sư và khách hàng có thể hiểu rõ ý của nhau, những vấn đề mà luật sư muốn trao đổi có thể khách hàng sẽ nắm được ngay, đặc biệt nếu nội dung trao đổi có thông tin "mật” thì chỉ trao đổi trực tiếp mới đảm bảo thông tin không bị lộ. Tuy nhiên, khi trao đổi trực tiếp, luật sư cần lưu ý:

- Chuẩn bị thời gian, địa điểm giao tiếp và chuẩn bị sổ sách ghi chép vì trao đổi trực tiếp có thể sẽ làm mất nhiều thời gian của luật sư và luật sư không ghi chép lại thì có thể sẽ không nhớ hết được nội dung trao đổi. Đối với trường hợp trao đổi với bị can, bị cáo được tại ngoại, bị hại hay các đương sự khác, luật sư cần lựa chọn địa điểm, thời gian trao đổi phù hợp và an toàn như trao đổi tại văn phòng luật sư, không nên trao đổi ở thời điểm quá khuya.

- Trước khi trao đổi trực tiếp, luật sư phải chuẩn bị các câu hỏi để hướng cuộc nói chuyện vào những vấn đề mà mình muốn khai thác vì khi trao đổi trực tiếp nếu luật sư không có sự chuẩn bị trước sẽ dễ bị cuốn vào nội dung cuộc nói chuyện của khách hàng, trong đó có những nội dung không liên quan đến vấn đề luật sư đang muốn khai thác, trao đổi.

2- Trao đổi qua điện thoại, thư điện tử (email)

Trao đổi với khách hàng qua điện thoại, thư điện tử cũng là phương pháp trao đổi mà luật sư hay sử dụng trong thực tế. Với hình thức này luật sư cần lưu ý:

- Nội dung trao đổi rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu để tránh bị hiểu lầm; với nội dung trao đổi, tư vấn dài nên để trong file đính kèm để khách hàng dễ dàng tải xuống đọc và lưu giữ;

- Hạn chế trao đổi những nội dung bí mật, nhạy cảm qua điện thoại, thư điện tử;

- Lưu ý giọng nói khi trao đổi qua điện thoại (rõ ràng, âm lượng, tốc độ nói đủ nghe); lưu ý về những chuẩn mực, sự chuyên nghiệp khi trình bày thư điện tử.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

Nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của luật sư trao đổi với người bị buộc tội, bị hại và đương sự khác trong vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.91169 sec| 1163.461 kb